Chi tiết tin tức Bà lão cụt chân 21:37:00 - 29/10/2017
(PGNĐ) - Anh này, bà Phỏng bán bún hôm nay lại khất tiền em nữa đấy!
Tay cầm hai bì bún, Thoa lững thững bước vào trong nhà, giọng đầy khó chịu. Cường đang loay hoay gõ bàn phím lách cách, thấy vợ phân trần về chuyện mua bún, anh dừng lại nhìn vợ rồi cười xòa: - Chắc là bà khất nợ vì không có tiền lẻ thật. Em thông cảm cho bà ấy. Trách người già cả làm gì. - Không... không! Rõ ràng em thấy trong bọc tiền để ở túi áo của bà có rất nhiều tiền lẻ mà. Không thể có chuyện không có tiền lẻ được. Rồi Thoa còn phân trần thêm: Sao mấy người lạ qua đường ăn hoặc mua về, bà ấy không khất họ như mình đi! Bà thối tiền lại đầy đủ mà. Rõ ràng như thế!... Sau đoạn kể lể, chồng Thoa lắc đầu mỉm cười rồi lại chăm chú lách cách gõ máy. Giọng Thoa thôi cằn nhằn. Cô đánh tiếng gọi con dồn dập: - Hiền, Hòa, hai chị em dậy thôi nào! Muộn giờ lên lớp rồi... Từ khi chuyển đến trọ ở ngôi nhà đầu phố, có rất nhiều việc khiến Thoa ưng ý, nhưng cũng có vài chuyện lặt vặt khiến cô chẳng vừa ý chút nào. Đại loại như chuyện của bà lão cụt bán bún tên Phỏng kia. Ngày nào cũng vậy, mỗi sáng, Thoa đều mua đồ ăn sáng về chuẩn bị cho con xuống trường đi học. Hai con gái của cô lại cứ thích ăn bún của bà Phỏng nấu. Có bữa vì không vừa ý bà, Thoa đánh bạo sang quán bún khác mua. Thế mà chiều đến trường đón con, nghe cô bảo, hai đứa con Thoa không chịu ăn sáng vì không phải bún của bà lão cụt thường ngày. Và rồi từ hôm sau, dù thể nào, Thoa cũng phải đến đó mua cho con. Chúng ăn bún chẳng biết chán, quanh đi quẩn lại: hết bún thịt, bún trứng cút, lại đến bún chả cá. Ngày nào chúng cũng chỉ “nghiền” mỗi món bún. Còn bà lão cụt Phỏng thì... Mà sao bà lại phải làm như vậy. Thoa chẳng thể lý giải được. Cô nghĩ rồi lắc đầu. Chuyển đến khu phố này ở trọ được hơn một tháng thì mất hơn nửa tháng, hai con của cô ăn bún của bà lão cụt nấu. Cứ nghĩ đến là Thoa lại bực mình. Nào mua có hai bì bún 8 ngàn, Thoa đưa tờ 10 ngàn để bà thối lại. Ấy vậy mà hôm nay bà bảo: Bà hết tiền lẻ rồi. Cho bà khất lại 2 ngàn! Đến mai mua đưa tờ 10 ngàn, bà lại bảo: Bà còn có mỗi tờ 2 ngàn à. Để lại 2 ngàn, mai con lại mua tiếp nghe! Chả lẽ Thoa lại nói là không, nếu không vì hai cô con gái của Thoa thích ăn bún của bà nấu thì Thoa đã thôi mua từ lâu rồi. Vậy mà bà viện lý do lý trấu rằng không có tiền lẻ. Thái độ và hành động của bà lão cụt khiến Thoa bức bối trong người. Cô không khó khăn đến mức vì chuyện nhỏ ấy mà đem lòng ghét một ai đó, nhưng việc lặp đi lặp lại, cô không chịu được. Định nói thẳng nhưng nghĩ đi nghĩ lại, Thoa lại nấn ná. Với lại nhìn bà bị cụt mất một chân mà vẫn ngồi bán bún, Thoa cũng thấy thương cảm phần nào. Hơn nữa, bà lại sống đơn độc trong căn nhà thuê trọ như vợ chồng Thoa. Buổi chiều, đón con từ trường về, Thoa thấy mấy bà, mấy cô ngồi tụm năm tụm bảy trò chuyện trước ngõ. Thấy mẹ con Thoa, bà Yến vẫy cô lại hỏi chuyện. Cũng chỉ là chuyện mua bún bà lão cụt góc phố, bởi bà Yến thường thấy sáng nào Thoa cũng xách hai bì bún từ đó đi về. Câu chuyện về bà lão bán bún qua lời kể của xóm giềng khiến Thoa vỡ lẽ. Bà Phỏng ngày xưa đẹp lắm. Vẻ đẹp đoan trang, thùy mị đánh đổ cả đám trai phố huyện ấy chứ! Ấy vậy mà trái tim bà chỉ dành riêng cho người con trai nghèo tên Pha, cùng xóm. Gia đình bà vốn chẳng khá giả gì nhưng thấy bà chọn chỗ nương thân nghèo túng, ba mẹ bà phản đối dữ lắm. Vì thương Pha nên bà Phỏng nhất mực van lạy cha mẹ cho lấy, sướng khổ gì mình chịu hết. Gạt đi nước mắt, ba mẹ bà chấp nhận cuộc hôn nhân của con gái. Những tưởng tình yêu sẽ át đi sự nghèo khổ, ai dè, khi hai đứa con gái của bà mới còn học cấp 1 thì một tai nạn giao thông ập đến khiến bà phải cưa bỏ đi một chân. Bà trở thành người tàn phế. Chồng bà thấy bà chẳng thể làm được gì, chỉ ngồi một chỗ, tính tình anh ta đâm ra thay đổi. Gã ta bỏ đi theo người đàn bà khác, để lại hai đứa con nheo nhóc cho người vợ cụt mà chẳng nhắn nhủ một lời. Để có tiền nuôi con, bà bán ngôi nhà trong hẻm vắng rồi thuê ngôi nhà nhỏ nơi góc phố, cạnh cổng trường học để mở quán bán bún. Nghề bán bún của bà vốn được người bạn xã bên mách kế. Ban đầu lưa thưa vài ba khách, nhưng dần dà người đến ăn bún bà nấu cũng nhiều. Đa số khách đến đều là học sinh, những người lao động nghèo tiện đường ghé qua. Cả trẻ con, như hai đứa con gái của Thoa chẳng hạn. Hồi con còn nhỏ, công việc đi chợ, bà Phỏng thường nhờ cô em họ ở bên cạnh mua bán. Khi con cái lớn, chúng đi chợ thay bà. Rồi khi con đi học xa nhà, bà đặt hàng cho người ta đem đồ đến tận nhà. Cứ thế, bà chỉ việc thức khuya, dậy sớm nấu nướng, bán hàng. Dẫu chỉ còn một bên chân, di chuyển khó nhọc, nhưng làm riết cũng quen. Rồi bà bén duyên với nghề cũng đã gần 30 năm rồi. Ba mẹ con nương tựa vào nhau đi qua những ngày gian khổ nhất khiến hàng phố nhìn vào, ai nấy cũng động lòng. Hai cô con gái của bà đều trở thành cô giáo cũng nhờ quán bún của bà cả. Hôm trước, Thoa cuốc bộ từ nhà lên mua bún cho con. Trong khi chờ đợi, cô thấy ông cụ khoảng ngoài 70 tuổi ngồi cắm cúi gắp từng sợi bún để ăn. Dù bán hàng cho khách, nhưng thi thoảng bà vẫn hướng cái nhìn về phía ông lão đáng thương bằng đôi mắt sẻ chia. Khi ông lật đật đứng dậy sờ soạng trong túi áo và lôi ra những tờ bạc lẻ nhàu nát được vuốt lại ngay ngắn đưa về phía bà, bà mỉm cười đôn hậu: - Hôm nay tôi bán bún miễn phí cho cụ. Cụ không phải trả tiền đâu. Ngày mai, cụ lại đến đây ăn bún nghe! Ông lão cười để lộ hàm răng đôi ba cái đã rụng, giọng ồm ồm: - Cảm ơn chị. Thi thoảng chị bán miễn phí thì lấy đâu ra lời lãi? Quay nhìn Thoa, ông lão vui tươi: - Bà ấy tốt lắm. Không chỉ riêng tôi đâu. Học sinh ăn sáng ở đây thỉnh thoảng cũng được bà bán miễn phí đấy! Thoa gật đầu và mỉm cười đáp lại. Bóng ông trên chiếc xe đạp khuất dần ở khúc cua, bà Phỏng nhìn Thoa cười: - Ông ấy hiền lành và tội nghiệp lắm cháu! Con cái bỏ đi làm ăn hết, một mình ông sống thui thủi ở cuối phố. Tôi thương đức tính tốt nên mới vậy. Với những người quen thân, tôi vẫn thường thối tiền nhưng để lại một, hai ngàn không phải để giữ khách hay bắt họ phải đến ăn bún tôi nấu mà vì tôi muốn được gặp họ mỗi ngày, được trò chuyện, được hiểu thêm về họ. Bà nói với Thoa như giãi bày. - Và bởi tôi bị cụt mất một chân, ít đi lại đây đó được nên muốn có người trò chuyện lắm. Giọng người đàn bà gần tuổi 60 rưng rưng. Thoa cầm hai bì bún, trả tiền. Như thường lệ, Thoa vẫn đưa tờ 10 ngàn để trả tiền hai bì bún. Bà Phỏng cẩn thận lấy trong túi áo tờ 2 ngàn định thối thì Thoa mỉm cười ngăn lại: - Bà không phải thối đâu ạ. Sáng mai, con lại lên mua bún cho hai cháu mà! Bà nhìn Thoa bằng nụ cười cảm ơn. Bước chân ra về, Thoa nghĩ lại những lời tâm sự của bà Phỏng, nhớ những suy nghĩ thiển cận của mình về bà mấy hôm trước đó, và cả những câu chuyện nghe được từ hàng xóm,... Ngoái đầu lại nhìn, Thoa thấy bà vẫn đang ngồi bệt trên cái ghế nhựa cũ đã cắt sát bốn chân. Có khách đến, bà vừa bán bún vừa nói cười vui vẻ. Bao bực dọc trong người Thoa giờ đây bỗng nhiên tan biến chỉ còn lại hình ảnh bà lão cụt thật đáng trân trọng và khâm phục. Lê Xuyên
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |