Chi tiết tin tức Bát Kỉnh Pháp của Tỳ kheo Ni trong Luật Tạng (Pali) và Tứ Phần Luật 14:59:00 - 08/02/2023
(PGNĐ) - Trong Luật tạng, không riêng gì Luật tạng Pāli (LTP) hay Tứ phần luật (TPL), mà hầu hết bốn bộ luật còn lại của Phật giáo đều đề cập đến Bát kỉnh pháp. Đây được xem là điều kiện cần và đủ để nữ giới được vào cánh cửa giải thoát. Từ đó, Ni đoàn được thành lập.
Theo từ nguyên, “Bát kỉnh pháp” (八敬法) trong tiếng Pāli là Aṭṭha garudhammā, có nghĩa “tám pháp trọng yếu”. Trong tiếng Hán, nó được dùng bằng nhiều từ khác nhau, như là bát kính giới (八敬戒), bát kính (八敬), bát trọng pháp (八重法), bát tôn trọng pháp (八尊重法), bát tôn sư pháp (八尊師法), bát bất khả quá pháp (八不可過法), bát bất khả việt pháp (八不可越法), bát bất khả vi pháp (八不可違法), là tám pháp được định ra cho vị Tỳ kheo Ni phải cung kính, tôn trọng vị Tỳ kheo. Tám điều này có thể được xem là những điều giới đầu tiên mà Đức Thế Tôn đã đặt ra dành cho chư Ni. Xét sâu xa hơn, tám điều này không khác các học giới đầu tiên do chính đức Thiện Thệ quy định cho chúng Tỳ kheo Ni. BÁT KỈNH PHÁP LÀ TIỀN ĐỀ THÀNH LẬP NI ĐOÀN Trong xã hội Ấn Độ cổ đại, vị trí phụ nữ hãy còn thấp kém. Tôn giáo và các giáo phái đương thời không đồng tình cho người nữ xuất gia để tu tập tâm linh. Vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội đều không được ghi nhận đúng mực. Họ cũng chẳng được tham gia các hoạt động cộng đồng, nghi lễ tôn giáo như nam giới. Đặc biệt, còn có quan điểm sai lầm cho rằng nữ giới là nguồn gốc của tội lỗi và các ác nghiệp. Phái Ni-kiền-tử cho rằng: “Người phụ nữ là ngọn đèn chiếu sáng con đường dẫn đến cánh cửa địa ngục” [1]. Còn theo tục lệ Sati, người vợ phải bị thiêu sống để đi theo người chồng đã chết: “Phụ nữ, khi còn bé phải theo cha, còn trẻ phải theo chồng, chồng chết phải theo con. Phụ nữ không được phép sống độc lập” [2]. Như vậy, vào thế kỷ thứ VI TCN ở Ấn Độ, những quan niệm tiêu cực về phụ nữ đã tồn tại và ăn sâu vào tôn giáo, tư tưởng của mọi người. Do đó, không phải Đức Phật không cho phép người nữ được xuất gia, gia nhập Tăng đoàn mà chính xã hội và con người Ấn Độ lúc bấy giờ là cản trở lớn. Vì thế, khi Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề (摩訶波闍波提; Mahāpajāpatī) xin xuất gia, Đức Phật ban đầu không đồng ý cho phép nữ lưu được xuất gia sống đời Phạm hạnh theo hội chúng Tăng-già. Mãi khi Di mẫu cùng các nữ lưu dòng họ Thích tự phủi bỏ tóc mình, vận trang phục thô sơ, vượt hành trình dài đến đảnh lễ Đức Phật, tiếp tục cầu xin Ngài cho nữ giới gia nhập Tăng đoàn, cùng với lời thưa thỉnh của Tôn giả A-nan (阿難; Ānanda), Đức Thế Tôn đã đưa ra tám quy tắc cho Di mẫu nói riêng, nữ lưu nói chung, nếu đồng ý thì được phép xuất gia học Phật. Tám quy tắc ấy chính là tám điều học đầu tiên dành cho Ni giới, là điều kiện, nền tảng cơ bản để nữ lưu bước chân vào cánh cửa phạm hạnh, sống đời giải thoát. Chúng ta có thể hiểu, Đức Phật đặt ra điều kiện Ni đoàn phải thọ trì thêm Bát kỉnh pháp để thích nghi với điều kiện văn hóa và phản ứng của xã hội Ấn Độ, cũng như trong Tăng đoàn thời bấy giờ. Có thể khẳng định, Bát kỉnh pháp là điều kiện tiên quyết để Đức Phật chấp nhận cho nữ giới xuất gia. Không có Bát kỉnh pháp, chắc chắn việc người nữ được xuất gia là điều không thể, cũng không có sự thành lập Ni đoàn, giáo đoàn của Đức Phật cũng không hội đủ bốn bộ chúng: Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di. Trong đó, Tỳ kheo Ni ấy không hề phân biệt giai cấp, dòng họ… như Kinh Tiểu Duyên có ghi: “Này Bà-tất-tra! Ngươi nên biết hiện nay chúng đệ tử của ta, dòng dõi không đồng, xuất xứ khác nhau, xuất gia tu hành ở trong giáo pháp ta. Nếu có gặp ai hỏi: “Người thuộc dòng nào?” thì nên trả lời họ: ‘Tôi là Sa-môn, con dòng họ Thích” [3]. Trong Bát kỉnh pháp, điều đầu tiên có thể được xem là thuộc về tư tưởng giáo lý. Bảy điều còn lại đều thuộc về cách thức tổ chức Tăng già trong mối quan hệ giữa Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni. Tuy nhiên, chúng đồng thời cũng là những yếu tố phụ trợ cho điều thứ nhất. Nội dung tám kính pháp như thế không những cần thiết cho Ni giới mà còn cho bất kỳ ai đi theo con đường Đức Phật. Ngày nay, Ni giới thực hành Bát kỉnh pháp cũng không hề mất đi quyền lợi về mặt tổ chức giáo hội và cũng không ảnh hưởng đến sự cung kính cúng dường của Phật tử đối với các vị Tỳ kheo Ni. Bát kỉnh pháp không những giúp người nữ trừ diệt sự kiêu ngạo, là hàng rào ngăn ngừa tham ái liên quan đến phạm hạnh của Tăng, Ni; mà còn là điều kiện cần và đủ để Ni đoàn thành lập, nữ giới được xuất gia. Theo lẽ đó, Ni giới luôn tôn trọng và lấy Bát kỉnh pháp thực hành là trên hết. BÁT KỈNH PHÁP TRONG LUẬT TẠNG (PALI) VÀ TỨ PHẦN LUẬT Bất cứ một bộ luật nào cũng đều đề cập đến Bát kỉnh pháp. Ở đây, giữa Thượng Tọa bộ (Luật tạng Pāli) và Pháp Tạng bộ (Tứ phần luật), xét trên nội dung tám điều học này, ở cả hai hệ thống giới luật tương đối như nhau. Nhưng giữa hai bộ luật vẫn còn vài điểm khác biệt trong quá trình kết tập. Về nét tương đồng – Có cùng tám điều học về kỉnh pháp. – Địa điểm: Với Tứ Phần Luật (TPL), Đức Phật ngụ tại Ni-câu-luật viên (尼拘律園) ở Thích-sí-sấu (釋翅瘦) [4]. Theo Luật tạng Pali (LTP), bậc Thiện Thệ ở tu viện Nigrodha, trong lãnh thổ của dòng Sakya, thành Kapilavatthu, giữa những người họ Thích-ca (Sakkesu) [5]. Nhận xét: – Theo hai bộ luật, địa điểm Đức Phật cư ngụ là thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu), chỉ khác nhau do phiên âm từ các bản dịch. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, bản dịch chữ Hán hơi khác với bản Pāli, vì “Thích-sí-sấu” là từ phiên âm của Sakkesu, vốn có nghĩa là “Người họ Thích-ca”, không phải địa điểm. – Đầu tiên, Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề (摩訶波闍波提; Mahāpajāpatī) cầu xin Đức Phật cho phép được xuất gia nhưng Ngài không chấp nhận. – Do Tôn giả A-nan (阿難; Ānanda) cầu xin Đức Phật chấp thuận cho Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề nói riêng, nữ giới nói chung được phép xuất gia. – Là điều kiện tiên quyết để bậc Thiện Thệ đồng ý cho nữ lưu được phép xuất gia tu tập, sống đời phạm hạnh trong giáo hội Tăng-già. Về nét dị biệt Luật tạng Pāli – Mahāpajāpatī Gotamī cùng với nhiều người nữ dòng Sakya [6] đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và xin cho người nữ được xuất gia. (Không nói rõ số lượng người nữ đi cùng). – Khi ở thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu): Mahāpajāpatī Gotamī cầu xin Đức Phật ba lần. – Sau khi đã đồng ý việc người nữ xuất gia, Đức Phật mới nói: “Trong Pháp và Luật nào người nữ đạt được sự xuất gia, rời nhà, sống không nhà, Phạm hạnh ấy không được tồn tại lâu dài” [7]. Tứ phần luật – Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng năm trăm người nữ Xá-di (舍夷) [8], đến chỗ Đức Thế Tôn cầu xin được xuất gia. – Ma-ha Ba-xà-ba-đề cầu xin Đức Thế Tôn một lần. – Trước khi cho người nữ xuất gia, Đức Phật đã nói: “Nếu người nữ xuất gia hành đạo trong giáo pháp của Phật thì sẽ khiến cho pháp Phật không lâu dài” [9]. Nhận xét: Như vậy, giữa hai hệ thống giới luật có sự khác biệt rõ nét về số lần Di mẫu cầu xin Đức Thế Tôn cho phép người nữ được xuất gia và thời điểm mà Đức Phật nói về thọ mạng của Chánh pháp khi cho nữ lưu sống đời phạm hạnh cũng khác nhau (TPL) thì Ngài nói trước khi người nữ được đồng ý xuất gia, LTP thì nói sau khi người nữ xuất gia). Bên cạnh đó, về số thứ tự tám kỉnh pháp của hai bộ luật cũng không giống nhau. Trong tám điều học, có hai điều giống nhau về số thứ tự, đó là điều 1 (Tỳ kheo Ni dù trăm tuổi hạ cũng phải lễ bái chư Tăng) và điều 5 (Nếu Tỳ kheo Ni phạm tội phải đến trước hai bộ Tăng sám hối và hành Ma-na-đỏa). Sáu điều còn lại không tương đồng về thứ tự, cụ thể như sau: – Điều 2 trong TPL là điều 7 trong LTP: Tỳ kheo Ni không được khiển trách hay nặng lời đối với một vị Tỳ kheo trong bất kỳ trường hợp nào. – Điều 3 trong TPL là điều 8 trong LTP: Tỳ kheo Ni không được ngăn Tỳ kheo xét tội, thuyết giới, tự tứ hay nói lỗi của Tỳ kheo. Trái lại, Tỳ kheo được quyền cử tội Tỳ kheo Ni. – Điều 4 trong TPL là điều 6 trong LTP: Sau khi học tập sáu pháp trong hai năm, muốn lên Tỳ kheo ni phải đến Tỳ kheo xin thọ đại giới [10]. – Điều 6 trong TPL là điều 3 trong LTP: Tỳ kheo Ni phải đến chư Tăng cầu giáo thọ mỗi kỳ nửa tháng. – Điều 7 trong TPL là điều 2 trong LTP: Tỳ kheo Ni không được an cư ở nơi không có Tỳ kheo [11]. – Điều 8 trong TPL là điều 4 trong LTP: Sau mùa an cư, Tỳ kheo Ni phải đến Tỳ kheo hành lễ Tự tứ (Pavāraṇā): Thấy, nghe và nghi. Với tám kỉnh pháp này, Đức Phật đã đồng ý cho người nữ gia nhập Tăng đoàn. Di mẫu và nữ giới dòng Thích Ca hoan hỷ chấp hành tám pháp trên. Từ đó, Ni đoàn được thành lập. Hay nói cách khác, với trí tuệ siêu việt, Đức Thế Tôn có thể thấy những hiểm họa và những khuyết điểm không thể tránh trong việc điều hành song song Tăng đoàn và Ni đoàn cùng một lúc. Do đó, Ngài ban hành tám điều quy định cho giáo hội Tỳ kheo Ni nhằm giữ gìn và bảo vệ tương lai cho cả hai giáo hội. Tám điều này được gọi là Bát kỉnh pháp tám phép tôn kính của Tỳ kheo Ni đối với Tỳ kheo. Như vậy, có thể hiểu, khi nhận thấy nguyện vọng tha thiết, thiêng liêng của nữ giới, Đức Phật lại một lần nữa dùng phương tiện, khéo léo đặt ra Bát kỉnh pháp như một sợi dây cột người nữ trong giới luật có phần nghiêm khắc hơn so với Tỳ kheo. Có thể nói, đây là giải pháp khá tinh tế, nhằm không gây sự chống đối của xã hội đối với Tăng già. Đồng thời, các lần từ chối của Đức Phật trước ý định xuất gia của người nữ chỉ nhằm thử thách tâm ý từ phía nữ giới trong bối cảnh bấy giờ, bởi sự thực hành tu tập trên con đường giải thoát đòi hỏi sự dũng mãnh của niềm tin và nghị lực vượt khó khăn là không nhỏ. Những quy định trong Bát kỉnh pháp nhằm ngăn ngừa và dẹp tan những nếp nghĩ về giai cấp, cậy quyền hay kiêu mạn của các vị nữ giới trong dòng tộc Thích-ca. Ngoài ra, tám điều này cũng giúp các vị Tỳ kheo giai cấp thấp không bị mặc cảm tự ti và sức ép từ nguồn gốc xã hội.
TKN.ThS Thích Nữ Liên Liên/TCVHPG405Chú thích: * Tỳ kheo Ni – Thạc sĩ. Thích Nữ Liên Liên. [1] Viên Trí (2009), Ấn Độ Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, tr.133-134. [2] Thích Giác Dũng (2004), Phật Việt Nam dân tộc Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, tr.34. [3] Thích Hạnh Bình (2018), Những vấn đề cốt lõi trong kinh Trường-a-hàm, kinh Tiểu Duyên, Nxb. Hồng Đức, tr.113. [4] HT. Thích Đỗng Minh (2013), Luật Tứ phần (tập 3), Nxb. Phương Đông, tr.1767. [5] Indacanda (dịch, 2007), Tiểu phẩm (tập 2), Nxb. Tôn giáo, tr.341. [6] Tiểu phẩm (tập 2), tr.342. [7] Tiểu phẩm (tập 2), tr.347. [8] Chỉ những người con gái họ Thích. [9] Luật Tứ phần (tập 3), tr.1767. [10] Với nội dung học giới này, Đức Thế Tôn chủ ý hướng đến người nữ muốn xuất gia sống đời thanh tịnh thì phải theo học pháp trong hai năm, có thể là để muốn người nữ tập quen dần với cuộc sống của Tỳ kheo ni thật sự trước khi thọ giới, cũng là muốn xác định xem người nữ ấy có mang thai trước khi vào xuất gia hay không. Cùng với nội dung này, ở điều giới dành người nữ Thức-xoa-ma-na thì đối tượng là người nữ Thức-xoa-ma-na, chứ không hướng đến tất cả người nữ như điều Bát kỉnh pháp thứ 4. Tuy nhiên, dù là đối tượng nào đi nữa thì nội dung quy định người nữ phải học pháp hai năm trước khi thọ giới Tỳ kheo Ni đã được Đức Thế Tôn nói rõ ràng khi cho người nữ xuất gia, chứ không phải mãi đến sau này có ni cô xuất gia mang thai rồi Ngài mới chế ra điều luật. [11] LTP: Tỳ kheo Ni không nên an cư mùa mưa ở trú xứ không có Tỳ kheo; TPL: Tỳ kheo ni không được hạ an cư chỗ không có Tỳ kheo. Xem Tiểu phẩm (tập 2), tr.344 và Luật Tứ phần (tập 3), tr.1771.
Tài liệu tham khảo: 1. HT. Thích Đỗng Minh (2013), Luật Tứ phần (tập 3), Nxb. Phương Đông. 2. Indacanda (dịch, 2007), Tiểu phẩm (tập 2), Nxb. Tôn giáo. 3. Thích Hạnh Bình (2018), Những vấn đề cốt lõi trong kinh Trường-a-hàm, kinh Tiểu Duyên, Nxb. Hồng Đức. 4. Viên Trí (2009), Ấn Độ Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông. 5. Thích Giác Dũng (2004), Phật Việt Nam dân tộc Việt Nam, Nxb. Tôn giáo.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |