Chi tiết tin tức

Nam Định: Trường hạ chùa Cả tổ chức bồi dưỡng kiến thức về QPAN và luật tín ngưỡng, tôn giáo.

17:07:00 - 22/09/2017
(PGNĐ) -  Chiều ngày 21.9, Hạ trường chùa Cả (Thánh Ân), thành phố Nam Định đã tổ chức buổi bồi dưỡng kiến thức về Quốc phòng - An ninh và Luật Tín ngưỡng Tôn giáo cho các hành giả an cư và Phật tử.

Các đại biểu tham dự buổi bồi dưỡng

 

Tham dự buổi bồi dưỡng có TT. Thích Giác Vũ, Chánh Văn phòng BTS GHPGVN tỉnh, Ban lãnh đạo Hạ trường; TT. Thích Thanh Thinh, ĐĐ. Thích Thanh Phúc, Thanh Đường, Thanh Giang, Ban Duy Na Hạ trường; Ni sư Thích Đàm Hiền, Phó BTS GHPGVN tỉnh, Ban lãnh đạo Hạ trường và toàn thể 105 hành giả đang an cư kết hạ cùng đông đảo Phật tử.

Về phía chính quyền có sự tham dự của ông Nguyễn Mạnh Hải, Phó ban Tôn giáo Sở Nội vụ; ông Vũ Anh Tuấn, PCT UBMTTQVN thành phố; Trung tá Tiêu Quang Dưỡng, Trưởng ban Tuyên huấn BCHQS tỉnh; Trung tá Nguyễn Bá Thịnh, Chỉ huy trưởng BCHQS thành phố; Trung tá Ngô Anh Đức, Chính trị viên  BCHQS thành phố; Trung tá Bùi Đức Lâm, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng BCHQS thành phố và đại diện các ban, ngành.

 

Trung tá Nguyễn Bá Thịnh, Chỉ huy trưởng BCHQS thành phố phát biểu khai mạc

 

Phát biểu khai mạc buổi bồi dưỡng, trung tá Nguyễn Bá Thịnh, Chỉ huy trưởng BCHQS thành phố cho rằng xuất phát từ những diễn biễn phức tạp về tình hình biển Đông, Trường Sa và Hoàng Sa trong thời gian qua đặt ra công tác tuyền truyền về biển, đảo cần được tăng cường và đi vào chiều sâu. Qua đó nâng cao nhận thức cho toàn dân, trong đó có các Tăng Ni Phật tử trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc là vấn đề mấu chốt hiện nay. Cần tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và từng bước khẳng định được vai trò nòng cốt trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo trong cả nước; tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, trung tá Nguyễn Bá Thịnh nói.

 

Trung tá Tiêu Quang Dưỡng, Trưởng ban Tuyên huấn BCHQS tỉnh chia sẻ về tình hình biển, đảo hiện nay

 

Trong tiết đầu, toàn thể đại chúng đã được lắng nghe sự chia sẻ của trung tá Tiêu Quang Dưỡng, Trưởng ban Tuyên huấn BCHQS tỉnh. Ông cho rằng trước hết tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư duy của các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức chính trị xã hội và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là vấn đề cốt lõi trong thực hiện thắng lợi NQTW4, khóa X: “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Qua đây, ông cũng trình bày làm rõ những vấn đề có tính pháp lý để khẳng định chủ quyền các vùng biển, đảo của nước ta theo Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982, các văn bản pháp luật của Việt Nam; nhất là cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Làm rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết tranh chấp trên biển và kết quả giải quyết về biên giới trên biển giữa Việt Nam với các nước có liên quan; tập trung hướng vào mục tiêu cao nhất là khẳng định chủ quyền, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong mọi tình huống, giữ vững môi trường hòa bình trên biển, tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa các nước, tránh bị lôi kéo kích động, lợi dụng chia rẽ. Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đối phó với các tình huống xảy ra và định hướng nhận thức tư tưởng kịp thời cho nhân dân. Đặc biệt đối với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần quán triệt và nắm chắc quan điểm đối ngoại quân sự của Đảng trong tình hình mới theo tinh thần chỉ đạo “8k” (Kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích, kiềm chế, không để nước ngoài lấn chiếm và không để xảy ra xung đột, đụng độ); “4 tránh, 3 không” (“4 tránh”: tránh xung đột về quân sự, tránh bị cô lập về kinh tế, tránh bị cô lập về ngoại giao, tránh bị lệ thuộc về chính trị; “3 không”: không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, không sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực”.

 

Toàn cảnh buổi bồi dưỡng

 

Trong đấu tranh bảo vệ biển đảo, chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh, kiên trì biện pháp hòa bình với phương châm 6 chữ K: Kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không mắc mưu, không khiêu khích, không để xảy ra xung đột vũ trang.

"Nhưng sau hết, nếu bất kỳ nước nào đem chiến tranh đến thì chúng ta sẽ phải trở lại với chữ K đầu tiên: Kiên quyết bảo vệ đất nước mình", trung tá Tiêu Quang Dưỡng nói.

 

Chư Tôn đức Tăng Ni tham dự buổi bồi dưỡng

 

Các tư liệu cho thấy các nhà nước Việt Nam, từ thời kỳ phong kiến đến thời kỳ XHCN hiện nay, đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Đó là một quá trình liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu, đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được soạn vẽ, xuất bản từ thế kỷ 16 đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Các nhóm tư liệu chính như: Phiên bản của các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam cộng hòa ban hành trong thời kỳ 1954 - 1975, tiếp tục khẳng định quá trình quản lý hành chính, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Sưu tầm gồm 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ 17 đến nay…

 

Chư Ni chăm chú lắng nghe báo cáo viên trình bày

 

Đáng chú ý có 4 cuốn atlas do nhà Thanh và chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản (Trung Quốc địa đồ, Trung Quốc toàn đồ, Trung Quốc bưu chính dư đồ, Trung Hoa bưu chính dư đồ).

Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ atlas. Cương giới cực Nam của Trung Quốc trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam mà không hề nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa.

Biển, đảo có vị trị chiến lược rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Bảo vệ biển, đảo, thềm lục địa là nhiệm vụ và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng và kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh chính trị, kinh tế, pháp lý và ngoại giao. Đồng thời đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về biển, đảo là yêu cầu cấp thiết hiện nay; qua đó góp phần giữ vững an ninh trật tự trên biển và khẳng định vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 

Ông Đặng Lê Ta, Phó phòng Nghiệp vụ ban Tôn giáo Sở Nội Vụ đã chia sẻ về các nội dung cơ bản của Luật tín ngưỡng tôn giáo

 

Tiếp theo, tiết hai, Phó phòng Nghiệp vụ ban Tôn giáo Sở Nội Vụ Đặng Lê Ta đã chia sẻ về các nội dung cơ bản của Luật tín ngưỡng tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016 gồm 9 chương 68 điều Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Đây là lần đầu tiên, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được luật hóa một cách cụ thể, đầy đủ thành một chế định riêng và có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo năm 2004.

 

Các Phật tử cùng tham dự khóa bồi dưỡng

 

Qua buổi bồi dưỡng này nhằm quán triệt các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà Nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời phổ biến, hướng dẫn các văn bản pháp luật, giúp cho Tăng Ni Phật tử nêu cao tinh thần cảnh giác với các hoạt động  trái với pháp luật của Nhà nước, gây mất ổn định an ninh chính trị tại địa phương.

Liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước. Cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; còn ở địa phương thì Ban Tôn giáo Sở Nội vụ sẽ chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân tỉnh trong việc thực hiện quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo số 21/2004/UBTVQH11 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

 

Tin: Giác Vũ - Ảnh: Bảo Chân

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin