Chi tiết tin tức

Con ngựa gỗ

16:42:00 - 10/01/2016
(PGNĐ) -  Hắn là một kẻ ít nói nhất mà tôi gặp trong cái phố thị vốn nóng bức và ồn ào này, từ ngày cha hắn đã bỏ lại mẹ con hắn trong một buổi sáng mùa đông lạnh như thế vì căn bệnh phổi ác tính. Hắn không thể hình dung và nhớ ra điều gì ngoài vết sẹo càng ngày càng teo lại và đau đớn của mẹ hắn.
Ngày ấy hắn vẫn còn nhỏ lắm. Phố vẫn còn những cây cơm nguội vàng gầy guộc cằn cỗi trên những con đường quen thuộc. Hắn cảm thấy yêu lắm sự cằn cỗi này biết bao. Giá mà hàng cây ấy đừng lớn lên và hắn vẫn mãi bé nhỏ như ngày xưa ấy. Và hắn vẫn còn được thấy tấm thân còm cõi của cha từ tờ mờ sáng đã bắt đầu chạy xe thồ trên mỗi tuyến đường.
 
con ngua go.jpg

Dưới ngọn đèn tù mù, bà mẹ chưa đi ngủ mà vẫn còn ngồi đấy uống nước trà. Nước trà bà uống buổi chiều và tối rất loãng. Mẹ thường pha nước sôi thêm vào ấm trà mới ban sáng, bà uống đến khi nước trà nhìn trong veo gần như nước lọc. Hắn ngày ấy chừng 5 tuổi. Điều đó cứ lặp lại hàng ngày như một thói quen trừ khi hắn đi xa nhà.

Hắn đã từng tưởng tượng ra những vệt vôi loang trên những bức tường - thuở nhỏ hắn đã từng nghĩ đó như là những vị La-hán chùa Tây Phương như trong bài thơ hắn đọc trong sách giáo khoa, lớn lên hắn nghĩ: ồ mình sai rồi - đó là nhiều số phận đang chảy. Mỗi năm, ngày con nước dâng, hắn được vui đùa với chúng bạn ngoài đồng khơi với cái lạnh buốt lưng. Những ngọn rau ráy, tiếng lợn kêu, tiếng băm băm trên cái thớt gỗ thật nhanh tay... đó là những âm thanh về ký ức những ngày thơ bé của hắn. Chúng thuộc về một thập niên khó liền vết sẹo đối với hắn - những năm 80.

Hắn nghe thấy tiếng con ngựa gỗ cọc cạch. Tiếng rọt rẹt của lũ mối trong những thanh gỗ trên mái ngói. Hắn đang ngồi trên ngưỡng của sự đổi thay, bên dòng sông chảy. Lắng nghe điều gì cũ đang nắm lấy không khí như bọt nước thoát ra khỏi cá. Hắn thổi phồng sự sống thành quả bóng rồi thả bay. Hắn nhìn mẹ đang ngồi trên ghế với tách trà mùa đông, những tờ lịch sót lại những kỷ niệm vui buồn. Lắng nghe tiếng quẫy của cá chép di chuyển gần chạm trần nhà của mình. Những bài thơ vừa mắc lại ở gót chân của một vận động viên nhảy cao. Chúng bật xà và rơi, cách rơi không tự do những quả táo chín. Rất nhanh, chúng rơi xuống và nằm giữa một bãi cát nhỏ nhưng chứa đầy khát vọng.

Nhưng ngày mai hai mẹ con hắn phải vào bệnh viện, có lẽ phải ở đó rất dài ngày.

Tiếng thang máy hôm nay nghe rè rè, nó phát ra từ mấy cái hộp nhỏ thông sâu vào bên trong. Hình như người ta quên cho dầu vào máy. Tiếng ròng rọc quay quay nghe càng rõ khi thang máy sắp chạm đích. Cái thang máy này đã kéo khá nhiều ngày tháng lên xuống nên đã quá mòn. Hắn đã ở đây, nơi cái bệnh viện cũ kỹ đã gần nửa năm. Từ ngày hai quả thận của bà mẹ cần phải được chạy hàng ngày thì nhà hai mẹ con hắn càng nghèo xác nghèo xơ. Nhà không còn một đồng nào ngoài căn nhà cổ cũ kỹ ở ngay mặt phố nhỏ. Hắn biết, nếu sau này mẹ qua đời, hắn sẽ bán gấp ngôi nhà đã cầm cố vay nợ.

Ngôi nhà ấy tuổi đã hơn 100 năm, đó là tất cả những ký ức thuộc về người xưa: ông cố, ông nội và ba hắn. Nơi ấy vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm phai mòn như con ngựa gỗ cũ được ba hắn gọt đẽo từ thứ gỗ gụ đen cứng. Thời gian đã phủ một lớp bụi mờ trắng mỏng trên những đường vân gỗ, từng cái kèo cột, cả bộ ngựa ba mảnh đặt cạnh gian giữa nhà trên. Hắn sẽ không còn gì cả, ngôi nhà - người mẹ - hắn thấy sợ những năm tháng còn lại. Hắn vẫn còn trẻ lắm, hắn vừa tốt nghiệp phổ thông năm ngoái.

Hàng ngày, khi người mẹ thiếp ngủ, hắn thường đi ra phía hành lang và bước vào thang máy. Phòng bệnh của hai mẹ con hắn nằm ở tầng 4 bệnh viện. Mỗi lần đứng trên thang máy đi xuống hắn cảm thấy đôi chân của hắn đang hổng. Rồi hắn bước ra, đứng một lúc nhìn ngó người ta. Chừng vài phút, hắn lại bước vào thang máy và lên cùng với rất nhiều người. Hắn đi thẳng vào phòng bệnh của mẹ, một lúc lại đi ra hành lang, bước vào thang máy và xuống. Chân hắn hổng. Hắn đã thích cảm giác này. Và hàng ngày cứ đều đặn như vậy, đôi khi mấy chục bận hắn lên - xuống. Mỗi lúc bà ngủ, cái thang máy trở thành người bạn song hành với những suy nghĩ và nỗi sợ hãi trong hắn. Đôi khi hắn nghe thấy cả nhịp thở của cái thang máy kia.

Hắn đã lắng nghe được những câu chuyện của sự im lặng. Nó thật thú vị. Nỗi sợ hãi được hắn giấu kín nhưng chiếc thang máy kia đã lắng nghe được nhịp tim đập nhanh của hắn khi thang bắt đầu hạ xuống. Phía bên trong của cái thang máy ấy là rất nhiều câu chuyện của sự hồi hộp, nỗi lo âu, hay vui mừng, hay là những điều tuyệt vọng gì đó.

Những ngày đầu mới vào bệnh viện này hắn đã thấy người ta đẩy băng-ca từ phòng bệnh chạy ra phía cầu thang rồi đi ra thẳng chiếc xe đang đợi sẵn. Hắn đã bước hổng chân, hốt hoảng chạy về phòng tìm mẹ. Mẹ hắn vẫn đang ngủ, gương mặt phù nề nên nhìn thấy đôi chân mày không duỗi thẳng mà cong lại như đang nghĩ ngợi. Bà nằm co ro, hắn kéo tấm chăn mỏng đắp lại cho bà. Hắn có cảm giác sợ đi vào cái thang máy ấy, thế là hắn chỉ đi cầu thang bộ.

Bệnh tình của bà ngày càng nặng hơn, bà yếu lắm, chân bà sưng phù và nặng trịch không đi lại được. Người ta cho mẹ hắn một chiếc xe lăn. Hàng ngày hắn đẩy mẹ đi chạy thận, lên - xuống chiếc cầu thang. Bây giờ hắn đã mất đi sự sợ hãi từ mấy tháng trước, mỗi lần mẹ ngủ hắn lại bước ra đi về chiếc cầu thang, hắn đi xuống rồi lên một mình. Mỗi vòng của hắn chỉ chừng mười phút, kể cả khi hắn bước ra ở bên dưới và ngó lơ láo chung quanh rồi đi lên trở lại.

Hắn thích thú khi chân hắn có cảm giác bị hỏng, hoặc cả người hắn lọt thỏm xuống bên dưới. Bên ngoài cửa kia, hắn nhìn thấy từng chóp nhà tụt dần tụt dần, cả thóp núi ngoài xa kia nữa. Cuối cùng chỉ còn lại mình hắn đứng trên mặt đất và bước ra. Hắn lại ngó nhìn người ra, người vào, người chờ đợi... rồi hắn vội vã đi lên.

Lúc này mẹ hắn vừa tỉnh dậy sau khi chạy thận. Dáng mệt mỏi, bà nói giọng yếu ớt:

- Mẹ thấy chóng mặt quá con, có cái gì đó cứ căng ra trong đôi mắt của mẹ.

Hắn đỡ bà ngồi dậy và trả lời:

- Không sao mẹ ạ, tại cái gối ban nãy con kê cho mẹ thấp quá, máu lại dồn hết lên đầu.

- Mẹ thấy rất mệt ngực, con gọi bác sĩ lại khám cho mẹ đi.

Hầu như mỗi lần tỉnh lại mẹ hắn đều lo lắng như vậy. Hắn lại trấn an:

- Dạ, để con gọi, nhưng giờ này bác sĩ trực có lẽ vừa mới chợp mắt, cố đợi thêm lát nữa mẹ à.

Tiếng còi hụ hụ đã chờ ở bên dưới vọng lên. Hôm nay người ta đã mở cửa thang máy để chờ hai mẹ con hắn xuống. Chiếc băng-ca nặng trịch, mẹ hắn nằm dài trên ấy, hắn nhìn gương mặt, cầm tay bà và đi xuống mà không có lấy một giọt nước mắt. Mặt hắn xanh tái và đôi mắt không còn thần sắc. Hắn thấy đôi chân hắn hạ hổng xuống mặt đất, tất cả màu sắc bên ngoài cửa thang máy có một màu xám tro tụt dần, tụt dần và chôn sâu vào mặt đất.

Ngày giỗ đầu của mẹ, hắn tìm về ngôi nhà cũ. Hắn xin phép chủ nhà leo lên căn gác cũ lấy con ngựa gỗ hắn đã xin gửi lại ở đó.

- Tám chục cây là đã quá nhiều, cháu nên dứt khoát đi kẻo kéo dài thì tiền nợ lãi sẽ thêm nhiều, cháu nghĩ lại đi cháu nhé, mà căn nhà này mối mọt hết rồi, cũng phải tu sửa lại hết, sắp sập đến nơi rồi.

Hắn chần chừ rồi gật đầu. Một chữ ký chóng vánh khoanh vòng sự nuối tiếc trong đôi mắt của hắn.

Những ngày đầu hắn đặt chân đến ngôi nhà mới hầu như không có lúc nào hắn trốn vào đâu để được sự yên tĩnh. Hắn cần sự yên tĩnh để những hoài niệm không khuấy động. Tiếng phanh xe thắng kít ngoài kia làm hắn giật mình. Tiếng còi hụ hụ, tiếng những con chó ẳng ẳng trên tivi, tiếng người ta đang cưa xé từng thân cây, tiếng đổ ào ào, tiếng máu chảy… Hắn loạn óc. Hắn đóng sập cửa lại, ngồi thu lu một góc. Ngôi nhà mới, hắn và con ngựa gỗ đang im lặng. Bất chợt hắn đưa tay đánh dập dềnh con ngựa gỗ ở trước mặt.

- Lóc cóc… lóc cóc…

Có tiếng lóc cóc của đôi bàn chân nào đó đang lại cùng với hắn, cả tiếng cười của trẻ con vang lại từ xa, bóng cây trải mặt đường, trong màn đêm thoáng hiện nụ cười buồn của mẹ hắn. Hắn lại nhìn thấy cây cổ thụ trước nhà người ta cưa đi vì nó bị nghiêng. Cha hắn đã xin họ một nhánh cây nhỏ.

- Cha cưa khúc gỗ này làm gì vậy?

- Cha sẽ làm cho con con ngựa gỗ, lấy cái búa cho cha, cha đóng lại mấy tấm gỗ này, giờ có thể mượn đâu ra cái bào con nhỉ, thôi thì sần sùi thế cũng được, con trai của cha ngồi hoài cũng sẽ nhẵn ngay thôi mà.

- Ngày xưa nội con bảo cây này mang sinh mệnh của cha đó con, thầy địa lý bảo vậy, cha không tin lắm nhưng cứ ngờ ngợ điều gì đó con ạ - ông tiếp tục nói và không ngẩng đầu lên, tiếng cưa đang rẹt rẹt cứa từng đường vân gỗ.

 Thế là bốn tấm gỗ nhỏ được ghép lại thành hình một con ngựa nhỏ đơn sơ.

- Lóc cóc… lóc cóc…

Hắn lại nghe thấy tiếng máu chảy từ những thân cây, những chiếc lưỡi liếm vội qua góc phố có ngôi nhà xưa của gia đình hắn. Từng hàng sấu, hàng me, hàng lim già đang bị nhai nhồm nhoàm trong những cái miệng sâu.

- Một lũ sâu biến dị - hắn nói sau tiếng ngã uỵch của một thân cây như vừa đổ trên tivi.

Bóng ai vừa thoáng qua rồi mất hút trong làn sương - “cố lên con trai !”

Hôm sau, hắn khóa trái cửa suốt ngày, hắn vào một bệnh viện lớn. Hắn cứ theo dòng người bước vào thang máy đi lên rồi đi xuống. Hắn cứ lên - xuống cùng với dòng người cho đến khi hắn cảm nhận cái cảm giác hổng đôi chân. Phía bên ngoài cửa sổ thang máy, từng ngôi nhà, từng ô cửa, từng ngọn lá xanh cứ tụt dần tụt dần xuống. Hắn ngỡ hắn đang đi vào đất - nơi có sự ngủ yên của những mảng ký ức của hắn với những người thân yêu. Hắn nhận ra rằng, cuộc sống cần có một chút lạnh và đau thì mới là đầy đủ. Trời đang rất nực, hắn đang thèm một chút cốt cách của tuyết để chực tan ra.

Ngoài kia phố xá vẫn nóng bức, vẫn ồn ào. Hắn nghe đâu đây mùi của tuyết, cái tuyết nhiệt đới có mùi sao mà quen thuộc đến thế.

Đêm, không ồn ào sau cánh cửa khép. Tiếng lóc cóc lóc cóc… lại vang lên. Hắn nghe tiếng lá đùa, tiếng chân chạy của trẻ con, tiếng mẹ hắn: “từ từ thôi con, kẻo ngã!”. Bóng cây cổ thụ đổ về phía đứa trẻ đang chạy.

- Từ từ thôi, kẻo ngã!

Hắn đang trôi tuột xuống như cái cầu thang máy, mọi thứ đang hụt dần hụt dần xuống sâu bên dưới. Vẫn còn vọng lên tiếng lóc cóc lóc cóc như ai đó đang nói lời tạm biệt.

N.H.A.T

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin