Chi tiết tin tức Tết xưa Tết nay 11:20:00 - 26/02/2015
(PGNĐ) - … Tôi còn nhớ như in cái cảm giác hai năm trước tôi trở về quê đón Tết. Cái cảm giác đó thật là hạnh phúc biết bao. Ngồi trên xe tôi mong ngóng sao cho xe chạy thật nhanh để về tới nhà. Tôi cứ miên man mường tượng nào là giờ này cha mẹ tôi chắc mong tôi về lắm…
Ngày tháng rời…
… Đã cuối năm mà ba lại giong thuyền đến những miền biển xa. Ba bảo bây giờ là mùa cá. Những chuyến đi của ba kéo dài hàng tháng. Mỗi lần ba đi, mẹ lại ngày ngày dõi mắt ngóng ra khơi. Từ khi con có hiểu biết, con thấy chưa năm nào mẹ con con được gần ba trong dịp Tết. Trong những giờ phút ấy, tự nhiên con thấy giận ba. Một mình mẹ lủi thủi chuẩn bị mâm ngũ quả cúng ông bà, rồi cũng chỉ hai anh em con qua chúc Tết bà con hàng xóm. Tết đến mẹ thích có cây tắc trong nhà cho nên năm nào nhà mình cũng có tắc. Hết Tết mẹ lại hái quả vắt nước cho con uống. Con nói với mẹ, nếu ba ở nhà, con sẽ xin mẹ được hái quả ngay ngày đầu năm để vắt tắc cho ba uống rồi mời ba ăn miếng mứt gừng the má đã làm sẵn và nói với ba câu chúc mừng năm mới buổi đầu xuân. Nhưng mãi mãi với con, ý định đó chỉ là một điều mong ước. … Cậu Năm từ Sa Đéc ra thăm, đồng thời kiếm chỗ chuẩn bị bán tắc. Chỉ non tháng nữa thôi, xe chở tắc của cậu sẽ ùn ùn kéo ra và con sẽ được cùng cậu đong đưa trên cái võng chờ khách đến mua rồi ngủ quên mất. Năm nào trước khi về nhà đón Tết, cậu cũng ghé vào nhà chơi, mang theo bao lì xì sớm. Cậu vẫn câu hỏi ấy: “Anh năm nay cũng đi đánh cá xa, hả chị?”. Còn mẹ cũng nén tiếng thở dài: “Ừ, chắc cũng qua Tết mới về. Con bé mong mãi”. Con nhói lòng khi lần đến thăm mới đây, cậu đùa với mẹ: “Có khi anh có bà nhỏ ở ngoài nên mới đi miết đó chớ”. “Cậu nói bậy!”, con bực dọc hét lớn khiến mẹ và cậu giật mình. Nước mắt con giàn giụa và gương mặt đẫm nước. Con cố mang chút hy vọng cuối cùng chạy ra chỗ ba đang sửa lưới chuẩn bị cho chuyến đi. Nhìn con khóc, ba nhẹ nhàng ôm con vào lòng. “Ba đừng đi biển nữa, ở nhà với con và mẹ được không ba?”. Ba xoa nhẹ lên đầu con: “Không được đâu con, ba đi chuyến này sẽ mang quà về cho con”. Con hét lên: “Con không cần!”. Con vùng chạy còn ba đứng đó ngơ ngác nhìn theo. Có lẽ suốt đời con sẽ không bao giờ quên ánh mắt của ba lúc đó, như là bị tổn thương nhưng vẫn không khóc được. … Sớm nào ba bắt đầu một chuyến đi, con cũng ôm và tiễn ba một đoạn đường ra bến, nhưng hôm ấy con vờ ngủ nướng. Ba đợi con đến khi mặt trời đã quá con sào mới đi, nhưng con vẫn không chịu dậy. Khi chiếc thuyền của ba chỉ còn ló lên cánh buồm nhỏ xíu ngoài khơi xa, con mới đưa tay vẫy vẫy dù biết ba không nhìn thấy. Từ hôm nhìn thấy ánh mắt ấy của ba, không đêm nào con thôi suy nghĩ. Mẹ vẫn bảo con giống ba y đúc. Cho nên, khi ba đi biển vắng nhà, những lúc tự nhiên mẹ kéo con vào lòng xoa đầu, con nghĩ là mẹ nhớ ba và lúc ấy, con không dám nhắc tới ba dù lúc ấy con lại nhớ tới ba nhiều nhất, nhớ tới cái nghiệp đánh cá bao đời nay của dòng họ mình. Biển rộng lớn nhưng mặn chát mồ hôi và nước mắt. … Mấy hôm nay không khí Tết đã tràn ngập khắp nơi; con cũng bắt đầu tíu tít đi theo mẹ mua sắm bánh kẹo. Từ ngày ba đi con không gặp cậu nữa, nhưng con quyết định ngày hôm nay con sẽ mang cơm qua cho cậu. Con nhận ra không phải lúc nào cuộc sống cũng suôn sẻ và mọi thứ đều như mình muốn. Con sắp thêm một tuổi và con đã biết. Năm nay, ba lại đón Tết một mình trên biển khơi. Con sẽ không buồn, không giận ba nữa. Con sẽ đón giao thừa cùng mẹ, đêm cuối năm hai mẹ con sẽ cùng đi mua những chậu tắc cuối cùng còn sót lại. … Đã hai năm trôi qua tôi không được về quê. Hơn lúc nào hết tôi mong mỏi từng giây từng phút được về bên gia đình, để tìm lại cảm giác bình yên trong những ngày Tết. Từ khi tôi lớn lên, vào học đại học, ra trường, đi làm xa… cha tôi không còn đi biển nữa. Dù bận rộn, năm nào tôi cũng cố gắng về đến nhà trước Tết để được sum họp với cha mẹ và đứa em gái cũng đang học đại học. Nhưng hai năm nay, công việc làm ăn không cho phép tôi được hưởng cái không khí yêu thương đó. … Tôi còn nhớ như in cái cảm giác hai năm trước tôi trở về quê đón Tết. Cái cảm giác đó thật là hạnh phúc biết bao. Ngồi trên xe tôi mong ngóng sao cho xe chạy thật nhanh để về tới nhà. Tôi cứ miên man mường tượng nào là giờ này cha mẹ tôi chắc mong tôi về lắm… Tôi cuống quýt chạy vào nhà, bỏ vội hành lý ôm chầm lấy mẹ, lấy cha tôi. Tôi đã bật khóc khi ôm lên đôi vai gầy của mẹ, nắm đôi bàn tay gân guốc của cha, nhìn thấy mái tóc bạc trắng của cha mà lòng tôi đau nhói. Rồi những ngày sau đó, tôi cùng gia đình chuẩn bị Tết, nào là lau dọn nhà cửa, rửa lá gói bánh chưng, rồi cả nhà cùng ngồi quây quần bên bếp lửa, tôi vừa ngồi trông nồi bánh chưng, vừa kể chuyện cho bố mẹ nghe; có lúc tôi lăng xăng đi tìm những bắp ngô hay vài củ khoai vùi xuống lớp than hồng của nồi bánh chưng trong niềm hạnh phúc vô bờ. … Thời gian trôi đi thật mau, thấm thoát đã hết kỳ nghỉ Tết, tôi lại phải khăn gói lên đường trở lại với công việc. Ngày tôi đi, trời lất phất mưa phùn, thời tiết như lạnh hơn. Mẹ con, cha con, anh em bịn rịn như không muốn rời xa nhau. Trong khoảnh khắc đó tôi đã không dám nhìn vào đôi mắt cha mẹ tôi. Tôi sợ… tôi sợ ánh mắt đó sẽ làm tôi lưu luyến, tôi sợ ánh mắt đó sẽ làm tôi mềm lòng. Tôi chạy lại ôm cha mẹ một lần nữa rồi lên đường cùng lời dặn dò của mẹ: “Nhớ giữ gìn sức khỏe nhé con…”. Nước mắt tôi ứa ra, tôi đã khóc, ôm siết lấy mẹ mà nói rằng: “Bố mẹ cũng phải giữ gìn sức khỏe đó nha, sang năm con sẽ lại về”. Rồi tiếng còi tàu hú lên xé đi màn đêm yên tĩnh. Tôi bước lên tàu mà ánh mắt cứ đau đáu hướng về cha mẹ đang vẫy tay tạm biệt đứa con thân yêu. Tôi ngồi trên tàu mà lòng trĩu nặng, tôi cắn chặt môi, tự hứa với lòng: “Hãy cố gắng làm lụng dành dụm tiền để sang năm lại được trở về bên bố mẹ, được về với yêu thương”…• NGUYỄN HOÀNG DUY | Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 169
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |