Chi tiết tin tức

Tại sao Phật giáo bị bứng gốc khỏi Ấn Độ

21:07:00 - 28/01/2023
(PGNĐ) -  Xưa kia, đạo Bà-La-Môn đã đánh phá Phật giáo một cách tàn khốc, thâm độc, có hệ thống và toàn diện cho đến nỗi Phật giáo đã bị bứng gốc khỏi Ấn Độ, là nơi nó đã được sinh trưởng và phát triển một cách cao độ.

Xưa kia, đạo Bà-La-Môn đã đánh phá Phật giáo một cách tàn khốc, thâm độc, có hệ thống và toàn diện cho đến nỗi PG đã bị bứng gốc khỏi Ấn Độ, là nơi nó đã được sinh trưởng và phát triển một cách cao độ. Đây là 1 bài học mà người phật tử phải nghiên cứu, chiêm nghiệm, rút tỉa nếu muốn bảo vệ PG và truyền bá PG một cách sâu rộng, lâu dài, để đem lại lợi ích và an vui hạnh phúc cho nhân loại.

Tại sao Bà-La-môn đã thù hận PG đến thế ?

1. Giáo lý của Đức Phật đã phủ nhận vai trò sáng tạo vũ trụ của Trời Phạm Thiên (Brahma là 1 trong 3 ngôi Tam Bảo của Bà La Môn, ngoài Vishnu và Shiva). Đối với PG, trời Brahma cũng chỉ là 1 chúng sinh trong Tam giới, vẫn phải chịu chi phối của Luật Luân Hồi. Phạm thiên do hưỡn phước báo của thiền định nên được sanh vào cõi trời, muốn gì có nấy, sống lâu hơn nhiều loại trời khác, thỉnh thoảng thị hiện ở cõi người, thị oai nên loài người khiếp sợ cho là Đấng sáng thế. Nhưng từ khi gặp Đức Phật và chư vị thánh tăng, Phạm thiên đã hiểu rõ thân phận mình hơn, hết tự xưng là “Tối thượng, Toàn năng, Toàn trí, Chủ Tể, Thượng đế, Sáng thế, Sáng Tạo chủ, Đấng Hoàn Toàn, Đấng Bảo vệ, Kiểm soát, Cha đẻ của các chúng sinh đã sinh ra và sẽ sinh ra”. Chính Phạm thiên là vị đã thỉnh cầu Đức Phật hãy thuyết pháp cho loài người và Chư thiên, sau khi Ngài thành đạt đạo quả Chánh Đẳng Giác.

2. Đức Phật đã phủ nhận ý niệm về một linh hồn (Atman) bất biến, trường cửu, tồn tại trong mỗi con người sau khi chết. Cũng như ý niệm về một bản thể tuyệt đối Brahman : “cái do đó mọi vật sinh ra, cái nhờ đó mọi vật sống được và cái ở đó mọi vật trở về sau khi đã tiêu tan”. Giải thoát đối với đạo Bà La Môn là làm sao đưa Tiểu Ngã Atman hoà nhập với Đại Ngã tuyệt đối Brahman thông qua các quá trình tu tập thiền định và thực nghiệm tâm linh. Đối với PG, Tiểu Ngã hay Đại Ngã là những danh từ tục đế do con người tưởng tượng đặt ra, nó không diễn tả 1 thực tại chân đế nào cả ; tin vào đó con người rơi vào tà kiến “Thường chấp”.

3. Nhưng điều mà Bà La Môn Giáo thù ghét PG nhứt là Đức Phật đã lên án hệ thống phân biệt giai cấp một cách bất công và nhấn mạnh vào sự bình đẳng của con người. Xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ đặt nền tảng trên sự phân chia 4 giai cấp :

  • Giai cấp Bà La Môn được xếp hàng đầu, được coi là sinh ra từ miệng của Brahma, gồm có các giáo sĩ, thầy tế lễ, gìn giữ các đền chùa, cố vấn cho vua chúa.
  • Giai cấp tiếp theo là Sát Đế Lợi, được coi là sinh ra từ cánh tay của Brahma, gồm có vua chúa, quí tộc, tướng lãnh.
  • Giai cấp Phệ Xá, sinh ra từ đùi của Brahma là các thương gia…
  • Giai cấp Thủ-Đà-La, được coi là sinh ra từ bàn chân của Brahma, thấp nhất và bị ngược đãi nhiều nhất gồm nông dân, công nhân...

Đức-Phật vạch trần luận điệu của Bà-La-Môn một cách mĩa mai : mọi người, mọi giai cấp đều sanh ra từ cửa mình người đàn bà, và cho rằng giá trị của con người đặt nền tảng trên hành động, khả năng nội tại (tâm thức), sự cố gắng không ngừng của mỗi người để vươn lên ; nó không do nguồn gốc nòi giống hay sự giúp đỡ của tha nhân hay thần linh nào cả.

Hai giai cấp Bà-La-Môn và Sát đế Lợi cấu kết với nhau để bảo vệ hệ thống giai cấp và gìn giữ những ưu quyền đặt lợi của họ :

  • Họ triệt tiêu chữ Pāli trên đất Ấn, đốt bỏ kinh điển Pāli và thay thế bằng kinh điển Sanscrit, nói là những dịch bản từ Pāli, nhưng nguyên bản không còn tìm thấy. “Dù tiếng Pāli có bị tiêu diệt, dù Ấn Độ có bị tiêu diệt, nhưng giai cấp Bà La môn phải nắm quyền lãnh đạo”. (trích lời của Har Dayal)
  • Họ dùng những ngôn ngữ tồi tàn nhất và những mánh khóe bỉ ổi nhất để nhục mạ và hạ thấp PG dưới mắt quần chúng.
  • Họ đưa vào kinh điển và giáo điều Bà La Môn những điều ngăn cấm và hạ nhục PG :

- Nếu người nào chạm phải 1 tín đồ PG thì phải đi tắm để tẩy uế (luật Manu), người phật tử lở dẫm trên bóng người Bà La Môn sẽ bị phạt tội.

- Bước vào chùa PG là một tội lỗi, cần phải tắm để thanh trừ tội lỗi.

- Những tín đồ PG, nếu được thọ hưởng một bữa ăn cúng tế cho thần linh và tổ tiên, phải chịu một hình phạt : là 1 trăm Panas, giống như người Thủ Đà La.

  • Trong thánh thư Puranas, họ coi Đức Phật như là hóa thân của thần Visnu, nhưng với sự khinh miệt.
  • Trong thánh thư Visnu, họ gán cho Đức Phật tên “người dụ dỗ vĩ đại”, coi Ngài là một Maha Moha, người hiện ra trong thế gian để lọc lừa ma quỷ. Họ còn hăm dọa những người nói chuyện với các nhà sư PG sẽ bị đọa vào địa ngục.
  • Những người trí thức Bà La Môn đã dùng cả văn chương, nghệ thuật và ca kịch để triệt hạ Phật Giáo.
  • Chưa kể tới những hành hạ ngược đãi về vật chất và con người : lịch sử đã ghi lại tên tuổi rất nhiều vị vua thuộc đạo Bà La Môn đã phá hủy các tu viện, đền chùa, chặt cây bồ đề, giết hại tăng ni, nấu chảy tượng Phật để đúc hình thần thánh BLM, hành hạ phật tử bằng cách tịch thu đất đai tài sản của họ để ban phát cho người BLM. Người phật tử bị đối xử còn thua giai cấp Thủ Đà La và trở thành hạng người “không được đụng tới”.

Phật Giáo đã trở nên suy yếu cùng cực, kịp đến khi Hồi Giáo xâm chiếm Ấn Độ thì PG được ban cho 1 phát súng ân huệ cuối cùng.

Đến thế kỷ thứ 12, Hồi Giáo thôn tính cả Ấn độ, họ đã đốt phá chùa chiền và các trung tâm văn hoá học thuật thời ấy. Năm 1157, bộ tộc Hồi Giáo khác, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ do tướng Mohammad Bin Bakhtyan chỉ huy, đã giết trên 8.000 tu sĩ và 1.500 giáo sư lỗi lạc tại trường đại học Nalanda (gần thành phố Patna, thuộc bang Bihar ngày nay). Đốt cháy thư viện lớn nhất thế giới thời bấy giờ trong cả tháng trời. Đến năm 1235, Nalanda bị đánh giết một cách tàn khốc một lần nữa. Chỉ còn lại hơn 70 vị tăng sống sót phải trốn chạy sang Népal, Tây-Tạng và Miến-Điện.

            Bây giờ chúng ta xảy xét qua về phương diện tư tưởng, các thầy Bà-La-Môn đánh phá Phật giáo như thế nào?

            Ngài Vô Trước (Asanga), một luận sư lớn của Phật giáo Đại Thừa Ấn Độ, sinh vào thế kỷ thứ IV SCN tại Cachemire trong một gia đình mẹ theo đạo Bà La Môn, cha thuộc giai cấp chiến sĩ . Ông là người sáng lập Duy Thức Tông. Là anh cả của Thế Thân và Virincivatsa. Cả ba anh em đều tu học theo Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivadin). Ông học rất xuất sắc trong 5 năm Tam Tạng kinh điển, nhưng vẫn không thâm nhập được yếu nghĩa của Bát-Nhã Ba-La-Mật. Thất vọng cùng cực đến độ muốn tự tử, tình cờ gặp được vị A la hán Pindola dạy ngài pháp «Quán Không» theo quan điểm của Tiểu Thừa, để có thể nhìn thấy tính chất không thường, không ngã, không tịnh, nhưng ông vẫn không thỏa mãn và lên nhập thất trên núi Kukkutapàda, gần Ràjagrha trong nhiều năm và quán tưởng đến Bồ Tát Di Lặc. Hai lần bỏ cuộc vì không thành công, cuối cùng sau 12 năm ông hoàn toàn bỏ cuộc và xuống núi.

            Trên đường đi, ông gặp một con chó lở lói sắp chết, động lòng từ bi muốn cứu chữa nó, nhưng nó biến mất và hóa hiện thành Bồ Tát Di Lặc. Theo truyền thuyết ngài Di Lặc đưa ông lên cõi trời Đâu Xuất và dạy pháp Đại Thừa.

            Đại thừa là lối thoát của ông Vô Trước vì sau bao nhiêu năm tu học theo Tiểu Thừa mà ông vẫn không thâm nhập được yếu nghĩa của Bát-Nhã Ba-La-Mật (trí tuệ giải thoát), không chứng đắcgì cả, ông tìm cách thành lập và phát triển «Duy thức tông». Điều này cũng hợp lý tu theo Đại thừalà phải tu hạnh Bồ Tát để tích tạo công đức với 6 hạnh: Bố thí, Trì giới, Tham thiền, Tinh tấn, Nhẫn nại và Trí tuệ hầu tiến đạt sự giải thoát.

            Nhưng tâm ông vẫn không yên, ông vẫn nghĩ là Đại thừa phải phát sinh cùng lúc với Tiểu thừa và Đại thừa phải do chính Phật Thích Ca giảng dạy hay ít nhất cũng phải do 1 vị chứng đắcngang hàng với Đức Phật. Trong tạng Nikaya, Phật có giảng những giai đoạn tu tập hạnh Bồ Tátcủa ngài trong Bổn Sanh truyện, nhưng ngài không hề nói tới Tiểu Thừa hay Đại thừa. Hai danh từ này chỉ xuất hiện trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ở giữa thế kỷ thứ I trước công nguyên và thế kỷ thứ I sau CN (xem W.Rahula(7)). Rồi từ đó các nhà Đại thừa sử dụng thường xuyên 2 danh từ này.

            Nhưng khổ cho ông là ông phải tìm cách chứng minh là Đại thừa phải do 1 vị chứng đắcnhư

đức Phật thuyết giảng; ông dùng những lý luận quanh co, lại dùng những mệnh đề trước có tính cách giả định, có điều kiện, nhưng mệnh đề sau ông lại kết luận một cách chắc nịch.

            -Thí dụ ông viết «hình như Đại thừa được phát sinh 1 lần với Tiểu thừa chứ không phải về sau, như vậy tại sao lại không thể xem Đại thừa là lời Phật dạy (bhuddhavacana)»(xem N.Dutt/ Thích Minh Châu (1). Ông dùng chữ hình như là 1 trạng từ bất định, rồi ở vế sau ông nói có vẻ quả quyết «tại sao không thể xem Đại thừa là lời Phật dạy»

            -Ông tuyên bố «cũng không đúng khi nói rằng Đại thừa được 1 vị không phải là đức Phậtdiễn giảng» rồi ông đưa ra lý do «vì Đại thừa không xuất hiện trong kinh luận ngoại đạo». Hai sự kiện nầy đâu có liên quan gì với nhau. Có thể vì ngoại đạo không có quan tâm đến cả Phật giáo lẫn Đại thừa.

            -Ông muốn Đại thừa phải được diễn giảng bởi 1 người ngang hàng với Đức Phật, hãy nghe ông lý luận: «Nếu chúng ta công nhận Đại thừa được một vị không phải là Sakyamuni diễn giảng, như vậy vị ấy phải là vị đã chứng Bồ Đề». Rồi ông lại quả quyết «trong trường hợp này Đại thừacũng phải được xem là lời Phật dạy, vì ai đã chứng quả Bồ Đề và đã giảng dạy thời vị ấy là đức Phật. Như chúng ta đều biết trong kỷ nguyên này của quả địa cầu không có 1 vị Chánh đẳng Chánh giác thứ hai và không ai có thể so sánh bằng đức Phật Thích Ca.

            Trong cách lý luận có gì không ổn. Do đó đa số những nhà Phật học ngày nay ít có ai tin ông.

            Nói về tiểu sử ngài Thế Thân, ông sanh tại Peshàwar, thuộc Cachemire, vào thế kỷ thứ IV SCN và chết lúc 80 tuổi tại Ayodhyà. Ông xuất gia tại Nalanda, theo học với phái Nhật Thiết Hữu Bộ, một  nhánh của Tiểu Thừa. Ông là một luận sư nổi tiếng, phê phán thẳng thắn Đại Thừa nên anh ông sợ ngòi bút của ông sẽ làm phá hại Đại Thừa, nên giả bộ đau muốn gặp em mình để thuyết phục em theo Đại thừa. Cuối cùng ông nghe theo anh vì sợ ông anh lo buồn mà chết sớm.

            Bây giờ xét qua luận thuyết Duy Thức của 2 anh em ông. Duy Thức hay Duy Tâm vì 3 chữ Tâm, Ý, Thức đều đồng nghĩa theo truyền thống Thượng Tọa Bộ. Kinh Lăng Già của Phật giáo Bắc tông cũng xem ba chữ nầy là đồng nghĩa. Chính ngài Vô Trước trong Nhiếp Đại Thừa Luận(Mahayana sangraha) đã viết «theo Thanh Văn thừa 3 chữ này là đồng nghĩa». Nhưng riêng ông, đã chia Thức uẩn làm 3 thành phần và định nghĩa như sau :

            -Tâm (citta) là Tàng thức hay A-lại-da thức ( àlaya vijnàna), bảo lưu tất cả chủng tử, trưởng dưỡng tất cả tập khí của toàn bộ thân tâm này.

            -Ý ( mana) hay Mạt-na thức chính là sự chuyển biến, thể hiện của Tàng thức thành tư duy, biện luận và luôn tự có khuynh hướng chấp ngã với tập nhiễm của 4 thứ phiền não : ngã kiến, ngã ái, ngã mạn và vô minh.

            -Thức (vijnàna) chính là lục thức: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý thức. Đó là quan điểm của Duy Thức học của hai anh em Vô trước và Thế thân. Như vậy chỉ có 8 loại thức.

            Ta nhận thấy trong 8 loại thức này không có thức nào thanh tịnh và trong sạch cả. Người ta thử hỏi vậy những tâm Thiện, những tâm của các vị đã chứng đắc các tầng thiền, tầng thánh, tâm chư vị Bồ Tát được xếp loại ở đâu? Đây là 1 sự thiếu sót cố ý hay vô tình? Nên nhớ là 2 ông đã theo học nhiều năm với Nhất Thiết Hữu Bộ mà Vi Diệu Pháp rất gần với Thượng Tọa bộ.

            Lại nữa Duy Thức học chủ trương tất cả mọi hiện tượng con người cảm nhận được đều là bản thể của Thức, ngoài thức đang cảm nhận thì không có gì hiện hữu, không có một đối tượng khách thể độc lập, chỉ có Thức hiện hữu như một chân đế cùng tột. Chỉ ở Thức, do Thức không thôi, dưới sự chi phối của Vô Minh, sinh khởi những ảo tưởng về một chủ thể (ta) và một khách thể (thế giới bên ngoài) cả hai đều không có thật.(xem Đại cương về Duy thức học/ Tuệ Hạnh/ thuvienhoasen.org).

            Thế giới bên ngoài được so sánh bằng 8 ẩn dụ: trò ảo thuật, ảo ảnh thị giác, ảo tưởng, giấc mộng, ánh trăng dưới nước, một tiếng vọng, một thành thị trên không, một bóng ma (xem Philippe Cornu (8). Khi phủ nhận thế giới ngoại tại, Duy thức học mang một lập trường Duy Tâm tuyệt đối.

            Mặc dù phủ nhận sự hiện hữu của thế giới bên ngoài, nhưng Duy thức cũng phải chấp nhậncó 6 trần cảnh: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Nếu không thì 6 thức cảm nhận được cái gì nếu không có cảnh? Như vậy là Duy thức cũng đã vượt ngoài Triết học Phật giáo khi bỏ quên 4 đại tố đất, nước, lửa, gió và chỉ kể có 11 yếu tố vật chất: 5 căn và 6 trần.

            Đức Phật với quan điểm trung đạo, không Duy Tâm lẫn Duy Vật. Ngài chủ trương Tâm và Vật đều hiện hữu và ảnh hưởng lên nhau qua nguyên lý Duyên Sinh và Duyên Hệ.

            1- Duyên Sinh hay thuyết “Thập Nhị Nhân Duyên” nói về 12 yếu tố chủ yếu liên quan Nhân, Quả với nhau để hoàn thành diễn trình sinh tử, tử sinh của chúng sanh trong vòng luân hồi. Nguyên lý này có thể được phát biểu như sau :

“Khi cái này có, cái kia có

Khi cái này không có, cái kia không có”

Thập Nhị Nhân Duyên là 12 khoen xích trói chặt con người trong vòng sanh tử luân hồi : Vô Minh=> Hành => Thức => Danh Sắc => Lục Nhập => Xúc => Thọ =>Ái => Thủ => Hữu => Sanh => Lão Tử ( => Vô Minh…).

            2- Duyên Hệ : là nguyên lý đề cập một cách rốt ráo chi tiết giữa hai yếu tố có thể là vật chấthay tinh thần, khái niệm hay chân đế (réalité); đồng thời còn cho biết đặc tính của sự liên hệ giữa hai yếu tố : không gian, thời gian, tương sinh, tương khắc, hổ tương, sức mạnh, tương đồng, tương phản, có mặt, vắng mặt, lập lại, nhân quả…

Có tất cả 24 điều kiện, có thể được phát biểu một cách tổng quát như sau :

“Khi cái này , cái kia không có

Khi cái này không có, cái kia 

Cái sinh sau trợ duyên cho cái sinh trước (hoặc ngược lại)

Cái yếu trợ duyên cho cái mạnh (hoặc ngược lại)

Nguyên lý Duyên Sinh và Duyên Hệ đưa ra những điều kiện chánh yếu và phụ thuộc để đưa tới một kết quả như lâu nay ta vẫn thường nói mà không đưa ra chi tiết : phải có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Cũng như khi nấu cơm, chúng ta phải kể hết những yếu tố : gạo, nước, nồi, lửa… Nếu người nông dân không sản xuất gạo thì tất cả những yếu tố khác đều vô ích. Nguyên lý Duyên Sinh cốt cho thấy điều kiện cần ở đây là gạo. Còn nguyên lý Duyên Hệ bổ túc các điều kiện đủ còn lại.

            Nếu theo quan điểm Duy Thức thì Thập Nhị Nhân Duyên sẽ trở thành Thập Nhân Duyênthôi vì phải bỏ khoen Danh Sắc, chỉ có Danh là đáng kể thôi. Sắc không được kể tới. Lại nữa khoen Lục Nhập cũng phải bỏ đi vì Lục Nhập là Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn và Ý căn là hệ thần kinh của 5 giác quan và của não bộ. Chúng ta đều biết 12 Nhân Duyên là Triết lý căn bản sâu xacủa Đức Phật để giải thích tại sao con người bị trói chặt trong vòng sanh tử luân hồi.  

            Cũng theo quan điểm này thì Ngũ Uẩn chỉ còn Tứ Uẩn thôi, nghĩa là chỉ có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Chúng ta đều biết Ngũ Uẩn là giáo lý căn bản của đạo Phật để giải thích bản thể con người và giải thoát là giải thoát khỏi gông cùm của Ngũ uẩn thủ.

            Nếu theo quan điểm này thì Phật cũng chỉ sẽ giảng dạy pháp hành Tam Niệm Xứ thay vì Tứ Niệm Xứ, nghĩa là phải bỏ niệm Thân. Đây là pháp hành chánh yếu của Đức Phật để vượt thoát luân hồi.

            Nếu theo Duy Thức thì toàn bộ giáo lý và Pháp Tu của Đức Phật sẽ bị sụp đổ như lâu đài xây trên cát. Phải chăng các nhà Bà La Môn đã len lỏi vào các bộ phái để làm suy tàn PG đến nổi PG đã bị gần như bứng gốc khỏi Ấn Độ. Vì tông tích của Thế Thân cũng rất đáng nghi ngờ: mẹ là Bà La môn, ông xuất gia theo Hữu Bộ, lên tận Cachemire, «nơi tàng trữ Đại-Tỳ-Bà-Sa là thánh điểnquan trọng bậc nhất của Hữu Bộ, không lưu truyền ra ngoài và Thế Thân đã mai danh ẩn tích ở đây 3 năm để nghiên cứu. Sau có ngài tôn giả Ngộ Nhập, nhờ thiền định mà nhận ra Thế Thân, khuyên nên lánh về phương Nam, vì ở đây đồ chúng có thể làm hại, khi tung tích Thế Thân bị bại lộ» (xem Tư tưởng A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận,Thích Mãn Giác(2). Sau khi trốn khỏi Hữu Bộ, ông bắt đầu giảng Tỳ Bà Sa, mỗi ngày tóm tắt các lời giảng thành bài kệ, được tất cả là 600 bài kệ. Tôn chỉ của Hữu Bộ là không được truyền giảng ra ngoài. Ông làm như vậy có phải là để phá hoại Hữu Bộ

không? Một số tăng chúng rất hoan hỉ đua nhau tìm đọc cho rằng Thế Thân truyền bá giáo lý của họ. Riêng ngài Ngộ Nhập bảo đồ chúng rằng đó không phải là truyền bá Hữu Bộ, hãy đợi Thế Thângiải thích ra bằng văn xuôi thì biết. Quả thật sau khi viết xong luận giải mới biết là Thế Thân đã chống phá Hữu Bộ «và ở đoạn kết luận ông có nói rằng nếu những điều ngài trình bày có sai lạc thì

duy chỉ có Phật mới phê phán được mà thôi. (sách đã dẫn (2).Thật là một con người đầy ngã mạn.

            Gần đây nhất, Đạo sĩ Vivekananda, một triết gia hiện đại, và cũng là cuối cùng, của Triết học Vedānta, và Ấn giáo, đã phát biểu trước Hội nghị Tôn giáo Thế giới tại Chicago.Bài thuyết trình của ông rất được lưu ý, và rất được tôn trọng bởi những người theo Ấn giáo. Trong bài nầy ông không dám chỉ trích Đức Phật, nhưng ông quay mũi dùi đến những phật tử, kể cả những vị Thánh tăng đệ tử Phật."But our views about Buddha are that he was not understood properly by his disciples."

 Ông nói, Chúa Jesus là người Do thái, nhưng dân Do thái chối bỏ Chúa mà đóng đinh Ngài. Sakya Muni là người Hindu, và dân Hindu tôn thờ Ngài là Đấng Thượng đế hóa thân. "Chúng tôi thấy, những người theo đạo Phật không hiểu gì Đức Phật." Cũng như dân Do Thái không hiểu Chúa Jesus là sự hoàn thành của Cựu Ước, những người theo đạo Phật không hiểu Đức Phật là sự hoàn thành của những chân lý của tôn giáo Hindu. Phật giáo là đứa con phản loạn của Ấn Độ giáo.("Buddhism is the rebel child of Hinduism.") Và điều mà ông nói, những người theo đạo Phật đã không hiểu gì về Phật, đó là "Về mặt triết học, các đồ đệ của Đức Đại Tôn Sư đã nhào đến tấn công những khối đá vĩnh hằng của Veda và đã không thể nghiền nát nó; mặt khác, họ đã tước bỏ đi Đấng Thượng đế vĩnh hằng của đất nước này mà tất cả mọi người, nam phụ lão ấu, thảy đều tôn thờ ... Và kết quả, Phật giáo đã biến mất khỏi Ấn độ như một cái chết tự nhiên."

            Lâu nay cả PG Tiểu Thừa và Đại Thừa đều bị gạt, bị đưa vào những luận thuyết có vẻ cao siêu nhưng trái ngược với lời Phật dạy; chúng ta chia rẽ nhau, phỉ báng nhau để đến nổi Phật Giáođã bị tiêu diệt tại Ấn Độ. Tất cả những luận thuyết sau này đã biến Phật Pháp thành một hệ thốngtriết học do bàn tay của các luận sư Bà La Môn mượn danh phật tử để phá hoại Phật giáo một cách thâm độc.

                                                                                                                        Tuệ Thiện

                                                                                                                        (05/02/2020)

 

SÁCH THAM KHẢO

 

1/ N.Dutt: Đại thừa và sự liên hệ với Tiểu thừa (dịch : Thích Minh châu/ Tu thư đại học Vạn Hạnh)

2/ Thích Mãn Giác: Tư tưởng A-Tỳ-Đạt-Ma Câu-Xá Luận (TT Văn hóa PGVN tại Hoa kỳ)

3/ Trần Công Tiến: Triết học đi về đâu ? (nxb Văn Gia)

4/ Trần Thái Đỉnh: Biện chứng pháp là gì ? (nxb Văn Mới)

5/ Lê Quí Hùng: Giáo trình Vi Diệu Pháp của Nhóm Nghiên cứu và Thực hành Phật Pháp Paris13

6/ Thích thiện Siêu: Luận thành Duy Thức (Viện nghiên cứu Phật học VN, TP Hồ Chí Minh)

7/  Tuệ Hạnh:Đại cương về Duy Thức Học (www.thuvienhoesen.org)

7/ Chân Nguyên, Nguyễn Tường Bách : Từ Điển Phật học (nxb Thuận Hóa, Huế 1999)

8/ W. Rahula:Theravada et Mahayana ( dans Gemmes de la sagesse bouddhiste)

9/ Philippe CORNU: Dictionnaire encyclopédique du Bouddhisme (Seuil)

10)Nguyễn Tối Thiện : Bổn phận người Cư sĩ. (Thuvienhoasen.org)

11)Tuệ Sỹ : Ký ức và nghiệp (thuvienhoasen.org)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin