Chi tiết tin tức

Quan điểm về tài sản và văn tự trong tác phẩm Lý Hoặc Luận qua lăng kính Phật giáo và Nho giáo/Đạo giáo

20:58:00 - 03/11/2022
(PGNĐ) -  Tùy thuộc vào môi trường, hoàn cảnh mà mỗi người có những quan điểm và suy nghĩ khác nhau nên không có lý do gì đả phá, chỉ trích bất kỳ ai. Cũng vậy, mỗi tôn giáo, tín ngưỡng đều có những quy chuẩn giáo lý riêng, tùy theo nhân duyên, căn cơ mà tín đồ đến và thực hành theo. Là tăng sĩ trẻ sống trong thời hiện đại, noi theo tấm gương các bậc tiền nhân hộ trì chính pháp, người viết xin được mạo muội trình bày quan điểm của mình qua các vấn nạn về Phật giáo trong tác phẩm Lý Hoặc Luận của Mâu Tử.

Quan điểm về của cải (bảo tồn và bố thí):

Trong Lý Hoặc Luận câu (17) 孔子稱奢則不遜。儉則固。與其不遜也寧固。叔孫曰。儉者德之恭。侈者惡之大也。今佛家以空財布施為名。盡貨與人為貴。豈有福哉。

“Khổng Tử bảo xa xỉ thì không khiêm tốn, kiệm ước thì bền vững. Nếu như không khiêm tốn, thà rằng bền vững. Thúc Tôn nói: Kiệm ước là đức kính cẩn, xa xỉ là điều ác lớn vậy. Nay nhà Phật đem hết của bố thí làm danh giá, vét hết hàng cho người làm quí trọng. Há có phúc ư?”[1].

Theo như Khổng Tử thì kiệm ước là điều tốt, sống xa xỉ là điều ác lớn, tuy nhiên, vấn đề đó không thể so sinh với bố thí trong Phật giáo mà cho là việc làm xa xỉ, không có giá trị. Trong khi đó, Nho giáo cũng chủ trương: “người nhân dùng của cải của mình để hoàn thiện phẩm đức. Kẻ bất nhân dùng sinh mệnh của mình để vơ vét thêm của cải”[2]. Điều này chứng tỏ của cải cũng dùng làm phước thiện, tu bồi phẩm đức như chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, thờ cúng tổ tiên, giúp đỡ người nghèo, trẻ em cơ nhỡ v.v… Trên phương diện nào đó, đệ tử Phật dùng của cải bố thí, cúng dường, tu tạo tượng Phật, xây dựng cầu đường, từ thiện xã hội thì chẳng có gì sai khác với ý của Nho giáo, sao lại nói không có phúc. Lại nói: “đạo trị nước không nên xem tài sản là lợi ích, mà nên xem nhân nghĩa là lợi ích vậy”[3]. Bản thân Nho giáo cũng cho rằng tài sản không quý bằng nhân nghĩa, không đặt của cải làm lợi ích tối thượng thì đất nước mới thái bình, thịnh vượng có khác gì Phật giáo dạy bố thí để gieo tạo phước lành, đem đến niềm vui cho con người. Bố thí trên phương diện nào đó cũng chính là giúp đỡ, chia sẻ cùng đồng loại trên tinh thần tương thân ương ái, lá lành đùm lá rách, là đạo đức vốn có của con người, đó chẳng phải là việc làm danh giá, cao quý ư.

Bố thí có thể hiểu là ban tặng cho người những thứ mình có với tâm hoan hỷ, không suy tính trước sau. Cuộc sống có người giàu kẻ nghèo, của cải chỉ là vật tùy thân, một ít vật chất đối với người giàu có không là gì nhưng đối với người nghèo là bữa cơm, thậm chí là mạng sống của họ. Thế nên, cuộc sống thiểu dục tri túc vừa lợi mình lợi người, còn ham muốn thì bao nhiêu cho đủ nhưng sống càng đơn giản, bình dị thì càng nhẹ nhàng, thanh thản. Vấn đề bố thí được phước chẳng phải lời nói ngoa, đã được đức Phật chứng minh: “Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sinh tại Campà, trong gia đình một hội viên của Hội đồng thành phố nổi tiếng. Từ khi ngài sắp được sinh, tài sản lớn của phụ thân được tăng trưởng, và khi ngài được sinh, cả thành phố tổ chức hội lễ lớn. Vì ngài bố thí cúng dường cho một vị Ðộc giác Phật trong đời trước, nên đời này ngài có một thân hình như bằng vàng mịn và đặc biệt mềm mại, và ngài được gọi là Sona (vàng). Dưới chân và trên bàn tay của ngài có lông mịn màu vàng mọc lên, và ngài được nuôi dưỡng trong giàu sang xa hoa, có đến ba tòa lâu đài thích hợp cho từng mùa”[4]. Hay “Tuân theo lời Bồ-tát khuyến giáo cho đến trọn đời, vua làm các phước đức như bố thí v.v…, vì vậy sau khi mạng chung, vua sinh lên cõi trời”[5]. Vậy mới thấy, tiền tài không mua được công đức, phước lành, cũng không tồn tại vĩnh viễn, chết cũng không đem theo được, vậy thì khổ công tích trữ suốt cuộc đời có ích gì. Nhân lúc của cải dư thừa đem cúng dường tạo phước bồi đức há không hơn tích chứa của cải cho nhiều rồi khổ tâm gìn giữ, dù tiền của đầy nhà cũng chỉ cho ta cuộc sống sung túc ở hiện tại, lúc nhắm mắt xuôi tay thứ theo ta phải chăng là nhà cửa, vợ con?

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Quan diem tai san va van ti trong Ly Hoac Luan
Hạnh bố thí. Ảnh: St

Người giàu sang vốn sống trong nhung gấm thì khi chết cũng muốn được thọ sinh tốt đẹp, người nghèo khổ kiếp này đã cơ cực, sau khi chết cũng muốn tái sinh được đầy đủ, viên mãn hơn, thế nên đạo Phật dạy pháp bố thí cúng dường, vun trồng công đức ngàn đời. Điều này không chỉ đáp ứng được ước muốn của nhân sinh mà còn tạo sự yêu thương, gắn kết giữa con người với con người cũng như giữa con người và vạn vật.

Bố thí trong Phật giáo không đơn thuần là bố thí về vật chất: “có hai loại bố thí này. Thế nào là hai? Bố thí tài vật và bố thí pháp… Tối thắng trong hai loại bố thí này, này các Tỷ-kheo, tức là pháp thí”[6]. Người thế gian, họ xem của cải như thân mạng huống gì là đem cho người khác, nhưng Phật giáo trên tinh thần từ bi, hỷ xả luôn đem lại lợi lạc cho nhân sinh, vấn đề bố thí rất phổ biến cả hàng tại gia và xuất gia. Không như cách nhìn của Nho gia, vơ vét hết tài sản cho người thì nói là bố thí, là xa xỉ. Phật giáo dạy người bố thí nhưng có nhiều phương diện, nhiều cách, tùy theo khả năng để thực hành bố thí khác nhau nhằm đem lại niềm vui cho cả người nhận lẫn người cho và tích nhiều phước đức trong tương lai. Không chỉ những người con Phật tin điều đó mà cả giáo lý nhà Nho cũng mập mờ thừa nhận: “người có đức lớn, nhất định được trời ban cho chức vụ để làm việc có ích cho đời”[7]. Người có phước đức cần gì phải lo ngại, mà bố thí là hình thức gây tạo phước lành. Nếu Nho giáo dạy cách giữ gìn của cải thì Phật giáo dạy cách buông, bố thí cũng là một phương pháp buông xả. Đối với chúng đệ tử xuất gia, đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, hãy là người thừa tự pháp của ta, đừng là người thừa tự tài vật”[8]. Nếu tăng sĩ thừa tự của cải thì cả thầy và trò bị thế gian chê cười, còn như thừa tự pháp thì cả thầy và trò được mọi người tôn trọng, quy kính. Thừa tự pháp, từ bỏ tài vật quý ở trên đời được thể hiện rõ nhất qua hình ảnh đẹp, một cuộc đời cao quý của thái tử Tất Đạt Đa. Với chí nguyện tìm đường học đạo, ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, không màn vinh hoa phú quý tìm cầu học đạo và thành tựu chính quả.

Qua đó cho thấy tài sản, vợ con chỉ là sợi giây ràng buộc trên con đường tu tập giải thoát, nên vấn đề từ bỏ tất cả để cầu pháp lại phát sinh một số ý kiến như điều (15) trong Lý Hoặc Luận đề cập: 蓋以父之財乞路人。不可謂惠。二親尚存。殺己代人。不可謂仁。今佛經云。太子須大拏。以父之財。施與遠人。國之寶象。以賜怨家。妻子自匃與他人。不敬其親。而敬他人者。謂之悖禮。不愛其親。而愛他人者。謂之悖德。須大拏不孝不仁。而佛家尊之。豈不異哉。

“Lấy của cải của cha, đem cho người đi đường, không thể gọi là huệ. Cha mẹ còn sống mà tự chết thay người, không thể gọi là nhân. Nay kinh Phật nói thái tử Tu Đại Noa đem của cải của cha bố thí cho người xa, lấy voi quí của nước đem cho kẻ thù oán, vợ con tự đem cho người khác. Không kính trọng cha mẹ mình mà kính trọng người khác thì gọi là trái lễ, không yêu mến cha mẹ mà yêu mến người khác thì gọi là trái đức. Tu Đại Noa bất nhân, bất hiếu mà nhà Phật tôn lên, há chẳng lạ thay?”[9].

Nói đến vấn đề bố thí không thể không nhắc đến hình ảnh các vị bồ tát sẵn sàng từ bỏ tài sản, thân mạng, nhảy từ trên cao xuống để thịt nát xương tan nhằm cứu con cọp già đang đói, tuy chỉ giúp nó sống thêm được vài ngày nhưng Bồ Tát vẫn làm, nhằm gửi một tính hiệu, tạo cho nó một duyên để kiếp tương lai nào đó nhờ duyên này gặp được phật pháp, và chỉ khi nào nó gặp được ánh sáng của Phật pháp, mới thoát khỏi kiếp cầm thú. Các vị Bồ tát có khi bỏ cả thân mạng để tạo một duyên dù rất nhỏ nhưng đến tương lai sẽ có gặp lại để hóa độ, đó chính là phương tiện bố thí lợi tha của các vị Bồ tát. Phải là hạng người tu tập như thế nào mới thực hành được như vậy, chẳng phải kẻ phàm phu học đòi mà có thể làm theo được.

Cũng như Thái tử Tu Đại Noa thấy đời vô thường, tài sản không phải của riêng mình, tự ý bố thí để thành đạo lớn. Với tâm nguyện bố thí cho người ghèo khổ của Tu Đại Noa cũng nhận được sự ủng hộ của vua cha, từ vàng bạc, voi báu, vợ con… thái tử đều đem bố thí với tâm từ. Nhưng không vì thế mà tan nhà mất nươc, ngược lại đát nước của cha nhận thêm phúc, giặc thù không vào được, được sự tôn kính của mọi người. “Thái tử Tu Đại Noa theo tinh thần giáo hóa của chư Phật ‘vô duyên đại từ, đồng thể đại bi’, không vì lợi ích bản thân chỉ mong chúng sinh bớt khổ”[10]. Đây là tinh thần bố thí Ba la mật mà chỉ các bậc Bồ tát mới đủ năng lực thực hiện đươc, phàm phu như chúng ta cần cố gắng giữ tâm tâm thanh tịnh, không nên bị đắm chìm trong danh lợi mà bị luân hồi đọa lạc. Với câu chuyện của thái tử Tu Đại Noa mà Nho gia cho là bất nhân, bất hiếu thì đâu mới là nhân hiếu ở trên đời.

Quan điểm về lời nói, văn tự (giáo lý):

Điều (18) 老子除華飾之辭。崇質䃼之語。佛經說不指其事。徒廣取譬喻。譬喻非道之要。合異為同。非事之妙。雖辭多語博。猶玉屑一車。不以為寶矣。

“Lão Tử bỏ lời hoa sức, mà chuộng câu chất phác. Kinh Phật dạy, không chỉ vào sự việc, chỉ rộng dùng thí dụ. Thí dụ không phải yếu chỉ của đạo, hợp khác làm giống thì không phải là huyền diệu của sự việc. Tuy nhiều lời rộng tiếng cũng như ngọc vụn đầy một xe, không lấy là báu vậy”[11].

Chẳng phải mà trong dân gian cũng thường nói: ngu như bò, dai như đỉa, đen như than…. Nếu nói thí dụ không phải là yếu chỉ của đạo, thêm vào chỉ khiến dài dòng, dư thừa nhưng Đạo giáo lại dùng không ít như“Khoảng giữa trời đất như ống bể”[12], hay “đạo đối với thiên hạ cũng giống như sông biển đối với khe suối”[13], và “đạo trời giống như buộc dây cung vào cung”[14]… Bản thân Nho giáo cũng dùng thí dụ để truyền đạt giáo lý, hướng dẫn con người, như vậy có thiết yếu hay không? Nếu xét kỹ thì trong văn chương sách vở, đối thoại hằng ngày thường sử dụng thí dụ rất nhiều như công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra; đen như than; dai như đĩa; ngu như bò… để ước lượng so sánh đôi bên rất chân thật. Chẳng phải riêng giáo pháp Phật Đà sử dụng pháp thí dụ như phương tiện dẫn dắt thiết yếu. Cũng vậy, trong quá trình hoằng hóa lợi sinh, nhận thấy căn cơ chúng sinh không đồng, nên đức Phật tùy nghi thuyết pháp, nên dùng thí dụ để giới thiệu, chỉ dạy những điều chưa thấy, chưa biết là rất cần thiết.

Ví như hình ảnh đức Phật nắm một nắm lá trong tay, Ngài day Ananda: “Những gì Như Lai hiểu nhiều như lá rừng, và những gì Như Lai nói ra như nắm lá trong bàn tay”[15]. Đây là một ví dụ rất rõ ràng, dễ hiểu, lá trong rừng thì nhiều vô kể giống như sự hiểu biết của đức là vô hạn, còn nắm lá trong tay hì hữu hạn giống như những gì đức Phật nói ra đều tùy duyên, tùy căn cơ của chúng sinh nhằm đưa tới sự lợị ích, còn những gì Ngài không nói ra vì biết chúng sinh không hiểu, dễ sinh tâm nghi ngờ, phỉ báng.

Đức Phật là bậc đại giác, ngài thấu suốt mọi việc ở thế gian, những gì ngài biết thì những kẻ phàm phu như chúng ta khó lòng hiểu hết được, ngài cũng khẳng định rằng: “Này các Tỷ-kheo, Như Lai nói gì thì làm vậy, làm gì nói vậy. Vì rằng nói gì thì làm vậy, làm gì nói vậy, nên được gọi là Như Lai”[16], những gì ngài nói ra đều là những việc ngài đã kinh qua không phải lời dối gạt, mua chuộc lòng người. Thí dụ không gì khác chính là phương tiện để dẫn dắt hóa độ nhân sinh, đối với kẻ thân, người thù, đối với kẻ thông minh hay người ngu độn, đối với kẻ giàu, người nghèo, ngài đều có đủ pháp môn cho họ khai ngộ cho họ, vậy nên không có gì là hoa lệ, dư thừa.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Thien quan phap tuong duc Phat Thich Ca 1

Dù giáo pháp Phật Đà có thuyết nhiều pháp môn, nhiều thí dụ đi chăng nữa thì cũng chỉ có một mục đích hướng dẫn chúng sinh hiểu và tu tập thoát khỏi khổ đau hướng đến an lạc, giải thoát. Cũng vậy, như vị lương y, tùy theo bệnh của mỗi người mà cho thuốc, giúp người bệnh khỏe mạnh. Do đó, người lương y bốc thuốc không phải lúc nào cũng giống nhau, mà tùy theo bệnh của từng người mà có những vị thuốc khác nhau, chứ không nhất thiết phải theo một đường lối cố định nào. Tương tự như vậy, đức Phật tùy theo căn tính của mỗi chúng sinh mà thuyết Pháp. Đối với chúng sinh cơ trí nhanh nhẹn, hiểu biết sâu rộng, đức Phật chỉ nói những điều ngắn gọn, tinh túy của bài pháp, đối với chúng sinh trí tuệ nhỏ hẹp thì Ngài giảng giải cặn kẽ, dễ hiểu để họ dễ ghi nhớ, tiếp thu.

Ví như trường hợp đức Phật dạy La Hầu La, người biết mà nói dối, không có tàm quý giống như chậu nước bẩn, đáng đổ đi[17]. Cũng vậy, nói dối là điều xấu đưa đến kết quả bất thiện cũng giống như chậu nước bẩn, nước bẩn thì đổ đi không sử dụng lại được, người nói dối thì không được người tin tưởng, tôn trọng. Hay bài kinh khác Đức Phật ví tâm cấu uế như tấm vải bẩn dù nhuộm tấm vải bằng màu xanh, vàng, đỏ, tía cũng không được màu tốt đẹp, cũng vậy, cõi ác chờ đợi một tâm cấu uế hay cõi thiện chờ đợi một tâm thanh tịnh[18]. Nhìn chung thì mọi thí dụ đưa ra đều giúp chúng ta hiểu rõ và hình dung chuẩn xác về của vấn đề đó, để không có cái nhìn lệch lạc, sai khác về nội dung, như vậy thì thí dụ không có gì là hoa mỹ, đáng bỏ đi.

Mặc dù, thí dụ không phải yếu chỉ của đạo, không phải là huyền diệu tối thượng nhưng là phương pháp để giảng đạo, hiểu đạo, nhờ có thí dụ bài pháp trở nên sinh động, sảng tỏ hơn. Kinh Phật tuy nhiều nhưng vẫn chưa thỏa mãn được nhu cầu tìm hiểu của con người ở mỗi thời đại nên luận và sách Phật giáo theo đó ra đời rất nhiều. Cũng như Khổng giáo, thoạt đầu chỉ có Ngũ kinh (Thi; Thư; Lễ, Dịch; Xuân Thu) và Tứ thư (Đại học; Trung dung; Luận ngữ; Mạnh tử) nhưng về sau lại thêm Hiếu kinh; …cũng như Mâu Tử nói: “người khát đến sông uống nước, đủ rồi thì tự đi”, muốn uống bao nhiêu thì uống, uống đoạn nào đều được vậy có gì là hoa sức, dư thừa. Dù vậy vấn đề văn tự dài dòng, hoa mỹ, cần bỏ bớt lại được Khổng Tử đề cập ở điều 6 trong Lý Hoặc Luận: 佛經眾多。欲得其要。而棄其餘。直說其實。而除其華。

“Kinh Phật nhiều quá, muốn được chỗ thiết yếu mà bỏ điều thừa, nói thẳng vào chỗ thiết thực mà trừ bỏ điều hoa mỹ”[19].

Cuộc sống thì hữu hạn mà pháp của Phật thì vô hạn như lá trong rừng khiến con người thấy mênh mông, không thể hiểu hết được nên lầm tưởng có nhiều quá đến dư thừa, không thiết yếu.

Vậy xin hỏi, nếu thời đại phong kiến xưa với những quy chuẩn, điều kiện được xem là đạo đức căn bản cần có thì đến thời đại phát triển, bình đẳng như ngày giờ có còn quan trọng.

Ví như quan điểm về một đất nước thịnh trị phải là: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử, nghĩa là vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con”[20], bây giờ các mối quan hệ muốn bền vững đều dựa trên sự tôn trọng, thấu hiểu nhau chứ không phải dùng quyền uy, thế lực ra lệnh khiến người phục tùng. Hay vấn đề trọng nam khinh nữ, “phụ nữ là phải theo người, lúc nhỏ theo cha theo anh, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con (婦人,從人者也;幼從父兄,嫁從夫,夫死從子)”[21]. Quy định tam tòng khiến người phụ nữ khi xuất giá lấy chồng thì hoàn cảnh tốt hay xấu thế nào cũng đã trở thành người nhà chồng, chứ không được nương nhờ ai nữa[22], đây là tiêu chuẩn đạo đức của người nữ thời Nho giáo lúc bấy giờ. Không chỉ vậy, con gái không có quyền quyết định hôn nhân, hạnh phúc của chính mình, Mạnh Tử cho rằng: “Nếu chẳng đợi lệnh cha mẹ, chẳng chờ lời mai mối, mà lén dùi lỗ để nhìn nhau, vượt tường để theo nhau, thì cha mẹ và người trong xứ đều khinh rẻ mình”[23]. Vi phạm những điều như thế sẽ đánh mất nhân phẩm người con gái, nhưng xã hội ngày nay đang dần khẳng định giá trị người nữ không đánh gia sbanwgf trinh tiết mà bằng nhân phẩm và trí tuệ, vậy phải chăng điều luật của Nho giáo cũng cần phải bỏ đi. Trong khi giáo pháp Phật Đà chỉ hướng dẫn con người đến điều hiền thiện, khuyên từ bỏ điều ác chứ không đưa ra những giáo điều, quy định buộc con người phải theo để trở thành những quy chuẩn của đạo đức, xã hội. Do đó, dù ở thời đại nào, điều kiện xã hội nào, con người đều có thể thực hiện lời Phật dạy hoặc không tùy theo ý muốn của họ, Phật giáo không ép buộc ai.

Chính vì sự tự nguyện, tự do ấy, Phật giáo dễ dàng hòa nhập với xã hội, sẵn sàng thay đổi để phù hợp với mọi người. Điều này được thể thiện qua lời dạy của đức Phật: “Này chư tỷ kheo, ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy. Chư tỷ kheo, các ông cần hiểu ví dụ cái bè. Chính pháp còn bỏ đi, huống là phi pháp”[24]. Trên quan điểm đó, tăng sĩ thực hiện tinh thần ý nghĩa lời dạy của Đức Phật nhưng không cố chấp, rập khuôn theo chữ nghĩa, giới điều cho thấy đức Phật rất khoan dung và thấu hiểu, đối với chúng đệ tử của mình ngài cũng không bắt buộc phải tuân theo giới điều nào mà tùy vào tâm nguyện của họ. Bởi lẽ, điều luật là do con người đặt ra, có thể điều này phù hợp với nơi này những không thích hợp với nơi khác, tăng sĩ có thể bỏ hoặc thêm vào để thích nghi với cuộc sống nơi đó.

Trong một quán buffe, hàng trăm món ăn được dọn ra, hàng ngàn người đến thưởng thức, nhưng không phải đều ăn cùng 1 món, người ăn món này, người thích món kia, thậm chí có thể yêu cầu món khác, Phật giáo có 8 vạn 4 ngàn pháp môn, tùy cơ duyên của mỗi người để chọn pháp môn tu tập thích hợp, không thể nói pháp này hay pháp kia dở mà bỏ đi. Bởi lẽ, đức Phật cũng đã dạy: “Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”[25]. Chính vì vậy, trải qua hơn 2500, dù có những lúc thịnh suy, thăng trầm nhưng Phât giáo vẫn tồn tại, trở thành tôn giáo lâu đời trong lòng dân tộc. Nếu như Phật giáo có những điều không phù hợp, thiết thực, không mang lại lợi ích cho xã hội, cho con người thì Phật giáo đã bị đẩy lùi, vùi dập, không thể phát triển bền vũng như ngày nay giống như: “biển lớn không có chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng trên bờ hay vất lên đất liền”[26]. Do đó, một lần nữa khẳng định, kinh Phật tuy nhiều nhưng đều thiết thực, phù hợp theo mỗi thời đại và căn cơ của chúng sinh, có thể ví như con đường dài vậy, khi đi đến được đoạn đường mong muốn, nhìn lại thì thấy đường phía sau quá dài, còn đường trước thì mờ mịt nên muốn phá hết cả đường trước và sau. Tuy nhiên, khi muốn quay về đoạn đường phía sau hay khám phá những điều mới mẻ của đoạn đường phái trước thì đã quá muộn. Thế mới thấy, con đường tuy dài thật, nhưng không phải dư thừa, đến lúc nào đó chúng ta cũng phải đi qua và đi lại lần nữa hoặc người khác cũng cần phải đi, vậy có cần phải phá hủy con đường ấy hay không? Cũng thế, kinh Phật tuy nhiều, nhưng tùy theo cơ trí và nhân duyên của mỗi người mà tu học khác nhau, không nên vì cái biết hạn hẹp của bản thân mà bỏ đi những điều xa lạ, mới mẻ của nó, đối với kinh Phật, chúng ta cần phải học hỏi chứ không nên thấy nhiều mà cho là dư thừa, hoa mỹ rồi bỏ đi, như thế thật quá thiển cận.

Ở trên, người viết trình bày hai quan điểm: Thứ nhất là quan điểm của Nho giáo đối với vấn đề bố thí của Phật giáo, cho đó là việc làm xa xỉ, không có ích. Thứ nữa là quan điểm của Lão giáo cho rằng kinh Phật quá nhiều, ngời thường không kham nổi, xét thấy điều nào dư thừa cần bỏ bớt. Suy cho cùng, mỗi tôn giáo ra đời đều vì lợi ích của sô đông, đều dạy con người bỏ ác làm lành, mỗi tôn giáo sẽ có những yếu nghĩa riêng, theo cách riêng để truyền đạo. Cũng vậy, đức Phật là bậc toàn giác, thấu hiểu vạn pháp trên đời, với tâm từ bi ngài muốn đem chính pháp hướng dẫn chúng sinh. Tuy nhiên, căn cơ chúng sinh không đồng nên ngài phải dùng phương tiện thiện xảo để tùy duyên hóa độ. Chính vì sự biến hóa khôn lường từ lời nói đến hành động khiến nhiều người hiểu sai về Phật giáo. Nhưng không vì thế mà phải biện hộ, giải thích cho từng người, sự bất đồng ấy không phải thời nay mới có mà thuở đức Phật còn tại cũng đã như vậy, nên ngài nói: “Này các Tỷ kheo, Ta không tranh luận với đời, chỉ đời tranh cãi với ta. Này các Tỷ kheo, người nói pháp không tranh luận với bất cứ một ai ở đời”[27]. Phải hiểu rằng, khi điều gì tồn tại lâu dài ắt hẳn phải có nguyên nhân của nó, không nên bác bỏ, đả phá điều gì khi bản thân chúng ta chưa tìm hiểu, nhìn nhận đúng về nó.

 

Tác giả: Thích Nữ Thuần Giới
Học viên Thạc sĩ Khóa IV, Học viên PGVN tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH
[1] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mâu Tử, NXB Văn hóa Sài gòn, 2008, tr 515.
[2] Trần Trọng Sâm-Kiều Bách Vũ Thuận, Tứ thư, NXB Quân đội nhân dân, 2002, tr 35.
[3] Trần Trọng Sâm-Kiều Bách Vũ Thuận, Tứ thư, NXB Quân đội nhân dân, 2002, tr 36.
[4] Thích Minh Châu dịch, Tiểu bộ kinh, chương 13, phẩm sona-kolivisa, NXB Tôn giáo, 2015.
[5] Thích Minh Châu dịch, Tiểu bộ kinh, phẩm Kurunga, NXB Tôn giáo, 2015.
[6] Thích Minh Châu dịch, Tăng chi bộ kinh, phẩm bố thí, NCB Tôn giáo, 2015.
[7] Trần Trọng Sâm-Kiều Bách Vũ Thuận, Tứ thư, NXB Quân đội nhân dân, 2002, tr 68.
[8] Thích Minh Châu dịch, Trung bộ kinh, kinh Thừa tự pháp, NXB Tôn giáo, 2013, tr 31.
[9] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mâu Tử, NXB Văn hóa Sài gòn, 2008, tr 514.
[10] https://nigioikhatsi.net, Thái tử Tu Đại Noa.
[11] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mâu Tử, NXB Văn hóa Sài gòn, 2008, tr 516.
[12] Nguyễn Hiến Lê, Lão tử đạo đức kinh, NXB tổng hợp, tp HCM, 2006, tr 149.
[13] Sđd, tr 187.
[14] Sđd, tr 82.
[15] Thích Minh Châu dịch, Tương Ưng bộ kinh, NXB Tôn giáo, 2013, tr 798.
[16] Thích Minh Châu dịch, Tăng chi bộ kinh, chương 4 pháp, phẩm thế giới, NXB Tôn giáo, 2015.
[17] Thích Minh Châu dịch, Trung bộ kinh, kinh giáo giới La hầu la ở rung Ambala, NXB Tôn giáo, 2013.
[18] Thích Minh Châu dịch, Trung bộ kinh, kinh ví dụ tấm vải, NXB Tôn giáo, 2013.
[19] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mâu Tử, NXB Văn hóa Sài gòn, 2008, 506.
[20] Trần Trọng Kim, Nho giáo, NXB Văn học, HN, 2003, tr 128.
[21] https://vi.wikipedia.org, tam tòng, tứ đức.
[22] Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, NXB Văn hóa Thông tin, HN, 2001, tr 78.
[23] Giản Chi – Nguyễn Hiến Lê, Đại cương triết học Trung Quốc, Tập 2, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2004, tr.14.
[24] Thích Minh Châu dịch, Trung bộ kinh, kinh thừa tự pháp, NXB Tôn giáo, 2013, tr 179.
[25] Thích Minh Châu dịch, Tương Ưng bộ kinh, NXB Tôn giáo, 2013, tr331.
[26] Thích Minh Châu dịch, Tiểu bộ kinh, phẩm Meghiya-trưởng lão sona, NXB Tôn giáo, 2015.
[27] Thích Minh Châu dịch, Tương Ưng bộ kinh, tập I, NXB Tôn giáo, 2013, tr760.

THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Thích Minh Châu dịch, Tiểu bộ kinh, NXB Tôn giáo, 2015.
2. Thích Minh Châu dịch, Tăng chi bộ kinh, NXB Tôn giáo, 2015.
3. Thích Minh Châu dịch, Trung bộ kinh, NXB Tôn giáo, 2013.
4. Thích Minh Châu dịch, Tương Ưng bộ kinh, NXB Tôn giáo, 2013.
5. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, NXB Văn hóa Thông tin, HN, 2001.
6. Giản Chi – Nguyễn Hiến Lê, Đại cương triết học Trung Quốc, Tập 2, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2004.
7. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mâu Tử, NXB Văn hóa Sài gòn, 2008.
8. Nguyễn Hiến Lê, Lão tử đạo đức kinh, NXB tổng hợp tp HCM, 2006.
9. Trần Trọng Sâm – Kiều Bách Vũ Thuận, Tứ thư, NXB Quân đội nhân dân, 2002.
10. https://nigioikhatsi.net, Thái tử Tu Đại Noa.
11. https://vi.wikipedia.org, tam tòng, tứ đức.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin