Chi tiết tin tức

Thẳng lưng mà sống

22:16:00 - 25/05/2020
(PGNĐ) -  Sau hơn 30 ngày không phát hiện ca lây nhiễm mới nào trong cộng đồng, cuộc sống của người dân dần trở lại với nhịp điệu quen thuộc vốn có. Covid-19 hiện không còn là chủ đề thời sự nổi bật trên các mặt báo; những sự kiện đời thường khác dần được quan tâm nhiều hơn. 

Theo đó, những ngày qua, có hai sự kiện đáng chú ý, đều liên quan đến vấn đề xử án: vụ Hồ Duy Hải và vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình. 

 

Vụ Hồ Duy Hải là vụ án hình sự nổi tiếng xảy ra từ năm 2008 liên quan đến cái chết của hai thiếu nữ tại Bưu điện Cầu Voi, Long An. Vụ án này được cho là còn nhiều điều chưa thuyết phục, sáng tỏ khi nghi can Hồ Duy Hải bị tuyên án tử hình; không chỉ người dân, mà nhiều chuyên gia trong ngành luật, thậm chí nhiều Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị vụ án cần được xét xử lại một cách minh bạch, công bằng. Trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đặt Vụ án Hồ Duy Hải thành một mục tra cứu dài, chi tiết và liên tục cập nhật. Vụ án này trở thành một phần của lịch sử tư pháp tại Việt Nam, trong đó có một số điều được xem là “chưa từng có”.

 


Sự vượt thoát ra khỏi cái tầm thường để tiến lên phương trời cao rộng thường đòi hỏi một nghị lực lớn

 

Vụ án thứ hai, gian lận điểm thi tại Hòa Bình, liên quan đến hàng loạt giáo viên và một số vị lãnh đạo trong ngành giáo dục, xảy ra ngay sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Đây được cho là “vụ án có tổ chức”, như một cái tát giáng vào ngành giáo dục Việt Nam - ngành trực tiếp đào luyện nên những con người tài đức cho xã hội. Không chỉ ở Hòa Bình, một số tỉnh thành khác cũng xảy ra hiện tượng gian lận này, khiến cho không ít học trò kém bỗng chốc trở thành thủ khoa. Nhức nhối hơn là câu nói “thời danh” của vị cựu Phó trưởng Phòng khảo thí nhằm bao biện cho hành vi phạm pháp của mình.: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”.

 

Không người dân nào ủng hộ hành vi giết người, cũng không ai phản ứng do mủi lòng vì một người mẹ ròng rã 12 năm trời nát gan nát ruột kêu oan cho con, cái họ cần ở pháp luật là một sự công minh, thuyết phục để không giết oan một mạng người và để công lý trở thành niềm tin, điểm tựa cho cuộc sống. Người ta chỉ có thể thẳng lưng mà sống khi pháp luật luôn bảo hộ cho lẽ phải, trừng phạt điều trái. Pháp luật và giáo dục chính là nền tảng cho sự phát triển của con người, xã hội. Pháp luật công minh sẽ giúp cho đạo đức thêm vững vàng, xã hội không còn những kẻ “gù” hay “khuyết tật”. 

 

Trên thực tế, dù đa số chỉ trích lời của bị can trong vụ gian lận điểm thi, song không phải không có những sự cảm thông nhất định. Thật khó có thể thẳng lưng nổi khi xung quanh, và ngay cả phía trên họ, là những kẻ “gù” - gian dối, tư lợi, hèn hạ… Dĩ nhiên họ có thể lựa chọn thoát ra khỏi môi trường đó bằng cách từ chức, đi tìm một môi trường khác để mưu sinh - vì trên lưng họ vẫn luôn là gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nhưng, có ai dám chắc là ở môi trường khác sẽ không có những kẻ “gù”? 

 

Có lẽ chúng ta còn nhớ vụ thầy giáo Đỗ Việt Khoa, vào năm 2006, đã dũng cảm đứng ra chống lại những tiêu cực trong thi cử như thế nào. Sau đó, dù nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, thầy đã phải trải qua không ít sóng gió: bị trù dập, đe dọa, xa lánh, gia đình tan vỡ… Phải chăng đó là kết quả của việc làm người hùng… không đúng chỗ?!

 

Ngày nay, chắc không ai như Khuất Nguyên thời Chiến Quốc, vì quyết giữ mình thanh sạch, lánh xa bọn tiểu nhân nham hiểm mà gieo mình xuống sông Mịch La tự trầm, để lại cho đời khúc Ly tao bất tử. Và chắc cũng khó kiếm ra người cởi ấn từ quan, về quê ở ẩn, vui thú ruộng vườn, sống đời nhàn hạ, làm thơ, đọc sách. Bởi đâu phải ai cũng sẵn có cảnh quê để về, chưa nói đến tương lai của con cái họ…

 

Nên vấn đề ở đây không đơn thuần chỉ nằm ở việc xử lý những người trực tiếp phạm tội, mà còn phải truy đến ngọn nguồn, nguyên cớ của vấn đề. Dưới nghiêm và trên chánh mới có thể tạo nên trật tự và đạo đức xã hội. Việc làm này cần phải có sự nỗ lực của cả một hệ thống chính trị - giống như cách chúng ta phòng chống đại dịch Covid-19 trong thời gian qua. Một cá nhân đơn lẻ thường khó thoát ra khỏi một vũng lầy lớn.

 

Sự vượt thoát ra khỏi cái tầm thường để tiến lên phương trời cao rộng thường đòi hỏi một nghị lực lớn. Truyền thuyết có chuyện cá chép vượt vũ môn hóa rồng. Lịch sử có Đức Phật Thích Ca vượt ra khỏi truyền thống tế tự, sự phân chia giai cấp, ra khỏi “nhà lửa tam giới”, để đem đến sự công bằng, an lạc, giải thoát cho nhân loại. Cá chép phải bơi ngược dòng, vượt qua ba đợt sóng dữ có thể khiến bao loài khác tan xương nát thịt. Đức Phật đã đi ngược dòng đời, bình tâm hứng chịu sự đả kích của cả một truyền thống bảo thủ, của người và của ác ma. Biểu tượng bi dũng nhất trước khi Ngài thành Phật không chỉ là việc chiến đấu với thiên ma, mà là hình ảnh Ngài thả chiếc bát xuống dòng sông Ni Liên Thiền, với lời nguyện kiên cố, chiếc bát đã trôi ngược dòng. Từ đó, những ai muốn vượt thoát được như Ngài đều phải dũng mãnh đi ngược lại những xu hướng tầm thường của xã hội. 

 

Thẳng lưng mà sống, nghĩa là phải đối đầu với rất nhiều những thử thách mà không phải ai cũng có thể vượt qua. Nhưng nếu công cụ bảo hộ cho đời sống của con người - tức công lý, pháp luật - được thực thi một cách công bằng, minh bạch và con người được sống trong môi trường giáo dục lành mạnh, thì việc “hóa rồng” của mỗi cá nhân vẫn có nhiều cơ hội thực hiện. 

Quảng Kiến 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin