Chi tiết tin tức

Hòa thượng Thích Thiện Tâm nói về: Chính sách ngoại giao Phật giáo của Ấn Độ

10:17:00 - 24/01/2015
(PGNĐ) -  Khi phong trào chấn hưng Phật giáo dâng cao trong Phật giáo Việt Nam, thì một trong những nội dung lớn của chấn hưng Phật giáo là phật tử Việt Nam ý thức về quê hương nguồn cội Phật giáo, về Tứ động tâm (nơi Đức Phật đản sinh, thành đạo, chuyển pháp luân và nhập niết bàn mà ngày nay phần lớn nằm trên lãnh thổ Ấn Độ. 

Gần đây, báo chí trong nước dẫn lại các bình luận từ truyền thông nước ngoài, đã nói đến “một sự thay đổi trong chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ đang diễn ra với sự đẩy mạnh hoạt động ngoại giao Phật giáo” (baotintuc.vn). Theo đó: “Thủ tướng Narendra Modi đang có kế hoạch quảng bá Phật giáo tới các nước trong khu vực bởi vì Ấn Độ là khởi nguồn của Phật giáo. Ông Modi đã tỏ dấu hiệu về sự đẩy mạnh quan trọng này bằng chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên là tới quốc gia Phật giáo láng giềng Bhutan và sau đó là Nepal, nơi đức Phật ra đời. Chuyến công du chính thức nước ngoài đầu tiên của ông Modi ngoài Nam Á là tới Nhật Bản, một quốc gia Phật giáo khác”.

Tượng đức Phật Thích ca tại Bồ Đề Đạo Tràng - Ấn Độ

Nhân dịp lạc thành chùa Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam tại Ấn Độ, chúng tôi đã xin được phỏng vấn Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế, một nhà ngoại giao nhân dân quen thuộc trong khu vực các nước Phật giáo, về chính sách “ngoại giao Phật giáo” của Ấn Độ, về quan hệ ngoại giao nhân dân Việt Nam - Ấn Độ trong khuôn khổ liên hệ Phật giáo.

Hòa thượng Thích Thiện Tâm (ở giữa)

Hòa thượng Thích Thiện Tâm đã hết sức lạc quan về tương lai phát triển quan hệ hữu nghị nhân dân Việt Nam - Ấn Độ, mà Phật giáo là chất xúc tác. 

Kính bạch Hòa thượng, gần đây báo chí nói nhiều đến chính sách “ngoại giao Phật giáo” của tân thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi. Chính sách ngoại giao Phật giáo này sẽ thúc đẩy quan hệ ngoại giao nhân dân Việt Nam - Ấn Độ như thế nào?

Hòa thượng Thích Thiện Tâm: Tôn giáo là một sinh hoạt văn hóa lớn, bao giờ cũng có tác động gắn kết các nước có cùng truyền thống văn hóa. 

Đây là một tác động tích cực đương nhiên của các tôn giáo quốc tế, và lại càng có tác động nhiều hơn nữa khi đó là một tôn giáo từ bi hòa bình, huynh đệ thân ái như Phật giáo.

Trong thế kỷ XX, khi phong trào chấn hưng Phật giáo dâng cao trong Phật giáo Việt Nam, thì một trong những nội dung lớn của chấn hưng Phật giáo là phật tử Việt Nam ý thức về quê hương nguồn cội Phật giáo, về Tứ động tâm (nơi Đức Phật đản sinh, thành đạo, chuyển pháp luân và nhập niết bàn mà ngày nay phần lớn nằm trên lãnh thổ Ấn Độ. 

Tình cảm sâu đậm đặc biệt của phật tử Việt Nam đối với đất nước, nhân dân, văn hóa Ấn Độ đã hình thành từ đó.

Đã là phật tử, thì ai cũng đều cảm thấy gần gũi với Ấn Độ, quê hương Đức Phật, như một quê hương tâm linh của mình.
Hình ảnh đất nước Ấn Độ, trải dài với những sự kiện liên hệ đến cuộc đời Đức Phật, hiện diện ở hầu hết các ngôi chùa Việt Nam, với các hình thức tranh vẽ, phù điêu…

Giữa thế kỷ XX, phật tử Việt Nam còn biết đến Ấn Độ như một nơi đào tạo tăng tài cho Phật giáo Việt Nam, mà tiêu biểu hơn cả là Hòa thượng Thích Minh Châu, người thầy của không biết bao nhiêu tăng sĩ Việt Nam hiện đại.

Cuối thế kỷ XX, quan hệ đào tạo như thế từ các đại học Ấn Độ đối với Phật giáo Việt Nam đã được mở rộng. Ấn Độ trở thành một “quê hương học thuật” của tăng ni sinh Phật giáo Việt Nam.

Cùng lúc, những ngôi chùa Phật giáo Việt Nam được xây dựng tại các thánh tích này càng củng cố tình đoàn kết, hữu nghị của tăng, ni, phật tử Phật giáo Việt Nam với đất nước Ấn Độ.

Thầy nghĩ với các nước Phật giáo khác cũng thế. Vì vậy, “ngoại giao Phật giáo” là một chính sách của chính phủ Ấn Độ hiện tại, nhưng trước hết, ngoại giao Phật giáo đã là một hiện thực trong quan hệ giữa Ấn Độ với đông đảo tăng, ni, phật tử các nước châu Á và cả những người yêu đạo Phật trên khắp thế giới.

Phật giáo, trên thực tế, đã là tâm điểm khơi gợi tình cảm yêu quý đất nước Ấn Độ.

Chính sách “ngoại giao Phật giáo” sẽ là sự nâng cao những giá trị đã có như đã nói ở trên, phục vụ cho quan hệ ngoại giao nhà nước.

Kính bạch Hòa thượng, việc nhà nước hóa ngoại giao Phật giáo như vậy có thể coi là một dạng chính trị hóa ngoại giao Phật giáo?

Hòa thượng Thích Thiện Tâm: Chính trị hóa thì tốt chứ sao, nếu mục tiêu của hoạt động chính trị là tốt, việc chính phủ Ấn Độ dùng Phật giáo như một nền tảng thúc đẩy quan hệ với các nước Nam Á, Đông Á, Đông Nam Á, Bắc Á, và cả Nga là một điều tốt cho quan hệ ngoại giao nhà nước, cho hoạt động chính trị. Bởi vì, nền tảng Phật giáo là nền tảng của sự chân thực, trong sáng, từ bi, vị tha, hòa bình. Những điều đó sẽ đóng góp tích cực cho hòa bình, đoàn kết hữu nghị trong quan hệ giữa chính quyền với chính quyền.

Chính sách ngoại giao Phật giáo của chính phủ Ấn Độ đương nhiên là sự tiếp nối tất yếu, đương nhiên của ngoại giao nhân dân Phật giáo giữa nhân dân các nước Phật giáo với nhân dân và đất nước Ấn Độ.

Ngoại giao Phật giáo của chính phủ Ấn Độ là việc mở rộng con đường kết nối đất nước Ấn Độ với các nước có đông đảo phật tử, chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Con đường đó là con đường tin cậy, hòa bình, hợp tác, thương yêu, phát triển học thuật.

Chính sách ngoại giao Phật giáo không phải chỉ là chính sách của riêng chính phủ Ấn Độ mà đây là sự hội tụ yếu tố Phật giáo vốn có ở các nước, trong đó có Việt Nam chúng ta. Thí dụ trong chuyến thăm Ấn Độ vừa qua, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam đã đến Bồ đề Đạo tràng lễ Phật.

Kính bạch Hòa thượng, con nghe nói đoàn cấp cao Ấn Độ cũng đã đến lễ Phật ở chùa Trấn Quốc. Chính sách ngoại giao Phật giáo trước hết là những cuộc thăm viếng chùa chiền Phật giáo của quan chức chính phủ?

Hòa thượng Thích Thiện Tâm: Thăm viếng chùa chiền chỉ là một mặt biểu hiện của tư duy ngoại giao Phật giáo.

Tư duy và tình cảm trong ngoại giao Phật giáo mới là điều quan trọng. Chẳng những chỉ thăm viếng hình thức, mà trước hết là sự kết nối, tin cậy, quý mến, gắn bó, vì một số các nước châu Á đã có một cái nền văn hóa, tư tưởng chung, đó là Phật giáo.

Đó là cơ sở để tiến hành nhiều hoạt động khác nữa, như hợp tác học thuật Phật giáo, đào tạo nhân tài Phật giáo, trao đổi hoạt động văn hóa Phật giáo. Chùa Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam được xây dựng ở thánh địa Phật giáo là ví dự về sự cộng hưởng chung trên tinh thần Phật giáo, thì ngoại giao Phật giáo sẽ có muôn hình muôn vẻ. Ngoại giao nhà nước tạo đà cho ngoại giao nhân dân. Ngoại giao nhân dân thúc đẩy ngoại giao nhà nước. Công việc mà chúng ta đang làm hôm nay, bàn luận về việc hưởng ứng, phát triển “ngoại giao Phật giáo” cũng nằm trong xu thế đó.

Kính bạch Hòa thượng, ngoại giao Phật giáo mà chúng ta đang nói đây được hiểu là một chính sách chính trị. Thế thì cái khác biệt của một chính sách ngoại giao chính trị so với ngoại giao nhân dân là gì?

Hòa thượng Thích Thiện Tâm: Ngoại giao Phật giáo như một chính sách chính trị sẽ góp phần giải quyết các vấn đề chính trị. Từ sự tin tưởng, gần gũi, trên nền tảng Phật giáo, những tương đồng chính trị sẽ được khai thác sâu sắc hơn, còn những bất đồng, xung khắc sẽ dễ giải quyết hơn, các bên sẽ dễ nhất trí hơn trong nhiều vấn đề.

Kính bạch Hòa thượng, như vậy thì có lại sa vào việc tôn giáo ảnh hưởng đến chính trị?

Hòa thượng Thích Thiện Tâm: Người ta muốn tách tôn giáo ra khỏi hoạt động chính trị khi mà nó có những ảnh hưởng tiêu cực, như giáo quyền khuynh loát thế quyền, tu sĩ tham gia chấp chính, liên minh quân sự trên cơ sở tôn giáo…còn khi tôn giáo tham gia chính sách chính trị như là các giá trị văn hóa, học thuật, với những yếu tố tích cực nhất, thì đó là tác động văn hóa, và tác động gián tiếp, đem đến những hệ quả tốt đẹp, có lợi cho các bên, thì hoàn toàn khác với việc tôn giáo trực tiếp làm chính trị.

Kính bạch Hòa thượng, Phật giáo có lợi gì đối với chính sách ngoại giao Phật giáo và Phật giáo cần khai thác chính sách ngoại giao Phật giáo như thế nào?

Hòa thượng Thích Thiện Tâm: Dĩ nhiên, là các giá trị Phật giáo sẽ được đề cao, tình đoàn kết gắn bó giữa tăng, ni, phật tử châu Á sẽ được tăng cường với chất xúc tác Ấn Độ.

Phật giáo chúng ta ý thức về chính sách “ngoại giao Phật giáo” như một thuận duyên mới đến từ quê hương Đức Phật trong việc hoằng pháp, hóa độ. Thấy được thuận duyên thì Phật giáo chúng ta sẽ từ đó vận dụng sao cho lý tưởng từ bi, chân thật, đoàn kết, tương thân tương ái của Phật giáo ngày càng tỏa sáng, quan hệ giữa tăng, ni, phật tử Việt Nam, nhân dân Việt Nam với Ấn Độ, quê hương Đức Phật, ngày càng sâu sắc, với nhiều hoạt động phong phú.

Kính bạch Hòa thượng, bài báo “Ấn Độ đẩy mạnh “ngoại giao Phật giáo” với Đông Á” (baotintuc.vn) có đặt vấn đề: “Ngoại giao Phật giáo là một kế hoạch thông minh trong hoạt động ngoại giao của Ấn Độ đối với toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chỉ tương lai mới có thể nói liệu "ngoại giao Phật giáo" của Ấn Độ có giúp mang lại sự thân thiện và giải quyết được những vấn đề tranh cãi hay không”. Dự đoán của Hòa thượng thế nào?

Hòa thượng Thích Thiện Tâm: “Chính sách ngoại giao Phật giáo” là việc nâng cao một hiện thực đã có một cách tự nhiên. Vì vậy, ở đây, không có vấn đề thành công hay không mà vấn đề là thành công ở mức độ nào mà thôi.

Chính sách ngoại giao Phật giáo sẽ có những đóng góp tích cực cho hòa bình, thấu hiểu, gần gũi giữa các quốc gia châu Á trong vùng ảnh hưởng của đạo Phật là điều tất yếu, đương nhiên.

Thầy tin chắc rằng, với chính sách ngoại giao Phật giáo của Ấn Độ, hoạt động hóa đạo hoằng pháp của tăng, ni, phật tử Việt Nam trên thánh địa Phật giáo sẽ ngày càng thuận lợi mà việc lạc thành của Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam hôm nay là một sự kiện đánh dấu.

Đa tạ Hòa thượng. Kính chúc Hòa thượng an lạc. 

Cư sĩ Minh Thạnh thực hiện

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin