Chi tiết tin tức

Thế giới thì rộng lớn

18:12:00 - 24/02/2016
(PGNĐ) -  Thấy người bạn quý sách vở, nâng niu, bảo bọc nó, nhớ lại câu của Vân Môn mà thấy: thế giới thì rộng lớn, sao chỉ tập trung vào sách? Sách quý của mình mà con mối con mọt nó đâu có chừa?

Trong những ngày cuối năm, người viết gặp một khách quý tặng cho bản Vô Môn Quan (VMQ). Lần giở những bài viết ngắn ngủi trong sách lòng bỗng cảm thấy nao nao. Tôi “thấy” VMQ cũng đã mười lăm năm. Gọi là “thấy” vì đọc mà chẳng hiểu mấy. Điều này giống như đi đường ta gặp một người giữa đám đông, thấy người ấy hay hay, nhưng chẳng hiểu gì và cũng chẳng trao đổi gì với người ấy. Ta chỉ “thấy” người ấy mà thôi. Mười lăm năm, trải qua bao nhiêu tình huống, biết được thêm vài chục, vài trăm câu chuyện thị phi, cầm đọc cuốn VMQ, chợt lại “thấy” VMQ một lần nữa.

2Cuốn VMQ được thiền sư Vô Môn soạn khi ngài vừa 46 tuổi. Ngài có pháp danh Huệ Khai, là thiền sư đời thứ chín của dòng Dương Kỳ, sinh năm 1183 và mất vào năm 1260. Cuốn VMQ trình bày 48 “công án thiền”. Thời nhà Đường, công án dùng để chỉ án phán quyết trên công đường, giống như sự tuyên án của tòa hiện nay. Để có thể tuyên án, cần phải có quá trình điều tra, quá trình luận tội, đưa ra án và thi hành án, cuối cùng đưa ra các biện pháp để ngăn ngừa tội tương tự trong tương lai. Các câu chuyện thiền đưa ra vào thời nhà Đường được ví như bản án được đưa ra. Vì thế nó gọi là “công án”. Ngày nay, khi chúng ta đọc một bản án, trong thực tế chúng ta không biết rõ quá trình điều tra, suy ra kết luận như thế nào. Chỉ có các nhân viên chấp pháp mới biết điều đó rõ ràng. Do đó, đọc một lời tuyên án mà suy ra được toàn bộ sự việc bên trong là một điều vô cùng khó khăn, gần như là không thể.

3Các “công án thiền” thường là một câu chuyện rất ngắn, một đoạn đối thoại ngắn rút ra từ câu chuyện của các thiền sư hoặc từ trong kinh Phật. Công án đó được giao cho người muốn tu tập. Điều này cũng tương tự như ngày nay, giáo viên hướng dẫn giao một vấn đề cho nghiên cứu sinh. Người này nghiên cứu giải quyết vấn đề. Trong quá trình đó, nghiên cứu sinh sẽ học được rất nhiều thứ. Các công án thiền rất khó hiểu, việc tìm hiểu nó giống như “muỗi đốt vào trâu sắt”. Vì thế thường có nhiều sách giải nghĩa. Trước đây, Suzuki trong tác phẩm Thiền luận cũng giải nghĩa một số công án thời xưa. Khi nói tới sách giải nghĩa công án người ta thường nghĩ tới Bích Nham lục (BNL). Cuốn VMQ là cuốn sách nêu đề bài, còn cuốn BNL là sách tham khảo có lời giải. Tuy nhiên BNL có trước VMQ khoảng một trăm năm. Hai cuốn này được kể là hai “kỳ thư” về thiền công án. Cuốn BNL được xem như là “đệ nhất kỳ thư” về thiền công án. Chuyện về cuốn đệ nhất kỳ thư này cũng ly kỳ như chuyện về “Cửu dương chân kinh” của Kim Dung. Không biết Kim Dung có lấy ý của câu chuyện BNL khi viết “Ỷ thiên kiếm Đồ long đao?”.

4Câu chuyện về BNL khởi đầu từ Tuyết Đậu (978-1052), đời thứ tư của tông VâVan-mon-ao-that-dieun Môn. Vì có biệt tài về văn chương nên ngài đã đem các công án thời trước đó làm thành 100 bài tụng gọi là Bách tắc tụng cổ. Cuốn sách này đã gây ra một trào lưu suy tư về các bài tụng. Sáu mươi năm sau, Viên Ngộ đem 100 bài tụng này ra giải thích. Sách gọi là BNL. Bích là màu xanh, Nham là vách đá. Có lẽ tên gọi có ý nói lên độ khó của các công án, giải đáp các công án thiền như va vào vách đá xanh. Cuốn BNL tạo ra một trào lưu trong giới tu hành không lo tu tập theo con đường của các vị tổ mà tập trung vào nghiền ngẫm, biện luận “sớm tụng, tối tập, bảo đó là học thuyết chí đạo, chẳng có một ai biết đó là trái” (Thiền lâm bảo huấn, đoạn 245). Đại đệ tử của Viên Ngộ thiền sư là Đại Huệ Tông Cảo khi vào đất Mân thấy mọi người mê đắm BNL, chỉ lo nhớ tụng ngôn cú trong sách để biện luận, không sao sửa chữa được, bèn đập nát ván in của BNL và đem tất cả những bản có sẵn ra chất trước sân chùa đốt sạch. Hai trăm năm kể từ khi BNL bị đốt, ít ai thấy được quyển sách này, chỉ đến đầu thế kỉ 14 có vị cư sĩ tên Trương Minh Viễn góp nhặt các bản còn sót mọi nơi, tham khảo bổ túc qua lại và khôi phục lại BNL.

5Câu chuyện về BNL khởi đầu từ đời thứ tư của tông Vân Môn (864-949). Chuyện kể rằng Vân Môn ban đầu tham vấn Trần Mục Châu. Khi vào cửa liền bị ngài Mục Châu nắm lại bảo: Nói! Nói! rồi tống ra khỏi cửa ba lần. Lần cuối, Vân Môn gõ cửa, Mục Châu hỏi: Ai? Vân Môn thưa: Vân Yển. Khi Mục Châu mở cửa, Vân Môn chạy đại vào, tuy nhiên vẫn bị nắm lại bảo: Nói! Nói! Khi Vân Môn còn suy nghĩ liền bị Mục Châu đẩy ra khỏi cửa, đóng ập cửa lại. Chân Vân Môn còn kẹt trong cửa nên bị dập. Tương truyền Vân Môn nhờ vậy mà “đại ngộ”. Vân Môn là bậc tái sinh. Thiền sư Linh Thọ biết điều đó. Chùa của ngài hai mươi năm không mời chức thủ tọa. Ngài thường nói: thủ tọa của ta sanh. Thời gian sau lại nói: thủ tọa của ta chăn trâu. Thời gian sau lại nói: thủ tọa của ta đi hành khước. Bỗng một hôm, ngài đánh chuông bảo mọi người ra tam quan tiếp thủ tọa. Lúc ấy Vân Môn vừa đến nơi.

6Bản thân tôi khi đọc VMQ và BNL cũng rất thích các công án của Vân Môn. Công án của Vân Môn trong BNL có công án số 6: mỗi ngày đều là ngày tốt, số 14: giáo lý một đời, số 15: đảo một nói, số 27: thân bày gió thu, số 39: hoa thược lan, số 47: sáu chẳng thâu, số 50:  trần trần tam muội, số 54: lại xòe ngửa tay, số 60: cây gậy hóa rồng, số 62: trong có một hòn ngọc, số 77: bánh hồ, số 83: cổ Phật cột cái, số 86: kho trù ba cửa, số 87: thuốc trị bệnh nhau. Số lượng là 14/100 công án. Trong VMQ chúng ta lại có một số công án khác của Vân Môn: công án số 15: ba hèo của Động Sơn, số 16: nghe chuông mặc áo, số 21: que cứt của Vân Môn, số 39: Vân Môn sẩy lời. Số lượng là 4/48. Một điều khá đặc biệt là ác công án của Vân Môn trong VMQ hoàn toàn khác với công án của ngài trong BNL.

7Công án số 16 của Vân Môn trong VMQ rất ngắn: Ngài Vân Môn nói, “Thế giới rộng lớn như vậy, sao nghe chuông lại mặc áo thất điều?”. Bản Hán Việt viết: “Thế giới thậm ma quảng khoát”, dịch một cách… không văn vẻ là “thế giới rộng thì rộng lớn bao la khoảng khoát như vậy”. Có người bình rằng câu nói của  Vân Môn đề cập tới… một “khoảng chân không vô tướng”. Tôi cũng không hiểu ý Vân Môn có phải như vậy không hay nó đơn giản hơn. Đoạn sau có thể hiểu theo nghĩa đen là “vì sao lại bị trói buộc trong cái chuyện phải mặc áo bảy miếng xuống trai phòng khi nghe chuông báo giờ cơm”.

8Trải qua nhiều năm, đôi khi tôi nhớ lại công án này, nhưng dưới những dạng khác nhau. Đi qua khu vực ăn uống, ngửi thấy mùi thơm của đồ ăn bỗng chảy nước miếng. Nhớ lại câu của Vân Môn mà nói: thế giới rộng lớn vậy, sao ngửi thấy mùi đồ ăn lại chảy nước miếng? Đi làm ở cơ quan, lúc nào cũng túm năm tụm ba bàn về ông sếp. Nhớ lại câu của Vân Môn mà nói: Việt Nam rộng lớn nhiều đàn ông đến vậy, sao lúc nào cũng bàn tới chỉ mỗi mình ông sếp? Thấy chàng trai khổ sở vì người yêu, nhớ lại câu của Vân Môn mà nghĩ bụng: Thành phố rộng lớn đến như vậy, biết bao nhiêu cô, sao chỉ đau khổ vì nàng? Đi xa, ở nơi sang trọng nhưng vẫn nhớ tới cái giường xấu xí ở quê nhà, không nằm giường đó là không ngủ được, nhớ lại câu của Vân Môn mà rằng: Thế giới rộng lớn vậy, sao lúc nào cũng nhớ cái giường xấu xí kia? Nghiên cứu trong lĩnh vực K, gặp gỡ nhau chỉ bàn về K, cãi nhau về K, so sánh kết quả khoa học của người này, người kia về K, đánh giá anh X, chị Y làm công trình “chạy chợ” hay công trình “đỉnh cao”, nhớ lại câu của Vân Môn mà thấy: thế giới rộng lớn vậy sao ca sĩ gặp nhau thì chỉ bàn về bài hát, nhà thơ gặp nhau thì chỉ bàn về thơ? Ngoài nhạc, ngoài thơ còn vô khối thứ khác mà?  Thấy người bạn quý sách vở, nâng niu, bảo bọc nó, nhớ lại câu của Vân Môn mà thấy: thế giới thì rộng lớn, sao chỉ tập trung vào sách? Sách quý của mình mà con mối con mọt nó đâu có chừa?

9 Ai biết được một ít Phật pháp cũng thường hay nói dùng các ngôn từ của đạo. Tôi cũng thế. Chẳng hạn: “Thể nghiệm tự do chân thực là máy động chân không (chân không diệu dụng), cắt tuyệt được với cái tư nghì của phàm phu” hay “nghe bằng mắt có nghĩa nghe bằng cả linh hồn lẫn thể xác. Cả trời đất chỉ còn ngưng lại ở một âm thanh mà thôi và nó là cái tự ngã bản lai”… Nhớ lại câu của Vân Môn, tôi cũng tự giật mình: thế giới rộng lớn như vậy, chim kêu, tiếng cá nhảy, xe cộ, máy bay ầm ầm, sao suốt ngày cứ bàn về Phật pháp. .■

 

THẢO VY

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 193-194 Xuân

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin