Chi tiết tin tức

Bài thơ xuân do Hải Lượng Đại thiền sư Ngô Thời Nhậm cảm tác ở Huế

22:25:00 - 16/02/2024
(PGNĐ) -  Sau năm 1792, Ngô Thời Nhậm vẫn còn là đại quan của triều Cảnh Thịnh, làm việc ở Thăng Long, tiếp tục lo việc bang giao với triều Thanh. Vì việc ngoại giao với nhà Thanh tạm ổn nhưng rồi nội bộ triều Tây Sơn ở Phú Xuân quá lục đục nên Ngô Thời Nhậm thấy buồn, ông trở lại thiền học, viết “Trúc Lâm tông chỉ nhất nguyên thanh”; người đời tôn họ Ngô là Trúc Lâm đệ tứ tổ Hải Lượng đại Thiền sư.
滿 城 梅 雨 滿 城 春 [Mãn thành mai vũ, mãn thành xuân] (Đầy thành mưa mai, ngập thành xuân).

Mùa thu Đinh Tị [1797], họ Ngô nhận được chiếu dụ của vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản vời vào kinh đô Phú Xuân để triều cận. Qua những tháng thu đông ở kinh đô Phú Xuân, tuy triều cận nhà vua nhưng phần lớn thời gian ông sống tại khách xá, dựng ở nam sông Hương. Vào dịp Tết Mậu Ngọ [1798], trong tâm cảm của một đại Thiền sư đã giác ngộ, một bậc túc nho đang được vua Cảnh Thịnh tái dụng nhưng cung cách của ông khác với đồng liêu. Ngô Thời Nhậm đã sáng tác bài thơ “Xuân thuật” viết bằng chữ Hán có nét rất riêng, thuộc tập thơ “Thu cận dương ngôn”.

Ở Huế, mùa xuân, dịp Tết trời còn rét, mưa bụi giăng giăng, hoa mai nở tràn và gió xuân làm mưa bụi xen lẫn hoa mai vẽ nên cảnh xuân ấn tượng. Trong lòng tràn ngập niềm vui khi tết đến dẫu đang xa nhà, họ Ngô gieo bút:
滿 城 梅 雨 滿 城 春
Mãn thành mai vũ, mãn thành xuân] (Đầy thành mưa mai, ngập thành xuân).

Mùa xuân ở kinh đô Huế, đại quan nhất phẩm triều đình, tước Tinh Phái hầu như Ngô Thời Nhậm mà ở khách xá đìu hiu, thuộc vùng đồi núi phía Tây Nam thành Phú Xuân, xa nhà mà thi nhân vẫn đón tết vui vẻ kể cũng lạ. Nhà thơ lập dị ư? Năm mới thì quan lớn như họ Ngô đa phần ở chốn đô thành “ngựa xe như nước áo quần như nêm” mới hợp lý! Họ Ngô tự thuật:
客 舍 蕭 疎 對 樹 雲
[Khách xá tiêu sơ đối thụ vân] (Đìu hiu quán trọ, mây núi gần).

Thực ra, lúc bấy giờ Ngô Thời Nhậm đã là Hải Lượng đại Thiền sư theo phái Trúc Lâm Yên Tử, năm 1797 ông mới vào kinh đô Huế.Thời trung niên, họ Ngô đã đến với Phật học. Sau khi vua Quang Trung băng hà, Nguyễn Quang Toản nối ngôi, có “phụ chánh đại thần” là Thái sư Bùi Đắc Tuyên, cậu của vua, vốn là tu sĩ. Thái sư họ Bùi chuyên quyền làm nội bộ Tây Sơn lục đục. Kết quả bi thảm là mùa đông năm Ất Mão [1795], cuộc đảo chánh ở Phú Xuân do Vũ Văn Dũng tiến hành, đã ép vua Cảnh Thịnh bắt cha con Bùi Đắc Tuyên, Bùi Đắc Trụ, Ngô Văn Sở dìm sông Hương. Ngô Thời Nhậm đang ở Thăng Long, rất buồn và biến nhà của ông ở phường Bích Câu thành Thiền viện Trúc Lâm để nghiên cứu thiền học. Cuối đông Bính Thìn [1796] ông đã hoàn thành tác phẩm “Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh”, với phần chính văn là của ông và người đời tôn ông là Hải Lượng đại Thiền sư, Trúc Lâm đệ tứ tổ. Cho nên khi vào kinh đô Phú Xuân Ngô Thời nhậm đã là Thiền sư, chọn khách xá ở vùng đồi núi phía Tây Nam thành Phú Xuân để trú ngụ, gần Đan Dương Lăng, Thái tổ miếu, nơi thờ Tiên đế Quang Trung và gần Phù Bảo viện của triều Tây Sơn. Nhất cử lưỡng tiện, vừa giúp triều đình trong việc phụng tự ở Thanh Miếu vừa có điều kiện để hành thiền. Thế thì ngày Tết nơi khách xá đìu hiu là tất nhiên nhưng họ Ngô đang có niềm vui là vua Cảnh Thịnh đã trưởng thành, có học hạnh.

Khi vào triều cận ở kinh đô Phú Xuân, chưa được nửa năm đã vào dịp Tết Mậu Ngọ, Ngô Thời Nhậm đã vào tuổi 52, quá ngũ tuần, ông đã thấy mình già nhưng “tâm hồn lộng gió”, ung dung tự tại, viết hai câu thực:
老 至 有 錢 難 買 少
位 高 多 暦 不 爲 貧
[Lão chí hữu tiền nan mãi thiếu,
Vị cao đa lịch bất vi bần] (Già đến, có tiền khó mua trẻ,
Quan to, nhiều lịch lo chi nghèo).

Ở Huế, mùa Xuân, dịp tết trời còn rét, mưa bụi giăng giăng, hoa mai nở tràn và gió xuân làm mưa bụi xen lẫn hoa mai vẽ nên cảnh xuân ấn tượng.

Lương tiền bổng lộc với đại quan họ Ngô không phải để mua nhà cửa ruộng vườn xây cất dinh thự hoành tráng mà ông lại có ý vui, muốn mua thời tuổi trẻ, thời đất nước làm nên lịch sử kinh thiên động địa mà ông đã góp phần. Còn lộc đầu năm, theo chú thích của nhà thơ, đại quan nhất phẩm tước hầu như ông thì được cấp 100 quyển lịch và thêm quyển “Đại Thanh thời hiến thư”; 99 quyển lịch Đại Việt là để làm quà tặng thân bằng quyến thuộc, với Ngô Thời Nhậm là đủ vui, lo chi nghèo. Nhờ viết vui, thoáng chút trào lộng, có thể thấy được trạng huống làm quan của một túc nho, một thiền giả thuộc hàng cao đệ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vậy.

Ngô Thời Nhậm vào hai câu luận ánh lên “tông chỉ” mà ông tâm đắc:
韶 盈 耳 傍 宜 忘 肉
香 馥 心 頭 豈 用 薰
[Thiều doanh nhĩ bạng nghi vong nhục,
Hương phức tâm đầu khởi dụng huân] (Thanh nhạc tràn tai, nên quên thịt,
Thơm phức trong lòng, há cần hương).

Ngô Thời Nhậm vào hai câu luận ánh lên “tông chỉ” mà ông tâm đắc: 韶 盈 耳 傍 宜 忘 肉 香 馥 心 頭 豈 用 薰 [Thiều doanh nhĩ bạng nghi vong nhục, Hương phức tâm đầu khởi dụng huân] (Thanh nhạc tràn tai, nên quên thịt, Thơm phức trong lòng, há cần hương).

Vào thời vua trẻ Cảnh Thịnh đôi khi Ngô Thời Nhậm nghĩ mình không được trọng dụng như thời còn tiên đế, nên khi nhận chiếu chỉ của vua Cảnh Thịnh cử ông đi sứ báo tang, ông xúc cảm viết bài thơ Đạo ý và tác giả đã viết nguyên dẫn có câu: “Việc đã qua như giấc mơ, chúng ta chỉ để làm đám người tế lễ. Tưởng đến ơn tri ngộ năm xưa, thật khó có thể trở lại lần nữa”. Quan phụ trách tế lễ thì tiếp xúc với nhạc lễ thường xuyên vào những ngày sóc, vọng ở Thanh miếu là tất nhiên (nên quên thịt). Nhà thơ nói vui, chứ thực ra ông lúc bấy giờ đã trở thành Hải Lượng Thiền sư, quen trường chay là một thực tế. Quan trọng hơn nữa một bậc giác ngộ như Hải Lượng Thiền sư thì đã “chay lòng”, lòng dạ của ông là “lòng trong dạ trắng”, nức “hương thơm”, thế thì cần chi trầm hương để xông? Đến đây thì rõ trạng huống của một “Thiền sư-đại quan” thời Tây Sơn đón Tết Nguyên đán ở kinh đô Huế rất độc đáo.

Đón tết thì phải có rượu mừng xuân, trong tâm cảm lạc quan, yêu đời vui đạo họ Ngô cũng rót rượu mừng xuân, rượu “thái hòa” là rượu “địa thiên”(quẻ thái) và rượu để uống cùng với đất trời, với mọi người trong nỗi vui chung ngày tết. Bởi vậy ông kết bài thơ xuân mang màu Lão Trang khi dùng điển “gió phù dao” để nói lên bước đường hoạn lộ đã hanh thông, quan cực phẩm nhưng một đại quan liêm khiết, ngày Tết không có phường thuộc quan xu nịnh, chầu hầu cầu cạnh mà chỉ có chúa xuân (tức Đông quân) làm bạn mà thôi:

且 酌 太 和 迎 歳 旦
扶 搖 伴 我 有 東 君
[Thả chước thái hòa nghênh tuế đán,
Phù dao bạn ngã hữu đông quân] (Rượu thái hòa rót mừng tết đến,
Đường hoa mình bạn với Đông quân).

Xuân thuật với tác giả, hoàn cảnh, chủ đích sáng tác làm cho bài thơ rất độc đáo. Ngày xuân, đọc và cảm thụ bài thơ Xuân thuật mới thấy nỗi niềm sâu kín của Ngô Thời Nhậm trong bối cảnh triều Tây Sơn đang suy tàn.

Xuân thuật với tác giả, hoàn cảnh, chủ đích sáng tác làm cho bài thơ rất độc đáo. Ngày xuân, đọc và cảm thụ bài thơ Xuân thuật mới thấy nỗi niềm sâu kín của Ngô Thời Nhậm trong bối cảnh triều Tây Sơn đang suy vi. Quan thanh liêm như Ngô Thời Nhậm được mấy vị ở kinh đô Phú Xuân thời ấy? Vì quyền lợi, các đại quan gây bè kết cánh, o ép vua Cảnh Thịnh, hãm hại lẫn nhau, thậm chí đại quân Tây Sơn đang chống trả những cuộc tấn công của Nguyễn Vương ở Quy Nhơn có khi cũng phải rút lui để kéo về Phú Xuân “tranh bá đồ vương”. Bài thơ Xuân thuật của họ Ngô như một mẫu hình về “quan tốt” cho triều Tây Sơn mà Ngô Thời Nhậm ấp ủ trong những ngày tu tập ở thiền viện Trúc Lâm. Nhưng tiếc thay, khi ông vào triều cận để nhà vua hỏi han việc nước, việc đạo khi cần, chứ Ngô Thời Nhậm không có chút quyền hành gì, không có điều kiện để thi thố, nhằm tạo ra một lớp quan lại sống và làm việc theo tông chỉ Trúc Lâm Yên Tử thời Trần. Thời Trần nhờ “tông chỉ Trúc Lâm Yên Tử” nên “nhất thống thiên hạ” Đại Việt, nhiều lần đánh bại xâm lược Nguyên Mông. Còn triều Cảnh Thịnh không thật sự dùng Ngô Thời Nhậm, tức không kế thừa “tông chỉ Trúc Lâm Yên Tử” nên không cố kết được nhân tâm, kết quả chuốc lấy thất bại chỉ 4 năm sau khi bài thơ Xuân thuật ra đời.

 

Trần Viết Điền/TCVHPG417

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin