Chi tiết tin tức

Chính quyền có được kinh doanh tại các cơ sở tôn giáo hay không?

16:35:00 - 13/12/2017
(PGNĐ) -  Được biết tại kỳ họp cuối năm 2017, HĐND tỉnh Quảng Ninh bàn bạc về việc bán vé vãng cảnh, thu phí vào tham quan Khu Di tích danh thắng Yên Tử.

 

 

Yên Tử không chỉ là khu di tích đặc biệt của quốc gia mà nơi đó là địa chỉ, là cơ sở thờ tự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (chùa Đồng và các ngôi chùa khác trên dãy Yên Tử), có sự quản lý của Chư tăng và BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh.


Không chỉ ở Quảng Ninh mà ở một số tỉnh thành và cả ở diễn đàn Quốc hội cũng đã có một  số người nêu ý kiến về việc quản lý hòm công đức, bán vé thăm quan các di tích có liên quan đến Phật giáo. 
 

Nếu khu di tích ấy không liên quan đến các yếu tố tín ngưỡng và tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, thì thu phí hay không thu phí tại các khu di tích, đó là việc của cơ quan Nhà nước, các bản quản lý các di tích đó, hoặc của cộng đồng địa phương ở di tích đó. 
 

Nếu khu di tích ấy liên quan đến các cơ sở thờ tự Phật giáo thì theo Điều 56 của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ghi: Việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo đã nêu rõ:


1. Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên tổ chức; quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
 

2. Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
 

3. Cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được hình thành theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng.

 

Điều 3: Trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Mục 3 nêu rõ: Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
 

Hiến pháp nước CHXHCNVN và Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo cũng quy định: mọi người đều có quyền tự do đến các cơ sở thờ tự tôn giáo của mình để bày tỏ đức tin, thực hiện lễ nghi và hoạt động tôn giáo mà không bị ngăn cản

Câu hỏi đặt ra, nếu việc bán vé vãng cảnh Yên Tử được tỉnh Quảng Ninh quyết và thực hiện thì việc đó có được xem là hành vi ngăn cản quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo hay không?
 

Điều 5: Các hành vi bị nghiêm cấm, Mục 5 nêu rõ: Nghiêm cấm lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi
 

Mục 4 điều 9 của Thông tư quy định tổ chức lễ hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 22 tháng 12 năm 2015 quy định“Không bán vé, thu tiền trong khu vực di tích, lễ hội , nếu có tổ chức các trò chơi biểu diễn nghệ thuật thì được bán vé cho hoạt động dịch vụ đó theo quy định của pháp luật”
 

Cơ sở tôn giáo là biểu tượng của văn hóa vật thể tôn giáo, đóng vai trò định hướng đạo đức tâm linh và là sinh hoạt chung của cả cộng đồng, đừng nghĩ đến lợi ích vật chất mà nên hướng đến giá trị tinh thần.
 

Thấy rõ, chùa chiền nói chung và khu di tích Yên Tử nói riêng chính là cơ sở tôn giáo được nhà nước bảo hộ và tài sản hợp pháp của khu di tích Yên Tử cũng được Nhà nước bảo hộ. Vậy nên, các chủ thể khác, dù là chính quyền cũng không được can thiệp vào công việc riêng tư, nội bộ của tôn giáo.

 

Một số khu di tích đang nghiên cứu việc bỏ vé vãng cảnh để thu hút du khách như khu di tích Cơn Sơn Kiếp Bạc (Hải Dương), khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử (Bắc Giang). 

Việc HĐND tỉnh Quảng Ninh đề xuất thu vé vãng cảnh Yên Tử có thể coi là bước “thụt lùi”, kìm hãm sự phát triển văn hóa tâm linh cũng như sự phát triển của địa phương.

 

Bên cạnh đó, trong một năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều quy định, thông báo… về việc quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Tại nhiều địa phương như thành phố Móng Cái, huyện Hoành Bồ… chính quyền địa phương vẫn bắt ép các tăng, ni tại các chùa thực hiện việc niêm phong hòm công đức bằng hai chìa khóa. Đây thực sự là hành động vô lý. 

 

Đình, đền, chùa,… là do cộng đồng dân cư địa phương chung nhau xây dựng nên và các cơ sở tôn giáo là do tín đồ, nhà tu hành tôn tạo, nay được nhà nước công nhận là di tích văn hóa lịch sử. Như vậy, đối với cơ sở tín ngưỡng dân gian, chủ sở hữu đương nhiên phải là cộng đồng dân cư địa phương. Đối với cơ sở tôn giáo, chủ sở hữu chính là Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà đại diện là tín đồ, nhà tu hành. Mà đã là chủ sở hữu cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo hiển nhiên cũng là chủ quản lý tài sản (bao gồm: động sản và bất động sản) của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đó.

 

Tiền công đức do tín đồ, người dân tự nguyện phát tâm tiến cúng cho nhà đền, nhà chùa chính là tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Hơn nữa, pháp luật quy định các cơ quan chức năng chỉ quản lý các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo về phương diện hành chính nhà nước, không quản lý về tài sản của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

 

Việc mỗi di tích lại có một cấp, hoặc nhiều cấp khác nhau cùng quản lý, nơi do cơ quan Nhà nước quản lý như UBND, Sở VHTT&DL, nơi do Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, UBMTTQVN… là không đúng với quy định trên. Bởi các cơ quan, đoàn thể này không phải là chủ sở hữu của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nên cũng không có quyền quản lý tài sản của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

 

Có lẽ, chúng ta cần xác định rõ đối tượng và khái niệm “quản lý” trong trường hợp này. Đối với các chùa, nhà thờ, thánh thất của các tôn giáo cụ thể được nhà nước công nhận về tính pháp lý thì không nên đặt ra khái niệm “quản lý” mà chỉ cần có cơ chế hướng dẫn, giám sát để các hoạt động thu - chi diễn ra một cách minh bạch, công khai. Đối với nhà chùa, việc quản lý công đức được giao cho các vị sư trụ trì cũng như phật tử. Còn nhân dân địa phương chính là người giám sát tốt nhất.

 

Hành vi quản lý hòm công đức cũng như can thiệp quá sâu vào nội bộ tín ngưỡng, tôn giáo của chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ninh như việc dự kiến bán vé vào thăm quan khu di tích Yên Tử trong đó có các cơ sở của Phật giáo sẽ là điều bất cập, chưa đúng pháp luật và trái với truyền thống.

 

Tuệ Minh

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin