Chi tiết tin tức

Văn hóa Tết

16:57:00 - 27/02/2015
(PGNĐ) -  Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền của người Việt, là lễ Tết lớn nhất trong năm (so với Tết Đoan ngọ mồng 5 tháng 5, Tết Nguyên tiêu 15 tháng Giêng, Tết Trung nguyên 15 tháng 7, Tết Trung thu 15 tháng 8 - các ngày này đều được tính theo âm lịch)… Người Việt đón chào ngày Tết Nguyên đán với nhiều lễ hội, nhiều phong tục, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống lẫn hiện đại.

Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày đầu năm mới như tên gọi của nó (Nguyên đán), tức ngày mồng một tháng Giêng (tháng 1 âm lịch), và kết thúc vào ngày mồng bảy tháng Giêng. Tuy nhiên theo tục lệ cổ truyền người ta bắt đầu đón Tết từ ngày Tết ông Táo (thần bếp) 23 tháng Chạp âm lịch. Ngày này cúng tiễn đưa ông Táo về chầu trời để tấu trình sự việc ở nhân gian sau một năm ông cai quản (theo quan niệm dân gian).

Lễ cúng gia tiên (Rước ông bà)

Ngày cuối năm (29 hoặc 30, tùy năm, tháng Chạp âm lịch), nhà nào cũng chuẩn bị một mâm cơm thịnh soạn để cúng gia tiên, đây là lễ tưởng nhớ tổ tiên ông bà, với ý nghĩa hướng về nguồn cội, tri ân báo ân theo truyền thống hiếu đạo đã có tự ngàn đời của người Việt. Lễ này còn được gọi là lễ “rước ông bà”, vì trong ngày cuối năm con cháu làm lễ này thỉnh ông bà về đón Tết cùng con cháu.

Trang tri (9).jpg
Cầu nguyện đầu năm

Theo quan niệm dân gian, “sinh ký, tử quy”, có nghĩa là “sống gởi, thác về”, con người sống trên trần gian chỉ là sống tạm, nương gởi thân trong mấy mươi năm rồi lại trở về cõi vĩnh hằng, cõi con người trở về sau khi chết mới là cõi quê nhà thật sự của mình, chính vì thế mà một người khi chết còn được gọi là “về đoàn tụ với ông bà”.

Trong tâm thức mọi người, ông bà cha mẹ dù đã qua đời vẫn luôn quan tâm, hiện hữu bên con cháu, cho nên luôn xem ông bà cha mẹ quá cố như người còn sống, tin tưởng rằng ông bà cha mẹ sẽ về vui vẻ với con cháu trong ba ngày Tết.

Quan niệm của người Phật tử thì có khác, biết được con người sau khi chết sẽ tùy theo nghiệp mà tái sinh, ít người có cơ hội được ở gần bên con cháu. Nếu người lúc sinh thời tạo được nhiều phước báo thì sau khi chết sẽ tái sinh về cõi trời hoặc cõi người, không còn nhớ và tiếp xúc với con cháu trước đây được nữa.

Nếu người tạo nhiều nghiệp ác, bất thiện thì tùy theo nghiệp mà bị đọa địa ngục hoặc sinh làm ngạ quỷ, súc sinh. Đọa vào địa ngục thì không có cách gì gặp được người thân, còn sinh làm loài súc sinh thì dẫu có gặp lại người thân cũng không nhận ra nhau. Chỉ khi còn mang thân trung ấm (mới chết, còn trong vòng 49 ngày) thì mới có thể gặp người thân được, nhưng người thân cũng không thể tiếp xúc với mình. 

Hoặc vì tạo nghiệp ác, bất thiện mà sinh làm loài ngạ quỷ thì có thể tùy nghiệp nặng nhẹ, tùy nhân duyên mà sinh làm cô hồn, ngạ quỷ sống quanh quẩn bên loài người nhưng người thân cũng khó tiếp xúc được, chỉ có thể cúng thức ăn, nước uống, hương, hoa, trái cây và làm các việc phước thiện hồi hướng cho họ.

Họ có thể thọ nhận những gì người còn sống cúng cho họ, thừa hưởng những công đức phước báo mà người còn sống hồi hướng cho họ. Họ thọ nhận bằng cảm xúc, bằng tiếp nhận mùi hương (vì vậy mà người đã chết khi còn trong giai đoạn trung ấm thân còn được gọi là Hương ấm). Lễ cúng gia tiên ngày cuối năm của người Phật tử là lễ tưởng niệm, nhắc nhở nhau công đức sinh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ, những bậc tiền nhân đã tạo ra mình, đã gầy dựng sự nghiệp gia đình, dòng họ.  

Sau lễ cúng gia tiên, mọi người quây quần bên nhau ăn bữa cơm cuối năm trong bầu không khí thân mật. Đây là bữa cơm gia đình hết sức ý nghĩa và có đủ mặt các thành viên.

Lễ đón giao thừa

Giao thừa là thời khắc tiễn năm cũ, đón năm mới lúc 0 giờ đêm (giờ Tý) cuối năm. Người xưa quan niệm rằng, vào lúc năm cũ qua, năm mới đến thì những gì không hay không tốt, những gì cũ kỹ được bỏ đi để chào đón, tiếp nhận những gì tươi sáng, mới mẻ, tốt đẹp, đó gọi là “tống cựu nghinh tân” (đưa cái cũ đi, đón rước cái mới đến).

Dân gian cho rằng mỗi năm có các vị thần hành khiển, hành binh coi việc thế gian, gọi là Đương niên chi thần, các vị này thống lãnh thiên binh thiên tướng giữ gìn sự an ổn cho nhân gian, không để cho các loài yêu ma quấy phá loài người. Đến cuối năm đúng vào lúc giao thừa thì các vị thần năm cũ bàn giao trách nhiệm cai quản lại cho các vị thần năm mới. Do đó có tục cúng giao thừa để tiễn đưa các vị thần năm cũ và tiếp đón các vị thần năm mới.

Trong Phật giáo, ở tại các chùa có làm lễ Nghinh chư thiên (Đón chư thiên) và Chúc tán chư Phật, Bồ-tát, Tổ sư. Lễ Chúc tán có ý nghĩa tán dương công đức, hạnh nguyện của chư Phật, các vị Bồ-tát, Tổ sư, đồng thời nhắc nhở người con Phật noi theo tấm gương sáng của các Ngài, xiển dương Chánh pháp, làm rạng rỡ tông môn và sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh. Trong lễ Nghinh chư thiên và Chúc tán, Tăng Ni, Phật tử cầu nguyện quốc thới dân an, mưa hòa gió thuận, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.   

Mừng tuổi

Ngày đầu năm mới con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ, chúc tụng ông bà cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu, tăng phước tăng thọ. Không chỉ mừng tuổi những người thân trong gia đình mà còn mừng tuổi bà con trong họ hàng thân thuộc, và hàng xóm láng giềng. Người lớn được mừng tuổi, chúc thọ sẽ lì xì cho người mừng tuổi một phong bao màu đỏ có tiền trong đó, thường thì không nhiều, chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, được xem là quà Tết mang lại niềm vui và sự may mắn.

Ở tại các chùa, hàng đệ tử, đệ tôn tề tựu về làm lễ chúc thọ, mừng tuổi thầy tổ, các bậc trưởng thượng, tôn túc trong hàng xuất gia. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa trong ngày Tết.

Đi lễ chùa

Sau thời khắc giao thừa, trong những bộ trang phục mùa xuân lộng lẫy nhưng trang nghiêm, người ta nô nức đến chùa dâng hương lễ Phật, cầu nguyện đầu năm, hướng về những giá trị tâm linh cao đẹp. Ai cũng ước nguyện năm mới được nhiều điều may, gia đình bình an, hạnh phúc. Người ta đi chùa không chỉ cầu nguyện cho riêng mình mà còn cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, cầu quốc thới dân an.

Đến chùa được quý Tăng Ni chúc nguyện, nhắc nhở làm lành, dạy tu tạo công đức, phước báo, sống đời sống đạo đức để có được an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai. Có chùa còn ban lộc cho Phật tử, trong phong bao lì xì là lời kinh Pháp cú hoặc lời Phật dạy được trích lục trong các kinh.

Ngày mồng một Tết còn là ngày vía Bồ-tát  Di Lặc, vị Phật trong tương lai. Người Phật tử đến chùa còn được tham dự khóa lễ tụng kinh cầu an đầu năm và cúng vía Đức Di Lặc.

Hái lộc

Ngay sau lễ giao thừa, hoặc nếu chậm hơn là sáng sớm ngày mồng một Tết, người ta chuẩn bị hoa quả, bánh mứt, nhang đèn, ăn mặc chỉnh tề, đẹp đẽ để đến chùa, đình cầu nguyện và xin lộc đầu năm.

Trang tri (6).jpg
Thành kính trước tôn tượng Di Lặc

Đến chùa, đình hay lăng, miếu, những nơi tôn nghiêm người ta xin lộc xuân mang về nhà. Lộc là một cành cây có những lá non, chồi non mới nhú (lộc), có khi có cả hoa và quả. Hái lộc đầu xuân với mong ước một năm mới gặp nhiều điều may, tài lộc dồi dào sung túc.

Xông nhà

Xông nhà là vào nhà ai đầu tiên trong ngày đầu năm mới. Người được mời đến xông nhà phải là người vui vẻ, hạnh phúc, thành công trong cuộc sống, hoặc là người “hạp tuổi” với chủ nhà (theo niềm tin dân gian). Dân gian quan niệm rằng, người đến xông nhà có thể mang lại niềm vui, vận may cho gia chủ.

Chúc Tết - tặng quà Tết 

Trước ngày Tết, người ta đến nhà tặng quà cho bà con thân thuộc và bạn bè. Ở xa thì gởi quà Tết, thiệp chúc xuân qua đường bưu điện. Đến ngày Tết thì người ta tới nhà thăm viếng, mừng tuổi, chúc tụng nhau. Các cháu học sinh thì nhân ngày Tết đến thăm viếng, mừng tuổi thầy cô, bày tỏ lòng biết ơn người đã dạy dỗ mình.

Du xuân (Đi chơi xuân)

Mùa xuân khí trời mát mẻ, phong cảnh hữu tình, lễ hội diễn ra khắp nơi là thời điểm lý tưởng cho người ta du xuân thưởng ngoạn, tham gia các hoạt động văn hóa. Nhiều người tận hưởng những ngày đầu xuân hoặc thời gian ngay sau Tết dương lịch bằng những chuyến du lịch, họ đến với Tết của các quốc gia, dân tộc khác, họ tìm hiểu văn hóa Tết của nhiều nơi trên thế giới, họ đi để nâng cao kiến thức, mở rộng tầm nhìn.

Vào những ngày Tết người ta cũng thích viếng chùa, tham quan thắng tích, tham gia các lễ hội mùa xuân mang nét văn hóa truyền thống đặc trưng của các vùng miền, các dân tộc anh em trên khắp đất nước.

Ngoài những hoạt động văn hóa nói trên, còn nhiều hoạt động văn hóa khác tạo nên nét đặc trưng văn hóa Tết của người Việt, chẳng hạn như lễ tảo mộ, lễ đưa ông Táo (ông Công, thần Bếp), tục dựng nêu, tục không quét nhà, hốt rác ngày đầu năm mới, lễ trừ tịch, lễ khai bút, khai ấn, lễ hóa vàng, lễ hạ nêu… và một số hoạt động mang màu sắc tiêu cực như cờ bạc, đá gà, xem bói toán, coi vận mạng đoán kiết hung v.v… Theo thời gian có nhiều phong tục không còn nữa, chẳng hạn như phong tục đốt pháo, dựng nêu.

Văn hóa Tết, có thể nói đó là di sản của mỗi dân tộc, của mỗi quốc gia, nó luôn được bảo tồn và phát huy để góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc.

Chơn Thường

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin