Chi tiết tin tức

Vì thương Phật…

21:18:00 - 27/11/2019
(PGNĐ) -  Vì thương Phật mà phản ứng. Vì thương Phật nên ráng tu, ráng làm gì có lợi cho đạo, cho đời thì làm. Và khi hay tin có bậc tu hành chân chánh thuyết pháp, biểu hiện mầu nhiệm khi xả báo thân tứ đại lại thấy an ủi rất nhiều…

ducphat.jpg

1. Câu chuyện thời sự nóng hổi của tháng 10 qua chính là vụ việc liên quan tới phát ngôn gây tổn thương Phật giáo của một tiến sĩ, đang giảng dạy ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Vì thương Phật, xem Tam bảo là sinh mạng của mình, là một phần lớn lao trong đời… nên một khi biết tiến sĩ cố tình phát ngôn trong nhiều video lẫn chính thức trên báo - gây hiểu sai về Phật, về con đường tu tập của đoàn thể Tăng-già, thì không thể ngồi im. 

Và phản ứng là một phần của tinh thần hộ trì Phật pháp khi Tăng đoàn, Phật giáo bị công kích từ các thế lực bên ngoài. Có thể cảm thông cho sự nóng ruột của người Phật tử khi thấy sự chống phá của ngoại đạo hoặc một ai đó nhân danh có nghiên cứu về Phật giáo nói riêng, tôn giáo nói chung lại có nhận định hạ thấp giá trị của đạo xuống. Ở trong chừng mực nào đó, có thể thấy việc người con Phật mạnh mẽ đấu tranh để những cá nhân (hoặc tổ chức) cố ý gây hiểu sai về Phật giáo là một việc làm mang tinh thần bi-trí-dũng. Tất nhiên, ngoại trừ những phản ứng thái quá, có màu sắc bạo động, thì việc đấu tranh để bảo vệ Chánh pháp là câu chuyện không chỉ hôm nay, lịch sử cũng đã chứng minh điều đó một cách hùng hồn, từ năm 1963.

Nhưng, phản ứng trước sự chống phá vì lòng kính tín Tam bảo, vì thương Phật không phải chỉ là đấu tranh với bên ngoài mà quan trọng hơn - như nhiều vị tôn đức bình tĩnh quan sát, nhận định đã khuyến cáo - là phải giữ tâm bình.

Người con Phật, dù trong hoàn cảnh nào cũng không được phép quên “lấy trí tuệ làm sự nghiệp”. Hành động nào, dù nhân danh Phật sự hay bảo vệ Phật pháp mà thiếu sự soi sáng của trí tuệ thì có khi sẽ lầm đường lạc lối.

Về việc lầm đường, có thể thấy, một số Phật tử, đôi khi vì quá ham “làm phước” đã cố chấp làm từ thiện hoặc làm từ thiện vì chỉ nghĩ tới “có phước” mà bỏ quên sự tùy duyên, quên mất việc nuôi dưỡng lòng từ và phát xuất của từ thiện phải từ tình thương cùng sự hiểu biết dẫn lối. Có nhiều việc ngỡ thiện, đem vật chất cho người nhưng từ đó tạo ra sự dựa dẫm, ỷ lại, làm cho họ tăng lòng tham, lười lao động thì không còn là thiện nữa. Khi đó, việc tạm dừng công việc được mình khéo léo mặc vào bằng tấm áo từ thiện - đòi hỏi chữ “dũng” trong đó - bởi có khi chúng ta choáng ngợp với lời khen tặng nên không thể dừng được. 

Có những biểu hiện rất vi tế trong tâm thức mà ta khó nhận ra. Do vậy, thương Phật không phải là tính đếm mình làm được bao việc mà là trong mỗi việc làm có Phật chất không, có làm mình yên ổn hay tham đắm, chìm vào…

Trở lại chuyện đấu tranh bảo vệ Chánh pháp cũng vậy. Không phải lúc nào “rần rần” cũng là thương Phật. Có khi im lặng, về đóng cửa để tĩnh lặng cho thiệt sâu mới chính là làm cho đạo pháp được duy trì, trường cửu.

Và ngay cả khi bắt buộc phải tranh đấu bằng tinh thần bất bạo động, thì sau cuộc tranh đấu đó, với phần thắng thuộc về lẽ phải thì người học Phật tất nhiên, cũng không lấy đó là chiến thắng, cũng không thấy có gì đáng tự hào. Đó mới là bảo vệ thực sự, theo tinh thần Phật dạy. Nếu có chứng minh điều gì đó, thì với Phật giáo, sau khi để người ta thấy họ chưa đúng cũng không phải nhằm hả lòng dạ mình mà để từ đó, họ có thể thấy cửa đạo không bao giờ khép với bất cứ ai, kể cả người đã hiểu lầm đạo Phật trước đó.

2. Thương Phật thì ráng tu! Thực sự đây cũng là điều chính yếu của người học Phật. Đức Phật trong đời sống và lời dạy của mình, đều không ngoài mục đích làm cho chúng sinh được giác ngộ, giải thoát - thấy Phật. Để có kết quả đó, nhân tu-học là chính, và sự tu đó ngoài thời công phu còn là (quan trọng hơn) ở chính đời sống thường nhật, giữa thuận-nghịch đến với mình. 

Thân bệnh mình phản ứng sao? Ai đó nói không đúng về mình thì mình làm gì? Đột ngột có sự cố không như ý thì mình sẽ sống tiếp như thế nào?... Rất nhiều những điều tưởng chừng như giả thiết xa vời đó có thể là câu chuyện của sớm mai nào đó hoặc chốc lát nữa, sau khi đọc bài báo này. 

Phản ứng lại với thế lực bên ngoài, làm việc với chính mình trong những bất như ý cũng như cái đạt được trong đời để “tâm bình” không hề đơn giản. Do vậy, việc tu tập nói dễ, làm khó vô cùng, và chúng ta có thể xử lý không tốt bất cứ lúc nào, nhưng quan trọng sau cái sai mình nhận ra bản thân vẫn còn quen đường xưa lối cũ (chưa tốt). Sửa tiếp, hay tu nữa, nỗ lực thêm nữa tôi ơi - đó là lời nhắc quý giá cho chính mình mà mỗi hành giả phải là thầy của mình trong khoản này.

Sực nhớ lại mình là con Phật, mà trong việc cụ thể nào đó mình còn chưa bình tâm, phản ứng điều đó về hình thức là phù hợp nhưng bên trong mình có vướng chút sân si nào không… Đó là những phản tỉnh mà nhà thiền gọi là phản quan tự kỷ. Quay lại xem xét, quán chiếu tự thân - biết mình một cách rõ nhất, từ cái thô đến cái vi tế chính là một việc làm đòi hỏi sự cần mẫn, kiên trì, theo năm này tháng nọ, đời này kiếp khác. Thói quen tạo nên tính cách, có người nói như vậy, và thật vậy, để có chủng tử tốt thì mỗi ngày, mỗi việc cần được sống, ứng xử trong tinh thần bi-trí-dũng.

3. Nếu có một người tu tốt, thật tốt thì chính họ sẽ làm cho đạo được sáng. Những ngày qua, hình ảnh Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang viên tịch, trà-tỳ lưu xá-lợi được xưng tán với niềm kính ngưỡng. Đó chính là bài pháp không lời, là kết tinh của cả đời tu tập. Bài pháp đó thuyết phục, đi vào lòng người hơn bất cứ bài giảng đa văn nào.

Tất nhiên, mỗi vị có một hạnh, một nguyện riêng, nhưng nếu thương Phật, hậu sinh sẽ nhìn từ những biểu hiện của các ngài để thấy một tấm gương lớn, trước tiên cho mình. Các ngài hiện sinh giữa cõi đời là để dạy mình một điều gì đó, chỉ có điều mình có nghe, có thấy, có cảm được không. Và rồi có ứng dụng được gì vào sự nghiệp chỉnh sửa bản thân, hay lại để mọi thứ trôi qua một cách hững hờ?

Thương Phật không chỉ có việc xây chùa to, đúc tượng lớn, cúng nhiều hoa, dâng nhiều quả… lên bàn thờ các Ngài, mà quan trọng hơn nữa chính là sống có Phật chất để cảm hóa được người đời. Làm sao để người chưa hiểu Phật hiểu được Phật, người hiểu không đúng về Phật hiểu đúng hơn, người chống phá thấy rõ cái sai trong phát ngôn hay hành động của mình. Tất nhiên, để làm điều đó phải có hạnh, có nguyện, cũng không dễ nhưng không khó nếu đã nghiêm túc học Phật, thật thương Phật, kính trọng Tam bảo.

Đến đây, quý bạn đọc có thể cùng hướng về Tam bảo, hướng về những bậc Thượng nhân, chư Tổ từ Ấn Độ tới Việt Nam để lễ kính. Nói rằng, con thương Phật quá, là để hứa với các Ngài từ hôm nay tiếp tục nỗ lực trên sự nghiệp sửa mình, là cho trí sáng, tâm rộng mở để đón nhận tất cả những điều tốt đẹp và cả điều chưa hay, rồi chung tay xử lý chất liệu đó bằng sự chánh niệm chứ không phải vội vã, ồn ào. Ngày xưa, nếu gặp những sự cố chống phá, chắc hẳn Đức Phật cũng từ tốn quán xét nhân duyên mà hành động. Thiết nghĩ, bài học từ lời dạy của Ngài mới là kim chỉ nam đúng nhất chứ không phải từ sự lý luận đúng sai thường tình của thế gian mà ta vẫn thường sử dụng.

Lưu Đức Bình Minh

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin