Chi tiết tin tức

Ngày xuân nhớ về ông Táo

20:03:00 - 13/02/2016
(PGNĐ) -  Cứ mỗi lần đón xuân, một trong những việc cần làm của mẹ tôi là xem bếp lò nào phải thay mới nhân dịp hai mươi ba tháng Chạp, đưa ông Táo về trời. Tôi chú ý đến câu chuyện của ba mẹ tôi về việc mang cái bếp đã “sứt càng gãy gọng” để (chứ không phải bỏ) ở đâu. Việc chọn chỗ để ông Táo cũng rất cẩn trọng.

Câu chuyện về ông Táo thì ai trong chúng ta cũng biết. Một câu chuyện gần gũi với dân gian theo phong cách có khi được gọi là “đối kháng xã hội phong kiến”; thay vì “năm thê bảy thiếp” thì lại là “hai Ông, một Bà” nhưng đượm vẻ bi hài của một tuồng chèo cổ có ý vị nhân bản. Trong cuộc sống hằng ngày, đối với mọi gia đình, cái bếp cà-ràng đã là vật quen thuộc và thân thiết biết bao. Mỗi ngày ba bữa nổi lửa nấu cơm. Nhờ có cà-ràng ông Táo và qua bàn tay khéo léo chăm chút của người mẹ mà cuộc sống của chúng ta mỗi ngày đều có cơm ngon, canh ngọt. Nhưng cà-ràng ông Táo thì lại bị nung đốt, chịu khói bụi với tro than. Chỉ với hai điều này thôi – một câu chuyện cổ tích đầy tình người, một sự khổ cực chiu thương chịu khó – cũng đủ khiến việc đem cà-ràng ông Táo để ở đâu cho xứng hợp trở thành nếp nhà của ông cha ta.

Trong xóm tôi, người ta thường chọn nơi đầu vàm sông chỗ có cái miễu cạnh một cây sao to với thế đất cao ráo để làm nơi gởi xác ông Táo đã “sứt càng gãy gọng”. Không biết từ lúc nào và ai là người đầu tiên đã mang xác cà-ràng ông Táo ra đây gửi, nhưng cứ nhìn vào đống cà-ràng ông Táo chất quanh miếu và gốc cây đủ biết việc để ông Táo ở đây đã lâu lắm rồi. Bọn trẻ chúng tôi hồi đó đều được người lớn dặn dò, dọa dẫm không được làm ô uế cà-ràng ông Táo, kể cả không được giẫm đạp; nếu không sẽ gặp bệnh tật, nạn tai nơi chỗ mình đã gây ô uế. Bị ám ảnh về những lời dọa dẫm khiến ngay cả lũ trẻ chăn trâu ngỗ nghịch nhất cũng không dám xúc phạm. Dạy bảo bọn trẻ chúng tôi điều này, người lớn cũng chỉ có mục đích duy nhất là nhắc nhở chúng tôi phải tôn trọng và biết ơn đối với những gì, những ai đã góp phần hữu ích làm nên đời sống này, dù thầm lặng bền bỉ như cái cà-ràng ông Táo.

Cúng tiễn đưa ông Táo về trời, chọn chỗ cao ráo sạch sẽ để chất chứa cà-ràng ông Táo đã hư bể, là những nét tập tục lâu đời của ông cha ta. Việc làm này thể hiện phẩm cách của người Việt trong tập tục của cư dân nông nghiệp lúa nước. Nó thể hiện lòng trân trọng, biết ơn của con ngưởi đối với thiên nhiên đất, nước, gió, lửa; những yếu tố nào đóng góp cho cuộc sống của con người chúng ta. Đó là những yếu tố vật chất, yếu tố căn bản của đời sống muôn loài. Sự tôn trọng mang yếu tố thiêng liêng mà chúng ta gởi gắm vào cà-ràng ông Táo, nếu nhìn nhận từ bên ngoài thì có thể có người cho đó là “mê tín, dị đoan”. Vì lẽ những cái bếp đã bỏ đi ấy chỉ là những đống đất sét nung đã nứt nẻ, gãy vỡ, có gì mà phải được đối xử một cách trân trọng. Nhưng chính sự đóng góp hữu ích cho mỗi gia đình của cái bếp đã làm nên mối liên hệ tinh thần mỗi khi con người đối diện với việc nấu nướng. Sự gần gũi hằng ngày tạo nên sợi tơ dù nhỏ, nối kết con người với cái bếp. Do đó dù cái bếp đã sứt càng gãy gọng, nhưng khi bỏ đi, chúng ta vẫn còn quan tâm, chọn chỗ sạch sẽ cao ráo. Đó là sự biết ơn, bởi cái bếp đã góp phần hữu ích cho cuộc sống của ta. Đó cũng là cách dạy cho bọn trẻ chúng tôi có được một bài học cụ thể về “ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng”.

Cuộc sống của xã hội công nghiệp hiện nay đã dần xóa đi hình ảnh cà-ràng ông Táo, được thay thế bằng những cái bếp điện, bếp gas, bếp hồng ngoại, bếp bức xạ… Cuộc sống đô thị hóa là con đường không có lối quay về, chỉ bước tới. Hình ảnh về “hai ông một bà” trên cái bếp cũng dần mất đi, thậm chí để bẹp nồi, chảo xuống mặt đất trong nhà bếp. Do tiện ích theo tiêu chuẩn “kinh tế”, sợi tơ nối kết giữa người nấu với bếp – có thể coi như một phương cách giáo dục lòng biết ơn – đã không còn nữa. Có chăng, vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, còn có một dĩa bánh ngọt, một lọ hoa tiễn ông bà Táo về trời để nói lời tốt lành cho chủ nhà; còn nồi cơm điện, bếp gas có hư thì cho vào thùng rác hoặc bán cho ve chai mủ bể là hết chuyện. Bọn trẻ con và ngay cả người lớn trong thời đại công nghiệp này mấy ai có sự tiếc nuối khi nhìn cái nồi cơm điện, cái bếp hồng ngoại mà nghĩ về ông Táo. Với chỉ điều đó thôi, chúng ta được hay mất gì trong một xã hội công nghiệp của nền kinh tế thị trường? Có người nói, mất nhỏ được lớn. Theo chúng tôi, chúng ta mất lớn được nhỏ. Bởi việc ”cà-ràng ông Táo” là nhỏ, nhưng là “cái nhỏ văn hóa” không thể dùng tiền để mua và khi vì nó đã mất khiến mất một cách giáo dục “lòng biết ơn” thì không có gì có thể mua lại được. Nói như vậy để thấy văn hóa biết ơn nó xuất phát từ ngóc ngách của cuộc sống trong mỗi gia đình chứ không phải được hình thành từ “ sách giáo khoa, từ giáo trình, văn bản hướng dẫn”. Nhin cái bếp đẹp, tiện ích, nhìn mọi người tự nấu nướng theo ý thích, rồi tự rời bỏ bàn ăn vì nhiều lý do để chúng ta cảm nhận sợi tơ nối kết trong gia đình nhờ có “cà-ràng ông Táo” nó mong manh làm sao, thậm chí nó đã đứt rời bay phất phơ theo gió của đời sống công nghiệp. Cái bếp, cà-ràng ông Táo là hình ảnh, là sức sống sinh sôi của một gia đình. Mỗi ngày bếp đều đỏ lửa thì cũng đồng nghĩa với sự ấm no hạnh phúc và ngược lại là u tối, đói khát.

Đạo Phật là Đạo của trí tuệ và lòng từ bi. Đức Phật đã hết lòng, hết sức trong 49 năm thuyết pháp, tiếp độ chúng sinh, cũng không ngoài mục đích tối hậu, giáo dục người con Phật: “Lánh xa việc ác, Nguyện làm việc lành”. Việc ác dù nhỏ nhất cũng nhất định không làm, việc thiện, việc lành dù nhỏ nhất cũng hoan hỷ, nhẫn nại, âm thầm thực hiện một cách viên mãn. Đức Phật cho đó là việc làm xứng đáng để cúng dường chư Phật. Như vậy, việc ông bà ta kính trọng tri ân tìm chỗ sạch, cao ráo cho những ông Táo đã bể nát, xứng đáng được ghi nhớ, tôn trọng dù chỉ là đất sét trộn với tro trấu, là sự lợi ích thiết thực, từ trong gia đình, từ bếp lò ông Táo, trong việc nhắc nhở lớp trẻ về những cái mà chúng có được: đồ ăn thức uống, áo quần, tập vở, bút viết… mỗi mỗi đều do nhiều nghề nghiệp trong xã hội làm ra, khiến chúng nhận ra được sợi dây liên hệ mật thiết gắn bó mọi người lại với nhau bởi lòng biết ơn mà chúng thấy ra tình người ân nghĩa để đối xử với nhau một cách dịu dàng, bao dung và thân ái như ông bà cha mẹ mình đối xử với ”cà-ràng ông Táo” . Xúi trẻ làm việc xấu ác thì rất nhanh nhưng dạy chúng làm việc tốt, việc thiện thì phải cần một quá trình dạy dỗ cụ thể thiết thân mà Đức Phật gọi là “thân giáo” từ mỗi thành viên trong gia đinh, nơi học đường và hành vi ứng xử của người lớn ngoài xã hội. Có lòng từ bi, bao dung, chịu thương chịu khó, như đầu lửa ông Táo, như bao nhiêu cha mẹ quê Việt Nam, không trách móc than van, hoan hỷ với đời, để cho đời một bữa cơm gia đình nồng ấm, thì cái văn hóa biết ơn đã bắt đầu từ cái bếp lò, tử những người cha, người mẹ Việt Nam chân chất thật thà. ■„

VĨNH HANH THÁI CHÍ BÌNH

 

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 193-194 Xuân

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin