Chi tiết tin tức

Tìm hiểu thuật ngữ “Phương tiện” qua lăng kính Phật giáo Đại thừa

19:13:00 - 09/02/2023
(PGNĐ) -  Trong cả Phật giáo Nguyên thủy lẫn Phật giáo Đại thừa đều có tư tưởng về Bồ tát. Các ngài xả thân vì hạnh nguyện mang lại lợi lạc cho chúng sanh, gieo duyên cứu nhân độ thế. Người con Phật tu tập dù theo pháp môn nào, hệ phái nào cũng cùng một đích đến là giải thoát khỏi khổ đau, luân hồi. Qua quá trình phân tích về phương tiện trong Phật giáo Đại thừa, bài viết cho thấy tư tưởng về Bồ tát có cội nguồn uyên nguyên trong lời dạy của Đức Thế Tôn và đã được tiếp biến, phát triển phù hợp với căn cơ của con người và thời đại.

DẪN NHẬP

Thông điệp “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” là phương châm hoằng pháp của tu sĩ Phật giáo ngày nay. Trên bước đường học đạo, tu đạo, đạt đạo, đem đạo cứu đời, tất cả đều có sự đồng hành của phương tiện. Về bản chất, phương tiện không phải cứu cánh, không phải mục đích cuối cùng để người hành đạo hướng tới. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận được lợi ích to lớn, thiết thực của phương tiện đem lại, nhưng cũng không nên vì thế mà đắm trước vào phương tiện. Ý nghĩa của phương tiện trong Phật giáo quả thật rất vi diệu, thâm sâu, nhất là khi nhìn từ góc nhìn Phật giáo Bắc truyền (Đại thừa).

ĐỊNH NGHĨA VỀ PHƯƠNG TIỆN

Phương tiện tiếng Phạn, Pali: Upaya, cũng gọi là Thiện quyền, Biến mưu. Là phương pháp khéo léo để tiến triển hướng thượng… Phương tiện ba la mật cũng gọi phương tiện thiện xảo ba la mật, phương tiện thắng trí ba la mật… Phương tiện hóa độ: Tịnh độ do Đức Phật A Di Đà phương tiện thị hiện để tiếp dẫn các hành giả tự lực tu các thiện hạnh và niệm Phật cầu vãng sanh. Vì tịnh độ này không phải Báo độ chân thật, nên gọi là phương tiện; còn Giáo chủ của Tịnh độ này là hóa thân Phật chứ không phải Báo thân chân thật của Phật an trụ cho nên gọi là hóa độ… Phương tiện nhị chủng tướng: Hai thứ phương tiện khéo léo mà Bồ Tát thị hiện để cứu độ chúng sanh. (1) Thế gian phương tiện: Các phương tiện mà Bồ Tát vì tự lợi, lợi tha thị hiện ra; nhưng còn có chổ sở đắc sở chấp; (2) Xuất thế gian phương tiện: Những phương tiện thiện xảo mà các Bồ Tát chỉ vì lợi tha không vì tự lợi thị hiện ra; cũng không còn chổ sở đắc sở chấp [1].

Phương là phương pháp, tiện là tiện dụng. Phương pháp tiện dụng, thích hợp với căn cơ của chúng sanh để giáo hóa, hướng dẫn, làm lợi ích cho chúng sanh. Phương tiện trí: Trí tuệ sử dụng các phương tiện thiện xảo khéo léo trong việc giáo hóa cứu độ chúng sanh. Khả năng sáng tạo nhưng phương tiện thích ứng cho mọi trường hợp và mọi căn trí [2]. Phương tiện còn gọi là Thiện quyền, Biến mưu, Âu hòa, Phương tiện thiện xảo, Phương tiện thánh trí. Là một trong những nội dung chủ yếu cấu thành Bát nhã. Chỉ Bồ tát Đại thừa không thể giống với Bồ tát Tiểu thừa chỉ là cá nhân chứng nhập Niết bàn, mà cần phải áp dụng các phương pháp, phương tiện linh hoạt để làm lợi ích cho người khác, cứu độ hết thảy chúng sanh [3].

Ngoài những định nghĩa trên, phương tiện còn có nhiều loại, nhiều hình thức biến hóa khôn lường như phương tiện Bát nhã, phương tiện hiện Niết bàn, phương tiện tùy duyên hỷ… Ở đây, người viết chỉ trình bày những hình thức phương tiện phổ biến theo các định nghĩa ở trên.

NGUỒN GỐC CỦA PHƯƠNG TIỆN TRONG PHẬT GIÁO

Khi nhắc đến phương tiện, chúng ta thường nghĩ ngay đến Phật giáo Đại thừa, bởi lẽ hạnh nguyện của Bồ tát trong Đại thừa là tùy duyên sử dụng phương tiện để hóa độ chúng sanh đi trên con đường chân lý của Phật Đà. Nếu nói tinh thần của Bồ tát Đại thừa là tự độ, độ tha thì Phật giáo Nguyên thủy, xa hơn nữa vào thời Đức Phật tại thế đã xuất hiện tinh thần Bồ tát đạo. Đức Phật khẳng định sự kiện Ngài đản sanh cho đến mọi nhân duyên tốt xấu trong cuộc đời Ngài đều là phương tiện. Như khi Bồ tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ tát giữ giới một cách hồn nhiên, không sát sanh, không trộm cắp… Bồ tát nhập mẫu thai, khiến mẹ không khởi dục tâm ái nhiễm đối với một nam nhân nào… Mẹ Bồ tát hưởng được năm món dục lạc, không bị một bệnh tật gì… Sau khi sanh Bồ tát bảy ngày, mẹ bà mệnh chung và sanh lên cảnh trời Ðâu suất… Vị Bồ tát khi sanh ra, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che trên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương, lớn tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau: “Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là bậc cao nhất ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa” [4].

Trong Kinh Đại Bảo Tích lại một lần nữa trình bày về phương tiện trong cuộc đời của Đức Phật, đến cuối cùng Ngài dạy: “Nay Đức Như Lai nói phương tiện rồi thị hiện phương tiện rồi, các phương tiện này phải giữ chặt cất kín, chẳng nên nói với hạng người hạ liệt, thiện căn kém mỏng. Tại sao? Vì kinh này chẳng phải là chỗ hành của Thanh Văn, Bích Chi Phật, huống là phàm phu hạ liệt mà có thể tin hiểu được…Chỉ có Bồ tát là hay thuyết hay học kinh phương tiện này” [5]. 

Ngoài ra, trong Jataka cũng trình bày phương tiện qua tiền thân của Đức Phật như: vì cứu con cọp khỏi chết đói khi rơi xuống hố, Bồ tát liền nhảy xuống cho cọp ăn. Tuy chỉ giúp nó sống thêm được vài ngày nhưng Bồ Tát vẫn làm, nhằm gửi một tín hiệu, tạo cho nó một duyên để kiếp tương lai nào đó nhờ duyên này gặp được Phật pháp và chỉ khi nào nó gặp được ánh sáng của Phật pháp, mới thoát khỏi kiếp cầm thú. Các vị Bồ tát có khi hy sinh thân mạng để tạo một duyên dù rất nhỏ nhưng đến tương lai sẽ có gặp lại để hóa độ, đó chính là phương tiện lợi tha của Bồ tát thời kỳ này. Đây được xem như nền tảng cơ bản hình thành nên phương tiện nhập thế độ đời của Bồ tát hạnh trong Phật giáo Đại thừa.

Có thể nói, Phật giáo Đại thừa không nằm ngoài giáo lý Phật giáo Nguyên thủy, nếu có chăng chỉ khác nhau về hình thức và ngôn ngữ truyền đạt. Tất cả đều dựa trên giáo lý của Đức Phật để hành trì. Các nhà truyền giáo ở mỗi giai đoạn đều có tư tưởng và cách hành đạo riêng, phù hợp với căn cơ con người và xã hội nơi đó. “Đại thừa với Tiểu thừa đều phải trải qua quá trình ‘gieo trồng hạt giống’ đi dến ‘thành tựu’, cuối cùng đạt được ‘giải thoát’. Do đó, giáo hóa pháp xuất thế không chỉ khiến người khác ở hiện tại đạt được giải thoát tự tại mới là lợi tha. Khiến người khác ‘gieo trồng hạt giống’ đi đến ‘thành tựu’ điều này không phải là lợi tha hay sao” [6]. Người hoằng pháp khéo léo sẽ tùy duyên biến hóa cho phù hợp với thời đại, căn cơ chúng sanh. Ở bất kỳ thời đại nào, các vị đều đã thực hiện đúng với lời dạy của Đức Phật: “Hãy đi, này các Tỳ kheo, hãy đi cùng khắp vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc vì lợi ích, vì an lạc cho chư thiên và loài người” [7].

Như vậy, có thể nhận xét: “Bồ tát Đại thừa dựa trên nền tảng Phật giáo Tiểu thừa hình thành và phát triển, khi Phật giáo Đại thừa xuất hiện, Phật giáo Tiểu thừa cũng không vì vậy mà tiêu diệt, cả hai cùng tồn tại” [8]. Trong Jataka, lý tưởng Bồ tát đa hạnh xả thân để tạo duyên cho chúng sanh đến với Phật pháp dù rất nhỏ vẫn làm v.v… đó là minh chứng cho tinh thần độ tha của Phật giáo Nguyên thủy, thế nên “Bồ tát đạo không phải là lý tưởng riêng của Đại thừa” [9]. 

PHƯƠNG TIỆN QUA SỰ HÀNH HOÁ CỦA CHƯ PHẬT VÀ BỒ TÁT

Trong kinh tạng Nikaya đã đề cập rất rõ phương tiện hành hóa độ sanh của chư Phật và chúng đệ tử. Nếu Bồ tát của Phật giáo Đại thừa là những vị đã giác ngộ thì Bồ tát trong Nguyên thủy là những vị đang trên đường tu tập giải thoát, giác ngộ, “trước khi giác ngộ, thành bậc Chánh Ðẳng Giác, khi còn là vị Bồ tát” [10]. Với một hình thức này hay hình tướng khác, Bồ tát xuất hiện như một con người bình thường hoặc các loài động vật lớn nhỏ, đều vì lợi ích chúng sanh, tùy nghi sử dụng phương tiện thích hợp. Và một số hình thức phương tiện độ sanh của Đức Phật khi còn tu hạnh Bồ tát trong các kiếp quá khứ như: Thuở xưa, tiền thân của Bồ tát là con khỉ chúa, sống với gần tám ngàn con khỉ khác bên một cái hồ, dưới hồ có một con quỷ chuyên ăn thịt những ai đến gần hồ ấy. Vì lo đàn khỉ chết khát, Bồ tát dùng những cọng lau nối lại với nhau, do nguyện lực rộng lớn của Bồ tát, các cọng lau đều không có mắt, trống rỗng trong suốt kiếp này. Nhờ đó, bầy khỉ được uống nước và không còn sợ hãi con quỷ tại hồ ấy nữa [11].

Ở một tiền kiếp khác, Bồ tát sanh làm con chim cun cút đầu đàn, vây quanh bởi hàng ngàn con chim cun cút khác, có người thợ săn luôn tìm cách bắt chúng để bán. Chim cút đầu đàn nghĩ cách cứu đồng loại, liền bày kế: khi bị mắc lưới phải nhấc bổng lưới lên và thả xuống trên một bụi gai, rồi trốn thoát theo ngã dưới. Nhờ đó bầy chim được cứu thoát [12].

Trong cuộc đời hoằng hóa lợi sanh, Đức Phật đều dùng các phương tiện thiện xảo, hóa hiện muôn hình vạn trạng để tùy nghi giáo hóa và các chúng đệ tử của Ngài cũng đang tiếp nối con đường ấy theo nhiều phương tiện khác nhau. Ngài Đại Ca Diếp vì lòng thương tưởng đến người nghèo khổ, thiếu phước nên phát nguyện chỉ đi khất thực nơi xóm nghèo nhằm gieo duyên lành đến với họ, dù rất nhỏ. 

“Từ trú xứ bước xuống,

Ta vào thành khất thực,

Ta cẩn thận đến gần,

Một người cùi đang ăn.

Với bàn tay lỡ loét, 

Nó bỏ vào một muỗng, 

Khi bỏ vào muỗng ấy, 

Ngón tay rời rơi vào.

Dựa vào bức tường thành,

Ta thọ miếng ăn ấy,

Khi ăn và ăn xong,

Tâm không cảm ghê tởm” [13]. 

Hình ảnh một tỳ kheo già khoác trên mình tấm y sờn cũ kỹ, ôm bát khất thực đến những thôn nghèo, xóm nhỏ tạo cảm giác gần gũi, thân thương. Phải có lòng đại bi rộng lớn, đủ định lực như ngài Đạ Ca Diếp mới có thể thực hành được, người xuất gia bình thường khó có thể làm được. Hay Angulimala vì thương xót người phụ nữa sắp sinh, đang đối mặt với sanh tử, vì người phụ nữ đó ông nói rằng: “Này Bà chị, vì rằng tôi từ khi được Thánh sanh đến nay chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sanh, mong rằng với sự thật ấy, bà được an toàn và sanh đẻ được an toàn!” [14]. Nhờ công đức ấy, người phụ nữ sanh con an toàn. Bằng mọi phương pháp có thể đem đến an lạc, hạnh phúc cho chúng sanh, Bồ tát đều thực hiện không từ nan. 

Chúng ta cũng không thể bỏ qua phương tiện trong Đại thừa, nổi bậc nhất hơn hết là các lời dạy trong Kinh Pháp Hoa. Tuy Kinh Pháp Hoa được kết tập muộn, nhưng được gọi là viên giáo, nghĩa là giáo lý tròn đầy.

Chúng ta cũng không thể bỏ qua phương tiện trong Đại thừa, nổi bậc nhất hơn hết là các lời dạy trong Kinh Pháp Hoa. Tuy Kinh Pháp Hoa được kết tập muộn, nhưng được gọi là viên giáo, nghĩa là giáo lý tròn đầy. Nội dung kinh đề cập đến không ít phương tiện thiện xảo của Bồ tát, phẩm “Dược Thảo Dụ” diễn tả trận mưa xuống, tùy theo mỗi giống cây lớn nhỏ mà hấp thụ nước khác nhau. Trận mưa ví như pháp của Đức Phật, ai thực hành theo pháp đều có lợi ích, dù bất cứ ở đâu, thực hành lớn được lợi ích lớn, nhỏ được nhỏ. Nghĩa là lời dạy của Đức Phật tùy theo căn cơ, chủng tánh của chúng sanh để hóa độ. Trước đây, phương tiện này đã được Ngài sử dụng trong Kinh Giáo giới La hầu la và Đại Kinh Giáo giới La hầu la. Khi dạy một đứa trẻ chưa hiểu chuyện Ngài khuyên không nên nói láo với mọi hình thức. Qua một thời gian nhất định Ngài dạy Tôn giả Rahula thực tập hơi thở, quán năm giới: đất, nước, gió, lửa và hư không là vô ngã. Cũng là giáo giới La hầu la, nhưng ở mỗi giai đoạn nhận thức, Đức Phật chỉ dạy phương thức tu tập, hành trì khác nhau.

Hay trong “Phẩm Thí Dụ” kể câu chuyện ông trưởng giả vì muốn cứu các con thơ dại ra khỏi nhà lửa đang bốc cháy, dùng phương tiện hứa cho ba thứ xe (xe hươu, xe trâu, xe dê) nhưng cuối cùng chỉ cho 1 xe trâu trắng lớn. Ba thứ xe là phương tiện dẫn dụ thoát khỏi nguy hiểm, bảo toàn sinh mạng cho chúng. Cũng như Đức Phật vì căn cơ của chúng sanh chỉ ra Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa, nhưng đó chỉ là phương tiện để đưa đến Phật thừa. Do đó, “hai thừa đầu tiên chỉ là hai thừa phương tiện, mà mục đích chưa phải là cứu cánh đích thực tối thượng” [15] chỉ Phật thừa có đầy đủ công năng chuyên chở tất cả chúng sanh, hướng đến cứu cánh, giải thoát. Trí tuệ được ví như viên châu trong búi tóc, trong chéo áo cũng phải bỏ đi, thế mới thấy phạm vi bao trùm của phương tiện quá lớn, suy cho cùng toàn bộ giáo pháp đều gói trong câu nói của Đức Phật: “Này các thầy tỳ kheo, chánh pháp còn bỏ đi huống nữa là phi pháp” [16], không nên cố chấp vào điều gì vì tất cả chỉ là phương tiện hướng đến mục đích tối hậu an lạc, giải thoát. 

BÀI HỌC QUÝ GIÁ

Tư tưởng Đại thừa trong Phật giáo nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, Bồ tát muốn độ sanh không thể ra ngoài phương, phương tiện chính là cầu nối thiết yếu đưa Bồ tát đến gần với chúng sanh. Giống như các vị Bồ tát đến đi mọi ngõ ngách để độ sanh, như sen trong bùn không tanh mùi bùn. Đơn cử như Duy Ma Cật xem nơi đâu cũng là đạo tràng “vô phi thanh tịnh đạo tràng”, Bồ tát vào đó không bị mê hoặc bởi những cấu bẩn của thế gian, vào đó để tùy duyên hóa độ những người đang mê muội, đắm chìm trong sanh tử. Đối với vị tỳ kheo đệ tử Phật khi tu hạnh Bồ tát phải biết tùy phương tiện hành đạo, không phải đâu cũng đến đi được. Bởi lẽ, vị tỳ kheo xem trọng giới tướng, thầy tỳ kheo mặc dù chưa chứng thánh quả nhưng hình thức đồng với Đức Phật. Tỳ kheo là người thay Đức Thế Tôn hoằng pháp sau khi Ngài nhập diệt, lúc nào cũng phải trang nghiêm, đĩnh đạc mới xứng đáng là người con Phật. Bồ Tát khi độ sanh nếu xuất hiện theo hình tướng cư sĩ vẫn đứng sau các thầy tỳ kheo và không được dự vào hàng Tam bảo. Tuy nhiên, Bồ tát khi độ sanh không nhất thiết phải có thần thông hay thân tướng trang nghiêm như thầy tỳ kheo, với bất cứ hình tướng, sắc thân nào, Bồ tát cũng có thể thực hành hạnh nguyện lợi sanh. Thế nên, chúng ta cần phải tinh tấn, nỗ lực tu hành, tịnh hóa thân tâm, để làm tròn xứ mệnh thiêng liêng của người đệ tử Phật: 

“Hãy học các dòng nước,

Từ khe núi vực sâu.

Nước khe núi chảy ồn,

Biển lớn động im lặng”. [17]

KẾT LUẬN

Từ khi Đức Phật còn tại thế cho đến thời đại ngày nay, người thực hành phương tiện ngoài việc tự lợi còn đem lại lợi lạc, hạnh phúc cho nhân loại. Bồ tát vì lợi ích chúng sanh không tiếc thân mạng, tài vật, sẵn sàng hy sinh bản thân, trong cõi Diêm phù đề không có nơi nào dù nhỏ bằng hạt cải mà không có sự hy sinh máu thịt, xương tủy của Bồ tát. Bồ tát dễ dàng lưu chuyển trong sanh tử vì các Ngài điều phục được phiền não, dùng Tứ nhiếp pháp để nhiếp hóa chúng sanh, không lìa thế gian vẫn thành tựu được đạo quả, đó là việc khó trong các việc khó. Chúng ta cần thấy rõ bản thân đang ở đâu, không thể ví ta và Bồ tát đồng như nhau, chỉ làm những việc trong khả năng, không nên cố chấp để tam độc tham-sân-si trỗi dậy lúc nào không hay biết. Hàng hữu học như chúng ta đang từng bước sửa đổi phàm tính, hoàn thiện nhân cách của bậc thánh, tập tành đi trên con đường Đức Phật chỉ bày, cần phải chánh niệm, tỉnh giác, phòng ngừa ma tánh sanh khởi. Có như vậy mới xứng đáng là người con của Phật.

 

SC. Thích Nữ Thuần Giới/TCVHPG405

Chú thích:

[1] Thích Quảng Độ (dịch, 2014), Phật Quang đại từ điển 4, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, tr 4404-4407.

[2] Tâm Tuệ Hỷ (2010), Danh từ Phật học thực dụng, Nxb. Tôn giáo, tr.368-369.

[3] Lao Tử – Thịnh Lê (chủ biên, 2001), Từ điển Nho Phật đạo, Nxb. Văn học, tr 305.

[4] Thích Minh Châu (2013), Trường Bộ Kinh, kinh Đại bổn, Nxb. Tôn giáo, tr.235.

[5] Thích Trí Tịnh (dịch, 1988), Kinh Đại Bửu Tích tập 7, Trung ương GHPGVN xuất bản, tr.477-478.

[6] Ấn Thuận, Quán Như-Ý Thiện (dịch, 2018), Ba điều căn bản cho việc học Phật, Nxb. Hồng Đức, tr.169.

[7] Thích Minh Châu (dịch, 2013), Trường Bộ Kinh, Kinh Đại bổn, Nxb. Tôn giáo, tr.259.

[8] Vu Lăng Ba, Thích Hạnh Bình và Phương Anh (dịch, 2019), Đức Phật Thích Ca trong Phật giáo Nguyên thủy, Nxb. Hồng Đức, tr.502.

[9] Damien Keown, Thái An (dịch, 2020), Dân luận về Phật giáo, Nxb. Hồng Đức, tr.102.

[10] Thích Minh Châu (dịch, 2012), Trung Bộ Kinh, Kinh Bồ Đề vương tử, NXB Tôn giáo, tr.121.

[11] Thích Minh Châu (dịch, 2015), Tiểu Bộ III, phẩm Giới, Chuyện hồ Nalakapàna (Tiền thân Nalakapàna), Nxb. Tôn giáo, tr.99-101.

[12] Thích Minh Châu (dịch, 2015), Tiểu Bộ III, phẩm Kulāvaka, Chuyện sống hòa hợp (Tiền thân Sammodamàna), Nxb. Tôn giáo, tr.145-147

[13] Thích Minh Châu (dịch, 2001), Trưởng lão Tăng kệ, chương XVIII, phẩm 40 kệ, Nxb. Tôn giáo, tr.469.

[14] Thích Minh Châu (dịch, 2012), Trung Bộ Kinh, Kinh Angulimāla, Nxb. Tôn giáo, tr.130.

[15] Lê Mạnh Thát-Tuệ Sỹ (chủ biên Việt dịch, 2020), Dẫn vào tuệ giác Phật, Nxb. Hồng Đức, tr.271.

[16] Thích Minh Châu (dịch, 2012), Trung Bộ Kinh, Kinh Ví dụ con rắn, Nxb. Tôn giáo, tr.179.

[17] Thích Minh Châu (2015), Tiểu Bộ I, chương 3, Đại phẩm, (XI) kinh Nālaka, Nxb. Tôn giáo, tr.472.

 

Tài liệu tham khảo:

1. HT Thích Minh Châu (dịch, 2013), Trường Bộ Kinh, Nxb. Tôn giáo.

2. HT Thích Minh Châu (dịch, 2012), Trung Bộ Kinh, Nxb. Tôn giáo.

3. HT Thích Minh Châu (dịch, 2015), Tiểu Bộ III, Nxb. Tôn giáo.

4. HT Thích Minh Châu (dịch, 2001), Trưỡng lão Tăng kệ, Nxb. Tôn giáo. 

5. HT Thích Minh Châu (dịch, 2015), Đại thừa và sự liên hệ với tiểu thừa, Nxb. Tôn giáo.

6. TK. Thích Trí Tịnh (dịch, 1988), Kinh Đại Bửu Tích tập 7, Trung ương GHPGVN xuất bản.

7. HT Ấn Thuận, Thích Quán Như – Thích Nữ Ý Thiện (dịch, 2018), Ba điều căn bản cho việc học Phật, Nxb. Hồng Đức.

8. Lê Mạnh Thát – Tuệ Sỹ (chủ biên Việt dịch, 2020), Dẫn vào tuệ giác Phật, Nxb. Hồng Đức.

9. Damien Keown, Thái An (dịch, 2020), Dân luận về Phật giáo, Nxb. Hồng Đức.

10. Lao Tử-Thịnh Lê (chủ biên, 2001), Từ điển Nho Phật đạo, Nxb. Văn học.

11. Thích Quảng Độ (dịch, 2014), Phật Quang đại từ điển 4, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản.

12. Tâm Tuệ Hỷ (2010), Danh từ Phật học thực dụng, Nxb. Tôn giáo.

13. Vu Lăng Ba, Thích Hạnh Bình và Phương Anh (dịch, 2019), Đức Phật Thích Ca trong Phật giáo Nguyên thủy, Nxb. Hồng Đức.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin