Chi tiết tin tức Năm mới 08:21:00 - 18/02/2015
(PGNĐ) - Nguyên đán là ngày đầu một năm mới. Suốt cả năm quay theo vòng xoay của cuộc mưu sinh, ai cũng chờ đến cái mốc thời gian này để cho phép mình dừng lại, nghỉ ngơi, lấy đà cho những bước đi kế tiếp. Ngày Tết ở đâu đông người cũng ồn ào ăn uống, vui chơi. Có vẻ như bên cạnh cái phong tục phải hoàn tất công việc của năm cũ, hạ quyết tâm đầu năm mới thì tiếng ồn chắc chắn là nét văn hóa đặc trưng của con người.
Mà đúng vậy. Những loài vật khác không con nào ồn ào bằng con người. Mừng năm mới, bên trời Tây người ta đốt pháo bông rồi cùng nhau reo hò, người phương Đông ta đốt pháo phong, pháo tống. Thuở còn ăn lông ở lỗ, con người bán khai khi liên hoan đã biết thổi tù và, đánh vào những thân cây rỗng để gây tiếng ồn, để gõ nhịp nhảy múa. Ngày nay cuộc vui của con người, kể cả người kẻ chợ và các nhà khoa bảng, không thể thiếu tiếng ồn, khác nào tiệc tùng mà thiếu rượu. Con người ghiền tiếng ồn đến nỗi họ phải moi óc nghĩ ra những tiếng ồn mới, cường độ ngày một to hơn. Dùng bàn đinh nhọn đâm bong bóng nổ lốp bốp thay tiếng pháo trong các đám cưới, dùng đũa muỗng trên bàn gõ vào ly chén khi chờ ăn, ăn to nói lớn vô tư giữa những nơi công cộng. Ca sĩ bây giờ thích hú hét trên sân khấu. Các chương trình thiếu nhi cũng đấy ắp tiếng la. Ở các sân chơi người ta cầm nhịp cho bọn trẻ hò hét: Cố lên, cố lên, rập theo khuôn của bọn người lớn trong bàn tiệc, chốc chốc đồng thanh rống dzô dzô nghe thật hoang dã. Ngay cả khóc thương lãnh tụ kính yêu cũng ồn ào như một dàn đại hợp xướng có quá nhiều giọng hát nghiệp dư. Để tăng cường độ ồn ào, con người phát minh ra cái loa. Loa khắp nơi: trên trụ đèn, trên cành cây, trước cổng đền chùa, nhà thờ, trước bến xe, rạp xiếc, loa mua ve chai, loa bán keo dính chuột, loa bán bánh chưng bánh giò, loa được đặt hàng trăm cái hai bên đường phi quân sự. Tiếng loa gào thét xen lẫn tiếng máy bay, tàu hỏa, xe cấp cứu. Có người sợ chẳng ai nghe thấy mình bèn mang cả nhạc thính phòng ra đường phố. Một cách thể hiện cái ta của con người trong xã hội văn minh. Tiếng ồn kéo người ta tụ họp nhưng cũng xua đuổi con người. Các bậc phụ huynh không ai dám bước vào phòng trò chơi điện tử đinh tai điếc óc ở các siêu thị, chỉ biết đứng ngoài chờ con chơi xong rồi về. Bọn trẻ ngày nay lớn lên trong những âm thanh đầy bạo lực, giết chóc của đồ chơi điện tử, nhạc số, phim ảnh. Năm 2011 là năm mà tiếng ồn ào của người xuống đường át cả tiếng bom đạn của nhiều nhà độc tài ở Trung Đông, Phi châu. Người nghèo, người thất nghiệp, người bị áp bức xuống đường hò hét đòi ăn, đòi việc làm, đòi tự do. Họ la hét đến chết nhưng không được gì. Người ta dùng tiếng ồn để trấn áp tiếng ồn. Các bậc đại nhân cũng góp tiếng ồn ào làm điên đảo cuộc sống. Ồn ào tiếng bom đạn ở chiến trường, ồn ào những lời tuyên bố ở nghị trường, ồn ào những quảng cáo lừa đảo, ồn ào những chiếc thùng rỗng. Ngày xưa người ta đánh trống, thổi sừng trâu gây tiếng ồn để đuổi thú dữ ra khỏi nơi ở của con người, và còn để xua đuổi tà ma; cho nên, trước kia ngày Tết người ta đốt pháo cũng theo ý nghĩa đó. Người ta tin rằng tiếng pháo nổ giòn ngày đầu năm sẽ xua đuổi ma quỷ và những xui xẻo của năm cũ ra khỏi nhà. Ngoài ra, để được hưởng trọn vẹn những ngày Tết vui vẻ với gia đình bạn bè, con người thường có cái tâm lý chung là phải hoàn tất công việc của năm cũ, không để vướng víu chuyện năm cũ qua năm mới. Có vậy trong lòng mới nhẹ nhàng thanh thản. Ngày Tết mà còn lấn cấn lo âu thì sẽ khổ suốt năm. Không ai muốn khổ cả. Mấy đêm trước cô thợ may phải thức khuya may cho xong áo để kịp giao cho khách hàng, ông nọ nhớ mang cái cưa trả cho nhà hàng xóm, bà kia chạy gom cho đủ tiền trả nợ cho xong chiều ba mươi Tết. Với một số người thì Tết là dịp để nhìn lại những gì mình đã được, đã mất để hạ quyết tâm cho năm mới. Có người tự hứa với mình sẽ bỏ thuốc lá, bỏ rượu, bớt bù khú với bạn bè. Có người quyết tâm năm mới sẽ tập thể dục thường xuyên hơn. Có người lên kế hoạch cho việc tiến thân trong học hành, kinh doanh, gia thất cho những ngày sắp tới. Mọi người chuẩn bị chạy ra đường, sẵn sàng khởi hành sớm hơn, đến nơi sớm hơn. Con người là con vật xã hội, không thể sống riêng rẽ một mình. Nhưng cái ý nghĩa cộng đồng, hợp tác lại che giấu một thực tế: Con người thích lẫn vào đám đông, ẩn nấp trong huyên náo để che giấu chân tướng xấu xa của mình, hay để dễ thực hiện những âm mưu đen tối. Người tù nào cũng sẽ bị biệt giam. Khi được giam chung phòng, nhìn người khác mình quên cái ta của mình. Khi ngồi một mình phải đối diện cái ta đầy tham lam, ganh ghét, thù hận, khó mà tránh phải nghe tiếng nói thẳng thắn của lương tâm. Ở thành phố này có cái lệ rất lạ: Khi nhà có tiệc tùng hay tang sự ma chay, người ta tự tiện chặn lấy một đoạn đường, dựng rạp, ăn uống ca hát gây huyên náo cả một khu phố, có khi kéo dài suốt đêm. Người gây ồn thì vô tư, xem như mình có lý do chính đáng để gây huyên náo, hàng xóm không ai bằng lòng nhưng phải gánh chịu. Vì đến phiên mình, họ cũng sẽ làm như vậy. Cái mâu thuẫn của con người là chỉ thích nghe chuyện xấu của người khác, không thích nghe chuyện xấu của mình, thích gây ồn ào cho người khác, nhưng không thích tiếng ồn của người hàng xóm. Theo luật nhân quả có sinh có tử. Có tiếng động thì không có sự thanh tịnh. Con người chỉ muốn xua đuổi tà ma ra khỏi nhà nhưng không muốn xua đuổi tà ma ra khỏi cái tâm của mình. Phật dạy: Kẻ thù nguy hiểm nhất của con người chính là con người. Giáo dục ngày nay đã bỏ quên không dạy con người bài học về giá trị của sự thanh tịnh. Người ta định nghĩa tiếng ồn là loại âm thanh chát chúa, những tiếng chối tai khó nghe hoặc không ai muốn nghe. Không có thanh tịnh thì không thể nghe được tiếng nói của nội tâm mình. Nếu năm mới mà con người vẫn chưa thoát ra khỏi sự ồn náo của năm cũ tìm về thanh tịnh thì thật khó mà tìm ra một nơi yên tĩnh trong cõi đời này. Trong các loại ô nhiễm: nguồn nước, không khí, ánh sáng và tiếng ồn, có lẽ tiếng ồn là loại ô nhiễm nguy hiểm nhất đối với con người. Nó làm con người không còn nghe được tiếng nói của đồng loại, và cũng không nghe được tiếng nói của chính mình. Những hạ quyết tâm ngày đầu năm dù có tốt đẹp đến đâu mà thiếu cái tâm thanh tịnh, không nghe tiếng nói đến từ bên trong nội tâm mình thì rồi ra cũng chỉ loanh quanh trong cái nghĩa vô thường muôn thuở. •
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 170-171
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |