Chi tiết tin tức Theo gió Tết về… 19:58:00 - 17/02/2015
(PGNĐ) - Bà tôi bị mù, cả đời chỉ quanh quẩn ngoài hiên và góc vườn nhỏ sau nhà. Ấy vậy mà thiên nhiên chuyển biến, mùa màng đổi thay từng ngày bà đều biết hết. Bởi bà có cách tính mùa rất hay. Ấy là cứ thấy gió thổi ngoài hiên có mùi hương phấn ngô, mùi của trái bàng già, của khói rạ rơm thì mùa đông đã đến.
Còn khi nào thấy quấn quyện trong gió mùi của những xe lá dong bánh tẻ đi qua nhà từ đêm trước, của những chậu cúc vàng lác đác người bày bán xa xôi thì có nghĩa mùa xuân đã dập dìu khắp chốn.
Cô tôi không biết vì cơn cớ gì mà chẳng chịu lấy chồng, cứ ở vậy hết mùa hoa đào này đến mùa cúc khác - Ảnh minh họa
Không vội vã nhưng chẳng hề đủng đỉnh, ai cũng có riêng mình một vài ý định thu vén cho mùa Tết. Đàn bà lo từ xó nhà góc bếp sao cho đủ cho đầy. Đàn ông lo từ mái hiên đổ ra, sao cho bao công to việc lớn trong nhà đều xong xuôi, êm thấm. Bữa cơm nào cũng vậy, cả gia đình đều tôi trải chiếu ngồi quây quần trong gian giữa, bà bảo mấy đứa cháu mở toang cửa lớn để cùng nhau nghe xôn xao gió Tết đang về…
Mẹ bắt đầu ra vườn đào gừng, chọn những củ già nhất ngồi cạo vỏ. Vị gừng cay nồng cả nhà, tưởng chừng như sau nhiều ngày Tết khi giở từng trang sách ra vẫn còn đọng lại hương gừng. Bà bảo khi lột hành hay cạo gừng đều phải ngồi ra chỗ thoáng, để gió thổi bớt cay. Nhưng năm nào cũng vậy, mắt bà đỏ nhòe mỗi khi cạo gừng làm mứt. Bà vờ bảo “gừng năm nay già quá”, nhưng chúng tôi đều hiểu bà đang rất nhớ thương ông. Những cái Tết xa xôi nào đó trong đời, giữa nắng trời xuân sắc hai ông bà đã từng lụi cụi làm đủ loại mứt cho con cháu. Mứt dừa vị dứa cho bác cả, vị trà xanh cho cô út, mứt cà-rốt cho bố tôi và bao giờ cũng có vài lạng mứt gừng để bà dùng dần cho dịu bớt những cơn ho. Ông về với tổ tiên đã được ba năm, vậy mà mỗi khi nghe gió động ngoài vườn bà vẫn giật mình thảng thốt… Cô tôi không biết vì cơn cớ gì mà chẳng chịu lấy chồng, cứ ở vậy hết mùa hoa đào này đến mùa cúc khác. Bố tôi nói cũng vì cô từng thương yêu ai đó rất nhiều rồi không tự chữa lành được vết thương khi lòng người thay đổi. Gần bốn mươi tuổi cô mới có con, không cần biết cha đứa trẻ là ai, chúng tôi sống, yêu thương và bao bọc lẫn nhau dưới một mái nhà. Mùa xuân, cô hay chờ ngày nắng để gội mái tóc dài bằng hương bồ kết. Tôi nhiều lần xót xa khi thấy cô thẫn thờ ngồi chải tóc ngoài hiên, gió luồn qua từng kẽ tay chai sạn của người đàn bà từng một thời thướt tha nhan sắc. Cô sẽ ngồi như thế cho đến khi tiếng còi tàu vào ga dừng lại trong thị trấn. Cô lặng lẽ đứng dậy, ra vườn tưới nước cho bụi hương nhu và luống rau mùi già để dành cho nồi nước tắm tất niên. Thằng nhỏ đi học về sẽ tung tẩy chạy lại ôm lưng mẹ từ phía sau. Cũng may là có cái ôm ấm áp ấy để bà bớt thắt lòng khi thấy gió liêu xiêu. Từ khi có thằng nhỏ trên đời tôi mới có cơ hội ngắm gió lùa trên môi cô hạnh phúc. Tết đến, nhà gói thêm cặp bánh chưng nhỏ xíu, thêm áo mới trẻ con, thêm tiếng nói cười hồn nhiên tức là thêm phúc lộc tới nhà. Bố tôi là người đàn ông duy nhất trong nhà, trên đôi vai vạm vỡ ấy là bao nhiêu tình thương và trách nhiệm. Dịp cuối năm bố chạy đôn chạy đáo lo cho cho sạp hàng bán bánh kẹo thuê trên chợ thị xã. Có năm bố còn bán thêm hoa tươi, cây cảnh hoặc buôn rượu Tết thì quãng thời gian bố ở nhà chắc chỉ vẻn vẹn có mấy tiếng tối muộn mà thôi. Nhưng dù bận rộn thế nào bố cũng không bao giờ quên việc sơn sửa lại nhà cửa, quét vôi tươi mới hàng rào. Bố làm công việc ấy rất tỉ mẩn và đầy hào hứng. Nên Tết năm nào toàn bộ ngôi nhà cũng như được khoác một chiếc áo mới tinh tươm. Nắng nhảy nhót vui đùa bên những bức tường vàng, mang theo trong làn gió mùi vôi vữa còn chưa kịp khô tay. Thị trấn nhỏ nhà ai cũng mới… Năm tháng thấm thoắt trôi qua, tôi tạm biệt tuổi thanh xuân qua từng mùa Tết. Có biết bao ký ức cứ ùa về tươi mới trong tôi. Ký ức mang theo bóng dáng những người thân thuộc nhất để mỗi lúc nhớ nhung tôi mượn chúng để vỗ về mình. Hôm nay đứng giữa thành phố xa xôi, tôi học bà thói quen cảm nhận mùa xuân bằng cách hít gió trời. Dù không phải gió ở vùng trời nào cũng mang hương vị giống nhau nhưng tiếng lòng xôn xao thì dường như vẫn rất gần gũi và ấm áp.
Và trong cơn gió ngày cuối năm giữa phố, tôi thấy cả mùi của nhớ nhung, mong ngóng lẫn trong muôn vàn hương sắc Tết. Và… tôi mong ngày trở về để được bà nhận ra hương tóc đứa cháu gái bướng bỉnh của bà đã về đến ngõ… Vũ Thị Huyền Trang
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |