Chi tiết tin tức

Tết của những người Việt xa xứ

16:59:00 - 27/02/2015
(PGNĐ) -  Tết trong tâm thức người Việt bao đời nay mang ý nghĩa đoàn viên, sum vầy. Dù phải đi đâu, làm gì, mỗi khi Tết đến xuân về, gia đình và quê hương luôn là hình ảnh quay về của biết bao người con tha hương. Tuy vậy, do hoàn cảnh lịch sử, do những giao thoa về cuộc sống mà có một lượng lớn người Việt phải rời xa mảnh đất Việt Nam thân yêu nên với họ, cái Tết trên xứ người cũng không còn nguyên vẹn.

Sum vầy dưới mái chùa xa

Trước thời khắc giao thừa của năm mới Ất Mùi (2015) hai tuần, cộng đồng người Việt tại thủ đô Warszawa (Ba Lan) đã rộn ràng không khí đón Tết. Câu cửa miệng của bà con người Việt khi gặp nhau trên đường phố hay tại các trung tâm thương mại không thể thiếu nội dung liên quan đến Tết. Họ hỏi han nhau chuyện về Việt Nam ăn Tết, về việc mua quà cho người thân nơi quê nhà hay chuyện hội họp tất niên của cộng đồng xa xứ.

Hinh (2).jpg
Phật tử vân tập về chùa Thiên Phúc (Ba Lan) cùng gói bánh chưng đón Tết cổ truyền của dân tộc

Riêng với cộng đồng Phật tử tu học tại chùa Thiên Phúc - một ngôi chùa người Việt trên đất Ba Lan - thì việc chuẩn bị Tết có phần long trọng và chỉn chu hơn. Từ trước rằm tháng Chạp, quý Phật tử đã mời gọi, phân công nhau vào chùa gói bánh chưng, bánh tét và trang trí lại ngôi già-lam khiêm tốn vừa được tạo dựng cách đây vài năm nơi trời Âu này.

Anh Quốc Phương (pháp danh Viên Phú), một Phật tử thuần thành sinh hoạt tại chùa Thiên Phúc cho biết, ba năm trở lại đây, gia đình anh và Phật tử tha hương sinh sống tại thủ đô Warszawa có được phước duyên vào chùa làm công quả những ngày cận Tết, điều đó cũng khiến cho mọi người vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Không những thế, việc người già người trẻ có nơi tụ họp và sinh hoạt tâm linh đã giúp bà con - nhất là giới trẻ thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt trên đất khách - có được cái Tết ấm áp và rất Việt Nam.

“Khi vào chùa ai cũng cảm nhận nơi này là quê nhà chứ không còn cảm giác đang ở trời Âu nữa. Cành đào, bánh chưng, pháo, câu chúc tụng lì xì đầu năm hiện hữu xung quanh làm ấm lòng, và nỗi nhớ người thân như nguôi đi phần nào”, anh bộc bạch.

Cũng theo vị Phật tử trung niên này, dù ở nơi xa xôi, lệch múi giờ, nhưng nhờ cộng đồng người Việt khá đông nên mọi người vẫn giữ được nét sinh hoạt truyền thống ngày Tết. Nơi này, bà con tự làm những cành đào, mai giả bằng cách chặt cành mận, cành đào Tây cắm vào nước ấm để cây ra lộc, ra hoa trang trí trong ngày Tết. Đôi khi cây không cho hoa thì có thể mua hoa giả gắn vào.

Tuy xa xôi, nhưng ẩm thực Tết từ quê nhà vẫn có mặt đầy đủ nơi trời Âu như: bánh tét, bánh chưng, củ kiệu, dưa món, mứt gừng… Trong những ngày Tết, người lớn cũng hướng dẫn các cháu nhỏ (tất cả đều sinh ra và lớn lên ở nước ngoài) hiểu hơn về phong tục tập quán của người Việt, từ việc chuẩn bị Tết cho đến việc đi chúc Tết, tục mừng tuổi người già, trẻ em và cả tục chọn người xông đất đầu năm âm lịch.

“Từ khi có chùa, nơi đây được xem là ngôi nhà thứ hai của những người con Phật và bà con cộng đồng người Việt xa xứ, nên ai đến cũng thấy thoải mái và ấm áp. Tại chùa có tổ chức phát lộc cuối năm vào 23 tháng Chạp, Tết và rằm tháng Giêng; tổ chức khóa lễ kinh Pháp hoa, khóa lễ Tất niên tạ năm cũ, lễ Ngũ Bách Danh, đàn Dược Sư bảy ngày cầu quốc thái dân an, lễ Thượng nguyên rằm tháng Giêng”, Phật tử Viên Phú chia sẻ thêm.

Hinh (3).JPG
Các du học sinh Việt Nam tại Singapore cùng đi mua sắm để chuẩn bị cho cái Tết xa xứ

Cũng về chùa vào những ngày đầu năm, cũng đón xuân trong tình thân của cộng đồng người Việt nhưng với anh Khánh Đức, một Phật tử đang sống tại thành phố Dresden (Đức), thì cái Tết có phần đơn giản hơn. Vì Tết năm nay rơi đúng vào giữa tuần nên bà con nơi anh sinh sống chỉ có thể ghé chùa người Việt để tham gia khóa lễ cầu an vào đêm giao thừa và khóa lễ vào chiều mồng một. Trước đó, nhân dịp cuối tuần, các hội đoàn khác nhau của cộng đồng cùng tổ chức một đêm liên hoan mừng xuân và các Phật tử cũng góp vui vài tiết mục văn nghệ Phật giáo.

Phật tử Khánh Đức hoan hỷ cho biết, dù đơn giản và không thể được như quê nhà nhưng cả cộng đồng có dịp quây quần bên nhau cũng làm cho tình người tha hương thêm gắn bó và nhắc nhở thế hệ trẻ người Việt thứ hai, thứ ba về các truyền thống tốt đẹp ngày Tết của dân tộc.

Những cái Tết chạnh lòng

Tuy vậy, đâu đó vẫn có những người tha hương không đủ duyên sống chung với cộng đồng người Việt mà phải học tập, làm việc ở môi trường chỉ toàn người bản xứ, phần lớn cái Tết đến với họ trong sự lạc lõng với nhiều nỗi niềm.

Hinh (1).jpg
Vị chủ nhà nơi Thu Minh đang trọ học (San Leandro, Hoa Kỳ) lễ Phật đón giao thừa Ất Mùi

Thu Minh đặt chân lên đất Mỹ để theo chương trình đại học đến nay đã hơn hai năm, nhưng cái cảm giác đầu tiên đón Tết xa nhà giữa một nơi mà tiếng Việt trở nên xa xỉ vẫn còn như mới hôm qua.

Minh nhớ lại lần đến Mỹ vào tháng 11 dương lịch và ba tháng sau là Tết cổ truyền dân tộc. Giữa một nơi không người thân, không tiếng vui đùa hay những giai điệu mùa xuân thường thấy nơi quê nhà, cô sinh viên năm nhất dâng trào một cảm giác lạc lõng và đã bật khóc ngon lành ngay trong sáng mùng một Tết vì nhớ gia đình và người thân.

Nhưng Thu Minh cũng có chút may mắn vì nơi cô ở trọ là một gia đình người Việt kính tín Tam bảo và giữ được nếp xưa. Vị chủ nhà từ khi qua Mỹ đã lập một gian thờ Phật khá tươm tất ở tầng cao nhất của căn hộ. Đêm đêm, giữa cái lạnh lẽo của trời Tây, bà chủ thường tụng kinh và mở nhạc niệm Phật bằng tiếng Việt. Ngoài ra, tuy không ruột thịt nhưng nhờ tình đồng hương và những bữa ăn tối cùng chủ nhà mà cô cũng bớt chạnh lòng.

Năm nay, lần thứ ba đón Tết xa xứ, tâm trạng Thu Minh khá hơn. Cô đã lên năm hai đại học. Tết, cô vẫn đến lớp bình thường, không được nghỉ lễ như ở quê nhà. Những lúc rảnh rỗi, cô phụ gia đình chủ nhà dọn dẹp và mua sắm Tết. Vào đêm trừ tịch, Minh cùng mọi người lễ Phật tại nhà, cúng gia tiên và đón giao thừa bằng một bữa cơm mang hương vị quê hương giản đơn nhưng ấm áp.

Cũng ở xa cộng đồng người Việt như Minh nhưng Ngọc Vui (pháp danh Trúc Như) lại có cách đón Tết rất riêng. Nhờ đã định cư trên đất Mỹ từ lâu, quen sống một mình và gần khu vực người Hoa nên cô nhân viên văn phòng của một công ty kinh doanh địa ốc bản xứ phần nào không còn buồn tủi như khi mới đến Mỹ cách đây bảy năm.

Ngoài giờ làm việc, cô có thể tự lái xe vượt hàng trăm cây số đến khu người Hoa mua sắm vài món ăn và đồ trang trí Tết. Đêm cuối tuần trước giao thừa, cô nấu một bữa ăn thịnh soạn và mời những người bạn thời đại học, những người đồng nghiệp của công ty đến chung vui, chúc mừng ngày Tết truyền thống.

Trúc Như kể, những người bạn phương Tây của cô khá hào hứng khi được kể về phong tục lì xì, mừng tuổi hay chúc Tết nhân dịp năm mới của người Việt. Họ cũng hẹn với cô một ngày không xa sẽ theo cô về Việt Nam trực tiếp trải nghiệm những điều mới mẻ và thú vị này. “Sống một mình nơi xa lạ nên mình phải làm như thế để một phần giới thiệu bản văn hóa tốt đẹp của người Việt đến với bạn bè quốc tế, phần nữa đỡ phải... nhớ nhà”, cô tâm sự.

“Hơn bảy năm xa quê và hầu như năm nào cũng đón Tết trên đất Mỹ làm mình thấy thiếu vắng hương vị, không khí Tết quê nhà. Nhớ lắm những món ăn, những tập tục ngày Tết, nhớ mùi hương trầm, nhớ màu vàng hoa mai… Dần theo thời gian, những nỗi nhớ đó cũng nhẹ bớt đi nhưng sự thiếu vắng về không khí sum vầy cùng gia đình, gặp mặt người thân trong những ngày Tết dường như không bao giờ phai nhạt, mà ngày càng trĩu nặng trong mỗi người Việt xa xứ”, Trúc Như tâm sự. Nỗi niềm của cô có lẽ cũng chính là nỗi niềm của những người con xa xứ những lúc Tết đến, xuân về.

Bảo Thiên

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin