Chi tiết tin tức

Mẹ vẫn luôn là mẹ

23:03:00 - 30/08/2020
(PGNĐ) -  1. Trăng chênh chếch về phía đằng tây, Liên vẫn không tài nào ngủ được. Cô ngồi bó gối nhìn qua ô cửa sổ thứ ánh sáng xanh bàng bạc đang chiếu rọi ngoài kia mà cảm thấy tủi thân đến lạ.

Liên yêu Tuấn đã được hai năm và đây là lần đầu tiên Tuấn dắt cô về căn nhà của mẹ con anh. Liên từng nghe Tuấn nói về gia cảnh của mình, nhưng trong suy nghĩ của cô cũng chưa từng hình dung ra được nhà của mẹ con Tuấn lại tồi tàn đến thế. Ngôi nhà cấp bốn lợp bằng mái tôn thấp lè tè, tường không tô trát nhìn nham nhở nằm khuất sau những rặng dừa cao vun vút. Đêm đến cơ man nào là muỗi với muỗi, nghe rõ cả những tiếng côn trùng réo rắt từ xa. Một người con gái thành phố như Liên chẳng thể nào về làm dâu ở cái xứ này được. Nhất là khi Liên nhìn thấy mẹ Tuấn, một người đàn bà quê mùa và bẩn thỉu thì làm sao Liên có thể hầu hạ bà ta cho được. “Ngày mai phải nói rõ cho Tuấn biết mới được”. Liên thầm nghĩ trong đầu trước khi đặt lưng nằm xuống mà chợp mắt.

 

mom-1973778_1280.jpg
Ảnh minh họa của pixabay

 

Bà Dần trở dậy, lụi cụi bước vào phòng xoay chiếc quạt hướng vào Liên cho mát. Hai hôm đứa con dâu tương lai của bà ở đây, bà thấy được vẻ mặt không vừa ý của nó. 

 

Nhưng chẳng còn cách nào khác, bà thương con đành phải tùy theo ý nó. Nó thương đâu thì bà cưới cho nó thôi. “Cưới xong nó lên Sài Gòn làm việc chứ có ở với mình đâu”. Bà Dần thở dài, quay lưng bước ra ngoài như sợ làm cho Liên giật mình thức giấc.

2. Đám cưới tụi mình sẽ tổ chức trên thành phố, không cần rước dâu làm gì. Em không muốn ba mẹ em mất mặt với họ hàng khi nhìn thấy gia cảnh nhà anh.

 

Liên nhìn thẳng mặt Tuấn nói với giọng lạnh tanh.

 

- Em nói thế mà nghe được hả? Rồi bà con, chòm xóm ở đâu? Em biết là mẹ anh mong đám cưới này...

 

Không để cho Tuấn kịp nói hết lời, Liên cắt ngang:

 

- Nếu anh không nói được thì để em nói. Mà em cũng nói luôn, em không hầu hạ mẹ anh được đâu. Cưới xong, mẹ vẫn ở quê. Hàng tháng mình gởi tiền về cho mẹ là được.

 

- Em có biết là mẹ anh đã phải cực khổ như thế nào để nuôi anh khôn lớn hay không? Em nói thế mà nghe được hả?

 

- Tùy anh thôi. Một là chọn em, hai là chọn mẹ.

 

- Em...

 

Liên quày quả bước vào nhà mặc cho Tuấn đứng đó với khuôn mặt cực kỳ khó chịu.

 

Bà Dần đứng trong bếp, nghe hết cuộc đối thoại của Liên và Tuấn, bất giác những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo.

3. Ông Dần mất khi Tuấn mới đầy năm tuổi. Bà Dần không đi bước nữa mà một mình ở vậy nuôi con. Ở cái xứ này, mọi người đều trông chờ cả vào vài ba sào ruộng, thành thử nhà ai cũng nghèo. Gia đình bà Dần lại càng nghèo hơn. Một đôi lần Tuấn định bỏ học theo các anh ở làng lên Sài Gòn làm thuê nhưng bà Dần nhất định không chịu; mẹ khổ nhiều rồi, muốn con phải học thành tài để không phải khổ như mẹ. Con mà bỏ học thì đừng bao giờ gọi mẹ nữa.

 

Trước sự cương quyết của bà Dần, Tuấn đành phải nghe lời mẹ mà tiếp tục đi học. Từ những đồng tiền gom góp bán dừa, bán lúa của bà Dần, cuối cùng khó khăn cũng vượt qua. Tuấn tốt nghiệp một trường đại học và xin được việc làm ở thành phố. Bà Dần cảm thấy mãn nguyện chỉ còn đợi ngày Tuấn lấy vợ thì bà có thể về đoàn tụ với ông Dần ở bên kia thế giới mà không còn gì nuối tiếc.

 

Mấy hôm trước, Tuấn gọi điện về báo với bà sẽ dắt người yêu về ra mắt và bàn với bà chuyện cưới hỏi. Bà Dần vừa mừng, vừa lo. Mừng vì thằng con trai duy nhất của bà cũng tìm được ý trung nhân, rồi mai mốt vợ chồng nó sinh cháu cho bà ẵm bồng. Lo vì nhìn hoàn cảnh gia đình bà; không biết con dâu tương lai của bà nghĩ như thế nào nữa. Trước ngày Liên và Tuấn về, bà Dần lật đật ra chợ huyện từ sớm để mua một chiếc quạt điện và chiếc chiếu mới. Bà sợ đứa con dâu tương lai của bà khó chịu với thời tiết oi bức trong căn nhà thấp lè tè thế này. Ừ thì bà cũng chỉ có một mình thằng Tuấn là con. Bà thương nó thì phải thương đứa con dâu tương của bà, bởi trước sau gì bà không sống với vợ chồng chúng nó. Ấy vậy mà…

4. Bữa cơm tối của gia đình bà Dần có sự góp mặt của Tuấn và Liên cũng trầm lắng như mọi ngày, khi bà chỉ có một mình. Họa chăng có khác là thêm hai cái chén, hai đôi đũa và vài món ăn cho tươm tất đúng kiểu người mẹ quê dành cho con mỗi khi ở xa trở về. 

 

Bà Dần biết ngày mai chúng nó về lại thành phố. Chúng có chuyện muốn nói với bà nhưng còn e ngại. Bà đưa mắt nhìn về phía đối diện. Tuấn cúi gằm khuôn mặt xuống dưới mâm cơm mà ăn lấy ăn để cho xong bữa. Phía bên cạnh, Liên lâu lâu lại huỵch cánh tay mình vào Tuấn như nhắc con trai bà nói ra điều chúng đang tính toán ở trong đầu. 

 

Thôi thì bà nói thay chúng nó vậy. Bà Dần khẽ thở dài, buông đũa xuống. Bà nhìn Liên chầm chậm nói:

 

- Con cũng thấy gia cảnh nhà bác rồi đó. Bác biết là cũng thiệt thòi cho con. Nếu con thương thằng Tuấn nhà bác thì hai đứa cố gắng thương yêu đùm bọc lẫn nhau rồi tạo dựng.

 

Liên cúi xuống tránh ánh mắt bà Dần, lí nhí trả lời:

 

- Dạ.

 

Bà Dần nhìn sang Tuấn nói:

 

- Còn Tuấn. Con cứ lo việc của con, đừng lo nghĩ gì cho mẹ. Miễn là tụi con thương yêu nhau là mẹ vui lòng rồi.

 

Bà Dần nói xong vội quay mặt đi, cố kiềm lại những giọt nước mắt đang chực tuôn ra. 

 

Phía bên kia Tuấn im lặng không trả lời bà. Nuôi con mấy chục năm lẽ nào bà không biết tính nó, mỗi khi có chuyện gì khó xử nó đều im lặng như vậy. Cả căn nhà trở nên im ắng và ngột ngạt đến mức bà Dần nghe cả tiếng thạch sùng tặc lưỡi trên vách nhà. Bà Dần đứng dậy nói tiếp:

 

- Thôi hai đứa ăn đi. Mẹ no rồi.

 

Chắc có lẽ muộn phiền trong lòng đã làm bà no thật sự.

 

5. Đám cưới của Tuấn và Liên diễn ra như dự kiến. Nó được tổ chức tại một khách sạn thuộc vào loại lớn ở trên thành phố. Phần đông khách mời dự tiệc là của họ nhà gái. Phía bên Tuấn, ngoài bà Dần chỉ có vài người họ hàng xa của Tuấn.

 

Liên rạng rỡ trong ngày trọng đại của mình. Cô đón nhận những lời chúc mừng, những món quà từ bên phía họ ngoại mà mà cảm thấy hãnh diện. Nhà chỉ có mỗi Liên là con gái nên ba mẹ cô cũng muốn tổ chức sao cho được nở mày nở mặt. Chỉ có món quà của mẹ chồng, Liên chẳng buồn để ý. Chắc trong cái hộp kia cũng chỉ ít bạc lẻ được gom góp từ những buổi bán rau ngoài chợ chứ đến vàng tặng cho con dâu, cô còn phải sắm sẵn để bà tặng lại cho mình cơ mà. Ai bảo cô yêu Tuấn, nhất quyết lấy chồng nghèo phải chịu. 

 

Cũng may là ba mẹ cô thương cô.

 

Tiệc tàn. Khách khứa ra về hết. Bà Dần cũng theo mấy người họ hàng mà về quê ngay trong đêm cho kịp chuyến xe. Trong căn phòng tân hôn do nhà hàng chuẩn bị sẵn, Liên ngồi kiểm đếm lại tiền mừng cưới của mình. Liên mừng thầm trong bụng khi thấy số tiền mừng cưới nhiều hơn dự kiến của cô. Như thế thì vợ chồng cô cũng không phải lo lắng cho khoản tiền đặt cọc căn hộ chung cư mà cả hai dự tính sẽ mua. Đến món quà của bà Dần, một chiếc hộp được gói bằng giấy kiếng. Liên từ từ mở ra. Trong đó là những xấp tiền được buộc bằng dây thun rất kỹ càng. Liên thoáng ngạc nhiên gọi Tuấn dậy khi anh vẫn còn đang ngà ngà chưa tỉnh hẳn bởi những ly rượu chúc mừng vừa lúc nãy. Tuấn hé mắt nhìn Liên hỏi:

 

- Gì vậy em? Để cho anh nghỉ lát. Em tắm trước đi.

 

- Không phải! Anh nhìn quà của mẹ anh này.

 

Tuấn ngồi chồm dậy giật lấy hộp quà trên tay Liên mà xem cho rõ. Ngoài những cọc tiền bên trên, thì phía dưới đáy hộp là một lá thư với nét chữ ngoằn ngoèo mà mới thoáng nhìn qua Tuấn đã biết nét chữ của mẹ mình.

 

“Xin lỗi hai con. Mẹ chẳng có gì quý giá để tặng cho hai con cả. Đây là số tiền Tuấn đi làm mấy năm nay gởi về cộng với tiền mẹ dành dụm được. Mẹ chẳng dám tiêu xài, chỉ hy vọng có một ngày được tận tay trao cho con dâu của mẹ xem như là chút ít để dành cho hai con lập nghiệp. Đến hôm nay mẹ đã thực sự mãn nguyện, chỉ chờ ngày về bên kia đoàn tụ với cha con. Mong hai con sống yêu thương và đùm bọc lẫn nhau...”.

 

Mắt của Tuấn nhòe hẳn đi. Bàn tay anh run run đặt lá thư xuống dưới giường mà thốt lên:

 

- Mẹ…

 

Liên gục đầu vào vai chồng mà thút thít:

 

- Đợi mai xong việc mình về quê xin lỗi mẹ nha anh. Em sai rồi!

 

Tuấn khẽ gật đầu rồi ôm lấy Liên. Những ký ức của ngày xưa bỗng ùa về trong anh. Cái dáng gầy gò của mẹ gánh từng quả dừa đem ra chợ bán. Mái tóc thưa thớt của mẹ đã rụng chẳng còn mấy sợi trên đầu. Anh mải miết với hạnh phúc của mình mà không nghĩ đến mẹ. Đến bây giờ mẹ vẫn dành tất cả cho anh. Anh chợt thấm thía câu nói: “Mẹ vẫn luôn là mẹ...”.

 

Quốc Việt

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin