Chi tiết tin tức

Mùa bão nữa lại về - Thương lắm Miền Trung

08:27:00 - 16/10/2013
(PGNĐ) -  Có nỗi đau nào không chan chưa tình thương, có xót xa nào không khiến lòng ta ray rứt. Nhưng tự hỏi trong cuộc sống bộn bề, lắm bon chen chật vật cho “cơm áo gạo tiền”, có mấy ai bỏ chút thời gian để lắng nghe và đưa mắt nhìn sang những cuộc đời khác. Bạn sẽ thấy mình còn hạnh phúc lắm, đủ đầy lắm khi thấy những đứa trẻ nơi vùng lũ trôi qua chia nhau gói mì tôm mà gặm cho qua cơn đói. Bạn sẽ hiểu được thế nào là khắt nghiệt, là khổ đau khi chứng kiến cảnh những gì mà mình vun đắp nên, căn nhà mình xây, đàn gà vừa độ lớn chuẩn bị đem bán để dành dụm tiền cho con ăn học bỗng chốc bị dòng nước đục ngàu và vô tình cuốn trôi...

Mẹ thiên nhiên hiền hòa, nhẹ nhàng khi ban tặng cho con người biết bao điều quý giá. Mưa! Tôi cũng như bao người khác, tôi thích mưa, tôi miên man ngắm nhìn màn mưa qua ô cửa sổ và thả trôi những dòng suy nghĩ vô tận của mình vào nó, khẽ khàng đan những ngón tay vào nhau, xuýt xoa. Mưa! Lãng mạn... Nam Định quê tôi mùa này không thiếu những cơn mưa, không quá ồn ào nhưng đủ để chúng ta có thể cảm nhận được những con nước đang lớn dần lên theo từng cơn gió thổi…Với một đứa từ nhỏ đã sống và lớn lên ở vùng sông nước Ngư Lộc như tôi, những cơn mưa chỉ khiến tôi hào hứng hơn với những trò vui thời con nít con nôi chưa biết sự đời. 

Nhưng càng lớn tôi lại càng trầm tư và suy nghĩ nhiều hơn về cuộc đời, về số phận và về những con người ngoài kia đang chống chọi với những cơn mưa vồn vã như muốn nuốt chửng cả vũ trụ. Mẹ thiên nhiên dữ dội và hung tàn lắm khi trút xuống nhân loại những cơn mưa mang theo những con nước hãi hùng có sức mạnh nhấn chìm tất cả. Đau thương, mất mát, chia ly... Con người gồng mình mà chống chọi rồi đôi khi cũng cảm thấy bất lực trước trời đất bao la! Tôi hướng ánh mắt về miền Trung thân thương với tất cả tấm lòng của một người bạn của những đứa con xa quê đang mong mỏi được trở về…

Lũ tràn về. Gió thét gào. Mặt biển dậy sóng giận dữ. Và lạnh. Và buốt. Và tiếng người í ới gọi nhau trong những cơn gió cuồn cuộn. Tiếng được. Tiếng mất. Chỉ còn những bóng người mờ nhạt trong cái khung nền ảm đạm…

Những ngày của tháng 10 mùa thu ảm đạm, nước lũ tràn về vội vã cuốn trôi hàng ngàn ngôi nhà, hàng ngàn con người đã chết hoặc mất tích, hàng ngàn gia đình đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất…Oằn oại, chết chóc,…đó là những gì đã và đang hiện hữu nơi mảnh đất miền Trung cằn cỗi. Dẫu biết rằng có mấy ai đi qua hết cuộc đời mà không phải chịu những cơn mưa nhưng có lẽ cuộc sống với họ đã không công bằng hay không muốn nói rằng là quá bất công. Bão ập đến, thình lình, không báo trước.

Ngày hôm qua, biển còn lặng, những con thuyền ra khơi chỉ cố tìm thêm chút cá, chút tôm để vun vén thêm cho cuộc sống gia đình. Thế mà hôm nay trở về với đất liền chỉ còn là những mảnh chắp vá trôi dạt. Một chiếc nón, một mảnh áo, một bát cơm còn dở là tất cả những gì còn sót lại. Để chiều chiều, có những người vợ, người mẹ dắt díu đàn con thơ ra bờ biển, nhìn về cái khoảng trời xa xăm và mênh mông ngoài kia, chờ đợi sẽ thấy bóng ai đó trở về. Nguyên vẹn. Thấy thương lắm những bóng người đợi chờ mòn mỏi, bóng hắt lên khi chiều muộn dần buông.

Bạn sẽ thấy mình còn hạnh phúc lắm, đủ đầy lắm khi thấy những đứa trẻ nơi vùng lũ trôi qua chia nhau gói mì tôm mà gặm cho qua cơn đói. Bạn sẽ hiểu được thế nào là khắt nghiệt, là khổ đau khi chứng kiến cảnh những gì mà mình vun đắp nên, căn nhà mình xây, đàn gà vừa độ lớn chuẩn bị đem bán để dành dụm tiền cho con ăn học bỗng chốc bị dòng nước đục ngàu và vô tình cuốn trôi. Nơi đã từng là những mái nhà ngập tràn hạnh phúc, nơi có những bữa cơm gia đình ấm áp buổi ban chiều thế nhưng giờ đây nó đã chìm trong màn nước thăm thẳm, và người co ro trên mái nhà, chờ đợi, khắc khoải…

Đâu đó những giai điệu quen thuộc gieo rắc vào lòng người những nỗi băn khoăn, nước mắt bạn tôi lăn dài trên má:

“Miền Tây nước lớn, đứng ngồi không yên,

Miền Trung lũ lụt suốt đêm không ngủ

Chúng tôi vào đại học, niềm vui chưa dứt, bao nỗi âu lo

Dáng mẹ gầy hơn trước, tóc bà thêm sợi bạc

Chiều nay tin bão phương xa, lòng con chua xót

Con chưa về chưa về lòng thắt cơn đau…”

* * *

Có nỗi đau nào không chan chưa tình thương, có xót xa nào không khiến lòng ta ray rứt. Nhưng tự hỏi trong cuộc sống bộn bề, lắm bon chen chật vật cho “cơm áo gạo tiền”, có mấy ai bỏ chút thời gian để lắng nghe và đưa mắt nhìn sang những cuộc đời khác. Và cái sự thật khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng, chúng ta – những người thật hạnh phúc khi được ngồi đây – ngồi nhìn ngắm những giọt mưa rơi tí tách, đôi khi còn thích thú với cái cảnh nước ngập lêng láng trên đường phố, có biết đâu rằng giữa cuộc đời còn đó những con người đang phải đối diện với sự sống và cái chết, phải đấu tranh từng phút từng giây với trong cơn lũ ùa về. Tại cuộc sống vô tình hay tại ta vô tâm?…

Đôi lúc tôi đã mất lòng tin về tình người, khi có lần thấy một bà cụ bán cam ngã xuống đường, những quả cam lăn long lóc mà người vẫn dửng dưng, vẫn cán lên, giống như chà lên những hy vọng lam lũ, chà lên bữa cơm chiều nay nơi dưới chân cầu. Nhưng mỗi khi mùa mưa bão lại về, đồng bào cả nước một lòng hướng về miền Trung thân yêu. Những cuộc quyên góp lại diễn ra. Mỗi người san sẻ một chút của mình, một gói mì tôm, một bộ quần áo cũ. Có những đứa trẻ còn đập cả ống heo dành dụm của mình để gửi chút yêu thương ra miền Trung xa xôi, miền Trung mà có lẽ chưa bao giờ chúng được đặt chân đến. Nhưng chúng yêu, chúng quý bởi vì đó là một phần của đất nước mình, giống như một phần máu thịt, và những con người ngoài kia chính là anh em, là những người thân thương mà chúng ta vẫn thường gọi bằng hai tiếng thiêng liêng: Đồng bào. Ừ thì một chút tiền dành dụm chắc cũng chỉ có thể giúp được cho đồng bào ngoài ấy phần nào đó thôi, nhưng tình thương dành trong đó là cả những gì thiêng liêng – tình thương không mua được bằng tiền, nó được đo bằng tấm lòng.

Bạn biết không? Một cái nắm tay, một lời động viên tưởng chừng nhỏ bé cũng đủ giúp người ta đứng dậy và vượt lên những nghịch cảnh của số phận. Vậy thì một biển trời tình thương mà chúng ta dành cho miền Trung thân yêu sẽ có sức mạnh lớn đến nhường nào? Đôi lần tôi tự hỏi sức mạnh và  niềm tin mãnh liệt nào đã khiến con người miền Trung có thể chống chọi với sự nghiệt ngã của thiên nhiên đến thế?. Tôi đã từng băn khoăn tại sao miền Trung không ghen tị với những ngày êm đềm ở miền Nam và miền Bắc, sao miền Trung không trách than và bỏ mặc cho số phận của mình, số phận phải oằn mình chịu đựng sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Nhưng bây giờ thì tôi đã có câu trả lời cho riêng mình: đó chính là vì miền Trung không đơn độc, đồng bào vẫn ở đây, vẫn bên cạnh miền Trung và dành cho miền Trung những gì yêu quý nhất.

Nếu như cách gọi miền Trung trước đây là sự chia rẽ của thực dân Pháp để nhằm tách biệt nước ta, thì giờ đây, tiếng gọi miền Trung vang lên tha thiết, day dứt và đầy tình yêu thương. Để mỗi khi tôi hỏi những đứa bạn ở Huế, ở Phú Yên, ở Khánh Hòa của mình rằng quê ở đâu thì chúng sẽ lại tự hào mà cất lên hai tiếng miền Trung – thân thương mà mộc mạc, đầm ấm và giản dị, kiên cường và bất khuất.

Bão lại về. Miền Trung lại sắp phải chịu những trận gió gào thét, những cơn mưa dày nặng trĩu và dòng nước thì cứ chực cuốn trôi đi tất cả mọi thứ. Nhưng hãy cố gắng và mạnh mẽ lên nhé miền Trung thân yêu. Một miền Trung mà bấy lâu vẫn lặng lẽ hứng chịu nỗi đau cho đất nước. Một miền Trung không được sự ưu ái của thiên nhiên nhưng vẫn luôn mỉm cười, luôn vươn lên số phận. Một miền Trung vẫn đong đầy những hình ảnh chan chứa tình yêu thương dẫu mưa bão thét gào: Một anh thanh niên lao mình giữa dòng nước để cứu hai đứa trẻ đang chới với trong dòng xoáy cuồn cuộn, những gia đình san sẻ cho nhau mấy gói mì tôm pha với nước lũ đục ngàu, những em bé lặng thinh không quấy khóc… Tất cả đã tạo nên một hình ảnh miền Trung mà khi nhắc đến tôi và chúng ta phải cúi đầu ngưỡng mộ.

Bạn ơi, “người với người, sống để yêu nhau”, dẫu có bận rộn, nhưng tôi tin rằng  trong mỗi chúng ta vẫn còn đó tình thương và lòng nhân ái, cho chính bản thân mình và cho cuộc sống, đặc biệt là cho những mảnh đời bất hạnh. Hãy dành chút thời gian để suy nghĩ, để sẻ chia những nỗi buồn, lau đi những giọt nước mắt, xoa dịu đi những nỗi đau. Để những cơn mưa không còn nhuốm màu xám xịt, để tình thương chan hòa vào dòng nước, để biết rằng cuộc sống vẫn còn có chút ý nghĩa nhân sinh, để miền Trung ruột thịt vươn lên trong kham khổ và thấy lại ánh mặt trời.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng để làm gì em biết không?

Để gió cuốn đi…để gió cuốn đi…

 

Tác giả: Bùi Vững

Biên tập: Thu Anh.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin