Chi tiết tin tức Đi tìm mùa xuân trọn vẹn 19:00:00 - 09/03/2015
(PGNĐ) - Có một lần trong bài diễn văn liên hoan cuối năm, tôi đã nói: “Chúng ta đang đứng trước một mùa xuân không trọn vẹn”. Tại sao lại không trọn vẹn?
Vì trong giờ phút chúng ta đang hân hoan chuẩn bị tiệc Tất niên này thì anh chị em có biết còn bao nhiêu công nhân đang trở về nhà mà không có hoặc có rất ít tiền thưởng Tết, bao nhiêu người còn đang thất nghiệp dù học hành tốt nghiệp đại học hẳn hoi, bao nhiêu phận đời cơ nhỡ trên hè phố, dưới gầm cầu? Và bao nhiêu nông dân hoặc được mùa nhưng mất giá hoặc thu hoạch chẳng được bao nhiêu? Bao nhiêu ngư dân phải quần quật đầu sóng ngọn gió đối diện với thiên tai địch họa, nạn cướp bóc của quân thù và hải tặc!
Nụ cười Di Lặc - Ảnh minh họa Thống kê mới nhất cho thấy hơn 50.000 doanh nghiệp phá sản trong năm qua. Bức tranh hiện thực kinh tế xã hội qua ba chỉ số nợ xấu, nợ công, nạn tham nhũng đang ở gam màu tối, không dễ gì cải thiện ngay, GDP tăng hơn 5%, và dù giá xăng có giảm nhiều do giá dầu thế giới lao dốc, nhưng giá các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu như điện, vận tải, dịch vụ y tế, giáo dục đều không giảm? Chúng ta cảm thấy thế nào và nghĩ ra sao khi đối diện với những câu hỏi chưa hay không có lời đáp ấy? Và, để có được một mùa xuân trọn vẹn, chúng ta phải làm sao? Từ nghìn xưa, ĐứcPhật đã quan sát, chiêm nghiệm và đúc kết bản chất của cõi người qua bài giảng đầu tiên về Khổ đế: - Rằng sự thật đầu tiên về thực trạng đời sống của chúng sinh là đau khổ, thực trạng mà con người cảm nhận từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Ðức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thương yêu mà biệt ly là khổ, mong cầu mà không được là khổ”. Tóm lại, “khổ” có thể trên ba phương diện: sinh lý, tâm lý và chấp thủ. Cái khổ thứ ba này bao hàm hai cái khổ trên, như trong kinh đã dạy: “Chấp thủ năm uẩn là khổ”. Năm uẩn hay “ngũ uẩn” là năm yếu tố nương tựa vào nhau để tạo thành con người, gồm có: thân thể vật lý là sắc và cấu trúc tâm lý là thọ, tưởng, hành và thức. Khi ta bám víu vào năm yếu tố trên, coi đó là “ta”, là “của ta”, là tự ngã của ta, thì khổ đau có mặt. Mọi khổ đau, lo lắng, sợ hãi, thất vọng đều gắn liền với ý niệm về “cái ta” ấy. Phật giáo không phủ nhận rằng trong đời người cũng có lúc vui vẻ sung sướng vì thân tâm được thỏa mãn những điều mong muốn. Những hạnh phúc ấy là quả tốt của những nghiệp lành đã tạo ra trong kiếp trước hay kiếp này. Nhưng Ðức Phật nói cái vui đó là cái vui mong manh trong đau khổ, cái vui còn vướng trong vô minh nghiệp chướng. Bởi lẽ “Trắng răng đến thuở bạc đầu / Tử sinh kinh cụ làm nao mấy lần”, hay “Trăm năm còn có gì đâu / Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”(Nguyễn Gia Thiều). Theo Phật giáo, chính trạng thái tinh thần khi đối đầu với ngoại cảnh mới là điều quan trọng. Đối phó với những khó khăn, dằn vặt, con người tìm quên trong rượu chè, ma túy, đắm chìm trong sắc dục. Từ trẻ em đến người lớn, cả xã hội quay cuồng trong những tệ nạn. Xã hội càng kém phát triển, tệ nạn càng nhiều. Chưa kể quan chức tiếp tay cho những kẻ làm băng hoại đạo đức, suy đồi nhân tính... Đó chính là điều mà nhà Phật gọi là Tập đế, nguồn gốc hay nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau khổ. “Tập” là tích tập, các phiền não chồng chất tụ hội tạo thành năng lực đưa đến khổ đau. Khi nhận thức được bản chất của khổ một cách rõ ràng, ta mới có thể đi vào con đường đoạn tận khổ đau. Nguyên nhân của khổ thường được các kinh đề cập chính là tham ái, do tham ái mà chấp thủ, bám víu vào các đối tượng của tham ái. Sự khao khát về dục lạc sẽ dẫn đến khổ đau, bởi vì lòng khao khát ấy không bao giờ thỏa mãn. Đức Phật dạy: “Tham ái sinh sầu ưu, tham ái sinh sợ hãi. Ai giải thoát tham ái thời không còn sầu ưu sợ hãi nữa”. Nguyên nhân sâu hơn chính là do vô minh, tức là si mê không thấy rõ bản chất của sự vật đều vô thường. Con người sinh tâm tham muốn, ôm giữ lấy các đối tượng lạc thú. Nếu không bị sự chấp ngã và dục vọng vị kỷ hay phiền não khuấy động, chi phối, ngự trị trong tâm thì cuộc đời sẽ có an lạc, hạnh phúc. Chúa hay Thượng đế cũng bó tay vì nếu con người không dập tắt được phiền não, nguyên nhân đưa đến đau khổ thì không bao giờ được bình an dưới thế, sao tìm thấy Thiên đàng? Khi diệt trừ hết những phiền não rồi thì con người được tự do hoàn toàn, yên vui, sáng suốt và khi giải thoát khỏi sinh tử và đạt tới Niết-bàn. Đó là ý nghĩa của Diệt đế:“Diệt” là chấm dứt, là dập tắt. Mỗi người tự giải thoát cho chính mình, tìm lấy mùa xuân trong lòng mình, dù là hạnh phúc tương đối hay tuyệt đối. Khi ta làm lắng dịu lòng tham ái, chấp thủ thời tâm trí không còn bị đốt cháy bởi các ngọn lửa phiền muộn, lo lắng, sợ hãi nữa. Tâm ý của ta trầm tĩnh và sáng suốt hơn. Thân tâm ta được chuyển hóa, thái độ với mọi người độ lượng, bao dung và khiêm tốn; đối với của cải, tài sản, danh vọng trở nên thanh thản hơn, không còn bị áp lực của nó đè nặng lên trái tim mình. Chúng ta có hạnh phúc tương đối. Còn nếu ta phát triển tuệ quán, hướng tâm đến đoạn trừ toàn bộ phiền não vi tế, thâm sâu, nhìn vũ trụ và con người trong mối quan hệ tương tức, tương sinh, hạnh phúc của nhân loại là hạnh phúc của mình, chừng đó ta có thể đạt hạnh phúc tuyệt đối, tối thượng là Niết-bàn. Ai không bệnh, lợi nhất đời Ai mà biết đủ là người giàu sang Ai thành tín là bạn vàng Và nơi Cực lạc: Niết-bàn là đây. (Pháp cú) Và đó chính là con đường mà bất kỳ ai cũng phải đi nếu muốn tìm hạnh phúc tuyệt đối hay còn gọi là Ðạo đế. Con đường gồm có tám điều chân chính, tám phương tiện mầu nhiệm mà người Phật tử phải làm, hay còn gọi là Bát Chánh đạo, con đường “Trung đạo” mà Ðức Phật đã tìm ra để chứng ngộ Niết-bàn. Nó đòi hỏi chúng ta phải có Chánh kiến - nhận thức đúng, rõ ràng như thật về đạo đức của cuộc sống, cái nào là thiện, cái nào là ác. Nhận biết về bản chất của sự vật đúng với sự thật, hợp với lẽ phải; Chánh mạng - đời sống đúng đắn, trong sạch, phương tiện mưu sinh, nghề nghiệp chân chánh, không sống bằng những nghề phi pháp, độc ác, gian xảo gây ra ác nghiệp (như ma túy, mãi dâm); Chánh niệm - nghĩ đến những việc chân chánh, dù là quá khứ hay hiện tại và cả tương lai, nhưng quan trọng là hiện tại, sống tỉnh giác để suy nghĩ và hành động cho hợp với lẽ phải, diệt trừ những ý tưởng sai quấy dẫn đến việc làm sai lầm. Đức Đạt-lai Lạt-ma từng nhắn nhủ: “Những vấn đề của chúng ta, dù đến từ bên ngoài, như chiến tranh, như bạo lực, như tội ác, hay đến từ bên trong dưới hình thức khổ đau về tâm lý hay tình cảm, đều sẽ không tìm ra giải pháp chừng nào chúng ta còn không hiểu chiều sâu nội tâm của ta”.
Chìa khóa của hạnh phúc không nằm ở đâu khác hơn là trong chính tâm hồn mình. Mà muốn mở được cánh cửa tâm hồn thì phải quán chiếu bên trong bằng thiền định hay tịnh tâm. Niềm vui hay hạnh phúc theo Phật giáo đến từ Bát Chánh đạo, con đường giúp ta vượt qua tam độc tham, sân, si. Mùa xuân bên ngoài sẽ đi qua nhưng mùa xuân trong tâm hồn ta còn mãi. Nói như Xuân Diệu trong cảm thức về mùa xuân, khi con người thấy cuộc đời đáng yêu và khi con người biết yêu cuộc đời thì tình yêu bao giờ cũng song hành với mùa xuân. Nó tồn tại như một thực thể của tâm hồn, tinh tế mà tha thiết. Bình minh quá, mỗi khi tình lại hứa, Xuân ơi xuân vĩnh viễn giữa lòng ta. (Xuân Diệu - Xuân không mùa) Cánh cửa vào đạo đưa chúng ta trở về với tâm thái mùa xuân trong chân lý cõi bình an. "Sớm nay khoác áo màu vô định Ra gặp mùa xuân đến giữa đàng Lá biếc đưa thoi xuyên vĩnh viễn Gió là sợi thắm của thời gian". (Huy Cận) Hạnh phúc thực sự bắt nguồn tự sự tịnh hóa nội tâm, vượt lên trên thế giới cảm xúc, không phóng theo những khát vọng bên ngoài. Lúc bấy giờ ta đi vàocuộc đời, đối diện bao nhiêu thiên ma bách chiết của cuộc tồn sinh mà không để phiền muộn vướng bận tâm hồn. Một mùa xuân hiện thể trong chánh niệm, khi phiền não đã bị diệt và con người đã tìm ra chân lý cuộc sốngvà hạnh phúc thường tại trong lòng mình và trên mặt đất này. Ngày đó, trẻ thơ sẽ không bị ném vào một thế giới tội lỗi vì những người lớn vô lương tâm và thiếu trách nhiệm mà không có thần linh hay đấng toàn năng nào can thiệp được! Bạn có ước mơ thấy mùa xuân trọn vẹn không? Hãy chắp tay nguyện cầu cho mùa xuân ấy!
Nguyên Cẩn
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |