Ngày ý thức về căng thẳng
22:10:00 - 22/04/2018
(PGNĐ) - Chữ “căng thẳng” là dịch sát nghĩa của chữ “stress” trong tiếng Anh. Ai cũng biết rằng căng thẳng là cội nguồn của rất nhiều tai họa. Căng thẳng ở tầm mức quốc tế sẽ dẫn tới, nặng là chiến tranh, nhẹ là cấm vận. Căng thẳng ở tầm mức xã hội là biểu tình, là rút dao, nổ súng. Căng thẳng ở tầm mức gia đình, hễ nặng là bạo lực gia đình, nhẹ sẽ là bể chén dĩa, và khi bất khả hòa giải là sẽ ly tan, chỉ hại cho đàn con.
Căng thẳng cũng có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm. Theo Mayo Clinic, hội chứng căng thẳng có thể tác động vào cơ thể của bạn, vào suy nghĩ của bạn, vào cảm thọ của bạn, và vào cả thái độ của bạn. Căng thẳng không hóa giải được sẽ gây bệnh, như cao huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh mập phì và bệnh tiểu đường.
Đó là lý do có một ngày được chọn là Ngày Quốc tế ý thức về căng thẳng. Ngày này trong năm 2017 là thứ Tư ngày 1 tháng 11. Đây cũng là ngày để các bác sĩ nhắc nhở mọi người cảnh giác về các sát thủ tàng hình đang len lén bước theo các cảm xúc căng thẳng khó đối trị.
Ngày Ý thức về căng thẳng theo truyền thống là thứ Tư đầu tiên trong tháng 11 hàng năm. Do vậy, ngày này tuần tự trong các năm là ngày 1 tháng 11-2017, sẽ là ngày 7 tháng 11-2018, sẽ là ngày 6 tháng 11-2019, sẽ là ngày 4 tháng 11-2020.
Nhưng ý thức là một chuyện, còn khi căng thẳng tới bằng đôi cánh sát thủ tàng hình dĩ nhiên là khó đối trị. Có biết bao nhiêu chuyện trên đời này làm chúng ta căng thẳng. Thí dụ, ra đường, đụng xe. Chạy nhanh một chút, bị cảnh sát phạt. Buổi sáng nổ máy xe, thấy chết bình điện, phải gọi xe kéo tới tiệm sửa xe. Hay khi nghe tin một người thân từ trần. Hay khi nghe chuông điện thoại, nhấc lên nghe, biết tin quê nhà bão lớn, khu phố mấy đứa em đang ở bị ngập lụt, chờ ghe tới cấp cứu. Và vân vân…
Cõi này tất nhiên là bất như ý. Vấn đề là, làm sao kham nhẫn?
Đối phó căng thẳng không khéo sẽ sinh bệnh. Theo trang WebMD, căng thẳng là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh, và rồi bệnh liên hệ căng thẳng đó chiếm tới 90% toàn bộ các chuyến đi tới phòng mạch để khám bệnh của dân Mỹ. Trong đó, căng thẳng tính chung làm kinh tế Mỹ trung bình mất 600 tỷ đôla/năm.
May mắn vô cùng tận, Đức Phật có phương thuốc thần diệu: Đạo Phật là để nhận ra khổ, và bước vào con đường thoát khổ.
Do vậy, sá gì căng thẳng trong xã hội đời thường… Trí thức quốc tế đã nhận ra sức mạnh tuyệt vời của Phật giáo, và từ đó Thiền tỉnh thức (Mindfulness) được dùng như công cụ hiệu lực để đối trị căng thẳng.
Vâng, cả các chính trị gia cũng nhận ra như thế. Như bên Anh Quốc: hẹn nhau dự một hội nghị thượng đỉnh cấp Bộ trưởng và Dân biểu, tới ngồi bên nhau, cùng lim dim mắt, thở phì phò…
Báo Anh quốc The Guardian, số ra ngày 13-10-2017, với bài viết nhan đề “‘Way ahead of the curve’: UK hosts first summit on mindful politics” (Đi trước vòng cung: Anh quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về chính trị tỉnh thức)…
Một số Bộ trưởng chính phủ Anh Quốc và Sri Lanka (Tích Lan), một dân biểu trong Đảng Likud của Israel, nhiều chính khách từ hai nước trên và Thụy Điển cùng với chính khách từ 15 quốc gia cùng tới tòa nhà Hạ viện Anh Quốc tuần sau đó để thảo luận xem Mindfulness có thể giúp được gì cho các nền chính trị quốc tế và cấp quốc gia. Chính khách cao cấp nhất của chính phủ Anh quốc dự thượng đỉnh này là Bộ trưởng Thể thao Tracey Crouch.
Đặc biệt, thượng đỉnh về Thiền tỉnh thức này có tham dự của Dân biểu Hoa Kỳ Tim Ryan, người viết sách và tích cực quảng bá thiền này từ lâu và dự kiến sẽ là ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ năm 2020. Và cũng đặc biệt, có tham dự của Giáo sư y khoa Jon Kabat-Zinn, người ứng dụng thiền Phật giáo để trở thành phương pháp tỉnh thức, giúp giảm căng thẳng MBSR nhằm chữa các bệnh kinh niên.
Thực tế, MBSR khi ứng dụng để giảm đau tại các bệnh viện, rồi dùng luyện tâm trong quân đội, thư giãn trong công ty, giữ bình lặng trong giáo dục... đã được sửa đổi cho thích nghi với nhiều thành phần ở nhiều môi trường khác nhau. Và có khi các phiên bản thiền tập mới lại mang tên khác nhau.
Theo The Guradian thống kê, từ năm 2013, đã có 145 dân biểu Anh Quốc tham dự một khóa dài 8 tuần lễ để thực tập Thiền tỉnh thức.
Nếu muốn tu giải thoát, sẽ rất là gian nan, cần tận lực không ngừng. Nhưng sẽ rất đơn giản hơn, nếu bạn chỉ muốn giảm căng thẳng, hay giảm đau, hay chữa một vài bệnh.
Sau đây là một số hướng dẫn thực tập căn bản về Thiền tỉnh thức, tổng hợp từ nhiều trang y tế. Bạn có thể chọn cách nào thích nghi, hay xoay chuyển, hay tuần tự thay đổi. Và nên tập suốt ngày, nghĩa là, bất cứ khi nào nhớ tới. Tới khi quen rồi, chỉ cần vài hơi thở, bạn sẽ thấy nhẹ nhàng và các bực dọc sẽ bay biến rất nhanh. Tuy cội nguồn từ Phật giáo, nhưng khi ứng dụng vào y khoa đã gỡ bỏ các yếu tố tôn giáo để thích nghi cho mọi thành phần.
Nếu bạn đang ngồi làm việc trong hãng, hay đang ngồi học ở bệnh viện, có thể ngồi thẳng lưng, mắt chỉ hé mở hướng về phía trước, hơi thở dịu dàng, hướng tâm vào hai lòng bàn chân đang áp sát mặt đất. Giữ hơi thở như thế vài phút sẽ thấy nhẹ nhàng, giúp tăng trí nhớ, lòng vui hơn. Hướng tâm vào dưới hai lòng bàn chân là lời khuyên của nhiều bác sĩ, hẳn là có diệu dụng về sức khỏe.
Nếu bạn đang nằm, thí dụ, sắp ngủ, có thể nằm duỗi người ra, hình dung bắp thịt từ dưới ngón chân lên đỉnh đầu buông xả hết theo hơi thở nhẹ nhàng, cứ như người chết.
Khi bạn ngồi, hay đang đi bộ ngoài hành lang, hãy hít thở sâu, hơi thở nhẹ nhàng, hơi thở tự nhiên, thư giãn toàn thân, không cố gắng gì, thở dài biết thở dài, thở ngắn biết thở ngắn.
Khi bạn đang đi đứng nằm ngồi, hãy cảm nhận về không khí chung quanh, lạnh hay ấm, có ảnh hưởng làm ấm hay lạnh tới làn da và cơ thể của bạn hay không, hãy đón nhận cảm thọ đó, đừng bực dọc, và đừng ưa thích, chỉ để tự nhiên nhận ra.
Khi bạn đi đứng nằm ngồi, hãy nhận ra các niệm khởi trong tâm, lặng lẽ nhận ra như thể bạn đang lùi ra xa để nhìn về sân khấu, nhận ra khi niệm khởi và nhìn cho tới khi niệm biến mất… và rồi tương tự với tất cả niệm. Dần dần, niệm sẽ giảm, tâm bạn sẽ dịu dàng, lặng lẽ…
Bạn có thể cảm thấy khó chịu nơi nào đó trong thân, hãy chú ý về nơi đó của cơ thể, hãy nhận ra nơi đó cảm thọ (như ngứa, nhức, đau, tê…) khởi lên, nhận ra cảm thọ biến đổi (nhiều hơn, hay giảm bớt) và nhận ra cảm thọ biến mất; và có thể bạn cần có hành động thích nghi, thí dụ gãi nhẹ, hay xoa bóp nhẹ nơi đau nhức đó. Hay đơn giản làm việc khác.
Bạn không nên phản ứng tức khắc khi gặp một tình hình bất chợt xảy ra. Hãy tỉnh thức, ngưng giây lâu, suy nghĩ tìm giải pháp. Thí dụ, nhấc điện thoại lên, bị người bên kia đầu dây mắng xối xả… Bạn chớ phản ứng gấp, hãy tỉnh giác, từ từ nghe và suy tính…
Có những khi căng thẳng, bạn tập thể dục hay chạy bộ vài phút, cũng đủ để bình lặng trở lại.
Hãy giữ tâm tỉnh thức với hiện tại; chớ luyến tiếc hay bực dọc gì về quá khứ; chớ mơ tưởng lạc quan hay bi quan về tương lai.
Đôi khi, hãy lặng lẽ lắng nghe hay ngửi mùi hương, chớ phê phán gì, chỉ nghe là nghe và chỉ ngửi là ngửi. Bạn sẽ nhận ra những giây phút tỉnh thức và hạnh phúc khác lạ, nhưng chớ giải thích gì làm chi, cũng chớ níu kéo hay xua đẩy các cảm thọ buồn/vui, ưa/ghét.
Hãy tỉnh thức với từng cử chỉ đang làm trong hiện tại, và giữ tâm thư giãn, sống với “tâm đang là” chớ không phải sống với “tâm phải là” và cũng chớ sống với “tâm cần là.”
Hãy ý thức về các thức ăn thích nghi với cơ thể, và khi ăn hãy nhai thật chậm, tỉnh thức.
Có khi bạn ngồi, hay nằm, hãy thở nhẹ nhàng, và hướng tâm scan cơ thể, hướng tâm rất chậm nghĩ về từng nơi trên cơ thể, chậm chậm từ chân hướng lên đầu. Chỉ cảm thọ từng nơi thôi. Có những ngày, không đối trị được căng thẳng, vì trong đời có khi bạn phải hứng chịu những sân si vô lý từ người khác (kể cả người mà bạn quý trọng hay yêu thương), bạn hãy đứng dậy đi bộ vài phút ngoài trời, quan sát cảm thọ trên từng làn da.
Tập Thiền tỉnh thức một thời gian, bạn sẽ cảm thấy dễ tập trung tư tưởng hơn, dễ giữ tâm bình lặng thư giãn hơn, tự biết cách đối trị căng thẳng. Lúc đó, hãy tìm kinh sách Phật giáo để đọc, để hiểu tận tường hơn về giáo lý giải thoát - và bạn sẽ thấy hạnh phúc vô cùng tận trong từng khoảnh khắc một.
Như thế, trong khi thế giới chỉ có một Ngày Ý thức về căng thẳng trong một năm, bạn sẽ có trọn năm toàn bộ tới 365 Ngày Hạnh phúc với tỉnh thức.
Nguyên Giác
Nguồn: GNO
|
- Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
Thiền học Luy Lâu không còn, và nên không còn được hiểu là khởi nguyên của Thiền học Việt Nam, mà là suối nguồn của Thiền học Việt Nam. Có lẽ Phật giáo Việt Nam cần trở về cội nguồn của Luy Lâu và Yên Tử để tìm thấy mình và bắt gặp lại niềm tin và tự hào lịch sử trước khi có thể mở ra hướng phát triển cho hiện tại.
- Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
"Nói đến cuộc sống là vô biên không thể kể xiết nào là vui buồn, khổ đau, hạnh phúc, mệt nhọc, sung sướng… nhưng điều tất yếu là ta phải biết nhận diện nó, để rồi chuyển hoá nó thì tự nhiên cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, thong dong hơn, đừng nói gì đến “Mỗi lần nêu ra một lần mới”. Ví như ban nãy tôi đang đứng giữa trời đất đưa tay chỉ bầy chim én bay lượn trên cao, tay vừa đưa lên thì chúng đã bay xa. Cho nên mỗi chúng ta đừng vội vàng đi tìm cầu mà hãy trân quý cuộc sống trong hiện tại cho thật thi vị nhiệm mầu". (Trích Tâm quán tình người, Thích Pháp Bảo)
- Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
Trong các loài hoa báo xuân thì mai là người gõ cửa, khi chỉ mới vào độ đầu tháng Mười một âm lịch đã thấy lác đác những nụ mầm bật lên, e ấp trong gió đông còn đang xám xịt giữa cô liêu rét buốt, ẩm ướt mưa phùn. Nhưng, phải đợi đến tận những ngày cuối tháng Chạp, mai mới ủ đủ nhựa cho một đợt mãn khai đón Tết đến, xuân về.
- Đôi dòng xúc cảm
Từng lời, từng câu, từng chữ trong bài: Đôi dòng xúc cảm của tác giả Minh Hà đều chất chứa biết bao tình cảm thiêng liêng của người viết. Nó dường như mang nặng trong lòng của những người con Phật về bốn ân to lớn trong đời sống của mình, đó là ân Quốc gia, xã hội; ân Sư trưởng; ân phụ mẫu và ân vạn loại chúng sinh. Từ đây, tác giả đã bước chân vào con đường đạo, từ bỏ mọi danh lợi thế gian, sống một đời sống phạm hạnh, tri túc thường lạc, với mong muốn giản dị là đem lại sự an vui và hạnh phúc mọi người.
- 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
- Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
Có một ngôi chùa, nhân vì thờ một xâu chuỗi Phật Tổ từng đeo mà nổi tiếng.
- Em nên đi tu hay lấy chồng?
Dù em là ai đi chăng nữa, nhưng trong em luôn có tâm thiện, sống có đạo đức thì đó chính là mình có hiếu với bố mẹ rồi. Nói chung, việc báo hiếu nó biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau em ạ. Chứ không phải đi tu là bất hiếu, và lập gia đình là có hiếu đâu em nhé.
- Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
Trong diễn văn của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết tại buổi khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình Hà Nội, sáng ngày 14.5.2008 đã khẳng định:
- Bình an giữa cuộc đời
Bình yên không có nghĩa là đi đến một nơi không có tiếng ồn, không có khó khăn, không cực nhọc. Bình yên là giữa một không gian yên ả, thanh bình, chỉ có tiếng chuông chùa buông trong thinh không làm tâm ta tĩnh lặng, dễ chịu. Bình yên là khi ta biết tìm về với Phật, tìm về nương náu dưới ngôi Tam Bảo để tu thân hành thiện, để cho cuộc đời mình sống có ý nghĩa hơn.
- Ăn và Đạo Pháp
Ăn cũng là một giải pháp của tiến hoá trong mục đích duy trì sự tuôn chảy của dòng sông sự sống vô hình, bằng cách các sinh vật phải chiếm đoạt sinh-khối của nhau để duy trì cuộc sống. Hiện tượng này tạo thành khái niệm sinh học về "chuỗi thức ăn" hoặc "tháp thức ăn" trong sinh quyển . Ăn là hiện tượng tự nhiên như nó là, ăn là một điều-kiện-tính của tồn sinh và ăn đã điều-kiện-hoá sự tồn sinh của mọi cá thể, mọi loài sinh vật.
|