Chi tiết tin tức

Nói sao cho vừa lòng…

19:38:00 - 03/01/2016
(PGNĐ) -  Nói là là việc diễn đạt nội dung giao tiếp bằng một ngôn ngữ nhất định. Thông qua nói, diễn âm, con người bắt đẩu thiết lập một cửa ngõ của sự trao đổi những ước muốn của mình. Ngay cả các sinh loại trong vũ trụ này cũng đều có những cách nói khác nhau để thiết lập mối quan hệ trong từng môi trường sinh thái nhất định. Thế gian gọi đó là âm tiết, là ngôn ngữ; Đức Bổn sư Thích-ca của chúng ta gọi đó là pháp âm, nghĩa là tiếng của vạn loài.

Sự cảm nhận của mỗi loài qua tiếng nói để nhận biết sở nguyện của nhau là một đặc tính căn bản quan trọng của lời nói. Để sự nhận biết đạt được mức trọn vẹn, chân thật và lợi ích thì nhất thiết phải có quá trình trải nghiệm trong giao tiếp mà thế gian gọi là “dạy dỗ – giáo dục”, còn Đức Bổn sư Thích-ca gọi đó là quá trình “liễu tri – chứng đắc”.

Trong ca dao tục ngữ của nước ta, luân lý dân gian rất thiết thực, dạy bảo cho con cháu “học ăn – học nói” là dạy cách sống chung trong một cộng đồng dân tộc, phù hợp với luân thường đạo nghĩa của ông cha ta. Điều này luôn luôn được nhiều thế hệ kính trọng truyền tụng từ đời này sang đời khác: – Biết tôn trọng nhau, giữ gìn hòa khí với nhau:

Một sự nhịn chín sự lành

– Cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói để tránh va chạm xung đột do hời hợt, bất cẩn:

Ăn có nhai, nói có nghĩ…

Con đừng học thói chua ngoa
Họ
hàng ghét bỏ, người ta chê cười…

Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người
khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe…

– Luôn coi trọng giá trị của lời nói, dù lời nói không phải mất tiền để mua nhưng lời nói có tác động mạnh mẽ đến những quyết định trong mọi lãnh vực đời sống của con người:

Lời nói chẳng mất tiền mua
L
a lời mà nói cho vừa lòng nhau

– Tuy có tiếng nói, có khả năng diễn đạt; nhưng, đối với dân gian điều quan trọng là hiểu biết, chia sẻ, thông cảm. Do đó ông cha ta ưa chuộng, dạy bảo nói ít, nghe nhiều, chỉ nên nêu chứng lý cụ thể đầy thuyết phục, con người có một miệng nhưng có đến hai lỗ tai:

Khôn ngoan chẳng lọ là nhiều
Người
khôn mới nói nửa điều cũng khôn.

Nói còn được diễn đạt bằng văn tự để trở thành những áng văn chương của mỗi dân tộc. Khi đó, nói bằng văn tự cũng phải có đặc trưng khiến cho người đọc cảm nhận được đầy đủ ý chí và tình cảm của một bản văn. Đó là ngữ khí của một áng văn. Trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã có nhiều áng văn thể hiện ngữ khí hào hùng của dân tộc ta mà ngay cả kẻ xâm lược khi tiếp nhận cũng thuận ý vừa lòng:

– Theo truyền thuyết, danh tướng Lý Thường Kiệt có bài thơ mang tính Tuyên ngôn độc lập:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
T
iệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Bình Ngô đại cáo do Nguyễn Trãi viết thay vua Lê Lợi sau khi đánh thắng quân Minh có nói:

lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn;
lấy chí
nhân mà thay cường bạo.

– Vua Quang Trung Nguyễn Huệ sau khi đánh thắng quân Thanh có nói với Ngô Thì Nhậm rằng: “… Hai nước mà đánh nhau thì chỉ khổ dân. Vậy nên dùng lời nói khéo để khiến cho khỏi sự binh đao; việc ấy nhờ nhà ngươi chủ trương cho mới được”. “Nói khéo” là cách diễn đạt lý sự viên dung để người nói và người nghe đều vừa lòng, vừa ý.

– Tuyên ngôn Độc lập 1945 của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã truyền cảm hứng cho tất cả các quốc gia thuộc địa trên khắp thế giới một niềm phấn khích về “quyền bình đẳng của con người”, đồng thời mở ra một thời đại mới: “độc lập dân tộc và hòa bình hữu nghị” giữa mọi quốc gia trên thế giới. Có đươc hiệu ứng rộng lớn ấy là nhờ vào ngữ khí của áng văn. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa tâm và ý của người viết. Ý sáng suốt, đúng chân lý; tâm nhân ái, rộng lượng bao dung, đã quyết định ngữ khí của áng văn khiến người nghe nể phục, vui lòng.

Đức Phật Thích-ca là bậc giác ngộ bởi thành tựu được hai phẩm chất cao quý nhất của nhân loại: lòng từ bi rộng khắp và trí huệ thù thắng. Trong quá trình thuyết pháp độ sinh (giảng nói), dù dưới nhiều chủ đề khác nhau nhưng Ngài vẫn luôn nhắc nhở chư Bồ-tát và các bậc Thanh văn phải ghi nhớ hạnh Bát-nhã ba-la-mật; đó là nói, nghe đúng Chánh pháp nhờ vào sở đắc Trí huệ ba-la-mật.

Khi đã nghe được Chánh pháp đúng như lý, chư Bồ- tát và các bậc Thanh văn đều đứng trên những nguyên lý chân thật để nói pháp. Đây là nội dung Chánh ngữ, chi phần thứ ba của Bát Thánh đạo. Nói đúng pháp duyên sanh, đúng chân lý, phù hợp với nội dung câu chuyện; đồng thời, nhận biết một cách rõ ràng người nghe. Khi truyền đạt giáo pháp, chư Bồ-tát đều thấy các pháp thế gian dưới cái nhìn nhân duyên sanh khởi, sự tích hợp của nhiều nguyên nhân phát sanh các pháp, sự tích tụ nhiều đời của nghiệp báo. Khi đưa ra những nhận xét kết luận thì những nhận xét kết luận đó không chông chênh thiên vị: Không lấy việc nói đối kháng làm vui, không lấy chấp trước bảo thủ làm trọng; mà trái lại, luôn có cái nhìn rộng lượng bao dung. Không lấy việc tranh luận để phân biệt, báng bổ kẻ khác, thỏa mãn lòng ganh tỵ cố chấp; mà luôn giữ đúng mực hạnh Bát- nhã ba-la-mật của mình. Lấy trí tuệ làm bậc thầy của lời nói.

Chư Phật chư Tổ luôn lấy tùy túc, vô tranh làm phương tiện diễn đạt pháp Phật; nhờ đó mà lời nói của chư Phật chư Tổ có sức thuyết phục dũng mãnh, không có gì lay chuyển, thay thế được. Đó là lời nói, câu nói đúng lý, chân thật. Bằng trí huệ Bát-nhã ba-la-mật, lời nói đúng lý thể hiện thiệt tánh, như tánh, phi bất như tánh, chơn như, như lý, tam thế bình đẳng, ly phân biệt. Đó là thể tánh rốt ráo của Bậc Giác ngộ.

Trong năm điều giới luật mà Đức Phật dành cho người Phật tử tại gia thì điều thứ tư là “bất vọng ngữ”. Bất vọng ngữ không chỉ là không nói trái với sự thật; mà còn không được nói lời hung ác, không nói thêu dệt, không nói lật lọng mà chỉ nói lời ngay thẳng, thật thà. Nói lời ngay thẳng thật thà là nói lời đúng lý, thiệt tánh; nói để mọi người vừa ý, vui lòng. Do đó khi lời nói có thể gây đau khổ, nghi ngờ, náo loạn, bất an cho người khác thì người con Phật không nói, thậm chí không nghĩ đến. Điều này phù hợp với truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Nó được răn dạy ngay trong phạm vi gia đình Việt Nam từ hàng ngàn năm qua.

Chúng ta đang sống trong một đất nước lấy hình thái kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để xây dựng và phát triển thì việc thực hiện nội dung đúng lý và thiệt tánh của lời nói trong giao tiếp, trên hệ thống   thông   tin, truyền thông   đại chúng để xây dựng một xã hội theo văn hóa truyền thống lâu đời là rất quan trọng và cần thiết. Bởi trong một xã hội công nghiệp với hệ thống truyền thông hiện đại như ngày nay, nếu mọi người không tuân thủ những nguyên tắc cao đẹp của “nói đúng lý, chân thật” thì lời nói sẽ tác hại rất lớn đến sự an lạc, đến lòng tin của mọi người và sẽ mang lại sự huyễn hoặc, dối lừa nhau, gây khổ đau bất an cho xã hội và nhân dân lao động. ■„

 

VĨNH HANH THÁI CHÍ BÌNH

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 189

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin