Chi tiết tin tức Mông sơn thí thực 21:59:00 - 29/08/2015
(PGNĐ) - Vào ngày Vu lan, ngày lễ truyền thống Phật giáo thể hiện tinh thần báo hiếu báo ân, Tăng Ni, Phật tử thường tổ chức cúng dường để cầu siêu cho người thân quá vãng và cầu phước cho người sống.
Sau khi cúng Phật và chư Tăng, chùa thường làm lễ cúng thí thực cho các vong hồn bơ vơ, không được ai thờ cúng, mà trong dân gian thường gọi là cúng cô hồn. Chúng ta thử tìm hiểu xem tục lệ cúng cô hồn phát xuất từ đâu, nghi thức cúng như thế nào, thể hiện ý nghĩa gì và cúng thế nào cho đúng pháp.
Cả Nam tông và Bắc tông Phật giáo đều ghi nhận rằng Đức Phật dạy sau ba tháng an cư, công đức tu hành thanh tịnh của chư Tăng tạo thành lực dụng có thể ảnh hưởng cho các loại hình thế giới khác. Vì thế, nhân ngày Tự tứ, nên tổ chức cúng dường, để nhờ năng lực của chư Tăng chú nguyện cho người quá vãng siêu sanh và người tại thế tăng phước, tăng thọ. Tuy nhiên, khi giáo lý đạo Phật truyền sang Trung Quốc, nước này thường xảy ra chiến tranh liên tục, đến độ phân chia thành nhiều nước nhỏ xâu xé nhau. Vì vậy, chuyện chết chóc luôn đè nặng lên tâm lý người Trung Quốc thời bấy giờ. Tục truyền có người họ Vương chết một tuần rồi sống lại. Ông cho biết khi xuống âm phủ, thấy có nhiều vong hồn đói khổ. Ông được Diêm vương chỉ bày cách thức về trần thế phải đốt giấy tiền vàng bạc gởi xuống cho cô hồn. Từ đó có phong tục cúng cô hồn trong dân gian. Đến đời Đường, lại có truyền thuyết thứ hai là vua Đường Thái Tông nằm mộng thấy cô hồn đến đòi mạng. Ông sợ quá, mới nhờ ngài Huyền Trang cứu giúp. Ngài Huyền Trang căn cứ vào Duy thức học, giải thích cho vua biết hiện tượng cô hồn là thần thức của những người tuy chết, nhưng oan ức. Họ không thể siêu sanh, gọi chung là oan hồn uổng tử gồm có mười loại (thập loại cô hồn). Sau đó, vua nhờ ngài Huyền Trang làm lễ giải oan cho họ. Ngài căn cứ vào kinh Vu lan bồn, tổ chức đàn tràng cầu nguyện cho các oan hồn trong ngày Tự tứ. Bắt đầu từ đó, Phật giáo Trung Quốc có tục lệ cúng cô hồn vào ngày rằm tháng 7. Qua sự kiện này, chúng ta thấy rõ Phật giáo Trung Quốc đã khéo léo kết hợp lễ cúng cô hồn trong ngày Vu lan với ngày Trung nguyên có sẵn từ lâu đời của dân tộc Trung Quốc. Lễ này được họ quý chuộng, vì mùa này mưa dầm gió bấc, cảnh vật buồn bã, dễ gợi cho mọi người nhớ đến những cô hồn đói lạnh ở thế giới âm. Từ đó, các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc như Việt Nam cũng tổ chức lễ cầu siêu cho cửu huyền thất tổ và cúng cô hồn vào ngày rằm tháng 7. Như vậy, truyền thống Vu lan từ Phật giáo gốc của Nam truyền và Bắc truyền căn cứ trên kinh Vu lan bồn, được truyền sang Trung Quốc. Cho đến đời Đường, chịu ảnh hưởng của phong tục tập quán của nước này, mới phát sanh ra hình thức lập đàn cúng cô hồn theo ngài Huyền Trang. Tuy nhiên, đến đời Tống, có ngài Bất Không Tam Tạng chuyên tu Mật giáo ở núi Mông (thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Bằng độ cảm tâm của vị tu chứng, ngài nhìn thấy các loài ở thế giới âm đến xin ăn. Với lòng từ bi, ngài cho cô hồn thức ăn bằng cách đọc những câu thần chú, thì mỗi loài tự cảm thấy no đủ. Từ đó, ngài soạn ra nghi thức cúng thí cô hồn, gọi là Mông Sơn thí thực. Bấy giờ, Phật giáo mới chính thức có nghi thức cúng cô hồn. Ngày nay, hầu hết các chùa chúng ta đều tụng Mông sơn thí thực vào thời công phu chiều mỗi ngày, để cúng thí cho cô hồn, vì theo lời của Đức Phật dạy rằng buổi chiều là giờ ăn của ngạ quỷ. Ngài Bất Không Tam Tạng mở đầu nghi Mông Sơn thí thực bằng bài kệ: Mãnh hỏa diệm diệm chiếu thiết thành Thiết thành lý diệm nhiệt cô hồn Cô hồn nhược yếu sanh Tịnh độ Thính tụng Hoa nghiêm bán kệ kinh Nhược nhơn dục liễu tri Tam thế nhứt thiết Phật Ưng quán pháp giới tánh Nhứt thiết duy tâm tạo. Có nghĩa là cái thành bằng sắt ví cho cảnh điạ ngục bị lửa tràn vô đốt cháy các loại cô hồn ở trong đó. Nếu cô hồn muốn sanh về Tịnh độ, chỉ cần tụng nửa bài kệ của kinh Hoa nghiêm. Kinh dạy rằng nếu người muốn biết rõ ba đời các Đức Phật, thì phải quán tánh Pháp giới, tất cả đều do tâm tạo nên. Đối với cô hồn, hay nói chung đối với người chết, chẳng những sắc uẩn là thân vật chất không còn, mà cả thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn cũng không có. Họ chỉ còn giữ lại thức uẩn, nhưng khi còn sống, thức uẩn do thọ, tưởng, hành uẩn huân tập mà thành. Do đó, lúc chết, cả ba phần là thọ, tưởng và hành (nghĩa là cảm thọ, tưởng tượng và hành vi tạo tác trong tâm) đều lưu lại trong thức uẩn. Nó khiến cho linh hồn hay thần thức bị ám ảnh, cảm thấy nóng lạnh, đói khổ; trong khi sự kiện thực tế gây ra nóng lạnh, đói khổ, không hề có. Thí dụ một linh hồn người chết cảm thấy bị đánh đau đớn, là vì lúc sống họ đã bị đánh và có cảm nhận đau đớn. Sự kiện và cảm nhận đó được lưu trữ trong tiềm thức. Đến khi chết, mặc dù thực sự không bị ai đánh cả, nhưng vì thần thức vẫn còn hoạt động, vẫn còn nghĩ rằng họ đang bị đánh đau. Bấy giờ là “Thức” bị đau, không phải thân đau. Như vậy, cô hồn sống với “Thức”, nên khổ trong “Thức”. Ngài Bất Không Tam Tạng nhìn thấy được nguyên nhân khổ của cô hồn, ngài mới chọn lời Phật dạy thích hợp với tâm trạng của họ mà giải khổ. Cô hồn khổ vì “Thức” khổ, không phải thân vật chất khổ. Ngài giải tỏa ý thức khổ cho họ bằng bài kệ kinh Hoa nghiêm. Theo đó, nói lên sự giác ngộ của ba đời các Đức Phật quán sát thấy mọi việc, mọi hiện tượng xảy ra trên cuộc đời, nói rộng là Pháp giới, đều do tâm tạo ra. Cũng vậy, sự đau đớn, bị nóng bức thiêu đốt mà cô hồn phải gánh chịu, chỉ do tâm họ khởi lên mà thôi. Và nếu họ khởi ý muốn sanh Tịnh độ, ngài trợ lực cho cô hồn bằng ba câu thần chú là Án dà ra đế dạ ta bà ha - Nam mô bộ bộ đế rị đà rị đa rị đát đa nga đa da – Án tam đà ra dà đà ta bà ha. Những câu thần chú trên bằng tiếng Phạn không thể dịch nghĩa. Nó thể hiện năng lực siêu nhiên của người tu hành đức độ, có khả năng tác động đến thần thức người chết, trợ lực cho họ vượt khỏi khổ sở, đau đớn. Như vậy, khi đọc thần chú, tư cách của người đọc rất quan trọng. Không phải ai đọc cũng có tác dụng giống nhau. Nếu đọc thần chú suông theo hình thức, bằng âm thanh, ngôn ngữ, nó cũng chỉ là những âm thanh bình thường như bao nhiêu tạp âm khác, thì làm thế nào người chết không còn nhĩ căn tiếp nhận cho được. Người chết chỉ liên hệ với người sống qua tâm. “Thức” của họ và “Thức” của hành giả tiếp xúc với nhau, nói chuyện với nhau. Tất nhiên sự truyền thông bằng “Thức” không đơn giản, vì nó đòi hỏi cả vấn đề hạ thủ công phu cao độ, mới có lực dụng hóa giải được tâm trạng u uất cho cô hồn. Kế đến tụng danh hiệu Phật và Bồ-tát xong, thì quy y Tam bảo và sám hối cho cô hồn. Quy y Tam bảo, vì đó là mô hình cần thiết tất yếu cho tất cả những ai muốn đi trên con đường bình an vĩnh cửu thực sự. Khi đã quy y Tam bảo, các loại cô hồn được nhắc nhở thêm về việc sám hối. Sở dĩ giờ đây linh hồn vất vưởng khổ sở chỉ vì tham lam, sân hận, ngu si của ba nghiệp thân khẩu ý từ vô thỉ kiếp mà tạo ra vô số tội. Ngày nay, nhờ nương theo Tam bảo, biết rõ tội lỗi của mình, hết lòng ăn năn sám hối cho tiêu tội, xóa được nghiệp thức. Sau cùng tụng cho cô hồn một loạt các thần chú như diệt nghiệp, biến thực, biến thủy chân ngôn, Và nghi Mông Sơn thí thực kết thúc bằng Bát-nhã Tâm kinh, hồi hướng như thường lệ. Điểm đặc biệt trong nội dung của nghi Mông Sơn thí thực, phần lớn là các bài chú. Khi tụng thần chú, đều phải quán tưởng, như tụng chú diệt nghiệp chướng của Quan Âm, tâm quán tưởng tất cả chúng sanh có bao nhiêu nghiệp chướng đều bị tiêu diệt. Tụng chú biến thực, tâm quán tưởng các thức ăn biến hóa ra nhiều đến vô lượng đầy lấp cả hư không. Các loài hưởng thụ pháp vị đều viên mãn. Tụng chú cam lồ, quán tưởng nước cúng biến thành pháp thủy cam lộ rộng lớn như biển, uống nước vào được thanh tịnh, diệu lạc… Qua phần cúng thí thực cô hồn bằng các bài thần chú, cho thấy việc sử dụng thần chú tạo ra một lực dụng vô hình tác động vào thần thức của cô hồn. Họ sẽ nhận được thức ăn là vấn đề chính yếu. Thật vậy, như trên đã nói, cô hồn chỉ còn “Thức”, nên họ không thể ăn như người sống. Họ chỉ ăn bằng thần thức. Người cúng tập trung năng lực để dẫn thần thức người chết nhập với “Thức” của mình, mới đưa cho họ thức ăn được. Vì thế, thức ăn cúng không quan trọng. Chỉ có gạo, muối, nước, nhưng hành giả tụng thần chú quán tưởng là cơm, hay bánh trái…, thì người chết sẽ cảm nhận được giống y như thế. Từ đó, trở lại vấn đề vật thực không phải là chính yếu, nhưng tư cách của người cúng như thế nào để ảnh hưởng thần thức cô hồn cảm nhận được an vui, no đủ. Tóm lại, nghi thức cầu siêu cho người quá vãng vào ngày Vu lan, rằm tháng 7 phát xuất từ kinh Vu lan bồn. Đức Phật dạy ngài Mục Kiền Liên muốn cứu mẹ, phải nhờ các bậc tu hành phạm hạnh thanh tịnh. Đến đời Đường ở Trung Quốc, ngài Huyền Trang lập đàn tràng, nhờ lực chú nguyện của tập thể Tăng, không phân biệt Thánh phàm, cùng chung trợ lực cầu siêu cho thập loại cô hồn. Nhưng đến thời ngài Bất Không Tam Tạng lại chuyển sang hướng chú trọng đến việc sử dụng định lực. Và lực đó chính là thần chú tác động cho thập loại cô hồn siêu thoát. Từ nghi Mông Sơn thí thực mà chúng ta công phu mỗi ngày, hoặc tổ chức trong ngày lễ Vu lan rằm tháng 7, chúng ta rút ra bài học thiết thực. Những hành giả muốn đi trên con đường thánh thiện giải thoát của Đức Phật không gì khác hơn là phải nỗ lực phát huy trí tuệ, phát triển đời sống giới đức, phạm hạnh. Vì chỉ có đức hạnh và trí tuệ mới tạo cho hành giả có năng lực siêu nhiên vượt ngoài nhận thức thông thường của thế gian. Trang bị đầy đủ sức mạnh siêu nhiên vô hình của người chân tu, hành giả tự tại trong mọi tình huống. Như vậy, mới có thể độ thoát âm binh thập loại cô hồn và làm phước điền cho người tại thế nương nhờ vậy.
HT.Thích Trí Quảng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |