Chi tiết tin tức

Kỷ niệm 73 năm Quốc khánh 2-9 (1945 - 2018)

15:50:00 - 02/09/2018
(PGNĐ) -  Những giá trị thiêng liêngChúng ta đang ở trong tháng Bảy âm lịch, mùa Vu lan - Báo hiếu. Đành rằng báo hiếu không cứ đến lễ Vu lan mới bày tỏ, mà cũng như bao điều tốt đẹp khác, Vu lan nhắc nhở mọi người về hiếu hạnh, giá trị thiêng liêng của đời sống, yếu tố làm nền nền tảng cho văn hóa.

Vu lan, trong đạo Phật, còn mang ý nghĩa rộng lớn, với tình thương - tâm từ bi, con người có thể vượt lên những khác biệt mang tính quy ước xã hội, có thể làm ngăn ngại sự cảm thông, khiến cho con người xa cách nhau, thậm chí đối đầu, xung đột gay gắt. Do vậy Vu lan có sức lan tỏa rộng lớn, không còn hạn hẹp trong ý niệm tôn giáo.

Một điều trùng hợp, dịp này cũng nhằm vào ngày lễ trọng đại của dân tộc, đó là kỷ niệm ngày Quốc khánh nước ta, 2-9.

anh saigon.jpg
Diện mạo đất nước đổi thay. Trong ảnh, TP.HCM ngày càng hiện đại, văn minh - Ảnh TT&VH

73 năm về trước, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tuyên ngôn ấy đã khẳng định những giá trị căn bản và thiêng liêng của người dân Việt Nam, cũng là giá trị mang tính phổ quát của nhân loại, đó là độc lập dân tộc, tự do tự chủ và quyền mưu cầu hạnh phúc bình đẳng.

Để có được các quyền căn bản đó, hàng triệu người đã hy sinh, cả tính mạng của mình trong các cuộc kháng chiến vệ quốc. Những gì mà chúng ta đang thừa hưởng chính là thành quả của bao xương máu, tâm nguyện cao độ, ý chí sắt son các thế hệ tiền nhân.

Độc lập, tự do và hạnh phúc là những giá trị thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người dân. Với ý nghĩa duyên sinh của đạo Phật, độc lập, tự do của dân tộc gắn liền mật thiết với hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng.

Người Phật tử thường được nhắc nhở về lòng tri ân, sự báo ân không chỉ đối với cha mẹ nhiều đời, Tam bảo mà còn cả đối với Tổ quốc, đất nước, vạn loại chúng sinh trùng trùng tương quan tương duyên không thể đo đếm được.

Nhớ ơn và đền đáp công ơn đối với người Phật tử đồng nghĩa với ý thức trách nhiệm trong việc kế thừa và phát huy, xây dựng, giữ gìn sự độc lập, tự chủ của dân tộc trong mọi hoàn cảnh.

Trách nhiệm ấy cũng đã được chư Tổ nhiều đời kết tinh thành truyền thống “hộ quốc an dân”, được thực hiện một cách sinh động qua hành trạng của các vị thiền sư, qua sự gắn bó mật thiết của Phật giáo đáp ứng yêu cầu lịch sử của từng giai đoạn cụ thể. Sinh động nhất là qua gương sáng của Thiền sư Vạn Hạnh, mà năm nay chúng ta tưởng niệm tròn 1.000 năm ngài viên tịch.

Là người có ảnh hưởng lớn đối với lãnh đạo cao nhất của đất nước đương thời - vua Lý Thái Tổ, nhưng ngài vẫn tự tại, không hề bị nhuốm bụi danh lợi thường thấy. Chính nền tảng đó đã làm nên chủ trương đạo Phật dấn thân được chính Đức vua - Thiền sư Trần Nhân Tông đúc kết trong “Cư trần lạc đạo phú”, tu tập là bổn phận hàng ngày, song song với các việc tốt đời đẹp đạo: “Dựng cầu đò, dồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu; Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc”.

Nói cách khác, khi người Phật tử tin Phật, thực hành Pháp hàng ngày, chính điều đó mới là chất liệu cho việc dấn thân phục vụ xã hội, đất nước đúng với truyền thống báo đáp ơn Tổ quốc theo tinh thần Phật dạy.

 

Nguyên Diện

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin