Chi tiết tin tức Ý Nghĩa Cúng Giải Oan Kết 23:13:00 - 28/12/2013
(PGNĐ) - kính bạch chư vị. nay tôi có sưu tầm được một bài nói về giải oan thích kết. cúi mong chư vị theo dõi và đọc để hiểu rõ về hành trì khoa giáo của pháp đàn này.
nam mô đấu chiến thắng phật Đạo Phật chỉ có một mục đích phục vụ sự sống an vui của con người và cho muôn loài động vật cũng như các loài thực vật có sự sống. Trong gần 26 thế kỷ qua vời lòng từ bi và tuệ giác của Đức Phật đã cảm hóa chúng sinh khắp thế gian, học thuyết của Ngài đã trải nghiệm qua các chế độ xã hội của lịch sử tiến hóa loài người và có những giải pháp lâu dài về vũ trụ quan, nhân sinh quan của nhân loại. Hiện nay nước ta đang hội nhập quốc tế và mở cửa, đón nhận nhiều nền văn minh hiện đại làm cho xã hội phát triển năng động, tạo nên nhiều yếu tố tích cực cho nền kinh tế xã hội tăng trưởng; Bên cạnh đó lại có nhiều vấn đề phức tạp, bức xúc của xã hội nảy sinh và có xu hướng gia tăng nổi bật là những vấn đề tự nhiên và xã hội mang tính toàn cầu, thiên nhiên bị hủy hoại, môi trường sống bị đe dọa nghiêm trọng. Đạo đức xã hội băng hoại, niềm tin giảm sút, phân hóa giầu nghèo sâu sắc, nạn thất nghiệp, nghèo đói, người tàn tật, trẻ em lang thang, tệ bạo hành, mãi dâm, nạn nghiện hút, lây nhiễm HIV, các bệnh hiểm nghèo, dị đoan mê tín có chiều hướng gia tăng, tội ác ngày một nhiều hơn. Trước những vấn nạn trên, Phật giáo là tôn giáo đồng hành cùng dân tộc hơn 2000 năm trong công cuộc dựng nước và giữ nước - đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa xã hội, Phật giáo có thể đóng góp gì cho công cuộc xây dựng chế độ mới, cuộc sống mới với mục tiêu :“Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”. Kính thưa Quý vị! Trong Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp quốc tổ chức tại Hà Nội nhiều nét văn hóa đặc sắc của Phật giáo văn hóa được suy tôn. Trong khuôn khổ của tham luận này chúng tôi nêu lên nét đặc biệt của tư tưởng Phật giáo Đại thừa qua việc cúng giải oan cắt kết, một di sản văn hóa phi vật thể của Phật giáo Việt Nam, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Phật dạy : Các vị Bồ Tát phải thiện xảo phương tiện trong việc hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh. Tức là Bồ Tát phải khéo léo vận dụng các phương pháp thích hợp để truyền bá tư tưởng giáo lý của Đức Phật. Tương truyền, khoa cúng đàn thập cúng trong đó có khoa giải oan cắt kết là do Tổ Huyền Quang, Lưỡng Quốc Trạng Nguyên soạn từ thời Trần, để thông qua việc cúng lễ, nơi tập trung đông Phật tử, dân làng và con cháu hiếu chủ mà tuyên truyền, quảng bá tư tưởng lục độ Ba La Mật của Phật giáo Đại thừa, giúp cho họ bỏ ác tu thiện. Vậy mà một thời nó được gắn với tội mê tín dị đoan. Chuyện lầm lẫn đó cũng không lạ. Bởi vì trống, phách, kèn, sáo ầm ĩ các sư pháp sự mặc áo cà sa đầu đội mũ thất Phật, tay kéo, tay dao, khai hoa, kết ấn, chạy đàn cắt những hình người rồi đốt, đọc, tụng toàn âm Hán - Việt chẳng biết ý nghĩa mô tê, nên các nhà quản lý xếp luôn vào với mê tín cho xong. Nhưng thực chất đàn cúng giải oan cắt kết là hiển giáo, lấy việc làm cụ thể để diễn đạt cho cái trừu tượng không có hình tướng, mượn lời nói để giải thích cho những chỗ cốt lõi của đạo không thể dùng lời nói mà diễn đạt được. Về hình thức : Dùng một tấm vải trắng dài khoảng 8 - 10m rộng 0,40m. Căng ngang trước đàn và dán lên đó các hình người có ghi Lục căn, Lục trần, Lục thức, Lục độ Ba La Mật, Thập nhị nhân duyên và một cái khiên cũng theo hình người nhưng lớn hơn treo ở tại đoạn giữa và hai đầu vải thắt lại mỗi bên ba nút. Khi cắt hết các thứ tượng trưng trên thì tấm vải được cắt tại điểm giữa thành hai đoạn. Bạ kết đầu : Khi Pháp sự cắt kết thì cắt nhãn căn, sắc trần, nhãn thức, cắt giải phụ tài, cắt vô minh và hành trong 12 nhân duyên và cắt một chân của cái khiên và cửi ra một nút thắt ở đầu vải. Bạ hai : Pháp sự cắt nhĩ căn, thanh trần, nhĩ thức, cắt giải, phụ mệnh, cắt thức và danh sắc trong 12 nhân duyên và một chân thứ 2 của khiên. Bạ kết 3, 4, 5, 6 cắt các căn, trần, thức.... còn lại và mỗi bạ kết cắt xong thì cửi tháo ra một nút vải thắt buộc. Ngay trên đầu khoa cúng Tổ đã giới thiệu sơ lược về thân thế và sự nghiệp, nguyện lực của Phật cứu độ chúng sinh. “Ngưỡng bạch Đức Phật! Ngài là bậc giác ngộ tròn đầy, biết thế giới là vô thường, dủ lòng từ bi mà cứu khổ cho chúng sinh. Cho nên Ngài giáng sinh vào hoàng cung, cưỡi ngựa trắng vào núi tuyết để tu hành. Vào rừng xanh mà cắt tóc tu hành, chim khách thước làm tổ trên đầu. Con nhện giăng tơ trước mắt. Tu tịch diệt mà chứng quả chân thường, đoạn trừ trần lao mà thành chính giác. Ngài khéo dùng pháp phương tiện cảm ứng khắp cùng, cúi xin Ngài thương xót chúng sinh mà chứng minh công đức này. Hôm nay có trai chủ......... lòng tin thuần khiết hết lòng nương tựa vào khoa giáo mở đàn lục độ diễn giảng kinh văn, nhờ những lời dạy bảo giúp thêm của pháp sự. Nghĩ rằng vong linh do căn với trần đối đãi nhau khiến cho oan nghiệp trói buộc. Nay nhờ pháp môn Phật dạy để cửi bỏ những mối kết buộc cho chúng sinh. Tín chủ thành tâm thay cho chân linh tới trước Tam Bảo để giải những những phiền não từ hồi vô thủy. Như vậy muốn cho đàn cúng giải oan cắt kết thành công, điều cơ bản là trai chủ phải thành tâm thay cho các vong linh ở trước Tam Bảo với lòng thương và chứng minh của Phật để mà giải kết. Điều quan trọng thứ hai là các vị pháp sự phải thực hành theo đúng như khoa giáo và cũng phải nhất tâm. Bởi vì lòng tin là mẹ đẻ ra mọi công đức thiện. Tiếp theo khoa cúng nêu lên nguyên nhân vì sao mà vong linh bị kết buộc dẫn đến đau khổ trầm luân không thoát ra được và đưa ra ví dụ của Đức Phật trên Hội Lăng Nghiêm, Ngài đã lấy khăn vải kết buộc vào lại cởi bỏ ra để dạy cho đệ tử là A Nan và đại chúng rằng : “Này A Nan, khiến cho các ông nhiều kiếp sinh tử luân hồi, chỉ vì sáu căn mà làm cho các ông chứng được đạo quả Bồ Đề an vui giải thoát, cũng chỉ vì sáu căn của các ông mà thôi”. Phật học phổ thông tập 3, tr.518 “A Nan ông xem cái khăn đã buộc sáu nút dây có thể đồng một thời mở được hết sáu nút được không?”. “A Nan trả lời :“Bạch Thế Tôn : Sáu nút tuy cùng một cái khăn, song khi buộc đã tuần tự mà buộc, thì khi mở cũng phải theo thứ lớp mà mở không thể cùng một lúc mà mở được hết”. Phật học phổ thông tập 3, tr.524 Trong khoa viết : Kính nghe! Diệu tính vốn lặng trong, thường ở yên không có đi có đến. Ở trong chân như không thay đổi mà tùy theo điều kiện mà hiện ra là sắc hay là không (vật chất hay tinh thần). Chỉ vì trong một loáng khởi lên vọng tâm mà khuấy động biển giác vốn lặng trong làm cho tam tế chuyển ra thành nghiệp. Lục thô khởi do trí trói buộc mà bị khổ. Tướng tựa vào tính khởi mà tình sinh, trí cách ngàn trùng, tâm chạy theo vật đổi. Tướng biến dẫn đến hình thể khác ra vạn trạng, cho tới lấy nợ, trả nợ đều là theo mê vào mê. Hoặc, nghiệp, khổ gộp lại thì ác xấu tỏa ra. Căn, trần, thức gắn kết như keo sơn. Mắt nhìn thấy sắc, nhãn thức tham đắm mà ái nhiễm lớn lên không ngừng. Tai nghe tiếng, nhĩ thức phân biệt mà phải trái nối dài, cho đến mũi, lưỡi, thân, ý kết giao với xúc, pháp, vị, hương. Thức dựa vào căn, căn dựa vào trần ba duyên hòa hợp. Tình sinh ái, ái sinh ham muốn, nên bị vạn kiếp luân hồi. Một ngày thành oan gia thì nhiều đời khó mà giải thoát. Cảnh trần bên ngoài khuấy động, phiền não trong tâm nhiễm trược càng tăng. Không dời cảnh trên mà không bị trầm luân và không có giải thoát. Trong giáo pháp thanh tịnh mà tự sinh ra trói buộc. Đức Phật tại Hội Lăng Nghiêm nói rộng nghĩa Đại thừa rồi lấy chiếc khăn hoa ra buộc kết vào lại cởi nút ra vì mọi người mà giải thích về lục căn và lục kết. Cho nên nói rằng Đức Thế Tôn là bậc thày tự tại, từ chỗ không có lời nói mà mượn lời để nói. Ở trong hư không kết buộc trong cái không mà giải cái không đó. Nay nhờ sức từ bi của Phật sẽ vì chân linh mà giải kết”. Qua đoạn văn bạch trên chúng ta thấy do sáu căn tiếp xúc với sáu trần khởi lên vọng niệm phân biệt nên bị trói buộc gọi là kết. Còn bậc thánh nhân cũng từ căn trần ấy nhưng vì giác ngộ, không khởi phân biệt, không chấp thật có ngã, có pháp, nên được giải thoát thì gọi là Giải thoát. Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy :“Căn, trần cùng một thể, triền phược và giải thoát không hai (mê thì triền phược, ngộ thì giải thoát). Các thức hư vọng cũng như hoa đốm giữa hư không. Vì có trần cảnh, nên ở nơi căn mới khởi ra phân biệt. Vì đã có cái năng phân biệt ở nơi căn nên mới hiện ra cái tướng bị phân biệt là cảnh. Căn (kiến) và cảnh (tướng) đối đãi nhau vọng hiện, chứ không thật có (vô tính)” Phật học phổ thông tập 3, tr.518 Bạ kết thứ nhất : Bài kệ nêu lên : Luân hồi sinh tử qua hàng nghìn vạn kiếp từ ngàn xưa, Không được giải thoát đều do phiền não (tham, sân, si) gây nên. Tôi nay cắt đứt gốc rễ của phiền não. Lấy sáu pháp Ba La Mật để giải kết. Bài kệ nói nguyên nhân đưa đến cảnh khổ của chúng sinh bị luân hồi từ xưa tới nay và phương pháp giải trừ những mối oan kết bằng cách lấy pháp lục độ của Bồ Tát để cắt bỏ tham, sân, si để đạt đến giải thoát và giác ngộ. Khoa nêu lên : Nay có vong linh............ Lúc còn sống ở trên đời tâm khởi tham lam. Tiền tài của mình không giúp đỡ cho người khác, vàng bạc châu báu mưu toan thu vén về mình. Không biết rằng của cải ấy là vật lưu thông trong thiên hạ, mà thu vén gom góp về chôn dấu, không đem cứu giúp người nghèo. Chứa góp tiền tài càng nhiều thì mối oan kết càng sâu. Nay lấy bố thí để độ cho san tham, lấy giải phụ tài (chứa góp tiền tài) để giải mối kết buộc oan gia. Nam mô Bố Thí Ba La Mật, dĩ giải phục tài oan gia chi kết. Nghĩa là thành kính bố thí siêu việt để cắt bỏ mối kết buộc do tham lam chứa góp tiền tài. Theo Phật dạy : Bố thí bao gồm Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí. Tài thí : có nội tài và ngoại tài. Nội tài là máu, thịt, các bộ phận trong người hoặc cả sinh mạng của mình, ngoại tài là tiền tài, của cải nhà cửa quốc thành v.v... Nhưng cách bố thí mới là quan trọng. Theo Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, Phật dạy :“Lúc thực hành bố thí Ba La Mật Bồ Tát đúng với tâm nhất thiết trí (tâm Phật) mà bố thí. Quán các pháp như ảo. Không thấy có người thí, chẳng thấy có vật cho, chẳng thấy có người nhận” hay gọi là bố thí mà không trụ tướng, không chấp tướng. Như vậy vì tham lam tiền bạc thu vén về riêng mình không biết chia sẻ giúp đỡ người khác, cậy tiền của mà khinh người đã tạo thành mối oan kết. Nay lấy việc trợ giúp người nghèo khó một cách vô tư, đó là cách cắt bỏ mối oan kết tốt nhất. Tiếp theo là bài kệ : Cửi nút, cửi nút, cửi nút oan Cởi hết nhân oan nợ của đời trước Cửi oan thù trăm nghìn vạn kiếp Vô lượng vô biên được giải thoát Giải hết oan, diệt hết tội Nguyện gặp Hội Long Hoa trong tương lai Nguyện gặp cả ba Hội Long Hoa Chứng quả vị Phật chẳng thoái lui Án sỉ lâm, án bộ lâm diệt Kim tra, kim tra tăng kim tra Ta nay vì vong linh cửi kim tra Sau cuối không cùng vong linh buộc kim tra Án cường trung, cường cát trung cát. Ma ha hội lý hữu thù luật. Tất cả oan gia lìa thân ta Ma Ha Bát Nhã Ba la mật. Nam Mô giải oan kết Bồ Tát Ma Ha Tát. Bạ cắt kết thứ 2 : Vô thủy luân hồi thiên vạn kiếp Giải do phiền não bất giải thoát Ngã kim đoạn trừ phiền não căn Lục Ba La Mật vi giải kết. Nay có vong linh....................... Ngày xưa ở cõi Diêm Phù (thế giới ta đang sống) tham đắm việc tà dâm, khiến cho loạn tâm, thất tính cho tới mất mạng, xác tan, không biết rằng cái sắc đẹp của người con gái còn tệ hại hơn cả hỗ dữ và rắn độc. Cho nên sát hại cuộc sống của loài khác để nuôi béo sắc thân của mình. Mối oan kết đã sâu thì việc trả nợ khó hết được. Nếu không trì giới thì sao thoát khỏi oan hồn. Nay lấy trì giới mà độ cho tà dâm để cửi mối kết buộc oan gia phụ mệnh. Nam Mô trì giới Ba La Mật, dĩ giải phụ mệnh oan gia chi kết. Nghĩa là : Thành kính trì giới siêu việt để cửi bỏ mối kết buộc oan gia phụ mệnh. Giới dùng để ngăn ngừa lỗi lầm và chấm dứt điều ác. Trong lục độ thì giới độ gồm tam tụ tịnh giới : nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới và nhiêu ích hữu tình giới. Tức là chấp hành các quy định, làm tất cả mọi điều thiện và cứu giúp cho tất cả chúng sinh. Trì giới Ba La Mật là Bồ Tát chăm tu không nghỉ và không thấy có hai sự trì giới và phá giới. Như vậy, việc giữ các điều giới cấm, hay pháp luật để diệt trừ những hành động, lời nói và tư tưởng sống buông thả, xa đọa sẽ mang lại sự an vui cho ngay bản thân mình, hạnh phúc cho gia đình và một xã hội tốt đẹp. Nhưng điều quan trọng là không được trụ tướng và chấp tướng vào việc mình giữ giới, mình chấp hành pháp luật, mà coi các việc này bình thường như hít thở không khí. Bạ kết thứ 3 : Vô thủy luân hồi thiên vạn kiếp Giai do phiền não bất giải thoát Ngã kim đoạn trừ phiền não căn Cục Ba La Mật vi giải kết. Nay có vong linh...... xưa kia lúc sống trên đời hay sân nộ mở miệng ra thì oán trời, hận đất, cất tiếng thì mắng thánh chê hiền, trợn mắt trau mày mà nhìn người, bội nghĩa, vô ơn, lừa thày phản bạn, mang tâm phẫn chí chấp ngã chấp nhân (chấp có cái ta, chủ nghĩa cá nhân). Nếu không lấy tâm nhẫn nhục thì khó tránh khỏi quả báo hàm oan. Nay lấy nhẫn nhục mà độ sân huệ để cửi bỏ mối oan gia phụ tâm. Nam mô nhẫn nhục Ba La Mật dĩ giải phụ tâm oan gia chi kết. Nói về nhẫn nhục bao gồm : - Nại oán nhẫn (nhẫn chịu sự oán hại). - An thọ khổ nhẫn (nhẫn cam chịu các khổ). - Đế sát nhẫn (quán chiếu bản tính vô sinh của các pháp). Như vậy, muốn cắt dứt mối oan kết do không nhẫn nhục được mà khởi lên sân hận ta phải dùng tâm nhẫn nhục Ba La Mật mới giải trừ được oan kết. Vì lửa sân hận còn tai hại hơn lửa thế gian rất nhiều. Lửa thế gian chỉ cháy mất của cải ở thế gian còn lửa sân hận đốt cháy cả thất thánh tài. “Bồ Tát phải dùng tâm nhất thiết trí để không thấy kẻ mắng nhiếc, kẻ đánh đập, kẻ giết hại, cũng không thấy dùng pháp không này để nhẫn nhục”. Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật tập 1, tr.218. “Quán các pháp, rỗng không, không có tác giả, không có thọ giả dù bị người mắng nhiếc, đâm chém, tâm Bồ Tát như ảo, như mộng” Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật tập 1, tr.215 Bạ thứ 4 : Kệ như trên Nay có vong linh......... Xưa kia sống ở trên đời, buông thả thân, tâm, chưa từng lễ Phật, niệm kinh, bỏ phí công lao, sức lực. Tấm thân, sớm chiều vạ vật, cả ngày lười biếng dong chơi tạo nên cái tâm thái quá phụ lực. Ngày nay không chuyên cần tích cực, khi nào mới thoát khỏi oan gia. Lấy tinh tiến (tích cực) độ cho tâm lười biếng (giải đãi) để giải trừ mối oan gia phụ lực. Nam mô tinh tiến Ba La Mật, dĩ giải phụ lực oan gia chi kết nghĩa là : Thành kính tích cực siêu Việt để cửi bỏ mối kết buộc oan gia phụ lực. Nam mô giải oan kết Bồ Tát Ma Ha Tát. Tinh tiến là động lực thúc đẩy việc tu tập đi đến thành công. Tinh là chuyên nhất, hay dốc lòng thành, mang hết năng lực, tâm trí của mình ra hành động để đưa đến kết quả viên mãn, thành chính giác. Tiến là không lùi. Như vậy hành giả lấy tinh tiến Ba La Mật để diệt trừ sự kết buộc do lười biếng dong chơi hoặc làm lãng phí công sức của người hoặc thời gian chơi bời vô bổ của bản thân mình. Bạ kết thứ 5 : Bài kệ : Vô thủy luân hồi thiên vạn kiếp, giai do phiền não bất giải thoát. Ngã kim đoạn trừ phiền não căn. Lúc Ba La Mật vi giải kết. Nay có vong linh....... Lúc còn sống ở trên đời, cách sống đối với mọi người, lòng nghĩ thường hay tráo trở, tính nóng như lửa tới tận trời, cất bước mà bao loài bị chết, buông lòng thỏa ý làm càn. Lúc nào cũng nghĩ tới ác nhân, luôn luôn tính toan làm việc xấu : Không lấy tọa thiền, khó mà giải thoát oan khiên. Lấy thiền định độ tâm tán loạn để cửi bỏ mối oan gia phụ đả. Nam mô thiền định Ba La Mật, dĩ giải phụ đả oan gia chi kết. Như vậy mối oan kết này do tâm loạn động khiến cho thân hành động mù quáng mà tạo ra mối oan kết này. Phật dạy :“Tội từ tâm khởi lên thì cũng lại từ tâm mà diệt đi”. Vì vậy phải tọa thiền đề cho tâm an định, trở về nơi xuất phát, vốn thanh tịnh, lặng trong, bản nhiên tự tại thì các mối oan kết tự diệt. Bạ kết thứ 6 : Sau khi đọc bài kệ Pháp sự lại nhắc : Nay có vong linh....... Sống gửi ở cõi đời chỉ chạy theo cái thân hình như huyễn mộng. Tâm thì không có trí tuệ. Mỗi khi làm, tính lại ngu si, khởi tâm là động niệm, dựa vào thần thức mà phân biệt nọ kia. Uốn lưỡi khua môi toàn chửi mắng khinh người, rẻ của. Lại còn nhìn khinh bỉ người ta, tránh sao thoát hàm oan với họ. Nếu không nhờ đến trí tuệ Phật Pháp sáng soi, làm sao nơi u ám tối tăm được rạng tỏ. Nay trước tòa Tam Bảo nên một lòng quy mệnh. Lấy trí tuệ mà độ ngu si để giải mối oan gia phụ mạ. Nam mô Trí tuệ Ba La Mật dĩ giải phụ mạ oan gia chi kết. Bạ kết thứ sáu, mối kết buộc là do ngu si, do tâm vọng động mà tạo nên, do thức phân biệt, do miệng chửi rủa, mắng nhiếc người mà tự kết buộc. Nay lấy trí tuệ Ba La Mật là trí tuệ xuất thế gian để độ cho ngu si. Trí tụê như ánh sáng tới thì tối tăm u ám đều hết. Người tỉnh ngộ thì hết mê mộng, oan kết tự hết. Lại một lần nữa nhắc lại bài kệ. Vô thủy luân hồi thiên vạn kiếp, giai do phiền não bất giải thoát, ngã kim đoạn trừ phiền não căn, Lục Ba La Mật vi giải kết. Nay có chúng sinh do lục căn tiếp xúc với lục trần, rồi lục thức tác động vào mà thành lục kết. Đức Phật ta mở ra pháp môn Lục độ để hàng phục lục tặc, tu lục Ba La Mật mà chứng được Lục thông. Ngưỡng mong chư Phật rủ lòng từ bi giải thoát mối oan nghiệp cho chúng sinh và thiện nam, tín nữ trong pháp hội hiện tiền, kẻ mất, người còn cùng có lòng tin sâu chắc, đồng lòng cùng nhau tụng chân kinh lục tự. Sau phần đọc sớ lại có lời bạt cuối cùng. Trộm nghĩ rằng : Quả Tam kỳ (quả Phật) đã tròn đầy rồi, Phật lại thị hiện như hoa ưu đàm ở đời, thân hóa ra cả nghìn loại để diễn giảng những giáo điển khó nói, lấy thí dụ tam xa để độ các loài hàm linh (loài có sự sống) trong tam giới thành tựu Tam giác Bồ Đề, chứng quả Tam không ngay đó. Thân Phật tướng đẹp lồng lộng như núi vàng Bát Nhã, Biển pháp lặng trong sáng láng tựa trăng trong Ngân hán. Cõi Tây Thiên hay miền Đông độ : Các vị Bồ Tát hay Thánh Tăng, nói Pháp về thế giới này hay về phương khác. Ứng cúng tại cõi nhân gian hay các cõi trời. Dù nghịch hành hay thuận hành đều là Phật sự. Nâng chân lên, đặt chân xuống, tất cả đều là Đạo tràng. Nay Pháp sự sắp được viên mãn, chuẩn bị trao phó điệp đại giới Bồ Đề, ở trước Bảo tòa chư Phật cấp cho chân linh, trang nghiêm tuyên đọc. Như vậy từ đầu tới cuối của khoa cúng không hề có một nét gì mê tín, mà tràn ngập tư tưởng Đại thừa liễu nghĩa. Khi sáu căn tiếp xúc với 6 trần cảnh, nếu khởi vọng niệm phân biện thì đó là gốc của vô minh, triền phọc (kết buộc). Và cũng chính từ sáu căn đó mà giác ngộ là thành Phật. Từ vô thủy chúng sinh theo dòng sinh diệt, bỏ tính chân như sáng suốt, chấp ngã, chấp pháp mà sinh ta phiền não sai lầm. Nên không phải căn cũng gọi là căn, không phải trần cũng gọi là trần, không phải thức cũng gọi là thức mà không biết rằng tất cả các pháp đều là Như Lai tạng tính. Nếu chính nơi căn, trần, thức ấy chúng sinh nhận rõ các pháp đều duyên nhau mà phát khởi chấp mắc thì gọi là trói buộc. Nếu không có sai khác, thì tất cả đều là tính chân như sáng suốt, là Như Lai tạng tính vốn trạm nhiên, thường trụ. Ngay chính từ chỗ mê mà hết mê, tức là giác ngộ, là cởi nút buộc, là giải thoát. Không cần tìm đâu xa ngay trong phiền não có Bồ Đề. Nên dù giải thoát hay trói buộc cũng không ngoài Như Lai tạng tính, nó cũng không hai, không khác. Ngày từ đầu khoa cúng Tổ đã nêu vong linh do căn, trần đối đãi mà tạo nên oan nghiệp trói buộc. Tuy chân tính không hề sai khác mà đã có trói buộc thì phải có tu hành phương tiện để cửi mở. Về lý thì có thể ngộ liền. Về sự thì phải tuần tự mà đi tới, theo thứ lớp mà cửi bỏ, tháo gỡ dần, từ lớp thô phù cho tới vi tế. Mở cả được sáu nút là hết vọng và trở về chân. Chính từ nơi sáu căn mà thành chính giác. Lấy Lục Ba La Mật để cửi bỏ các kết buộc do sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Lấy bố thí đối trị san tham, lấy trì giới độ cho phá giới, lấy nhẫn nhục để độ cho sân hận, lấy tích cực độ cho lười biếng, lấy thiền định độ cho tâm tán loạn, lấy trí tuệ độ cho ngu si. Trong Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy :“Mở nút đầu tiên là phá trừ ngã chấp, chứng được nhân không. Mở nút thứ hai là phá trừ pháp chấp, sau mới chứng được pháp không”. Kinh Lăng Nghiêm Phật học phổ thông tập 3 tr.524 Người hành Bồ Tát đạo tu tất cả mà không thấy tướng mình tu chứng đắc mà không có tướng chứng đắc (vô sở đắc). Ngày nay trong đất nước ta đang hội nhập kinh tế thế giới, là cơ hội tốt cho sự thu hút đầu tư cho tăng trưởng kinh tế. Nhưng mặt trái của nó cũng tác hại ghê gớm nó phá vỡ rất nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp, nhiều thuần phong mỹ tục bị đảo lộn, sự phân hóa giầu nghèo ngày càng cách biệt xa hơn v.v... Đứng trước những vấn nạn đó, Phật giáo với truyền thống luôn đồng hành cùng dân tộc và được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng của Nhà nước nhất định Phật giáo Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau sẽ tuyên truyền, vận động mọi người tu học lục độ để tự mình giải oan cho mình ngay thời hiện tại đây. Hoặc là tùy theo khả năng, sức lực của mình tùy ở mỗi địa vị làm việc, công tác ai cũng làm thiện, ai cũng giúp đỡ, chia sẻ với người khác từ ý nghĩ thiện, lời nói thiện, hành động cũng thiện. Để tự trừ bỏ ba thứ tham, sân, si là gốc của khổ đau luân hồi sinh tử, sẽ tạo dựng thành một quốc độ thanh tịnh và an lạc ngay tại thế gian này. Vì theo Phật dạy :“Tâm tịnh quốc độ sẽ tịnh, tâm nhơ quốc độ sẽ nhơ”. Nếu được thành công như vậy, chính là đã phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tốt nhất. Đúng như cuối khoa cúng Tổ đã dạy :“Các vị Bồ Tát, hoặc Thánh Tăng đi thuyết pháp ở nơi này hay nơi khác, thuận hành, hay nghịch hành tất cả đều là Phật sự, nâng chân lên, đặt chân xuống mỗi bước đi đều là đạo tràng”. Cho nên việc lập đàn giải oan cắt kết chỉ là phương tiện để tuyên truyền tư tưởng Phật giáo Đại thừa và dạy cho mọi người sống một cuộc sống vô ngã vị tha để diệt trừ chấp ngã, chấp pháp mà thành chính giác. Chúng tôi mong muốn nét văn hóa di sản phi vật thể này được bảo tồn và phát huy để Phật giáo cùng chung tay xây dựng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc góp phần xây dựng đất nước ta theo phương châm :“Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”. nam mô tăng phúc thọ bồ tát ma ha tát. ad đạo cao long hổ phục đức trọng quỷ thần kinh.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |