Chi tiết tin tức Tình thương của người học Phật 20:40:00 - 24/10/2015
(PGNĐ) - 1. Là Phật tử, ai cũng gọi Bồ-tát Quán Thế Âm là “mẹ Quan Âm”, nghĩa là nhận mình là con của Ngài. Tuy nhiên, là con mà mình có học và hành để giống mẹ mình không?
Giống mẹ thì mới nhận là mẹ được. Giống gì? Giống từ tâm, bi tâm, giống hạnh lắng nghe sâu sắc, đem niềm an vui trao cho người khác, loài khác...
Trong cuộc sống, nhiều lúc ta thật vô tâm, vô cảm, thật ích kỷ... Đó là những biểu hiện không giống mẹ Quan Âm. Nếu nghe được vậy, thấy được vậy và sửa đổi một cách sâu sắc trong ý niệm, lời nói, việc làm hàng ngày thì ta đang làm cho mình giống Bồ-tát hơn, dần xứng đáng là con và không ngượng ngùng khi gọi “mẹ Quan Âm” - cũng như không thấy xấu hổ khi ai đó hỏi, mình có giống mẹ mình không? 2. Thương và kính một người là sợi dây vô hình có thể níu giữ tâm hồn mình lại, để mình không buông thả, mà sẽ buông bỏ những tập khí không tốt, cố gắng hoàn thiện bản thân. Không cần phải nói thương ai nhiều cả, chỉ cần làm như họ mong (niềm mong đúng, tốt, đẹp) và làm cho họ thấy an lòng là mình đã biểu hiện tình thương một cách tích cực. Thương mẹ Quan Âm thì ta cũng sẽ biết sống theo hạnh của Ngài, để trở thành “sứ giả” của Đức Quan Âm, để người ta nhìn vào thấy mình giống Quan Âm: bình an, nhẹ nhàng... 3. Trong tình yêu cũng vậy. Bạn thương một người thì bạn phải biểu hiện tình thương ấy đúng đắn. Biết cái sai của họ mà ngăn, không ủng hộ việc bậy của người mình thương cũng là một cách. Bạn là fan của ai đó mà họ làm sai, mình đừng dại dột cổ vũ, đó là “cổ vũ cho nó chết”; là bạn của ai đó, biết họ chưa hay thì bạn đừng khen vì như vậy là hại bạn, là “khen cho nó chết”. Thực ra, nếu không đủ trí và bi trong những ứng xử đại loại như vậy, thì khi đó “lòng bạn cũng chết” theo, sẽ cứ lầm lũi theo hướng tối hoài. Tình thương thực thụ phải làm cho nhau tốt lên, làm cho nhau an vui, hạnh phúc, tôi luôn nghĩ như vậy. Và, nhân đây, tôi gửi lại bạn tặng phẩm mà tôi nhặt được cách đây vài bữa trên Zalo, đó là một châm ngôn sống của ai đó, thiệt hay rằng: “Cho tình yêu không bao giờ đồng nghĩa với việc bạn sẽ nhận lại được tình yêu. Đừng mong đợi tình yêu được đáp trả, hãy chờ đợi tình yêu đó lớn dần trong trái tim họ; và nếu điều đó không xảy ra thì cũng hãy vui vì có một tình yêu trong trái tim bạn”. An Lạc
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |