Chi tiết tin tức

Mưa Yên Tử

21:55:00 - 19/02/2016
(PGNĐ) -  Tôi thành tâm đảnh lễ trước pho tượng vị vua anh minh, một anh hùng dân tộc, một thiền sư đắc đạo.

Theo lịch trình, chúng tôi rời thủ đô Hà Nội để viếng thăm Yên Tử và chiều lại sẽ đến Vịnh Hạ Long nghỉ đêm. Yên Tử ở độ cao 1.068m là ngọn núi cao nhất vùng cánh cung khu núi Đông bắc thuộc thị xã Uông Bí tỉnh Quảng Ninh. Quanh vùng núi Yên Tử có tới hàng chục địa danh có chữ Yên như Yên Sinh, Yên Biên, Yên Lâm, Yên Lãng… Sách Đại Nam nhất thống chí có nói: “Đời trước người ta cho rằng hình thể núi này (tức núi Yên Phụ) đứng đối với núi Yên Tử… giống như cha già đứng trước, con khỏe đứng sau nên có tên là Phụ Sơn” Hai ngọn Phụ-Tử này cách nhau trong một tầm nhìn, ngọn Yên Tử cao vời vợi so với Yên Phụ. Đây là đất vượng khí “địa linh nhân kiệt”. Nếu lấy cổng nhà máy điện làm tâm đi về phía Nam trên 20km là sông Bạch Đằng lịch sử. Ngược theo đường 18 về phía Tây khoảng gần 50km là chùa Côn Sơn sát nơi ở của Nguyễn Trãi ngày xưa, đi tiếp lên nữa là đền Kiếp Bạc thờ Trần Hưng Đạo. Cũng theo đường 18 xuôi về phía Đông chừng 40km là tới Vịnh Hạ Long, một thắng cảnh nổi tiếng đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Tương truyền, có một vị đạo sĩ người Trung Quốc tên An Kỳ Sinh đến đây dựng am tu tập; người ta gọi ông là An Tử và ngọn núi ông tu là An Tử Sơn. Vì chữ An gần âm với chữ Yên nên dần dần gọi thành Yên Tử. Thiền sư Hiện Quang cuối đời Lý và Phù Vân quốc sư đầu đời Trần cũng tu ở núi này. Mãi đến khi vua Trần Nhân Tông lên tu rồi lập ra Thiền phái Trúc Lâm thì chùa Yên Tử mới sầm uất và trở thành trung tâm Phật giáo nước ta.

Xe dừng lại trước cổng chùa. Tích xưa kể rằng vua Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi cho con rồi về tu ở Yên Tử; ngày đi đêm nghỉ vất vả dọc đường. Khi tới đây thấy bóng cây râm mát, nước suối trong veo, ngài dừng chân nghỉ lại và xuống suối tắm. Sau đấy người ta dựng ở đây một ngôi chùa gọi là chùa Trình. Lòng khách lâng lâng, nhẹ nhàng trước phong cảnh kỳ thú lại nghe tiếng nhạc, tiếng sáo, tiếng trống và những làn điệu dân ca ngọt ngào. Tôi say sưa nhìn con sáo trong chiếc lồng cất tiếng hót, lòng thầm nghĩ – Đời cần chi những bon chen…!!! Cáp treo đưa chúng tôi lơ lửng trên ngọn cây càng lúc càng cao hơn.

Cô gái ngồi đối diện sợ hãi:

– Kể chuyện vui nghe… cô chú ơi… cho đỡ sợ.

Ngược hẳn cô, tôi mê mải tìm kiếm dưới rừng cây đủ loại ấy có loại hoa nào đẹp không, có con suối nước trong hay con chim, con vượn nào không. Tiếng ve kêu rả rích dưới ánh nắng vàng trong. Ấy thế mà trời lại mưa tầm tã khi mọi người có mặt đầy đủ để leo lên núi tới chùa Hoa Yên. Chúng tôi đợi, đợi mãi… mưa nặng hạt, không muốn tạnh…! Chúng tôi mua mỗi người một áo mưa “dã chiến” để bắt đầu leo núi. Đôi ủng bắt đầu ọp ẹp, tôi cười:

-Cả đời con mới tới thăm Tổ sư một lần… mà Tổ cho tắm mưa dữ quá…!

Chị bạn đi kề bên nói:

-Mưa pháp đó…

Tôi thích thú về ý tưởng của chị và viết bài thơ:

“Bụi trần rũ áo mộng thần tiên
Từng bước ung dung viếng cửa thiền
Nhật nguyệt sáng soi ngôi cổ tự
Khói sương hòa quyện đỉnh non Yên

Ngân nga chuông sớm xua phiền muộn
Tí tách mưa chiều thấm đạo thiêng
Phảng phất đâu đây hình bóng cũ
Nụ cười xưa ấy mãi như nhiên”.

Những bậc thang bằng đá đã trở nên trơn trợt, đẫm nước mưa. Tôi bước những bước thận trọng, độ dốc làm hơi thở tôi ngắn lại. Nhìn lên đường vẫn còn xa, tôi bắt đầu quán hơi thở, một bước thở ra, một bước hít vào, đường đi “không còn khó”nữa, đến đích một cách vui vẻ, nhẹ nhàng. Tôi thành tâm đảnh lễ trước pho tượng vị vua anh minh, một anh hùng dân tộc, một thiền sư đắc đạo. Đầu thế kỷ thứ XIII, Nguyên Mông là đế quốc hung hãn nhất, thế mà ba lần sang xâm lược nước ta đều đại bại: Lần đầu, vua Trần Thái Tông đánh tan quân Nguyên ở Đông Bộ Đầu; lần thứ hai, với sự lãnh đạo của vua Trần Nhân Tông và việc thống lãnh ba quân của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo, Toa Đô bị chém, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn về nước; và lần thứ ba, chiến trận Bạch Đằng đi vào lịch sử, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp bị bắt sống; sau trận chiến thắng vẻ vang này, quân nguyên Mông không dám xâm lược nước ta nữa. Sau chiến thắng Bạch Đằng, khi đi qua Chiêu Lăng thấy chân ngựa đá lấm bùn, vua Trần Nhân Tông làm thơ tức sự:

“Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng”.

Ở độ còn sung sức (35 tuổi), Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con để đi tu. Phong thái ưa thích bàn luận, nghiên cứu về tư tưởng và triết học cùng với việc tu tập theo Phật giáo của vua Trần Thái Tông – ông nội vua Trần Nhân Tông – cũng như kiến thức uyên bác về Phật học của Tuệ Trung thượng sĩ tức Hưng Ninh vương Trần Tung – anh ruột Trần Hưng Đạo và là cậu của vua Trần Nhân Tông – đã ảnh hưởng lớn đến việc đi tu của ngài. Mặt khác, Đại Việt lúc bấy giờ rất hưng thịnh, muốn xây dựng, bảo vệ đất nước và duy trì triều đại nhà Trần lâu dài thì vẫn cần thứ vũ khí tinh thần để cố kết lòng dân. Đó là đạo Phật. Ngài đã xây dựng một đạo Phật mang màu sắc Việt Nam tách ra khỏi phái thiền Trung Quốc mà ngài trở thành ông tổ thứ nhất của thiền phái đó: Thiền phái Trúc Lâm. Tôi bước ra hàng hiên, mưa vẫn xối xả, những giọt nước trong vắt. Tôi cảm thấy khát nước, hứng nước đầy lòng hai bàn tay, tôi uống thật ngon lành. Mười mấy năm rồi tôi mới có dịp thưởng thức hương vị ngọt ngào của giọt nước mưa ở quê nhà. Tôi nhìn hai người bạn đồng hành, mấy hôm nay hai anh chàng lúc nào cũng kè kè theo mấy chai nước lọc. Chính bản thân tôi cũng không dám uống nước khác.

Tôi nói:

– Uống thử đi, ngọt lắm đó, mưa lớn nãy giờ sạch hết bụi.

Cả hai cùng rửa mặt và uống thử:

– Ừ nhỉ, ngọt quá!

Chúng tôi quay xuống núi, vì trời mưa nên cáp treo không hoạt động. Chờ đợi một giờ… hai giờ… ba giờ… cuối cùng mưa cũng tạnh. Một cảnh tượng đẹp không thể tả lần đầu tiên trong đời tôi được thưởng ngoạn. Tôi đứng bên này núi, nhìn khắp chung quanh đủ loại cây rừng mọc quanh sườn núi, cây thẳng đứng, xanh ngắt… bỗng đâu từ phía dưới bốc lên những làn khói như mây càng lúc càng cao. Ta gọi đó là gì? Khói lam, sương lam…? Tôi chợt nhớ đến một câu trong bài thơ Đường nổi tiếng“Tích vũ Võng Xuyên Trang Tác” của Vương Duy: “Tích vũ không lâm yên hỏa trì”. Tạm dịch: (Mưa tạnh rừng sâu khói bốc lên) Dù có đẹp có nên thơ rồi cũng phải chia tay. Hợp rồi tan định luật mà ta không thể tránh được. Chiếc xe từ từ chuyển bánh, ngang con suối Giải Oan nước chảy xiết sau cơn mưa, ngập cả cầu, cảm giác rờn rợn khi nghĩ đến hàng trăm cung phi, mỹ nữ đã trầm mình để tỏ lòng tiết hạnh với nhà vua.

“Giải hết nỗi lòng ngay với chúa Oan theo dòng nước sạch cùng vua”.

(Thơ Nguyễn Hiền)

Tôi tiếc là mình không có đủ phương tiện và thời gian du ngoạn cảnh thần tiên này, nơi mà mà ngày xưa các danh nhân Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Ngô Thời Nhậm, Cao Bá Quát … đã tức cảnh đề thơ. Tôi ước được tìm hiểu thêm về những ngôi chùa khác như: chùa Đồng, Giải Oan, Vân Tiêu, Bảo Sái… và những di tích của Nhị tổ Pháp Loa, Tam tổ Huyền Quang…

“Thời gian vụt bóng vó câu
Giăng giăng sương phủ lên màu cỏ hoa
Đôi chân giẫm bước ta-bà
Hỏi thiên thu trước ai qua lối này?
Non cao ẩn khuất ngàn mây
Dấu xưa còn lại gót hài thánh nhân…”.

Nhưng dù sao tôi cũng thỏa mãn đã đặt chân đến vùng đất linh thiêng, cảm nhận, học hỏi được nhiều ở tổ tiên và tự hào về dòng máu Tiên Rồng có đầy đủ đức tính Bi – Trí – Dũng đang luân chảy trong tôi. ■

BÍCH KHUYÊN

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 193-194 Xuân

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin