Chi tiết tin tức

Dắt em đi khai giảng...

19:26:00 - 23/09/2020
(PGNĐ) -  1. Trong nhà, các anh chị lớn đều đã “tốt nghiệp sớm” chuyện học, lo đi làm rẫy nương với ba mẹ. Duy nhất có nó còn là học sinh, ngày ngày vẫn được tung tăng cắp sách tới trường. Năm nay nó lớp 4. Nhìn bề ngoài, bộ dạng nó có hơi “hột mít” nhưng được cái học giỏi.

 

tuoi-hoc-tro.JPG
Ba tháng hè trôi rất chóng. Mới đó đã vào tháng 9... - Ảnh minh họa từ internet

 

Mẹ vẫn luôn miệng bảo: “Đẹp mà học dở thì đẹp chi?”. Phải rồi! Con Thơ, con Hậu ở trường mỗi lúc ra chơi vẫn hay theo ghẹo cái bộ dạng thấp lùn, mập lu của nó, đứa đặt “vịt xiêm”, đứa kêu “nhái bầu”. Kệ đi, không thèm chấp, cứ đợi tới lúc cô cho làm bài kiểm tra đứa nào quay sang cầu cứu “vịt xiêm” với “nhái bầu” là biết!


Một mình đi học, lại còn học giỏi kể cũng sướng. Ở nhà thì được ba mẹ, anh chị cưng chiều. Mà ý quên! Không chỉ cưng chiều thôi đâu; còn… nể nang nữa mới khoái. Chuyện gì liên quan chút chút tới chữ nghĩa nó đều được kêu ra để… góp ý. Còn hỏi! Giờ tính ra trong nhà nó là người “học vấn” cao nhứt. Ba mẹ thuộc lớp “người xưa”, chữ nghĩa lõm bõm đã đành, nhưng nhà khổ, mấy anh chị lớn cũng đâu có ai được học hành tử tế. Nhiều nhứt như anh Tư cũng chỉ mới học xong cái lớp 6. Tiếng hơn lớp, nhưng anh bỏ học lâu, lại còn… học dốt chứ đâu “văn hay chữ tốt” như nó bây giờ?

 

Năm nay nó lớp 4, còn một năm lớp 5 nữa thôi là sẽ bước chân lên trung học. “Sắp lớn rồi” - mẹ bảo. “Phải lớn chớ! Ăn tốn biết bao nhiêu cơm gạo rồi, nhỏ hoài sao được?” - là lời ba. Trời, cả nhà làm như nó muốn nhỏ. Chẳng qua tại cái chiều cao nó hơi “khiêm tốn” chớ mấy thứ khác đâu đến nỗi nào đâu. Không thấy nó suốt ngày tha con Út Đẹt trên lưng, bình bịch chạy từ đầu trên chí xóm dưới hay sao. Mà con Đẹt, nói thiệt tình, nhỏ hơn nó có… ba tuổi chớ mấy. Nghe ba kể tuổi nó mà được học lớp 4 là do hồi mẫu giáo cô giáo thấy nó… thông minh mới xúi ba lên tư pháp xã “khai gian” - đôn năm sinh nó lên một năm - để được vào luôn lớp 1. Chuyện “động trời” vậy nhưng ba gặp ai cũng kể. Nguyên do có lẽ là do nó “học băng” trước tuổi  mà vẫn học giỏi khiến ba thấy quá tự hào.

 

Niềm tự hào “được đi học” lẽ ra nay nó không còn được hưởng trọn. Còn có con Út Đẹt. Năm nay nàng Đẹt lên sáu, tới tuổi vào mẫu giáo. Vậy nhưng từ đầu năm học, nhắc tới chuyện “đi mẫu giáo” là nàng kêu thét, nước mắt ngắn dài nhất định không. Hỏi ra mới biết: nguyên nhân từ đám trẻ ranh trong xóm cứ suốt ngày nghêu ngao: “mẫu giáo ăn cháo… cứt gà”. Nàng Đẹt sợ ăn cháo cứt gà quá, ngọt nhạt dỗ dành sao cũng nhất quyết không đi học. Dỗ mãi không được ba thở dài: “Thôi, để sang năm cho nó vào lớp 1 luôn”. Con Bé chị quen lớp quen trường, coi khai giảng lo dắt em đi nhập học…

 

“Bé chị” tức là nó.

 

2. Ba tháng hè trôi rất chóng. Mới đó đã vào tháng 9, sắp khai giảng rồi.

 

Năm lớp 4, như thường lệ, cuối năm nó lại khệ nệ ôm về cái bằng khen với chồng vở to tướng. Ba mẹ cười ngoác hết mang tai, còn con Út Đẹt thì cứ lẽo đẽo theo sau, sờ nắn hết bằng khen lại tới sách vở, bộ dạng rất thèm thuồng. 

 

- Nào, năm nay Út đi học cùng chị Bé nha. Học giỏi cuối năm cũng sẽ có thưởng. Nhất trí, ngoéo tay nè? 

 

Nàng Út bộ hơi băn khoăn; chắc ám ảnh vụ “ăn cháo cứt gà” bữa trước. 

 

- Yên tâm đi, không phải ăn cháo… Út đi lớp một cùng chị Bé, xong về nhà… ăn cơm! 

 

Cả nhà bật cười rân. Nàng Út Đẹt mắc cỡ chạy trốn sau lưng mẹ nhưng vẫn lén đưa tay khều khều chị Bé, giơ ngón út trắng hồng ra ngoéo, ý đã bằng lòng.

 

Chưa tới ngày khai giảng, mẹ đã lo trang bị cho con Út Đẹt “tới tận răng”: áo, quần, mũ, dép, bút, thước, phấn, bảng con và vân vân. Tất cả đồ dùng học tập dồn gọn trong chiếc cặp có quai đeo cũng mới toanh. À quên, còn thêm hai tập vở mới xếp phẳng phiu ngăn giữa là quà từ phần thưởng năm rồi của chị Bé. Nàng Đẹt sướng quá, cứ gióng áo gióng quần đeo cặp khệnh khạng dạo từ nhà ra ngõ; xong lại từ ngõ vào nhà cho đến lúc bị mẹ quát mới thôi. Nó dỗ con em đang phụng phịu vì bị mẹ mắng, nước mắt vòng quanh: “Em ngoan, nghe lời mẹ, đừng nghịch cặp sách với áo quần kẻo bẩn. Ráng tới mai rồi đi học với chị. Mai khai giảng rồi...”. 

 

Phải, mai là khai giảng! Nó sẽ vào lớp 5, còn con Đẹt vào lớp 1.

 

3. Lần đầu tiên đến trường trong tư cách bà chị, nó thấy mình thật… đạo mạo. Mà không, cái tư cách ấy đã phải thể hiện ngay từ sáng sớm. Mọi khi một mình nó đã tới lúc xuống giường còn lười biếng nằm ư ư chờ mẹ gọi. Bữa nay thì khỏi, mở mắt là choàng dậy ngay, lo quáng quàng rửa mặt đánh răng, còn phải lo cho con Đẹt nữa chớ đâu phải mình mình!

 

Nàng Đẹt ngay cán tàn, vẫn cứ lơn tơn, bị bà chị lôi ra ang nước bắt rửa mặt đánh răng, xong lôi vào buộc tóc chải đầu, thay quần áo mới chỉn chu. Kiểm tra sách vở bút thước “yên vị” đâu đó trong cặp rồi mới dắt em đi ăn sáng. Xong phần em mới tới phần nó. Rẹt rẹt mười lăm phút là xong cái khâu chuẩn bị mà bình thường nó sẽ kéo rê ra tới nửa giờ…

 

Trường học hôm nay đông vui quá thể! Lũ bạn cùng lớp từ xa thấy nó đã nhao nhao xúm lại. Nàng Đẹt sợ hãi cứ bíu lấy chị không rời nửa bước. 

 

- Em mầy hả? Cha, con nhỏ dễ thương quá bây! 

 

Đúng rồi, nàng Đẹt nhỏ người chút nhưng cân đối trắng trẻo dễ thương, không “hột mít” đen thui như nó. Muốn nói: “Em tao mà, không dễ thương sao được”, nhưng sợ lũ bạn tọc mạch săm soi, phát giác chuyện chị em không giống nhau lại la ó trêu ghẹo rân bầng mất công. Thôi, “im lặng là vàng”. Với lại còn phải lo cho xong nhiệm vụ quan trọng của bà chị ngày đầu tiên đưa em đến lớp! Nàng Đẹt cứ lũn cũn theo sát lưng chị, níu chặt tay không buông khiến nó có cảm giác mình càng quan trọng hơn. Hình như nó không phải là chị mà là… mẹ con Út Đẹt mới đúng. Nó nhớ đến ngày khai giảng đầu tiên của nó cũng là mẹ dắt đi.

 

Đưa con Đẹt vào lớp. May quá! Đúng lớp của của cô Thao từng chủ nhiệm nó ba năm trước. Nó học giỏi, lại ngoan hiền nên cô Thao rất quý. Tìm chỗ xếp hàng cho em, dặn em nghe lời cô giáo hướng dẫn, tan lớp trước thì ngồi yên chờ chị tới đón. Con Đẹt nghe gì cũng dạ dạ vâng vâng rất nhũn, không “đành hanh” như lúc chị em ở nhà chơi chung. 

 

“Dạ” ngoan vậy rồi mà thấy chị dợm đi cũng đỏ mắt rưng rưng chợt khóc khiến cô Thao phải phụ dỗ…

 

Ba chân bốn cẳng chạy về lớp thì bạn bè đã tập họp. Đang điểm danh, chuẩn bị vào lớp. Con Thơ kéo tay nó: “Lẹ lẹ, sắp tới tên mày rồi”… Nó hô “có” trả lời cô xong mới dám thở phào. Vừa kịp, may ghê! Từ lúc biết cắp sách đến trường, chưa khi nào khai giảng nó bị muộn điểm danh. Xong điểm danh lại phải vào lớp lo bầu ban cán sự lớp. Ngồi nghe cô dặn dò lâu quá khiến ruột gan nó nóng giãy: Con Đẹt chắc tan lớp lâu rồi, không thấy chị đón chẳng biết có đang khóc mếu?

 

Khóc mếu thật. Mà không; không phải khóc mếu. Khóc to, hụ hụ hức hức rất thảm thương. 

 

- Sao vậy Út? Chờ chị lâu quá hử?

 

- Không phải! Là bì… cao su của em; tụi… nó… lấy… hư hư…

 

Hiểu rồi, vụ ỷ mạnh “trấn lột” đồ chơi bạn cùng lớp của mấy ông “ôn thần” thì nó đâu có lạ. Nó nắm chặt hai tay, mặt “đằng đằng sát khí”. Mạnh kiểu gì cũng chỉ mới lớp 1, bộ chúng tưởng con Đẹt không có bà chị này sao chớ. Chỉ cần con Út chỉ mặt mấy thằng đầu têu, nó sẽ đón đường… bợp tai cả lũ cho biết tay!

 

Nghĩ vậy thôi, chớ tới lúc toan “hành sự” lại thấy hơi… run. Nghe em bị bắt nạt tức quá nên mới vậy, chớ xưa nay nó vốn nhát hít, có dám gây gổ với ai bao giờ. Sực nhớ tới cô Thao năm nay chủ nhiệm con Út Đẹt. Được lắm! Cô Thao rất nghiêm, phải cầu cứu cô ra tay xử vụ này mới được. Hơn nữa, cô với nó dù gì cũng chỗ “quen lớn”. Biết vậy, nhưng dắt con Đẹt tới cửa phòng hội đồng, bàn chân nó vẫn khựng lại. Run quá… Lần đầu tiên vì em gái nó mới dám “liều mình” đi khiếu kiện với thầy cô. Một, hai, ba,… nó hít một hơi dài, lấy hết can đảm lôi tuột con Út qua khỏi cửa phòng, xăm xăm bước thẳng tới chỗ cô Thao. 

 

- Thưa cô, em gái em đi học mang bì cao su để chơi mà tụi bạn cùng lớp nó dám ỷ đông trấn lột…

 

Nói dõng dạc được tới đó thì cả hai chị em cùng hức hức khóc mếu…

 

Y Nguyên 

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin