Chi tiết tin tức

Sống bình an và hiến tặng bình an

18:24:00 - 28/12/2015
(PGNĐ) -  Trong các phương diện biếu tặng giữa con người, đem lại sự bình an, không nguy hiểm cho đời là sự biếu tặng nhẹ nhàng, sâu sắc, không phô trương, không hình tướng nhưng có tác động vô cùng tích cực và lâu dài đến xã hội ta đang sống. Nếp sống đạo đức của mỗi cá nhân là chất liệu làm nên món quà tặng tuyệt vời này.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, con người có xu hướng thiên trọng vật chất, cứ ngỡ đó là chìa khóa đưa đến hạnh phúc cho mình, nên không mỏi mệt lao vào vòng xoáy của vật chất mà xem nhẹ giá trị đạo đức xã hội. Thế rồi khi mệt nhoài trên con đường danh lợi, họ bế tắc và hiểu ra rằng giàu có không liên quan nhiều đến hạnh phúc của người sở hữu nó. Những ai kịp nhận ra “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” (Trịnh Công Sơn) sẽ biết chuyển hướng đi tìm một hệ giá trị khác liên hệ nhiều hơn đến hạnh phúc thật sự. 

Đạo Phật mở ra một hướng nhìn mới cho tất cả: tìm hạnh phúc nơi chính bản thân mình chứ không phải thứ hạnh phúc gắn trên mớ vật chất trần gian tạm bợ ngoài kia. 

Đức Phật xác định trách nhiệm bản thân đối với cá nhân mỗi người cũng như đối với cộng đồng xã hội là nền tảng cơ bản để xây dựng một xã hội an hòa và hạnh phúc. Ngài tuyên bố, người có đức hạnh không chỉ đem an lạc cho mình, mà còn đem lại an lạc cho cha mẹ, cho vợ con, cho các người phục vụ, cho các người làm công, cho bạn bè thân hữu (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương III, phẩm II, kinh số 9: Không con). Đây là cách Đức Phật khuyến khích mỗi con người hiến tặng cho đời sự bình an qua bức thông điệp mang giá trị đạo đức và nhân bản siêu tuyệt của đạo Phật. Sau đây là một số giải pháp gợi ý để chúng ta kiến tạo một đời sống bình an, đồng an hiến tặng sự bình an ấy để chung tay xây dựng một cuộc sống lành mạnh trong cộng đồng.

 

an lac.jpg
Đi cho có chánh niệm là ta đã đóng góp an bình cho tự thân và thế giới rồi. Trong ảnh: Thiền sư Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai cùng các thiền sinh phương Tây thực tập thiền hành giữa thiên nhiên xanh mát, an lành...

Sử dụng thời gian hợp lý vào những việc có ích

Thời gian sống của mỗi người trên cuộc đời này là có hạn. Cuộc sống vô thường, không ai biết quỹ thời gian kiếp người của chúng ta còn được bao nhiêu. Cơ hội làm người thật hiếm hoi, quý báu, như con rùa mù giữa biển cả mênh mông tìm được bộng cây trôi nổi trên mặt biển mà chui vào (Tương ưng bộ kinh, tập V, chương XII, phẩm V, kinh Lỗ khóa). 

Đức Phật cũng răn nhắc chúng ta rằng, số người sau khi mất thân này mà được làm người trở lại ít lắm, ít như đất trong móng tay so với quả đất to lớn chúng ta đang sống (Tăng chi bộ kinh, chương I, phẩm XIX, mục 18-20). Vì vậy, thời gian là vốn liếng quý giá nhất mà con người có được, vì tất cả những tài sản khác có được đều có sự đóng góp của yếu tố thời gian. 

Thêm vào đó, bất cứ tài sản thế gian nào, mất đi còn có cơ hội tìm lại hoặc làm lại, riêng thời gian một khi mất đi, không ai và không có cách nào tìm lại được. Do vậy, trong thời gian được sống với thân phận con người, sử dụng thời gian hợp lý vào những việc lợi ích là cách sống khôn ngoan nhất được Đức Phật khen ngợi. Ngài cảnh tỉnh mọi người rằng, lúc tuổi trẻ, nỗ lực tu phạm hạnh (đối với người xuất gia), nỗ lực đầu tư chí thú làm ăn (đối với người tại gia), chứ một khi tuổi già đến, như cây cung bị gãy, chẳng thể làm được gì (kinh Pháp cú, câu 156).

Đức Phật là một điển hình về việc sử dụng thời gian hiệu quả nhất trong cuộc sống. Ngài rất khéo trong việc dùng thời gian của mình để tạo an lạc cho bản thân và giúp người khác sống an lạc như mình. Nhìn những sinh hoạt một ngày của Đức Phật được ghi lại trong kinh sách, ta có thể thấy Ngài đã dành trọn vẹn thời gian để hoạt động tích cực và nhiệt thành vì hạnh phúc và an lạc của người khác đến mức nào. 

Với tâm từ rộng lớn, Ngài dành phần lớn thời gian với công việc giúp mọi người phương pháp sống hạnh phúc trong chánh niệm, ngoại trừ những lúc cần phải dành cho vài nhu cầu cá nhân thiết yếu tối thiểu. Công việc của Ngài được sắp xếp rất khoa học, nề nếp, mực thước, vừa an trú thiền định, vừa giúp người nghệ thuật sống an lạc, và cứ thế duy trì cho nếp sinh hoạt ấy cho đến trọn đời. Bên trong, Ngài chánh niệm, tĩnh tâm và chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát. Bên ngoài, Ngài không mệt mỏi phục vụ tha nhân, nâng đỡ tinh thần, nuôi dưỡng tâm linh của chúng sanh trong khắp thế gian. 

Ý thức về sự quý báu của thời gian, Ngài vẫn luôn nhắc khuyên các đệ tử luôn tỉnh giác, không ngừng nỗ lực thực hành pháp để đoạn trừ lậu hoặc, không luận ngày hay đêm (kinh Pháp cú, câu 226). Trong lời giáo huấn cuối đời, Ngài ân cần khuyên nhắc các đệ tử hãy siêng năng tinh tấn, không tụ tập lại để hý luận chuyện đời không liên hệ đến mục đích giải thoát, đừng để thời gian qua luống, mà uổng phí một đời (Trường bộ số 16: kinh Đại bát Niết-bàn).

Đức Phật khéo léo dạy các đệ tử của Ngài về cách sử dụng thời gian vào việc có ích. Ngài không khuyến khích người khác bàn luận tranh cãi những vấn đề không thực tế, thể hiện qua việc Ngài yên lặng không trả lời những câu hỏi siêu hình là một điển hình. Ngài từng tuyên bố, những gì Ngài biết như lá trong rừng, còn những gì Ngài tuyên thuyết với chúng đệ tử như nắm lá simsapā Ngài đang cầm trong tay (Tương ưng bộ kinh, tập V, chương XII, phẩm IV, kinh Simsapā). 

Điều này cho chúng ta thấy tâm từ vô lượng của Ngài dành cho người học pháp, không muốn mọi người mất thời gian quờ quạng kiếm tìm những điều không liên hệ đến mục đích giải thoát, nên Ngài chọn những gì tinh túy nhất, trực tiếp liên hệ đến mục đích giải thoát, thiết thực nhất để mọi người thực hành đem lại hiệu quả nhất. Một điển hình khác nữa về cách Đức Phật trân quý thời gian là Ngài không khuyến khích các đệ tử sử dụng thần thông biến hóa, biểu diễn những điều kỳ lạ để thu hút sự tò mò của người không có trí, mà chỉ nên chú trọng đến phương diện giáo dục, giúp người khác chuyển hóa tâm theo hướng tích cực và thiện lành (Trường bộ kinh số 11: kinh Kevaddha; Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm VI, kinh số 60). 

Theo Ngài, tất cả những điều này, cũng như các điều khác có tính chất tương tự, chỉ đưa con người đến chỗ tranh luận, tranh cãi, hý luận nhau, mất hết thời gian quý báu, lại gây phiền toái cho tâm, không đem lại lợi ích thiết thực nào trên con đường thực hành pháp cả. Để có sự bình an vững chắc và lâu dài, chúng ta phải dành trọn thời gian đặt mình vào quỹ đạo sống theo lời Phật dạy: “Không làm các điều ác, gắng làm các điều lành, giữ tâm ý trong sạch” (kinh Pháp cú, câu 183).

Thời gian là chất liệu làm nên cuộc sống, mà giá trị cuộc sống không phải được đo bằng bao nhiêu năm ta sống trên cuộc đời này, mà tùy thuộc vào cách chúng ta sử dụng thời gian trong hiện tại để làm nên chất lượng và ý nghĩa cuộc sống. Bánh xe thời gian cứ một chiều đi tới, quỹ thời gian riêng của mỗi cá nhân chúng ta đang cạn dần, như ánh mặt trời đang dần đi về cuối trời Tây. 

Đời người cũng vậy, cuộc sống phía trước ngắn dần, đi dần về điểm đến cuối cùng và dừng lại khi ta giã từ cuộc sống. Là người biết tu học Phật, chúng ta cần trân quý thời gian để thực hành pháp, nhằm có nội lực để chế tác niềm an vui, bình an thật sự cho bản thân mình, đồng thời có khả năng hiến tặng sự bình an cho người khác.

Tập tha thứ và buông xả

Với tâm lý thường tình, ta sẽ chấp nhận, là con người, ta có đầy đủ hỷ nộ ái ố, ta có quyền giận người nếu ta đúng, người sai. Rất nhiều người trong chúng ta quan niệm rằng giận đúng người, đúng việc, đúng lúc, đúng nơi và thể hiện đúng cách, đúng mức độ thì có gì sai! Đức Phật không có chủ trương “giận đúng” mà trong mọi trường hợp, giận là sai. Ngài dạy rằng, “Một người nên từ bỏ giận, xa lìa kiêu ngạo và vượt qua mọi trói buộc. Khổ sẽ không đến với người nào không tham chấp thân hay tâm. Một người biết kiểm soát cơn giận cũng như người đánh xe kiểm soát được bánh xe đang lăn tới, ta gọi người đó mới đúng là người đánh xe giỏi” (kinh Pháp cú, câu 221-222). 

Hễ giận thì ta là người chịu thiệt thòi trước tiên và chịu thiệt thòi nhiều nhất, nên Đức Phật rất đúng khi nói rằng, đã giận là không bao giờ đúng. Khi ôm ấp hận thù, ta đang nuôi dưỡng trong tâm những tâm lý tiêu cực bệnh hoạn và bệnh này phát tán rất nhanh trong cơ thể, “di căn” khắp thân và tâm, gây tổn thương lớn về sức khỏe và tinh thần. 

Tệ hơn nữa, những tâm lý tiêu cực này có thể làm cho chúng ta mất ăn, mất ngủ; nếu “bệnh” nặng hơn nữa, chúng ta sẽ bị “nhiễm độc” và trở thành người chứa đầy tư tưởng, hành động và lời nói độc ác, hồ đồ, có những hành động điên rồ, nông nổi và có thể gây hậu quả không lường. Hãy học kiên nhẫn nhiều hơn và tha thứ, bao dung hơn với con người và cuộc đời, vì đây là cách tự thương yêu mình hiệu quả nhất. Ta buồn giận, ta tự gây đau khổ cho mình chứ không phải người khác. Ta buồn giận, ta tự đày đọa thân tâm mình chứ không thể đày đọa người khác. 

Học cách tha thứ là liều thuốc đặc trị cho bệnh hiềm hận vậy. Nước đổ về xuôi, dòng sống tuôn chảy, thời gian thoáng qua, cuộc đời có bao lâu mà giận hờn, để bụng cho nặng lòng nhau, mà mình cũng tạo nghiệp xấu ác để rồi phải nhận lấy quả khổ trong hiện tại cũng như tương lai.

Tha thứ là một kỹ năng, một nghệ thuật sống để giữ tâm an tịnh và thân khỏe mạnh. Muốn có nội tâm tĩnh lặng mà ôm lòng thù hằn, là cứ chọc khuấy vết thương ngày một nặng thêm mà mong vết thương liền sẹo lành lặn là điều không thể có, chẳng khác nào nấu đá mong thành cơm. Tha thứ không có nghĩa là chúng ta bôi xóa quá khứ, hay quên đi những gì đã xảy ra, hoặc tự tạo một ảo giác như thể mình cao thượng và có thể bỏ qua chuyện xưa nhưng khi gặp một yếu tố nào đó liên quan đến người xưa chuyện cũ, bao hiềm hận khổ đau ngủ ngầm trong lòng lâu này lại ùa nhau trỗi dậy. 

Tha thứ cũng không có nghĩa là làm cho người kia thay đổi hành vi, vì chúng ta không kiểm soát được người khác nên đó là điều không thể. Tất cả chỉ có nghĩa là ta đang mở cửa lòng buông xả những hờn giận, hay buông đi cay đắng và nỗi đau, để chuyển sang đón những luồng gió mới từ một miền tốt đẹp an vui hơn. Biết người khác tức giận mà ta không ôm chấp buồn giận, giữ tâm an tịnh, nghĩa là ta đã là một vị thầy thuốc có khả năng chữa bệnh cho cả hai (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương XI, phẩm I, kinh số 4: Kham nhẫn). Khi ấy, thân ta khỏe mạnh, tâm ta lành lặn và an tịnh, thế giới bình yên.

Sai lầm là điều không ai muốn nhưng nó vẫn xảy ra và nghiễm nhiên trở thành một phần của cuộc sống. Học cách tha thứ là tập chấp nhận một thực tế rằng chúng ta đang sống trong một thế giới không hoàn hảo và rằng ai cũng có thể phạm sai lầm, không lúc này thì khi khác. 

Tha thứ, trước hết, là đem lại hạnh phúc cho bản thân mình. Một khi buồn phiền, giận hờn, lòng ta nặng như mang đá. Mang lè kè túi đá nặng trong mọi lúc, mọi nơi, mang cả vào giấc ngủ, mang theo cả lúc ăn, thì nặng nề, bức bách vô cùng. Bởi vì mang càng lâu càng mỏi, cảm giác túi đá ngày một nặng thêm, chi bằng ta đặt túi đá giận hờn, buồn phiền ấy xuống, lòng ta khỏe nhẹ, thanh thản, hạnh phúc biết dường nào. 

Cảm nhận được sự bất an nếu cứ ôm nỗi hiềm hận trong tâm, người khôn ngoan biết tha thứ cho bản thân mình và cả cho người đã làm tổn thương mình. Đây là món quà cao quý và độc đáo ta dành tặng cho cả hai: chính bản thân mình và người đã làm ta phiền giận. 

Tha thứ là ta tự tặng cho mình cơ hội để nuôi lớn lòng bao dung và niềm tin vào sự tốt đẹp ở người khác và xã hội. Tha thứ là ta ban tặng cho người cơ hội để sửa sai, làm mới. Cũng như bản thân mình, sai sót là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, biết nghĩ đến điều này mà tha thứ cho người là ta đã biết cách đem lại hạnh phúc cho cả hai. Lợi ích nhiều hơn là tha thứ có công năng đưa ta trở về với nguồn tâm tĩnh lặng của mình, lòng nhẹ tênh và thênh thang như gió.

Sự tha thứ thật sự xuất phát từ khối óc có hiểu biết và con tim biết yêu thương. Chỉ khi nào thấy được những nỗi khổ niềm đau của người kia, thấu hiểu những gì họ làm đều có nguyên nhân xa từ những tập khí không lành mạnh mà do môi trường sống của bản thân người đó tạo nên, hay “bị” thừa hưởng những hạt giống vụng về của ông bà, cha mẹ người đó trao truyền mà chính bản thân người đó không có quyền lựa chọn mà phải tiếp nhận bất đắc dĩ, ta mới có thể phát khởi lòng thương và tha thứ được. Với người gây tổn thương cho mình, cách phản ứng thông thường là ta giận, ta ghét, ta bực mình. 

Tuy nhiên, với trí tuệ và lòng thương yêu, ta hiểu ra một điều rằng, những người này đáng thương hơn là đáng giận. Họ cũng là nạn nhân vì thật sự họ không muốn làm những điều như vậy, không muốn làm tổn hại đến bản thân họ và người khác. Khi thấy được những điều này thì sự tha thứ được chiết xuất từ chất liệu tình thương có mặt một cách tự nhiên trong lòng mình mà không cần bất kỳ sự cố gắng nào. 

Khi sự tha thứ là một cách thực hành tâm từ, nó có giá trị trị liệu, là dược phẩm làm lành những vết thương lòng mà người kia đã làm cho ta đau khổ. Nhiệm mầu hơn, lòng ta trở nên an tịnh, nhẹ nhàng và ngập tràn hạnh phúc và nguồn hạnh phúc này sinh khởi từ nội tâm, ta chủ động tạo ra nên không bao giờ cạn và luôn đầy ắp để có thể chia sẻ cho người khác.

Chiêm nghiệm và quán chiếu bản thân

Con người thường ít chịu sống một mình, vì cảm thấy buồn tẻ, cô đơn, nên họ có khuynh hướng tìm đến nhau như những con cừu đến với nhau để tìm chút hơi ấm. Do vậy, họ thường tụ tập và tìm niềm vui nơi đám đông. Người trẻ sôi nổi thì phần lớn tìm vui trong tiếng nhạc ồn ào đến inh tai nhức óc, trong ánh đèn mờ ảo của những tụ điểm vui chơi. Người đứng tuổi thì tìm thú vui nhẹ nhàng, thanh tao hơn nhưng vẫn phải là nơi đám đông mới được. Bị ảnh hưởng quá nhiều từ đám đông, con người thường mất tự chủ và có những phản ứng nông nổi theo số đông do vô thức tập thể chi phối mà không còn phân định đúng-sai, hay-dở. 

Người có đời sống nội tâm vững chãi, không đánh mất mình mới làm chủ được hành động của mình, không gây tổn thương cho người khác. Đời sống nội tâm chỉ có thể nuôi dưỡng trong môi trường an tịnh, vắng vẻ, vì trong môi trường ấy, tâm trí chúng ta không bị phân tán bởi các yếu tố bên ngoài, mới có thể gom tụ lại để lắng nhìn vào bên trong, tự mình chiêm nghiệm và quán chiếu. Đây là lý do những người xuất gia tu tập miên mật thường chọn môi trường sống thanh tịnh, vắng vẻ để có nhiều cơ hội quán chiếu mình. 

Đức Phật thường khen ngợi những ai biết chọn nơi yên tĩnh để thực hành thiền định - một nghệ thuật luyện tâm vô cùng hiệu quả. Ngài dạy “Ta không tán thán các vị xuất gia có sự liên hệ với các gia chủ. Nhưng với các trú xứ ít tiếng ồn, ít tiếng động, thoát khỏi hơi thở của nhiều người, những chỗ ở cô độc xa vắng loài người, thích hợp cho đời sống thiền tịnh, Ta tán thán sự liên hệ với những trú xứ như vậy” (Tăng chi bộ kinh, chương VII, phẩm 6, kinh số 58).

Trong cuộc sống xã hội, chúng ta không thể lựa chọn một nơi vắng vẻ như được mô tả trong kinh làm nơi trú ngụ hoặc thực hành thiền để nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Ta còn nhiều bổn phận, trách nhiệm với đời, với người và chính những trách nhiệm, bổn phận này ràng buộc chúng ta bằng nhiều sợi dây liên đới khác để rồi ta không thể tự chọn nơi ở theo sở thích. Dù vậy, trong bất cứ môi trường sống nào, ta đều có thể tạo cho mình một góc không gian tâm thức riêng để có cơ hội chiêm nghiệm và quán chiếu. Muốn làm được điều này, chúng ta cần chủ động sắp xếp công việc một cách khoa học, chánh niệm tỉnh giác, huân tập những thói quen tốt có tác động hỗ trợ quá trình phát triển tâm an tịnh.

Chiêm nghiệm bản thân là biết dành nhiều thời gian để nhìn vào nội tâm chính mình thay vì ngóng ra thế giới hiện tượng bên ngoài. Thông thường, ta có thói quen muốn biết những gì mới nhất diễn ra trong thế giới quanh ta, biết càng nhiều, càng tốt, biết tin càng sớm, càng hay; nhưng “tốt” thế nào, “hay” ra sao, thì bản thân ta cũng không thể lý giải điều ấy. Biết rồi thôi, biết rồi quên, biết rồi chẳng để làm gì, chỉ tốn quá nhiều thời gian và năng lượng cho việc biết ấy. 

Hoặc tệ hơn nữa biết để rồi đi lan truyền thông tin chưa được kiểm chứng để rồi tạo hiệu ứng không tốt từ hành động của mình. Một điều không nên làm mà nhiều người mắc phải là thay vì quán chiếu và chiêm nghiệm bản thân, ta lại nhìn và xét lỗi người khác, rồi chê bai, ganh tỵ, quên đi lời khuyên rất hay của người xưa “Các nhân tự tảo môn tiền tuyết; mạc vấn tha nhân ốc thượng sương”. 

Đức Phật cũng nhắc chúng ta không nên nhìn lỗi người khác mà tự quán sát mình để ngày càng hoàn thiện hơn (Pháp cú câu 50). Nếu cứ để tâm vướng bận vào những việc vốn không phải của mình, ta tự khuấy động mặt hồ tâm thức của chúng ta, làm cho tâm chao đảo và bất an, đồng thời lãng phí nhiều thứ khác. Nếu biết nhìn lại và nhận ra sự vô ích này, ta trở về chăm sóc đời sống nội tâm của chính mình, nghĩa là chúng ta bắt đầu biết quét tuyết ngập trước cửa nhà mình thay vì lo sương móc rơi trên nóc nhà người. 

Chiêm nghiệm cuộc sống, công tâm khách quan quán xét mình, rút ra bài học kinh nghiệm trong từng bước đi trong đời, ta sẽ có cơ hội sống chậm, trầm lắng hơn, xét kỹ, nhìn sâu, ý thức rõ từng suy nghĩ, hành động của mình trong mối liên quan với thế giới bên ngoài thì cuộc sống có chất lượng và ý nghĩa nhiều hơn. Khi ta đau khổ, ta gieo rắc căn bệnh truyền nhiễm này đến người khác và làm cho nhiều người trong cộng đồng cùng đau khổ theo. Khi ta an vui, ta có thể gởi sóng từ trường tích cực này đến những người chung quanh mình như một món quà quý ta hào phóng dành cho nhiều người. 

Ý thức được điều này, ta nên tạo niềm vui cho mình, hiến tặng niềm vui ấy cho người chứ không nên tạo khổ đau và bắt người khác phải hứng chịu hậu quả vì tham lam, sân giận và si mê ta dốc đổ lên họ thông qua các mối quan hệ giữa ta và người. Đặt bản thân mình vào trong mối quan hệ duyên sinh với con người và vạn vật chung quanh, ta cẩn trọng hơn trong mỗi ý niệm. Đây là cách chăm sóc và nuôi dưỡng sự an tịnh của tâm hồn, đồng thời góp phần nuôi dưỡng sự bình an của cộng đồng và của môi trường ta sống.

Thực hành chánh niệm trong mọi lúc, mọi nơi

Thực hành chánh niệm tỉnh giác trong mọi lúc, mọi nơi, trong các hoạt động của con người, ở mức độ thô cũng như tế, là cách hoàn hảo nhất để thiết lập và nuôi dưỡng tâm an tịnh, vì đây là người bạn tốt đồng hành cùng chúng ta trên quá trình sống và thực hành pháp. Chánh niệm tỉnh giác là luôn dán tâm vào những gì ta đang làm, ý thức rõ ràng những gì đang diễn ra trong cơ thể ta, trong tâm trí ta và trong cuộc sống hàng ngày. Đây là sự thực hành quan trọng nhất trong đạo Phật được rèn luyện thông qua sự hành thiền. Thiền ở đây không có nghĩa là đợi đến giờ nhất định mới đi ngồi thiền và áp dụng các kỹ thuật nhất định để duy trì chánh niệm, mà thiền ở đây là thiền trong cuộc sống, là giữ chánh niệm trong mọi lúc mọi nơi.

Chúng ta thường có thói quen chia đời sống ra thành nhiều ngăn: ngăn cho công việc, ngăn cho người thân, ngăn cho bạn bè… và tất nhiên có một ngăn cho chính mình. Theo đó, đời sống vốn đã mặc định chia ngăn như vậy nên thời gian trong ngày của chúng ta cũng theo đó mà phân chia: thời gian dành cho việc học, dành cho việc làm, dành cho việc tiếp khách… Với người biết nuôi dưỡng đời sống tâm linh, họ sẽ có một khoản thời gian dành cho hành thiền. Với cách này, chánh niệm chỉ có thể có mặt trong lúc hành thiền mà thôi, ngoài thời gian này ra, nó được xếp cất vào một nơi nào đó. 

Như vậy, thời gian ưu tiên dành cho công việc thì nhiều và thời gian để cho chính mình không còn bao nhiêu và chưa chắc ai cũng có thể chánh niệm hoàn toàn trong khoảng thời gian ít ỏi dành cho bản thân mình. Một cách thông minh cho người muốn có đời sống nội tâm an tịnh và vững chãi là làm thế nào để ta vừa làm vừa chánh niệm; làm TRONG chánh niệm chứ không còn làm VÀ chánh niệm. 

Điều này có nghĩa là chúng ta chánh niệm trong tất cả các việc làm và sinh hoạt trong ngày của mình: làm trong chánh niệm, ăn trong chánh niệm, cười trong chánh niệm, đi trong chánh niệm, ngồi trong chánh niệm… để tất cả thời gian trong ngày đều là thời gian thực sự trở về với chính mình, để chúng ta sống tỉnh thức và tất cả những gì làm TRONG chánh niệm đều đem lại sự hoan hỷ, bình an và hạnh phúc cho mình và cho người.

Hành thiền, thật ra là sự rèn luyện một kỹ năng sống. Nếu như ở thiền phòng, ngồi im lặng theo dõi từng hơi thở để tập kỹ năng làm cho tâm tư tĩnh lặng, tự chủ, an lạc. Hãy phát huy kỹ năng này trong cuộc sống, chúng ta mới có khả năng ứng dụng thiền một cách linh hoạt khi làm việc mà vẫn luôn trong trạng thái tỉnh thức. Làm sao đó để hiệu ứng lúc ngồi thiền được phát huy tác dụng cả những lúc ta không ngồi thiền, cũng như cần nửa tiếng đồng hồ ăn bữa cơm là để cung cấp năng lượng nuôi toàn cơ thể trong suốt thời gian dài sau đó khi thức ăn đã chuyển hóa thành dinh dưỡng thẩm thấu vào máu để nuôi cơ thể. 

Khi chúng ta ngồi thiền một tiếng đồng hồ, sự chánh niệm tỉnh giác, an lạc mà ta có trong một giờ phải được thấm nhuần và ảnh hưởng trong suốt hai mươi ba giờ còn lại trong ngày chứ không phải chỉ trong lúc đang ngồi thiền. Chúng ta phải thực tập để không còn thấy ranh giới giữa lúc ngồi-thiền và khi không-ngồi-thiền thì sự thiền tập mới thực sự mang lại lợi ích liên tục, lâu dài và bền vững. Làm được điều này là biết nuôi dưỡng sự an tịnh của nội tâm không gián đoạn trong mọi lúc, mọi nơi.

Đức Phật, vị thầy hướng dẫn phương pháp thiền định, đã dạy các đệ tử Ngài rằng, chánh niệm cần duy trì ở mọi lúc, ban ngày, ban đêm, canh đầu, canh giữa, canh cuối (Trung bộ kinh, số 53: kinh Hữu học; số 125: Điều ngự địa), có nghĩa là xuyên suốt và liên tụcKhông những vậy, trong rất nhiều bài kinh, Đức Phật dạy cần duy trì chánh niệm trong tất cả các tư thế, hành vi, động tác của con người. 

Cụ thể, chúng ta cần thực hành “khi đi tới, khi đi lui, tôi đều tỉnh giác. Khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh, tôi đều tỉnh giác. Khi co tay, khi duỗi tay, tôi đều tỉnh giác. Khi mang y kép, y bát, tôi đều tỉnh giác. Khi ăn, uống, nhai, nuốt, tôi đều tỉnh giác. Khi đi đại tiện, tiểu tiện, tôi đều tỉnh giác. Khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng, tôi đều tỉnh giác” (Trung bộ kinh, số 27: Tiểu kinh dấu chân voi; kinh số 38: Đại kinh đoạn tận ái, kinh số 39: Đại kinh xóm ngựa, và rất nhiều bài kinh khác). Vậy đủ biết thiền trong mọi tư thế, chánh niệm trong mọi lúc, tu ở mọi nơi ta mới an trú trong trạng thái an lành thường xuyên. Một khi bản thân ta bình an, ta mới có thể đem lại bình an cho người khác.

Thay lời kết

Đạo Phật quan niệm rằng, sự bình an trên thế giới bắt nguồn từ sự bình an trong tâm của mỗi cá nhân chứ không phải từ một tổ chức, một chính quyền nào có thể làm được việc này. Sự thay đổi căn bản nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất phải khởi đầu từ mỗi cá nhân, từ nội tâm của mỗi một con người. 

Trên cơ sở này, nếu một người biết tự chế tác an lạc cho bản thân, người ấy có khả năng hiến tặng sự bình an cho những người chung sống. Như giọt sương mai, muốn thấm đẫm chiếc lá cỏ thì bản thân nó phải đượm nhuần với nước. Trong một xã hội ai cũng biết cách tự thân vận động để tạo bình an cho bản thân mình, đồng thời hiệu ứng tích cực từ sự bình an này lan tỏa trong cộng đồng mình đang sống và dần lan rộng ra toàn xã hội,thì cả xã hội được bình an. 

Thả một hòn sỏi xuống đại dương, từng gợn sóng nước lan rộng dần ra, làm rung động cả một đại dương mênh mông. “Thả” một lời nói lành, một hành động thiện, một ý nghĩ tích cực vào xã hội, sóng lành lan tỏa trong môi trường sống, tác động tích cực đến nhiều người. Nguyên tắc tưởng chừng đơn giản này không phải ai cũng hiểu được để nhận lấy trách nhiệm bản thân trong việc kiến tạo hòa bình trên nhân gian, vì tâm lý chung của con người là mong chờ mọi thứ, kể cả bình an của bản thân, cũng mong từ bên ngoài rót vào người mình. Những ai ý thức được trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng thì lời Phật dạy là những hướng dẫn hữu ích cho nếp sống bình an ở mức độ căn bản nhất: mức độ cá nhân, rồi mới dần đến phạm vi lớn hơn, cho đến cả cộng đồng, xã hội ta đang sống. 

Do vậy, để góp phần tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn, mỗi người chúng ta cần tự tạo cuộc sống bình an cho chính mình. Trong rất nhiều các bài nói chuyện cộng đồng, ngài Dalai Lama nhấn mạnh rằng, sự an bình trong nội tâm sẽ đưa đến nền hòa bình thế giới. Vì hạnh phúc của nhiều người, vì sự hòa bình của thế giới ta sống, hãy thiết lập một thế giới hòa bình, an tịnh bắt đầu từ trong tâm mình. 

Hằng Như

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin