Chi tiết tin tức “Giáo dục PG Khmer trong tiến trình hội nhập và phát triển” 00:42:00 - 15/09/2014
(PGNĐ) - Tham luận của HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư GHPGVN, tại Hội nghịchuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ VI, tháng 9-2014 (trích)
Thực tế cho thấy nơi nào có phum srok (tương tự đơn vị hành chánh làng xã của người Việt) thì nơi đó có chùa, đúng như nếp sống văn hóa của người Khmer: “Kon lóengana, niêm Khmer, kon lóeng nưng, niêm watt” (Nơi nào có người Khmer thì nơi ấy có chùa). Chùa là nơi sư ở và tu học và đào tạo đệ tử để phát triển mạng mạch Phật pháp. Sư cũng là người hướng dẫn cho con em Phật tử đến chùa tu học, trải nghiệm đời sống tâm linh thông qua việc tổ chức giảng dạy giáo lý, lễ lạt, cầu an, cầu siêu, cũng như hướng dẫn nếp sống đạo đức qua việc dạy nghề, nuôi dưỡng thân mạng đúng Chánh pháp… có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống dân chúng. Nói một cách cụ thể, vị sư là người thầy đầu tiên của nền giáo dục PGNT Khmer được nhìn nhận như là chủ thể giáo dục. Hẳn nhiên, đối tượng giáo dục phổ thông, ngoài việc đào tạo Tăng tài tiếp nối dòng mạch Phật pháp, người học chủ yếu là đồng bào con em Phật tử người Khmer được xem như đối tượng giáo dục chủ lực. Với một đối tượng giáo dục như trên, bao gồm giới đệ tử xuất gia trọn đời, sống đời sống không gia đình và giới đệ tử tại gia (bao gồm cả người hoàn tục), thì mục đích tối hậu của giáo dục Phật giáo là nhằm giáo dục cho người ta tự biết mình và cuộc đời để tiến đến mục đích giải thoát Niết-bàn ngay giữa cuộc đời này. Vì thế, mục tiêu giáo dục Phật giáo không chứa đựng một nội dung bao quát như giáo dục nói chung mà mục tiêu cụ thể, trước mắt đối với các vị phát nguyện xuất gia trọn đời thì hướng tâm xây dựng nếp sống phạm hạnh, thánh hạnh trong tập thể Tăng-già. Thế nên, Tăng-già là biểu trưng cho những mẫu người lý tưởng mà con người muốn vươn tới là Phật. Học tập, tu hành để làm Phật. Con người lý tưởng mà giáo dục Phật giáo cần lấy khuôn mẫu để đào tạo là chư Thánh tăng đã chứng đạo được kinh điển ghi nhận. Mặt khác, mục tiêu phải được hiểu là những điểm cuối của cả quá trình mà các đối tượng của giáo dục (người học) phải đến trên một lộ trình dài có nhiều chặng phải vượt qua để đạt được lý tưởng tối hậu, vì vậy giáo dục Phật giáo tùy hoàn cảnh, tùy trình độ từng cá nhân mà có những mục tiêu trước mắt khác nhau. Đó là hình ảnh chư Tăng tài đức, có khả năng tu tập, chứng đạt tâm linh có khả năng giảng dạy, hướng dẫn các sư sãi và Phật tử PGNT Khmer trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, góp phần xây dựng xã hội an lạc. Đối với hàng tại gia, tập trung vào xây dựng một nếp sống hiền thiện, đạo đức theo tinh thần Phật giáo. Trong tinh thần đó, truyền thống tu tập của đồng bào Phật tử Khmer, bất cứ ai sinh ra và hiện hữu ở đời cũng vào chùa tu học, được nghe pháp, hành pháp, dạy chữ, dạy nghề… trong một thời gian với mục đích: Một là tu báo hiếu; Hai là rèn luyện đạo đức; Ba là học tập chữ nghĩa; Bốn là thực hành nếp sống tập thể. Đây là hình ảnh những con người có nhân cách, mang ý nguyện tu tập theo giáo lý nhà Phật, đồng thời biết thích nghi với xã hội, với những kiến thức kỹ năng hiện đại, được xem một trong những đặc trưng nổi bật của truyền thống giáo dục PGNT Khmer mà không phải hệ phái nào cũng có. Khi mục tiêu giáo dục đã được đề ra như thế nào, thì nội dung giáo dục phải có chất liệu như thế đó để có thể đáp ứng và đạt hiệu quả. Kế thừa truyền thống giáo dục Phật giáo từ thời Đức Phật, toàn bộ nội dung giáo dục PGNT Khmer cũng không ngoài con đường thực thi Giới Định Tuệ đã được giải trình qua Tam tạng thánh điển Pali. Giới là những giới điều đã lãnh thọ, có ý nghĩa giữ mình, nâng cao phẩm hạnh của người xuất gia, khiến tâm trong sạch. Định là sự ổn cố tâm lý, phát triển tâm linh. Tuệ là sự sáng suốt hợp với chân lý. Giới Định Tuệ có mối liên hệ mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau. Một người có giới thì có định, có định mới sinh tuệ, có tuệ mới thấy rõ mới hành trì giới và thành tựu định. Đối với người tại gia, giới được xem là đạo đức, là sự tiết độ, sự răn đe. Định là sự vững vàng, sự vươn lên. Tuệ là sự nhận thức đúng đắn, kiến thức đầy đủ về mình, về cuộc đời. Một người Phật tử giữ năm giới, thọ Bát quan trai là nhằm tu dưỡng đạo đức, đưa đến đời sống an lạc. Để các nội dung giáo dục Phật giáo đến với mọi người, PGNT Khmer đã áp dụng nhiều phương pháp, biện pháp giáo dục truyền thống có từ thời Đức Phật. Một trong đặc trưng phương pháp giảng dạy hữu hiệu của PGNT Khmer là phương pháp thầy dạy cho trò. Chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh các Phật tử đảnh lễ dưới chân các vị sư để học pháp và hành pháp trong các ngôi chùa Nam tông Khmer ở miền Tây Nam Bộ. Trong các thời thuyết giảng, các sư đã vận dụng nhiều phương pháp, biện pháp để giảng dạy giáo lý. Có khi do được hỏi, có khi sư chủ động gợi ý bằng câu hỏi, rồi trả lời bằng phương pháp trích dẫn kinh điển, lấy ví dụ, ẩn dụ, hay so sánh đối chiếu… mà chúng ta thấy các phương pháp này ngày nay ngành sư phạm học đường thường vận dụng.
(…..) Ngày nay, cùng với sự phát triển giáo dục Phật giáo nói chung, PGNT Khmer được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và GHPGVN một mặt vẫn phát triển mô hình giáo dục nhà chùa, mở nhiều lớp dạy giáo lý, Sơ cấp Vini, Pali, Anh ngữ, tin học tại chùa, ngoài ra còn mở trường Trung cấp Pali, Học viện PGNT Khmer, hình thành một hệ thống giáo dục Phật giáo khá hoàn thiện cho hệ phái mình. Trong đó,hệ thống giáo dục Phật giáo tại chùa là mô hình giáo dục truyền thống phát triển mạnh nhất được PGNT Khmer duy trì từ xưa đến nay.
Sự gắn bó giữa nhà chùa (nhà trường) với quan niệm ‘Sống gửi của, chết gửi hài cốt’ đã giúp cho việc giáo dục con em Phật tử diễn ra thuận lợi và hiệu quả. Các con em vào chùa vừa học giáo lý, học chữ, học nghề, học văn hóa, học rèn luyện nhân cách đạo đức, nói chung mô hình này được gọi là mô hình học tu. Có thể nói, trường học đầu đời của đồng bào Khmer là tại các ngôi chùa. Việc dạy học là do sư hoặc cư sĩ (sư hoàn tục sau khi hết duyên phát nguyện) đảm trách. Việc học của con em ở trong chùa được nhìn nhận như là sự phát nguyện vào tu trong chùa. Người dạy chính là các sư được đồng bào cung kính và hiện hữu như đại diện cho Tam bảo để truyền đạt triết lý sống hướng thiện của Đức Phật, còn người học trò vào chùa học tự nhận thức mình là con em của Phật, phải nghiêm túc học tu trước ba ngôi Tam bảo. Sự truyền đạt của người thầy và tiếp nhận của người học trò vừa mang ý nghĩa đặc trưng giáo dục Phật giáo này đã mang lại hiệu quả rất cao nếu chúng ta biết khai thác tối đa. Đây là nguồn nhân lực để phục vụ đạo pháp và đất nước nếu được tổ chức tốt. HT.Thích Giác Toàn
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |