Chi tiết tin tức Vị trí và vai trò của người cư sĩ, Phật tử trong thời đại đất nước hội nhập, phát triển 10:40:00 - 05/01/2023
(PGNĐ) - Bài viết Vị trí và vai trò của người cư sĩ, Phật tử trong thời đại đất nước hội nhập, phát triển của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là bài tham luận trình bày tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội), tháng 11/2022.
DẪN NHẬP Ban Hướng dẫn Phật tử là một trong 6 ban được thành lập ngay từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập vào năm 1981, chứng tỏ chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội thời bấy giờ đã xác lập vai trò và vị trí của giới cư sĩ và Phật tử rất quan trọng trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bởi lẽ, sau khi Đức Phật thành đạo thuyết pháp độ sinh, Ngài đã khẳng định trong Hội chúng của Ngài có hai hội chúng cốt lõi làm cho Chánh pháp trường tồn và đem lại sự hạnh phúc, sự an lạc và giải thoát cho mọi chúng sinh: “Này các Tỳ kheo, Ta nói rằng có hai hội chúng lớn trong đạo giải thoát, Hội chúng xuất gia là hội chúng từ bỏ gia đình, sống không gia đình, hành trì phạm hạnh đi đến giải thoát, chính các Tỳ kheo là những người làm cho Chánh pháp được sáng tỏ, được duy trì ở đời lâu dài, các vị ấy cũng là người thầy tâm linh hướng dẫn hàng tại gia tu tập giải thoát như họ. Còn Hội chúng tại gia là những người cận sự nam, cận sự nữ, thực thi đời sống hướng thiện, chính họ là những người nương tựa hội chúng xuất gia mà hộ trì chánh pháp được duy trì lâu dài” (Kinh Tăng Chi). Ngày nay, Ban Hướng dẫn Phật tử là một trong 13 ban viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Theo quy luật vận động lịch sử, Ban Hướng dẫn Phật tử còn có cấu tạo thêm 5 Phân ban: 1. Phân ban Cư sĩ. 2. Phân ban Gia Đình Phật tử. 3. Phân ban Thanh Thiếu Nhi. 4. Phân ban Phật tử dân tộc. 5. Phân ban Phật tử hải ngoại. Mục đích là đáp ứng nhu cầu tu tập và đóng góp của giới cư sĩ, Phật tử trong ngôi nhà Giáo hội của một đất nước Việt Nam phát triển thịnh vượng. Bài tham luận này chỉ tập trung bàn về “Vị trí và Vai trò của người cư sĩ, Phật tử trong thời đại Đất nước hội nhập phát triển” trong bối cảnh đất nước ta hội nhập và phát triển trong thời đại 4.0 như là quy luật vận động tất yếu của lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam. KHÁI NIỆM CƯ SĨ VÀ PHẬT TỬ TRONG PHẬT GIÁO Khái niệm cư sĩ Theo Hòa thượng Thánh Nghiêm, tác giả Phật giáo Chánh Tín thì từ cư sĩ xuất hiện lần đầu tiên trong Kinh Duy Ma Cật, trong kinh, Ngài Duy Ma Cật được gọi bằng ba danh hiệu: Một là Trưởng giả trong phẩm “Phương tiện”, hai là Thượng nhân hay Đại sĩ trong phẩm “Văn Thù thăm bệnh”, ba là cư sĩ trong phẩm “Bồ tát”. Theo các ngài Cưu Ma La Thập, Huyền Trang, Trí Khải thì ngài Duy Ma Cật nguyên là một vị bổ xứ Bồ tát (vị Bồ tát sắp chứng quả Phật) trên cõi Phật A Thiềm ở phương Đông. Để hỗ trợ cho sự nghiệp giáo hóa của Đức Phật Thích Ca, Ngài Duy Ma Cật đã thị hiện thành một vị tại gia mà trình độ giác ngộ, giải thoát của Ngài khiến cho một vị đại Bồ tát trí tuệ hàng đầu như ngài Văn Thù cũng phải nể phục. Trong Kinh Duy Ma, từ cư sĩ đồng nghĩa với từ đại Bồ tát. Trong Kinh Trường A Hàm có từ “Cư sĩ báu”, chỉ cho vị quan đại thần trông coi kho vàng bạc của vua Chuyển Luân Vương. Rõ ràng từ cư sĩ ở đây chỉ cho nhà quản lý được vua trọng dụng. Ở Ấn Độ ngày xưa, đẳng cấp thứ ba sau hai đẳng cấp Bà la môn và Sát đế lỵ là đẳng cấp Vệ xá (vaisyas) bao gồm các công thương gia, các nhà doanh nghiệp. Từ Cư sĩ báu nói trên chỉ các công thương gia, các nhà doanh nghiệp thuộc đẳng cấp Vệ xá này. Vào thời Phật Thích Ca, từ cư sĩ được dùng rộng rãi để chỉ các gia chủ có thể là Phật tử hay không phải là Phật tử. Trong Kinh Giáo thọ thi Ca la việt (Trường A Hàm). Từ Ca la việt chỉ cho cư sĩ. Kinh này ở tạng Pali, có tên gọi là Singalovada, dịch ra chữ Hán là Kinh Thiện Sinh. Như vậy, từ cư sĩ trong Kinh Singalovada đồng nghĩa với từ gia chủ. Khái niệm Phật tử Phật tử là những người thọ trì tam quy ngũ giới (3 ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng và 5 giới: Không sát sinh, Không lấy của không cho, Không tà dâm, Không vọng ngữ), thực thi đời sống hướng thiện qua sự hành trì giáo pháp đức Phật giảng dạy. Đối với Phật giáo Việt Nam, trong nghĩa rộng, cư sĩ vẫn là Phật tử, chính những người có đóng góp lớn cho Phật giáo, hay cho Giáo hội thì được tôn vinh là cư sĩ. Tuy nhiên, những người dù chưa có quy y Tam bảo, thọ trì 5 giới dành cho giới tại gia, do điều kiện khách quan, hoặc chưa thuận duyên, nhưng có niềm tin, tín ngưỡng với Phật Pháp Tăng, họ vẫn đi chùa lễ Phật, tụng kinh bái sám ngồi thiền, sống thiện với Chánh pháp vẫn được nhìn nhận là Phật tử, là tín đồ của Phật giáo. Như vậy, cư sĩ và Phật tử vẫn là thành phần số đông và đóng góp rất lớn cho sự thành tựu Phật sự trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay. Vai trò của cư sĩ, Phật tử trong lịch sử Phật giáo Việt Nam Ngay từ buổi đầu Phật giáo du nhập vào nước ta, đạo Phật đã được nhân dân ta tiếp nhận và thực thi hành đạo. Không phải ngẫu nhiên, các thiền sư đã xác lập cho Phật tử về vai trò của người tại gia tu hành theo chính đạo: “Ở trong nhà hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài xã hội giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình phải biết tu thân”. Có thể nói đây là phương thức dành cho các cư sĩ, Phật tử tu tập tâm linh, vừa tạo nên sức mạnh nội tại nhằm chống lại sự đồng hóa phương Bắc bằng cả tấm lòng phụng đạo yêu nước. Khi nước nhà độc lập tự chủ, vào thời Lý – Trần, các vị vua Phật tử như Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông… là những người lãnh đạo quốc gia, nhưng cũng là cư sĩ Phật tử trung kiên chứng đạo. Tuy các vua quan không xuất gia nhưng họ vẫn là những Thiền gia lỗi lạc, nổi tiếng, những nhà Phật học uyên bác như Lý Thái Tông, vua thứ hai đời Lý, đệ tử đắc đạo của Thiền sư Thiền Lão, được cuốn Thiền Uyển tập anh xếp làm một Tổ thuộc thế hệ thứ 9 của phái thiền Vô Ngôn Thông. Vua Lý Thánh Tông, vua thứ ba đời Lý, được công nhận là Tổ thứ hai của phái Thiền Thảo Đường (Phái thiền thứ ba của Việt Nam). Vợ vua là thái phi Ỷ Lan được nhân dân tôn xưng là Quan Âm nữ cũng là một cư sĩ xuất sắc có một bài thơ thiền được lưu lại trong sách Thiền Uyển. Nhìn chung, các vua chúa cư sĩ Phật tử là những người có công xây dựng nước Đại Việt thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, phổ hóa đạo Phật trở thành Quốc giáo. Cho nên, các nhà sử học mới tôn vinh “Vương triều nhà Lý là nhà nước thuần từ nhất trong lịch sử phong kiến nước ta, tồn tại hơn 200 năm”. Tiếp nối nhà Lý, các vua đời Trần đã thừa tự pháp theo sự chỉ dạy của Quốc sư Viên Chứng, để hộ trì Chính pháp dài lâu. Cho nên trong Khóa hư lục, vua Trần Thái Tông vị vua đầu tiên triều đại nhà Trần đã tuyên bố: “Bất luận là tướng nam, tướng nữ, đàn ông, đàn bà, già hay trẻ chỉ cần biện tâm, tu tâm là thấy tánh thành Phật”. Còn vua Trần Nhân Tông, sau khi từ bỏ ngai vàng, xuất gia chứng đạo, đã tuyên bố trong bài Cư trần lạc đạo phú có câu: “Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tất”. Ngài muốn nói bất cứ ai dù sống giữa cõi đời nếu nỗ lực tu hành, thực tập về đời sống tâm linh thì sẽ được giải thoát. Đó chính là niềm hạnh lớn lao, tột bậc mà con người có khả năng thành tựu. Ngoại trừ những bậc xuất gia tu hành, ở trong chùa, số còn lại là cư sĩ, Phật tử tại gia, sống với gia đình, thì thành phần này chiếm số đông trong giới Phật giáo. Nếu cư sĩ, Phật tử nào có chánh kiến, nỗ lực tu học và sống theo đúng theo Chánh pháp thì chắc chắn cũng thành tựu giải thoát tự thân, góp phần làm cho Phật giáo sẽ thêm hưng thịnh, trường tồn. Đời Trần, vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung thượng sĩ đều là những cư sĩ nổi tiếng mà ngay các tu sĩ cũng tôn xưng họ là những bậc thầy trong đạo. Vua Trần Nhân Tông sau này xuất gia lập ra phái thiền Yên Tử cũng tôn xưng Tuệ Trung thượng sĩ là đạo sư của mình. Kết quả, với sức mạnh đoàn kết toàn dân, đồng nghĩa lả sức mạnh của quần chúng Phật tử, dưới sự lãnh đạo của các nhà lãnh đạo quốc gia, cũng là lãnh đạo Phật giáo đã hoàn thành sứ mệnh 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông và xây dựng quốc gia Đại Việt hưng thịnh. Trong quá trình tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam, các hoạt động cuả Phật giáo thời Lê – Nguyễn cho đến đầu thế kỷ XX với sự ra đời phong trào chấn hưng Phật giáo, vai trò quan trọng của các cư sĩ Phật tử đã thể hiện nổi bật trong việc Chấn hưng Phật giáo. Đặc biệt là sự thành lập các hội Phật học khắp ba miền Nam Trung và Bắc sự thành công của ba hội này, có sự góp phần quan trọng của các thành phần cư sĩ Phật tử. Cụ thể: Tại Nam kỳ, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học ra đời năm 1931, khởi đầu là tại miền Nam (1920-1929), cùng với sự vận động chấn hưng Phật giáo của Hòa thượng Khánh Hòa, HT. Từ Phong, HT. Huệ Quang HT. Khánh Anh, Sư Thiện Chiếu, HT. Pháp Hải, Từ Nhẫn, Chơn Huệ… còn có nhiều cư sĩ Phật tử tham gia như: Phạm Ngọc Vinh, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Văn Cần, Huỳnh Văn Quyền, Trần Văn Khuê, Trần Nguyễn Chấn… tiến đến việc thành lập Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học. Người đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển của hội sau này, nhất là truyền bá Chánh pháp cùng với chư Tôn đức là cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền, về phía GĐPT có Tâm Bửu – Tống Hồ Cầm, Nhật Minh – Nguyễn Hữu Huỳnh. Trong khi đó tại Trung kỳ, Hội An Nam Phật Học ra đời vào năm 1932 do cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm chủ xướng. Khởi đầu, Hội có 5 vị Hòa thượng Chứng minh (như ngài Giác Tiên, Giác Nhiên,…) và 11 Cư sĩ, trong đó cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm Chánh Hội trưởng. Đặc biệt, cư sĩ Lê Đình Thám là người sáng lập Gia Đình Phật Tử Việt Nam cùng với sự tham gia của các cư sĩ tiền bối Đinh Văn Nam (HT Thích Minh Châu), Đinh Văn Vinh, Võ Đình Cường, Hoàng Thị Kim Cúc, Phan Cảnh Tuân, Tráng Thông, Lê Cảnh Đạm… là thành viên ban sáng lập GĐPT Việt Nam. Hội Phật giáo Bắc kỳ thành lập vào năm 1934, với danh hiệu Bắc Kỳ Phật Giáo hội, chủ xướng là cụ Nguyễn Năng Quốc. Ban sáng lập gồm 32 vị cư sĩ, Tổ Vĩnh Nghiêm được thỉnh làm Tùng Lâm Pháp chủ, chỉ có một số Thượng Tọa trẻ tuổi đứng ra tổ chức như thầy Thái Hòa và thầy Trí Hải… Phía cư sĩ thì ủng hộ rất đông, nhất là cụ Hoàng Trọng Phu và cụ Nguyễn Năng Quốc cộng với sự hợp tác của cư sĩ Lê Toại, Trần Văn Giác, Nguyễn Hữu Kha (Thiều Chửu), Vũ Đình Chung… tiến hành vận động chấn hưng thành lập hội. Tất cả những hoạt động của các hội đưa đến thành công trong sự thiết lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam năm 1951 tại Từ Đàm, Huế. Tổ chức Gia đình Phật tử ra đời trên nền tảng Gia đình Phật hoá phổ, rồi đến “Gia đình Phật tử”. Từ đó về sau, qua bao cuộc đấu tranh bảo tồn Phật pháp, cư sĩ Phật tử luôn là thành viên trung thành của Giáo hội. Và như thế, tất cả mọi tổ chức sinh hoạt của nam nữ cư sĩ, Phật tử phải thống nhất từ trong quan điểm cho đến hành động theo tinh thần đại gia đình Phật giáo, đúng như lời dạy của Hòa thượng Thích Trí Quang, nguyên Chánh hội trưởng Tổng trị sự Hội Việt Nam Phật học huấn từ trong lễ trao cấp hiệu đầu tiên cho Huynh trưởng GĐPT tại chùa Từ Đàm Huế, ngày 23/7/1956, đã huấn từ: “Hội chúng ta vốn là một tổ chức có thầy có trò, có chú có bác, có anh có em, một tổ chức có tính chất đại gia đình được điều khiển bởi chính đức Phật và những lời giáo huấn thanh tịnh của Ngài. Sống trong tổ chức đó, anh chị em có một sứ mạng rõ rệt, ấy là thay hội dìu dắt đàn em của mình bước từng bước vững vàng theo dấu chân của đức Từ Phụ”. VAI TRÒ CỦA CƯ SĨ, PHẬT TỬ TRONG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM Các thành tựu hoạt động Phật sự thể hiện vai trò của Cư sĩ và Phật tử trong thời đại đất nước hội nhập và phát triển. Đến năm 1981 khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, cư sĩ Phật tử đã tích cực tham gia vào Ban Hướng dẫn Phật tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, trong các thời kỳ khác nhau của Phật giáo, vai trò của cư sĩ Phật tử có phát huy công đức tác dụng đến đâu cũng đều do sự quan tâm giúp đỡ chỉ đạo của chư Tôn đức Tăng Ni trong Giáo hội và quý thầy trụ trì chùa. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) đã thể hiện vị trí và vai trò của người cư sĩ Phật tử trong thời hội nhập và phát triển là vô cùng quan trọng. Có thể nói đây là một nhiệm kỳ, Ban Hướng dẫn hoạt động trong bối cảnh chung là cả thế giới có nhiều biến động, nhất đại dịch Covid-19, thiên tai bão lụt miền Trung, tác động biến đổi khí hậu, kinh tế bị suy yếu, khủng hoảng tâm lý đạo đức… Tuy nhiên, càng khó khăn, lãnh đạo Ban đã quyết tâm hướng dẫn quần chúng Phật tử thực thi hành pháp, tu tập tâm linh, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho đồng bào, tạo nên niềm tin bất động đối với ba ngôi Tam Bảo, sẵn sàng đối diện và thích nghi vượt qua chướng duyên bằng cách thay đổi phương thức hoằng pháp qua việc ứng dụng công nghệ số, tích cực đóng góp vào công tác từ thiện an sinh xã hội, chia sẻ nỗi đau mất mát, hay niềm vui khi sống với đạo. Những thành tựu nổi bật đó đã thể hiện qua bản tổng kết công tác Phật sự của Ban Nhiệm kỳ VIII, cụ thể là những khóa bồi dưỡng và khóa tu được tổ chức ở Kon Tum hay Cần Thơ, khoá tu mùa hè, hội trại, hội thi tìm hiểu giáo lý của Đức Phật, tổ chức tư vấn mùa thi, trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó… Những hoạt động nêu trên đã khơi dậy lòng yêu kính Tam Bảo của các Phật tử, đặc biệt là giới trẻ. Các khóa tu Một ngày An lạc, Khóa tu Bát Quan Trai, Khóa tu Phật thất được tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo Phật tử đến tu tập. Tổ chức các khóa tu học, các hoạt động Phật sự nhân dịp các ngày lễ kỷ niệm như: dịp Tết Nguyên đán, Phật đản, Vu lan báo hiếu, Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu,… đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân Phật tử tham dự. Tổ chức thành công các sự kiện Phật sự quan trọng như: “Tôi yêu Tổ quốc tôi” nhân ngày thành lập QĐNDVN; Hội thi giáo lý dành cho thanh thiếu niên Phật tử 29 tỉnh, thành khu vực phía Bắc; Tổ chức giao lưu văn nghệ với chủ đề: “Tôi yêu Tổ quốc tôi”; Hội trại “Tuổi trẻ và Phật giáo” chủ đề “Hào khí Thăng Long”; Tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề “Hoạt động của tín đồ Phật tử với sự phát triển bền vững đất nước” tại Hà Nội; Tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Phật giáo với hoạt động đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế” tại Lào Cai; Hội thảo khoa học “Hoạt động đảm bảo an sinh xã hội cho người dân của GHPGVN tỉnh Hòa Bình: Thực trạng và giải pháp”. Đặc biệt, công tác an sinh xã hội với thành tựu đóng góp đến 663.192.864.000đ (sáu trăm sáu mươi ba tỷ đồng một trăm chín hai triệu tám trăm bốn mươi sáu nghìn đồng). Các phân ban cũng có những thành nổi bật thể hiện vai trò và vị trí của mình trong bối cảnh đất nước phát triển, đạo Phật được xiển dương trong đời sống thực tiễn của đồng bào Phật tử. Phân ban cư sĩ Phật tử Trung ương đã tổ chức các đạo tràng tu tập Đạo tràng Bát quan trai: 1.242 đơn vị, có 81.265 Phật tử tham dự. Đạo tràng tu thiền: 35 đơn vị, có 7.750 Phật tử tham dự. Đạo tràng niệm Phật, Phật thất: 698 đơn vị, có 131.365 Phật tử tham dự. Đạo tràng Pháp Hoa: 80 đơn vị, có 13.280 Phật tử tham dự. Đạo tràng Dược Sư: 40 đơn vị, có 6.080 Phật tử tham dự. Đạo tràng Đại Bi: 81 đơn vị, có 4.602 Phật tử tham dự. Các mô hình tu học khác như: Mật tông, Địa Tạng, Lương Hoàng Sám,… có 103 đơn vị, 9.370 Phật tử tham dự. Tổng số Đạo tràng sinh hoạt: 2.725 đơn vị, tổng số Phật tử sinh hoạt tu học: 311.960 người. Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương với mục đích đào tạo con em Phật tử sống tu học trên nền tảng theo chương trình biên soạn của tổ chức Gia đình Phật tử từ trước, việc chú trọng đào tạo Huynh trưởng cấp Trung ương và cấp tỉnh thành làm nòng cốt là nhiệm vụ quan trọng của Phân ban, hiện có 47 huynh trưởng cấp Trung ương, cấp tỉnh thành có 9.241 huynh trưởng trong đó: cấp dũng: 9 huynh trưởng, cấp tấn: 481 huynh trưởng, cấp tín: 1.781 huynh trưởng, cấp tập: 2.798 huynh trưởng, chưa có cấp: 4.172 huynh trưởng. Tổng số huynh trưởng và đoàn sinh: 62.958 đoàn viên. Phân ban đã tổ chức Trại huấn luyện Liên trại Lộc Uyển – A Dục – Huyền Trang cho các tỉnh, thành. Tổ chức thi và xét các cấp huynh trưởng trong Phân ban, tham gia các hội nghị, khóa bồi dưỡng và thực hiện các công tác an sinh xã hội…. Phân ban Thanh thiếu nhi Phật tử đã phát huy tinh thần tuổi trẻ nhiệt huyết trong tinh thần hộ đạo yêu nước. Phong trào hoạt động của các CLB thanh thiếu niên Phật tử đã đi vào nề nếp, đóng góp không nhỏ cho sự thành công trong các công tác Phật sự của Giáo hội như: tham gia đón các phái đoàn quốc tế, tham gia tích cực các phong trào thiện nguyện, hội trại, khóa tu mùa hè, tư vấn mùa thi… Giao lưu kết nối cùng Hội Chữ thập đỏ kỷ niệm ngày 1/6, thăm và tặng quà cho các em khuyết tật tại “Trung tâm dạy nghề nhân đạo, tạo việc làm Việt Nam”, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, công quả làm vệ sinh quét dọn, thu gom rác thải tại các nơi công cộng. Đặc biệt, chương trình tổ chức hội trại tuổi trẻ Phật giáo lần thứ 12 – chủ đề “Hào khí miền Đông” tại thiền viện Phước Sơn, tỉnh Đồng Nai, Hội trại có 3.500 trại sinh và 500 tình nguyện. Phân ban còn kết hợp với Ban Trị sự Cần Thơ tổ chức Hội trại tuổi trẻ và Phật giáo, chủ đề “Tình đất phương Nam” tại thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (TP. Cần Thơ). Số lượng trại sinh của Hội trại là 1.500 bạn trẻ và 300 tình nguyện viên đến từ 13 tỉnh thành miền Tây Nam bộ và TP HCM. Những sự kiện hội trại, khóa tu dành cho giới trẻ tại nhiệm kỳ VIII, đã tạo nên hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn quốc. Điều này đã tạo nên điểm son trong ngành Thanh thiếu nhi Phật tử. Qua 5 năm thực hiện (2017-2022), phát huy tinh thần phụng sự Giáo hội, hướng dẫn thanh thiếu nhi tu tập, tính đến thời điểm này, cả nước có: 1.135 khóa tu, trại hè, hội trại… với 469.000 bạn trẻ tham gia. Công tác tiếp sức mùa thi trong những năm qua tiếp tục được phát huy ở nhiều tỉnh thành khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi nơi phát hàng ngàn phần cơm chay, nước, bánh, miễn phí. Đồng thời hỗ trợ phương tiện cho các thí sinh tham dự các kỳ thi quốc gia. nhiều chương trình ý nghĩa của giới trẻ tiếp tục được nhân rộng như: hoa hồng xuống phố, hoa hồng vào làng,… Vào dịp tết Trung thu hàng năm, phân ban đã tổ chức, khuyến khích PBTTNPT tỉnh thành, CLB TTNPT các tự viện thực hiện chương trình vui tết Trung thu dành cho các em thiếu nhi trong toàn quốc như: Lễ hội trăng rằm, Trung thu sum vầy, Trung thu trông trăng, Vui tết đoàn viên, Đêm hội trăng rằm, Trung Thu yêu thương, tổng trị giá cho hoạt động này là 4.333.600.000 đồng (Bốn tỷ ba trăm ba mươi ba triệu sáu trăm ngàn đồng). Để thống nhất chương trình giảng dạy, các kiến thức cơ bản cho giới trẻ Phật tử trong toàn quốc, Phân ban đã biên soạn thành công bộ giáo trình Phật pháp vào đời, gồm 5 tập với những nội dung căn bản cho các bạn trẻ bước đầu học Phật. Bên cạnh đó, cuốn cẩm nang tổ chức khóa tu – hội trại dành cho chư Tôn đức Tăng Ni, nội dung trình bày về kỹ năng trong quá trình tổ chức khóa tu, hội trại trước nhu cầu nuôi dưỡng đời sống tâm linh của giới trẻ Phật giáo hiện nay. Phân ban Phật tử dân tộc đã thực hiện hoạt động từ thiện được 18.010.000.000đ (Mười tám tỷ không trăm mười triệu đồng). Các tỉnh miền núi phía Bắc trong thời gian qua đã thu hút đông đảo Phật tử tu học, đặc biệt là giới trẻ Phật tử tại các khóa tu mùa hè của tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… cũng thường xuyên tổ chức các khóa quy y Tam Bảo cho bà con nhân dân Phật tử các dân tộc thiểu số tại địa bàn tỉnh. Phân ban Phật tử Hải ngoại là phân ban nối kết đồng bào Phật tử ở nước ngoài hướng về quê hương, tổ chức các chương trình tu học và tích cực hộ trì Chánh pháp, góp phần xây dựng quê hương xứ sở thêm giàu mạnh. Điểm nổi bật, phân ban đã ứng dụng công nghệ thời 4,0 để tổ chức khóa tu online đầu tiên dành cho Phật tử các nước châu Á với chủ đề “Phật là Quê hương” với sự tham dự gần 300 hành giả trong Zoom đến từ nhiều quốc gia khác nhau như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Australia, Canada, Mỹ, Đức, Vương quốc Anh, Cộng hòa Séc, Ba Lan,… cùng tham dự. Đồng thời, khóa tu còn thu hút hơn 1.000 Phật tử cùng tu học và theo dõi trực tiếp trên Facebook, Youtube của kênh Phật sự Online và Sen vàng Online. Phân ban còn tổ chức khóa tu Phật đản Online với chủ đề “Tỏa ngát hương đàm”, kính mừng Đại lễ Phật đản PL.2566, kỷ niệm 2646 năm Đức Phật ra đời. Khóa tu đặt dưới sự chứng minh của Hòa thượng Trưởng ban và chư Tôn đức Thường trực BHDPT Trung ương. Tham dự hơn 250 hành giả trong Zoom đến từ nhiều châu lục như: châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Campuchia, Việt Nam), châu Âu (Ba Lan, Cộng hòa Séc, Đức, Vương quốc Anh, Hungary), châu Mỹ (Mỹ, Canada) và châu Úc (Australia). Đồng thời, khóa tu còn thu hút hơn 1.700 Phật tử cùng tu học và theo dõi trực tiếp trên Facebook, Youtube của kênh Phật sự Online và Sen vàng Online. tổ chức khóa tu Vu lan Online với chủ đề “Bóng cả đời con”, nhân mùa Vu lan Báo hiếu PL 2.566 cho 278 hành giả trong Zoom đến từ nhiều Châu lục như: châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Việt Nam), châu Âu (Cộng hòa Séc, Đức, Hungary), châu Mỹ (Hòa Kỳ, Canada) và châu Úc (Australia). Đồng thời, khóa tu còn thu hút hơn 1.500 Phật tử cùng tu học và theo dõi trực tiếp trên Facebook, Youtube của kênh Phật sự Online và Sen vàng Online. Trên hết, Phái đoàn Phân Ban Phật tử Hải ngoại Trung ương đã có chuyến công tác ở các nước Châu Âu như: Hungary, Pháp, Đức, Ý, Áo, Ba Lan, Tiệp Khắc,… tổ chức Chương trình “Đạo Pháp và Quê Hương” tại CHLB Đức. Chương trình “Quê Hương và Cội Nguồn” tại Cộng hòa Séc. Ngày 19/9 tham dự lễ khánh thành chùa Đại Bi tại Hungary, thuyết giảng cho đồng bào Phật tử tiêu biểu tại Hungary. tham dự lễ hội văn hóa các dân tộc tại Bruno ở Cộng hòa Séc. Ngoài ra, phái đoàn còn thăm viếng, giao lưu với các Đại sứ quán các nước, các tự viện và các hội Phật tử tại Pháp, Đức, Ý, Hungary,… Phân ban cũng thường xuyên tổ chức các buổi thuyết giảng, khóa tu trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội cho các đạo tràng tại một số nước Châu Âu trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Đồng thời Phân ban lưu tâm tổ chức nhiều khóa tu, Xuất gia gieo duyên cho các du học sinh tại các nước sở tại như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật, Singapore, Mỹ và một số nước khác lượt tham dự hàng trăm đến 1.000 hành giả tham dự. Thông qua kênh truyền thông Phật sự Online, Sen vàng Online, các trang mạng xã hội Facebook, Youtube, các phần mềm họp trực tuyến Zoom, Meet, nhiều thành viên thuộc Phân ban PTHNTW chia sẻ bài pháp thoại trong mùa dịch. Các khóa lễ tụng kinh trực tuyến, buổi học giáo lý online được đông đảo Phật tử ở các quốc gia tham dự. Từ những thành tựu nổi bật nói trên, chúng tôi xin có những kiến nghị đề xuất sau để thực thi công tác Phật sự của ban càng phát triển thích ứng thời đại, trong đó hạt nhân vẫn là phát huy vai trò vị trí cư sĩ Phật tử. Những kiến nghị để phát huy vai trò của Cư sĩ, Phật tử trong thời đại – Kỷ nguyên số 4.0 Xây dựng lòng tin vững chắc đối với Tam bảo và tu tập tâm là cơ sở đầu tiên để phát huy vai trò và khẳng định vị trí người Cư sĩ, Phật tử trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam Trong xu hướng hội nhập toàn cầu, thế giới phẳng, con người chịu sự tác động, biến đổi, vấn đề đặt ra theo thiển ý chúng tôi là Ban Hướng dẫn Phật tử cần xây dựng lòng tin bất động đối với 3 ngôi Tam bảo, hướng dẫn Phật tử nhận thức rõ về mình là Phật chân chính, thực thi đời sống hướng thiện, hành trì pháp môn tu tập, để tâm trở nên kiên định, không bị dao động trước đời sống đầy biến động. Kinh nghiệm của của các cư sĩ ngộ đạo là phải thường xuyên biện tâm, tâm trong sạch, mới có trí tuệ sáng suốt, nhận thức đúng Chính kiến mới có hành động đúng cho bản thân để đóng góp cho Đạo, cho đất nước. Trần Thái Tông từng đề xuất việc tu tập không dành riêng bất cứ ai, Ngài nói: “Không phân biệt là sống ở đời hay sống trong rừng, không phân biệt tại gia hay xuất gia, chỉ cốt yếu là biện tâm, vốn không nam nữ sao lại chấp tướng”. Chúng ta thấy rõ qua lời dạy của ngài Trần Thái Tông, người cư sĩ, Phật tử phải biết biện tâm. Biện tâm là phương thức chuyển hóa nội tâm, thanh lọc tâm cho đến khi nào tâm trở về sự thanh tịnh. Tuy nhiên, cuộc đời có rất nhiều bụi trần mà cư sĩ phải thường xuyên biện tâm bằng cách tẩy rửa bụi trần đem lại. Điều đó có nghĩa, sống trong thế giới đầy nhiễm ô của bụi trần, Trần Thái Tông khuyên mọi người hãy biện tâm bằng cách khởi chánh tư duy trong khi suy nghĩ, trong lúc thể hiện lời nói và hành động cụ thể để thực thi điều gì đối với mình, và cho người khác. Hay nói cách khác tức là tự tìm hiểu tâm mình, tự tu tập tâm mình trước các vấn đề mà mình chuẩn bị làm, đang làm, sẽ làm. Muốn tu tập tâm tất nhiên phải luôn luôn tỉnh giác quan sát tâm mình; trong tâm mình nảy sinh ra cảm thọ gì, ý nghĩ gì, quyết định gì chúng ta đều phải biết rõ. Đó là cảm thọ ý nghĩ quyết định đúng hay sai, tích cực hay tiêu cực, có lợi hay có hại cho mình và người để kịp thời điều chỉnh uốn nắn. Theo lời dạy của chư Tổ thì cư sĩ tại gia mặc dù sống trần tục, mà biết biện tâm thì vẫn thành công trong sự tu tập, vượt thoát khổ đau, đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất, cái gọi là “phúc ấy càng yêu hết tấc”, đáng tán dương và trân trọng hơn bao giờ hết. Bởi vì không ai khác hơn, các cư sĩ tại gia, vừa có bổn phận thực thi vai trò và trách nhiệm của một công dân của đất nước, của một người lo gánh vác công việc của gia đình, của một Phật tử thuần thành hướng tâm tu tập, đem đạo vào đời. Chính vì vậy, vai trò của cư sĩ rất quan trọng, họ là hình ảnh Phật giáo đi vào đời và làm cho đời sáng tươi như ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ. Có thể nói, đời sống người tại gia tạo ra cho họ nhiều cơ hội để hiểu biết tâm mình, rèn luyện tâm mình, bồi dưỡng những đức tính đáng quý như nhẫn nhục, kiên trì, tinh tấn. Đây chính là mục đích tối hậu mà vai trò của cư sĩ, Phật tử trong thời đại hội nhập và phát triển cần phải thực thi. Trong các mô hình tu tập như: Khóa tu Bát Quan trai, Đạo tràng Tịnh độ, Khóa tu mùa hè, Khóa tu an lạc, nội dung thuyết giảng phải có nội dung chuyển hóa nội tâm, thanh tịnh tâm mới giải quyết các vấn nạn cải đạo, hay không còn sự truyền cảm hứng đối với việc tu đạo, học đạo… Cần Phổ cập hóa chương trình hoạt động Phật hoá gia đình là nhiệm vụ hàng đầu của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, sẽ góp phần đóng góp lớn cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam. Bởi lẽ, tiềm lực của Phật giáo không chỉ ở trong giới xuất gia mà cả giới tại gia Kinh nghiệm cho thấy, trong đời sống thực tiễn giới tại gia có rất nhiều thành phần hoạt động theo ngành nghề và tổ chức khác nhau. Vì thế, ban cũng cần chú trọng việc xây dựng các tổ chức các Đoàn Phật tử hoạt động và tu học theo ngành chuyên môn của họ như: Đoàn Phật tử Doanh nghiệp, Đoàn Phật tử Tiểu thương, Đoàn Phật tử Y khoa, Đoàn Phật tử Giáo dục, Đoàn Phật tử Văn nghệ sĩ, Đoàn Phật tử Từ thiện, Đoàn Phật tử Nghi lễ… Chính các Đoàn Phật tử có tính chất chuyên nghiệp này sẽ phát huy năng lực và hiệu quả trong tu học cũng như tham gia các Phật sự, khi mọi thành viên đều có chung một thế mạnh về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đây cũng chính là cơ sở để phổ cập hóa chương trình hoạt động Phật hoá gia đình. Nghĩa là đem giáo lý Phật đà để áp dụng vào trong từng gia đình của các thành viên, thiết lập một đời sống đạo đức hiền thiện, hướng tâm đến giải thoát. Trong ngôi nhà chung của Giáo hội thì hàng Phật tử tại gia là lực lượng đông đảo nhất trong cấu trúc “tứ chúng đồng tu”, là lực lượng hộ trì Tam Bảo, phụng sự Đạo pháp đắc lực nhất, là lực lượng hậu duệ, kế thừa truyền trì mạng mạch Phật giáo từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tuy nhiên, có trường hợp, trong một gia đình có khi ông bà theo đạo Phật nhưng con cháu thì không, hoặc cha đi chùa nhưng mẹ thì không và ngược lại, hoặc cha mẹ theo đạo Phật nhưng con cái thì lấy vợ gả chồng theo đạo khác… Có những hoàn cảnh đáng tiếc xảy ra cha làm Huynh trưởng vì thương con đi cưới con dâu là khác đạo… Do đó, chư Tôn đức Ban Hướng dẫn Phật tử phải thường xuyên lồng ghép nội dung Phật hóa gia đình vào mỗi thời thuyết giảng của mình trên phương tiện truyền thông, báo chí như Tạp chí Văn hóa Phật giáo, Phật sự online, Giác Ngộ, Nội san Phật giáo tại các tỉnh thành… mở chuyên mục Phật hóa gia đình để con em có chánh kiến trong đời sống tu học, tránh những tình trạng đáng tiếc nói trên xảy ra. Cụ thể, các cư sĩ lãnh đạo các Gia đình Phật tử, Niệm Phật đường thường xuyên động viên khuyến khích các bậc cha mẹ có con em từ 6 tuổi trở lên gia nhập Gia đình Phật tử, hoặc Đoàn thanh thiếu niên Phật tử của đơn vị. Đối với nam nữ Phật tử, đoàn sinh, huynh trưởng đến tuổi lập gia đình, các bậc cha mẹ thường xuyên nhắc nhở con em mình nên chọn người hôn phối cùng tín ngưỡng. Các vị trụ trì khuyến khích các bậc cha mẹ và nam nữ Phật tử tổ chức lễ Hằng thuận ở chùa khi đăng ký kết hôn và khi có con được ba tháng tuổi thì đưa cháu về chùa xin Thầy quy y đặt cho pháp danh để gieo hạt giống Bồ đề cho các cháu ngay từ lúc măng non. Phát huy các mô hình tu tập truyền thống dành cho Cư sĩ Phật tử trước đây Đồng thời xây dựng mô hình tu tập mới qua việc ứng dụng thành tựu công nghệ khoa học kỹ thuật số để thuyết giảng, thành lập các đạo tràng tu tập qua online, qua các mạng xã hội sẽ nối kết các cộng đồng Phật tử không chỉ ở trong nước mà lan tỏa cả nước ngoài, không còn hạn chế về thời gian, không gian địa lý. Theo đó, Ban cần chủ trương thực hiện việc nâng cao chất lượng, tăng cường tiện ích của website huongdanphattu.vn và tiếp tục mời sự cộng tác của Ban Hướng dẫn Phật, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo các tỉnh thành. Để tạo nguồn cảm hứng tu tập cho giới trẻ Phật tử, ban cần có kế hoạch chương trình gameshow Phật pháp, chia sẻ pháp thoại trực tuyến dành cho các giới trẻ trên các nền tảng xã hội. Qua đó, ban có định hướng kế hoạch hướng dẫn Thanh Thiếu nhi Phật tử tu học: thuận lợi, khó khăn và định hướng phát triển. Việc soạn thảo và ban hành chương trình giảng dạy Giáo lý dành cho Phật tử tại gia, từ cấp thấp lên cao, để có trình độ kiến thức tương đồng. Nhất là đối Phật tử dân tộc, Ban cần chủ trương thực hiện việc soạn thảo, phiên dịch và ban hành Kinh nhựt tụng, chương trình giảng dạy giáo lý dành cho Phật tử dân tộc. Vận động các tỉnh có đồng bào dân tộc quy y, lập kế hoạch xây dựng tự viện phục vụ nhu cầu sinh hoạt tu học của đồng bào dân tộc xây theo kiến trúc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc. Cuối cùng là công tác quản trị nhân sự và quản lý hành chánh của ban, ban cần được tu chỉnh và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để phát huy sức mạnh nội của Ban Hướng dẫn trung ương. Vấn đề này đòi hỏi trí tuệ và thời gian lâu dài. Vì vậy, nhiệm kỳ IX, ban cần cần tập trung nguồn nhân nhân lực để từng bước thực hiện để bồi dưỡng kiến thức kỹ năng: lãnh đạo, tổ chức, quản lý, điều hành cho mọi thành viên trong ban. Từ đó có chiến lược phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trong việc hoằng dương Chánh pháp trong thời đại kỷ nguyên số 4.0. KẾT LUẬN Tóm tại, chúng ta đang sống trong một thời đại mới – thời đại kỷ nguyên số mà đất nước ta cũng phải hòa nhập theo xu hướng phát triển của toàn cầu. Phật giáo với triết lý Duyên khởi mà đức Phật đã chỉ cho chúng ta phương thức triết lý sống tùy duyên thích ứng theo môi trường hoàn cảnh và cả thời đại. Do đó, Phật giáo không có lý do gì mà không chuyển hóa theo thời đại. Việc hướng dẫn cư sĩ Phật tử biết tu tập tâm linh và hoạt động Phật sự đóng góp cho đạo, cho đời để có cuộc sống hạnh phúc an lạc là nhiệm vụ, là trách nhiệm mà Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương được Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao phó. Cho nên việc xác lập vai trò và vị trí của cư sĩ Phật tử trong thời đại mới được xem như là kim chỉ nam để Ban Hướng dẫn có cái tầm nhìn mới, chiến lược mới. Đó là niềm tin, hy vọng của chúng tôi trong sứ mệnh hoằng dương Phật pháp, đem lại những giá trị thiết thực cho hạnh phúc số đông.
Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương GHPGVNTài liệu tham khảo 1. Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Văn học (1977), Thơ văn Lý – Trần (tập 1), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội. 2. Mật thể (1960), Việt Nam Phật giáo Sử lược, Nxb. Minh Đức. 3. Hoàng Xuân Hãn (1996), Lý Thường Kiệt, Tu Thư Đại học Vạn Hạnh, tái bản lần thứ 1. 4. Nguyễn Đăng Thục (1965), Khái quát tư tưởng thời đại nhà Lý, Tạp chí Vạn Hạnh số 1, Phật Lịch 2509. 5. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận (tập 2), tái bản, Hà Nội.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |