Chi tiết tin tức Huế: Lễ tưởng niệm húy nhật Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu tại chùa Thiên Mụ 19:15:00 - 29/04/2024
(PGNĐ) - Hôm nay, 29-4 (21-3-Giáp Thìn), tại chùa Thiên Mụ (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), môn đồ đệ tử Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu đã trang nghiêm tổ chức tưởng niệm 32 năm ngày ngài viên tịch. Đông đảo chư Tăng Ni, Phật tử đã đến tham dự, đảnh lễ tưởng niệm.
Dâng hương tưởng niệm có chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh GHPGVN; chư tôn đức Chứng minh, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị cùng chư Tăng Ni các tổ đình, tự viện và đông đảo Phật tử các giới. Tại bảo tháp Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu trong khuôn viên Quốc tự Thiên Mụ, Tăng Ni và Phật tử bốn chúng đã thành tâm dâng hương tưởng niệm và hữu nhiễu bảo tháp tưởng nhớ một bậc Thầy gắn bó với các Phật sự ở cố đô qua nhiều giai đoạn lịch sử.. Môn đồ đệ tử cũng đã trang nghiêm thiết trí di ảnh của ngài và cử hành lễ cúng ngọ tại chánh điện chùa Thiên Mụ theo nghi thức thiền môn Phật giáo cố đô.
Đại lão Hòa thượng thế danh là Diệp Trương Thuần, pháp danh Trừng Nguyên, hiệu Đôn Hậu, thuộc đời thứ 8 Thiền phái Liễu Quán, sinh ngày 13 tháng Giêng năm Ất Tỵ (16-2-1905) tại làng Xuân An, tổng An Đồn, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ngài xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học, nhưng lại quy ngưỡng Phật giáo. Thân phụ là cụ Diệp Văn Kỷ, một vị lương y nổi tiếng, về sau ông xuất gia học Phật với Tổ Hải Thiệu, có pháp danh là Thanh Xuân, tự Sung Mãn, đắc pháp với Tổ Tâm Truyền, được pháp hiệu là Phước Điền, khai lập chùa Long An (Quảng Trị) và kế thế trụ trì chùa Sắc tứ Tịnh Quang. Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Cựu, mất sớm khi ngài vừa lên 9 tuổi. Năm lên 7 tuổi, một hôm Tổ Tâm Tịnh về quê, đến nhà thăm, thấy ngài diện mạo khôi ngô bèn tỏ lòng ưu ái, huyền ký cho con đường xuất thế. Nghe vậy, cụ ông vui mừng khôn xiết, đặc biệt lưu tâm đến việc học hành của con, liền mời thầy về nhà dạy riêng, để hun đúc tương lai cho con với lòng ước mong được như lời Tổ dạy.
Năm 17 tuổi (1922 - Nhâm Tuất), sau 10 năm đèn sách, ngài đã làu thông Nho học. Nhưng tư tưởng về nhơn sanh vũ trụ và phương pháp lập thân xử thế của Lão, Nho đã không làm thỏa mãn được lý tưởng của người thanh niên trí thức ấy khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Cho đến khi được song thân nhắc lại việc Tổ Tâm Tịnh đã huyền ký ngày xưa, ngài mới nghĩ đến con đường xuất gia học đạo. Năm 19 tuổi, ngày 19-6-Quý Hợi (1923), được sự chấp thuận của phụ thân, ngài vào chùa Tây Thiên đảnh lễ Tổ sư Tâm Tịnh, xin được xuất gia tại đây. Một năm sau, cũng đúng vào ngày vía Quan Âm 19-6-Giáp Tý (1924), nhờ học hạnh khiêm tốn và chí nguyện xứng đáng, ngài được đặc cách cho thọ tam đàn Cụ túc tại Giới đàn chùa Từ Hiếu, do chính Bổn sư làm Hòa thượng Đàn đầu. Thọ giới được 2 năm thì Bổn sư viên tịch (1926), ngài bèn đến chùa Hồng Khê cầu pháp với Sư huynh là Hòa thượng Giác Viên. Năm ngài 22 tuổi, nhân duyên Trường Phật học Thập Tháp tại tỉnh Bình Định khai mở do Tổ Phước Huệ làm giáo thọ, ngài cùng một số vị khác như Hòa thượng Chánh Huy, Chánh Thống, Viên Quang vào đây tham học.
Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời, trường Trung học, Đại học Phật giáo được mở tại Tây Thiên, Tổ Phước Huệ được cung thỉnh từ Bình Định ra làm giáo thọ. Với tinh thần hiếu học cầu tiến không ngừng, ngài tiếp tục theo học chương trình Đại học tại đây và được bầu làm Thủ chúng cả hai trường. Ngài cũng làm giáo thọ cho Phật học đường Báo Quốc và Ni viện Diệu Đức (Huế). Ngay từ lúc còn ngồi ghế Đại học tại Tây Thiên, ngài được mời làm giảng sư của Hội An Nam Phật học. Năm 1936, tốt nghiệp Đại học Phật giáo, ở tuổi 32, ngài được mời làm giáo sư cho Phật học đường Báo Quốc và luật sư cho Sơn môn Thừa Thiên. Từ đó ngài đã trở thành một hạt nhân tích cực của phong trào chấn hưng Phật giáo và là giảng sư nòng cốt của Hội An Nam Phật học. Ngài đã đi giảng dạy khắp các tỉnh miền Trung, nhất là tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Năm 1940 và 1942, ngài hai lần sang thuyết giảng ở một số tỉnh có đông Việt kiều tại Lào, đàm đạo với vua Sãi và tham lễ tại một số nơi ở vương quốc Phật giáo này.
Năm 1945, ngài thay bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám giữ chức Chánh Hội trưởng Hội An Nam Phật học (Thừa Thiên). Cũng trong năm này, ngài nhận chức trụ trì Quốc tự Linh Mụ - một di tích lịch sử của cố đô Huế. Sang năm 1946, ngài làm Chủ tịch Phật giáo Liên hiệp Trung bộ. Năm 1947, cùng chung số phận với hàng loạt các cơ sở Phật giáo cả nước, chùa Linh Mụ cũng bị Pháp đánh phá và chiếm đóng. Ngài bị Pháp bắt, tra tấn và sau cùng bắt tự đào huyệt chôn mình và suýt bị bắn chết, may nhờ bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) can thiệp mới được thả. Năm 1948, ngài làm cố vấn đạo hạnh Hội Phật học Trung phần; được thỉnh làm Tuyên Luật sư Đại giới đàn Báo Quốc (1949), cũng trong năm này, ngài thay cố cư sĩ Chơn An Lê Văn Định giữ chức Chánh Hội trưởng Hội Phật học Trung phần. Năm 1951, ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng Giới đàn tại chùa Ấn Quang - Sài Gòn, sau đó được Sơn môn Tăng-già Trung phần mời làm Giám luật. Qua năm 1952, Giáo hội Tăng-già toàn quốc được thành lập tại Hà Nội, ngài được suy cử làm Giám luật. Năm 1956, ngài thành lập và làm Chủ nhiệm Liên Hoa văn tập. Năm 1958, Liên Hoa văn tập được chuyển thành Liên Hoa nguyệt san cũng do chính ngài làm chủ nhiệm. Năm 1963, ngài tham gia đứng trong hàng ngũ lãnh đạo phong trào đấu tranh chống chính sách kỳ thị, đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Đêm pháp nạn 20-8-1963, ngài bị bắt tại chùa Diệu Đế và bị đưa đi giam giữ.
Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập, ngài được cử làm Chánh Đại diện miền Vạn Hạnh. Năm 1965, ngài được cung thỉnh làm Yết-ma A-xà-lê tại Đại giới đàn Từ Hiếu tổ chức tại tổ đình Từ Hiếu (Huế). Từ năm 1968, ngài được mời tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, vào chiến khu, ra Hà Nội. Từ đây, ngài lại càng đẩy mạnh sự nghiệp lợi đạo ích đời. Năm 1975, đất nước thống nhất, ngài trở về chùa Linh Mụ và sau đó được mời làm cố vấn cho Ban Chỉ đạo Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Năm 1976, ngài đắc cử Đại biểu Quốc hội khóa VI, được mời giữ chức Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN.
Từ năm 1976-1986, liên tục trong 10 năm liền, ngài giảng dạy kinh luật cho Tăng Ni ở Huế tại các chùa Linh Mụ, Báo Quốc và Linh Quang. Năm 1977, Đại hội kỳ VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Ấn Quang, ngài được suy cử vào Hội đồng Trưởng lão và giữ chức vụ Chánh Thư ký Viện Tăng thống. Năm 1979, Đức Đệ nhị Tăng thống - Hòa thượng Thích Giác Nhiên viên tịch, Đại hội kỳ VIII chưa tổ chức được, Hội đồng Lưỡng viện cung thỉnh ngài kiêm xử lý Viện Tăng thống. Năm 1981, Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ - Thủ đô Hà Nội, suy tôn ngài vào Hội đồng Chứng minh GHPGVN, là Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật. Năm 1977, 1981 và 1983, ba lần ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng các Đại giới đàn tại chùa Báo Quốc và Trúc Lâm (Huế).
Hóa duyên đã tròn, Đại lão Hòa thượngviên tịch ngày 23-4-1992 (21-3-Nhâm Thân) tại chùa Linh Mụ; trụ thế 88 năm, 68 hạ lạp. Dù Phật sự đa đoan và cuộc đời hành đạo gặp nhiều gian truân, nghịch cảnh, Đại lão Hòa thượng cũng đã để lại một số tác phẩm rất có giá trị do chính ngài dịch giải biên soạn như: Cách thức sám hối các tội đã phạm, Phương pháp tu quán, Tứ nhiếp pháp, Cảm ứng tự nhiên, Đâu là con đường hạnh phúc, Đồng mông chỉ quán, Sinh mệnh vô tận hay là thuyết luân hồi,Luật Tứ phần Tỳ-kheo-ni... Ngoài ra còn có một số bài đăng trên các báo Viên Âm, Liên Hoa... Quảng Điền
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |