Chi tiết tin tức

Bảo vệ Chánh pháp

21:12:00 - 19/11/2019
(PGNĐ) -  Suốt gần tháng qua, cộng đồng mạng xã hội chứng kiến một làn sóng phản đối mạnh mẽ của số đông Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, đối tượng hướng đến là một tiến sĩ tôn giáo học với những phát ngôn bỡn cợt, xúc phạm nghiêm trọng đến Phật giáo thông qua bài phỏng vấn đăng trên Zing.vn, do tác giả Hoài Thanh thực hiện.

Cho đến giờ phút này, có thể xem như sóng yên gió lặng, sau khi Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng đã trực tiếp đến Văn phòng II TƯGH xin lỗi về những phát ngôn không đúng của ông về Phật giáo, về đời sống tu hành của Tăng Ni; báo Tri Thức Trực Tuyến (Zing.vn) cũng gỡ bài và cáo lỗi sau 3 tuần đăng bài “chưa đạt chuẩn mực, gây tổn thương tình cảm tôn giáo”.

Theo dòng sự kiện, có thể thấy người con Phật Việt Nam luôn dốc lòng bảo vệ Phật pháp, sẵn sàng chống lại những sự xuyên tạc, bóp méo hình ảnh và lý tưởng Phật giáo, nhưng đồng thời cũng đầy lòng từ bi, khoan dung theo lời Phật dạy, biết đâu là đủ và đâu là dừng.

Loiphat.jpg
Thực hành lời Phật dạy càng nhiều, chúng ta càng có nhiều khả năng bảo vệ Chánh pháp từ cội rễ

Nhưng, điều gì đã khiến cho người con Phật phải bức xúc như vậy; điều gì đã khiến cho nhiều tổ chức Phật giáo phải gửi văn bản kiến nghị, thậm chí có cả ý kiến khiếu kiện ông Dương Ngọc Dũng - là giảng viên, trưởng bộ môn ở một trường đại học uy tín tại TP.HCM? 

Trên hết, đó là nỗi đau và sự tổn thương. Người con Phật đau vì có một vài vụ việc không mấy tốt đẹp liên quan đến chùa chiền, Tăng sĩ xuất hiện trên truyền thông thời gian gần đây. Tổn thương cũng từ nỗi đau đó, nhưng đâu đó còn thêm nỗi ấm ức, cảm thấy bất công khi bị “vơ đũa cả nắm”, khi người ta chỉ thấy “con sâu” mà không thấy “nồi canh”, khi hình ảnh thiêng liêng của Tam bảo bị đem ra làm đối tượng giễu cợt. Rõ ràng có một sự “chưa đạt chuẩn mực” của báo chí khi đăng tải những thông tin liên quan đến Phật giáo. Thậm chí, chúng ta còn thấy cả sự ác ý bên cạnh việc khai thác quá đà những “tin nóng” vì lợi ích riêng.

Sự việc trên, sau khi nhận lời xin lỗi, liệu chúng ta có cảm thấy an yên? Rõ ràng, vẫn còn đó một vết thương chưa lành: vết thương cho mình và vết thương cho người!

Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi chớ có vì vậy sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn”, vì như vậy “sẽ có hại cho các ngươi”. Lòng ta đau vì cái hại ấy, cho dù chúng ta viện dẫn: “… các ngươi phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật: - ‘Như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi’” (Kinh Phạm võng -Trường bộ). 

Người cầm đuốc đi ngược gió bị thương đã đành; con Phật, sống trong pháp Phật, mà chỉ như cái vá khuấy trong nồi canh, thì càng thương mười!

Trong kinh Pháp hoa, Đức Phật dạy, người giữ gìn Pháp hoa, tức giữ gìn Chánh pháp, thì phải vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai: nhà của Như Lai / là đại từ bi, / áo của Như Lai / là đức nhẫn nhục, / chỗ của Như Lai / là các pháp Không. Cho đến: nếu có những kẻ / độc miệng mắng nhiếc / dao chém gậy đánh / ngói ném đá liệng, / thì người ấy nên /  nghĩ đến Như Lai / và cần nhẫn nhịn (Phẩm 10: Người diễn giảng Pháp hoa. HT.Trí Quang dịch).

Người con Phật tất nhiên phải thực hành lời Phật dạy. Thực hành lời Phật dạy càng nhiều, chúng ta càng có nhiều khả năng bảo vệ Chánh pháp từ cội rễ.

Quảng Kiến

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin