Chi tiết tin tức

TT. Chân Quang giảng pháp chủ để ''Hai hạng Người''

15:42:00 - 11/10/2017
(PGNĐ) -  Tối ngày 15/08/năm Đinh Dậu, nhân đại trai đàn chẩn tế cầu nguyện “Âm dương đều lợi lạc”, TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã thuyết giảng đề tài: HAI HẠNG NGƯỜI, với sự tham dự trên 3000 phật tử gần xa.

Năm nào, vào dịp trung thu, Thiền tôn Phật Quang đều tổ chức lễ trai đàn cầu siêu chẩn tế thật trang nghiêm long trọng. Theo Thượng tọa, chúng ta phải cầu siêu cho người cõi âm, vì biết rằng trong thế giới này ngoài người sống thì còn người đã khuất, họ vẫn nhìn, vẫn ngóng đợi chúng ta. Tuy nhiên, vì không thấy nên ta không bận tâm đến họ, trong khi họ vẫn cần ta quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ. Và bổn phận của chúng ta phải thương người sống đã đành, ta còn phải thương những người đã mất. Mà người nào mở được lòng từ vô hạn như vậy thì công đức rất lớn, nếu có tu tập, ta sẽ có thêm công đức để chứng Thánh quả. 

Đi vào nội dung bài Pháp thoại, quan sát cuộc sống, chúng ta dễ dàng thấy có hai hạng người thuộc nhiều phạm trù khác nhau, chẳng hạn:

- Loài người được chia ra làm hai hạng: người có tin và người không tin nhân quả. Và những người tin nhân quả vẫn là số ít, còn lại số đông là những người không tin tội phúc, không màng nghiệp duyên. Đó là lý do mà thế giới vẫn chưa hạnh phúc, vì người ta vẫn mưu mô, tàn ác với nhau. Nếu thế giới này ngập tràn niềm tin hiểu nhân quả, ta sẽ thấy cõi đời thiện lương hạnh phúc hơn rất nhiều, vì con người tự biết phòng hộ thân khẩu ý của mình, không dám làm điều ác dù nhỏ nhặt nhất.

Tuy nhiên, thực tế nhiều người đã phủ nhận nhân quả chỉ vì khoa học chưa chứng minh được. Họ quên rằng trong khoa học vẫn tồn tại những mệnh đề không chứng minh được, chỉ chấp nhận rồi ứng dụng mà thôi, ví dụ như tiên đề Euclid, lực hấp dẫn giữa vạn vật, sóng hấp dẫn v.v… Cũng vậy, Luật Nhân Quả là điều không chứng minh được, nhưng phải chấp nhận vì đó là sự công bằng tự nhiên của vũ trụ. 

Khi Newton phát hiện ra vạn vật hút lẫn nhau, thế giới này từ đó đã được mở ra bao điều mới mẻ. Luật Nhân Quả cũng vậy, nếu quốc gia nào chấp nhận sự tồn tại của nhân quả, nhanh chóng đem Luật Nhân Quả dạy lại cho học sinh thì quốc gia đó sẽ đặt chân vào nền khoa học mới, mở ra điều kì diệu cho thế giới. Cho nên những người tin nhân quả là đang mở đường cho một nền văn minh mới của thế giới, còn người không tin hiểu nhân quả thật sự đang kéo thế giới trì trệ lại. 

- Rồi người tin nhân quả lại chia làm hai hạng: một hạng hướng về mục tiêu vô ngã, một hạng không hướng về vô ngã. 

Ta biết rằng ai tin nhân quả rồi đều sống yêu thương, giúp đỡ, nhẫn nhục, chịu đựng, độ lượng, cống hiến, phụng sự nên dần dần phước của họ ngày càng lớn. Khi có phước lớn rồi, từ đó con người lại tiếp tục tách làm hai hạng. Một hạng là người hướng về vô ngã, họ vẫn khiêm nhu, không chấp công, tiếp tục phụng sự, tìm cầu giải thoát. Còn một hạng không hướng về vô ngã thì phước lớn đến đâu, bản ngã lớn theo đến đó. Nói nôm na là giàu rồi, địa vị lớn, tài năng lớn rồi… buộc phải kiêu ngạo. Đó là nguyên tắc, và khi ta nổi bật bởi ưu thế nào, ta luôn kiêu mạn vì điều đó.

- Người hướng về vô ngã cũng chia làm 2 hạng: biết tu thiền và không biết tu thiền. Người tu thiền chiếm số ít, nhưng luôn luôn phải thiền định thì ta mới đi đến vô ngã được. 

- Người tu thiền lại chia làm hai hạng: người có nền tảng Công đức - Đạo đức - Khí công và người không có nền tảng này. Mà khi thiếu vắng ba nền tảng căn bản này thì công phu thiền định của ta rất mong manh yếu ớt. 

+ Đạo đức thì ta nói suốt kiếp này cũng không hết. Đạo đức là cái thiện, mà cái thiện và cái định thì rất gần nhau.

+ Về công đức, ta biết rằng cái phước hỗ trợ rất nhiều cho công phu thiền định, phước đến đâu tâm yên đến đấy. Ngay cả những vị Bồ tát đã chứng đạo rồi vẫn phải siêng năng tạo phước rất nhiều.

+ Khí công là những động tác tập luyện nhẹ nhàng, kết hợp với hơi thở để làm phát sinh nội lực. Nội lực này hiệu quả gấp mười lần ngoại lực. Hít vào một phần, thở ra 5 phần theo nguyên tắc dịch lý. Dần dần hơi thở mềm mại đó trở thành nội lực. Từ nội lực này ta ngủ ngon hơn, cơ thể dẻo dai hơn, dứt hẳn một số bệnh, và ngồi thiền có kết quả hơn. 

Tóm lại, với những đạo lý đi thẳng vào hiện thực cuộc sống cũng như việc tu tập đã được Thượng tọa chia sẻ, phân tích cặn kẽ cho các phật tử nắm rõ về hai hạng người có tính chất đối lập nhau. Qua bài Pháp thoại mọi người càng vững niềm tin với nhân quả để tu tập thăng tiến và có đủ niềm tin để bước vào cuộc đời mà không bị dao động. Thật vậy, chúng ta không thể ỷ lại cầu xin để có thể tìm thấy được hạnh phúc, sự may mắn hay đạo quả mà phải gieo những nhân lành như: thương người, giúp đời, gây tạo công đức,tinh tấn thiền định thì quả báo sẽ đến với ta là vô số điều hạnh phúc. 

Do vậy, một khi chúng ta lĩnh hội được những đạo lý Phật dạy; Thầy dạy, Chúng ta cần học và nhớ suốt đời những đạo lý này, dù rằng cả đời chúng ta cũng chưa học hết và làm được những điều này, nhưng hãy cố gắng từng bước gieo nhân lành. Rồi có một ngày ánh mặt trời sẽ bừng sáng trong chúng ta.

Đươc biết, trước buổi thuyết Pháp có phụ diễn chương trình giao lưu văn nghệ giữa  võ sư Chu Tấn Cường, nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn, Chúng thanh niên phật tử Phật Quang TP HCM. Chương trình gồm có: hát, hát múa, hòa tấu đàn (Piano, Guirta, Saxophone), múa lân, biểu diễn võ thuật, khí công.

Ấn tượng nhất trong chương trình giao lưu là màn hoà tấu của Thượng tọa Trụ trì (Piano); Võ sư Chu Tấn Cường (Guirta), và chú Trần Mạnh Tuấn (Saxophone). Đó là những nghệ sĩ tài năng đã tạo nên một bản nhạc hòa tấu thật tuyệt vời, mọi người lắng nghe và cảm nhận bằng cả tâm hồn, họ như tìm lại chút bình yên giữa cuộc sống đầy bận rộn, hối hả này. Qua đó cho thấy sự sáng tạo nghệ thuật của con người là không giới hạn./.

 

Tâm Trụ

Nguồn: PTVN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin