Chi tiết tin tức

Cao Bá Quát và thơ tả cảnh chùa

23:05:00 - 08/03/2024
(PGNĐ) -  Cao Bá Quát là nhà Nho, nhà thơ lớn của dân tộc. Đằng sau con người tài hoa ngang tàng tự phụ là cả tấm lòng yêu nước thương dân. Trong thơ chữ Hán của ông, chúng ta bắt gặp rất nhiều bài thơ tả cảnh chùa với tình cảm chân thành ngợi ca, cùng nhiều suy ngẫm nhân sinh. Cảnh đẹp chốn thiền môn và triết lý, văn hóa Phật giáo vừa nâng đỡ ông trên cuộc đời hoạn lộ nhiều thăng trầm khổ ải chán ngán, vừa là nguồn mạch giúp thơ ca của thi sĩ họ Cao giàu giá trị hiện thực nhân đạo sâu sắc. Ít có nhà Nho – quan lại nào làm thơ tả cảnh chùa nhiều như Cao Bá Quát. Hiện tượng các nhà Nho – quan lại tiếp thu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo trong sáng tác văn học khá phổ biến trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX.

TỪ NHỮNG BÀI THƠ TẢ CẢNH CHÙA
Cao Bá Quát (1809-1854) tự Mẫn Hiên, hiệu Chu Thần, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay ngoại thành Hà Nội). Ông là nhà Nho học rộng, đỗ Cử nhân và làm quan dưới thời nhà Nguyễn, triều Tự Đức. Ông cũng là nhà thơ lớn của dân tộc với những sáng tác chủ yếu bằng thơ chữ Hán.

Trong tâm niệm, nhiều người thường nhớ đến Cao Bá Quát như một nhà Nho tài hoa tài tử, khí phách ngang tàng, tự phụ. Ý niệm ấy càng được củng cố khi ông trở thành nguyên mẫu để nhà văn Nguyễn Tuân xây dựng nên nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù nổi tiếng. Cộng với nhiều giai thoại thêu dệt khí phách ngang tàng, tự phụ của ông, dám xem thường cả vua và cái chết; như chuyện lúc gươm kề cận cổ, ông đã chẳng khiếp sợ mà còn ngâm vang lên:
“Một chiếc gông cùm chân có đế,
Ba vòng xích sắt bước thì vương” [1].

Kỳ thực, đọc thơ Cao Bá Quát, nhất là mảng thơ chữ Hán, chúng ta nhận thấy một con người tài hoa mang trí tuệ và tâm hồn rộng lớn, sâu sắc, cùng tình cảm sâu đậm với đất nước, người dân nghèo khổ, nhất là quê hương, gia đình. Đặc biệt, chúng ta còn dễ dàng bắt gặp rất nhiều bài thơ ghi lại cảnh nhà thơ đi vãng cảnh chùa, ghé thăm chùa, ở trọ tại chùa, dẫn bạn đi chùa, đề thơ lên vách chùa,… với tất cả tình cảm mến yêu chân thành thuần hậu của một danh Nho trước vẻ đẹp thanh tao tú nhã của chốn thiền môn, danh lam thắng cảnh đất nước. Nhà thơ dành nhiều ngợi ca những ngôi chùa đẹp nổi tiếng khắp nơi, từ bắc đến nam như: chùa núi Dục Thúy (Quá Dục Thúy sơn), chùa Trấn Vũ (Đồng chư hữu đăng Trấn Vũ tự chung lâu), chùa Thiên Quang (Quá Thiên Quang tự, thương Lê triều cố cung), Nam Tào sơn tự (Du Nam Tào sơn tự, lân thượng ký vọng đề bích trình Thúc Minh), chùa Sài Sơn (Vân du Sài Sơn, vũ hậu đăng sơn đề bích), chùa Tích Sơn (Đồng Minh Trọng du Tích Sơn tự), chùa Diên Phúc (Di ngụ Diên Phúc tự),…
“Trời đất có núi ấy,
Muôn thuở có chùa này.
Phong cảnh đã kỳ tuyệt,
Lại thêm ta đến đây.
Ta muốn lên đỉnh núi,
Hát vang gửi trời mây.
Ao ước mà không được,
Ấy lẽ thường xưa nay”.

                     (Qua núi Dục Thúy) [2]

Phải có một tình mến yêu đặc biệt và tâm hồn nhạy cảm với cảnh đẹp thiền môn và Đạo Phật, ông nhà Nho – quan lại họ Cao mới ghé thăm nhiều ngôi chùa và viết được nhiều bài thơ hay như thế. Không chỉ ngợi ca cảnh đẹp an nhiên thiền tịnh, nhà thơ còn bày tỏ nhiều suy ngẫm về cuộc đời, thấm đẫm tinh thần – nhân sinh quan Phật giáo. Thi sĩ tìm thấy ở cảnh vật chùa chiền tâm an tĩnh bất biến giữa thế sự thăng trầm quay cuồng của lịch sử.
“Vinh khô tứ thập dư niên sự
Chỉ hữu hà hoa tự cựu hồng”.

                    (Hương Giang tạp vịnh,
                    thập tứ thủ tuyển nhất)

Dịch nghĩa:
Thịnh suy bốn chục năm qua
Riêng sen vẫn giữ màu hoa đỏ hồng [3].

Chứng kiến cảnh bể dâu của Thăng Long, Bà Huyện Thanh Quan cất tiếng hoài vọng triều Lê và gửi gắm nỗi đau “cảnh đó người đây luống đoạn trường” (Thăng Long thành hoài cổ). Còn danh sĩ họ Cao trước cảnh:
“Liễn lộ tinh kỳ không thử địa,
Giao đàn thảo thụ tự thu phong.”
(Cờ giong lối ngự này nơi cũ,
Cỏ áy đàn giao, mặc gió thu)

Hiện tượng các nhà Nho, quan lại tìm đến với Phật giáo, tiếp thu tư tưởng tình cảm triết lý nhà Phật khá phổ biến và lý thú, cần tìm hiểu trong lịch sử văn học dân tộc, nhất là giai đoạn thế kỷ XVIII – XIX.

Đã tìm được điểm tựa trước cuộc đời tục lụy dâu bể là tiếng chuông chùa Thiên Quang và hạnh ngộ với sư thầy như một “bạn thơ” quen biết:
“Việc cũ trăm năm thương bóng xế,
Lòng trần một điểm thoảng chuông đưa.
May còn gặp gỡ người quen biết,

Sư cụ đây là một tướng thơ”.(Qua chùa Thiên Quang, cảm thương cung điện cũ triều Lê,Vũ Mộng Hùng dịch) [4].

Nhờ đó, khách lạ thành khách quen, ông quan họ Cao có nơi trú thân và an tâm trên bước đường rong ruổi. Ông đã tự nhận mình yêu cảnh chùa yên tĩnh “Tọa ái thiền môn sự sự u” (Vân du Sài Sơn vũ hậu đăng sơn đầu đề bích, bài I), học theo Phật tay cầm hoa sen mỉm cười để tự biết mình “Thủ bá liên hoa tiếu tự tri” (Vân du Sài Sơn vũ hậu đăng sơn đầu đề bích, bài II), tự nhận mình là khách lâu khách quen của chùa (Di ngụ Diên Phúc tự), xem mình có cuộc sống thanh đạm như Tăng (Bệnh trung):
Cửu khách tri giai xứ,
U cư tá phạn đài.
                    (Di ngụ Diên Phúc tự) [5] (Làm khách lâu nên biết được chỗ tốt,
Mượn nhà chùa làm chỗ ở yên tĩnh).

Cao Bá Quát (1809-1854) tự Mẫn Hiên, hiệu Chu Thần, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay ngoại thành Hà Nội). (Ảnh: sưu tầm)

ĐẾN TINH THẦN TRIẾT LÝ PHẬT GIÁO THẤM ĐẪM TRONG THƠ CAO BÁ QUÁT
Với trí tuệ và tâm hồn rộng mở, nhà Nho Cao Bá Quát đã ít nhiều thấm nhuần triết lý nhà Phật, giúp ông nhận chân được đời sống, nhất là con đường công danh đầy bế tắc và khổ nhục của mình, của đông đảo nhà Nho thời đại nửa cuối thế kỷ. Các nhà Nho thường vịnh cảnh tứ thời mai, lan, cúc, trúc – những loài cây tượng trưng cho cốt cách, tiết tháo người quân tử. Còn Cao Bá Quát, không phải ngẫu nhiên hay tả hoa sen với cảnh chùa chiền, ngợi ca hoa sen là loài hoa cao quý nhất, ngâm nga với sen trong chùa:
“Làm hoa nên làm sen,
Hương thương thân thẳng dáng ưa nhìn.
Bùn vàng năm đấu nước một thước,
Phong cách dường như chiếm cõi riêng”.

(Ông Di Xuân, vì có chậu sen bị gió thu làm xơ xác, có thơ gửi cho, ta theo vần làm bài ca họa lại, Vũ Mộng Hùng dịch thơ) [6].

Liên kháp mãn trì khai
Ngâm hứng bồ biên tọa”
                        (Di ngụ Diên Phúc tự)
(Hoa sen gặp lúc nở đầy ao.
Hứng thú ngâm nga ngồi bên tấm bồ đoàn) [7].

Thật kỳ lạ, là nhà Nho, nhưng Cao Bá Quát lại sớm xem công danh là vòng trói buộc, nỗi khổ nhục, là hư danh, là đường cùng. Ông không ham muốn làm quan “Đầu cầu xe ngựa ta nào tưởng” (Buổi sáng qua sông Hương), mà thổ lộ chí hướng “Thanh nhàn cam vụng dại, Hư không ấy chí mình” (Sắp về đến quê). Dẫu vậy, ông cũng như hầu hết thanh niên trí thức thời ấy phải bước trên “cùng đồ” (đường cùng) như một sự bế tắc của thời đại, bước đi mịt mù như người đi trên bãi cát (Sa hành đoản ca).
“Đời ta vì chữ danh,
Mười năm uổng miệt mài.
Một chút tên trên bảng,
Phờ phạc cả con người”.

(Viết hôm nhận được thư nhà, Hoàng Tạo dịch thơ) [8]

Trong nhà thơ họ Cao, lý tưởng thờ vua giúp nước thật mờ nhạt thậm chí không thấy; thay vào đó là khát vọng tự do, yêu chuộng danh lam thắng cảnh, lòng thương yêu con người, gia đình, bè bạn… Ông đặc biệt rung cảm, xót xa trước những cảnh đời nghèo khó, những người dân lao động cực nhọc với sự đồng cảm sâu sắc, với tình thương mang đậm chất từ bi nhà Phật, không hề có chút bóng dáng một ông quan ngang tàng tự phụ ở đây. Từ ngày anh ra đi (Tự quân chi xuất hĩ), Thợ tát nước trên đồng cao buổi sáng (Hiểu lũng quán phu), Cô gái về qua cầu chiều (Mộ kiều quy nữ), Đi đường gặp người đói, Người vác hòm, Người ăn xin (Cái tử)… là những bài thơ tiêu biểu làm nên mảng thơ hiện thực trữ tình xuất sắc của Cao Bá Quát, vượt xa văn chương cử tử đầy rẫy ước lệ lúc bấy giờ. Mộ kiều quy nữ (Cô gái về qua cầu chiều) mang tính hiện thực và nhân văn cao độ. Nhìn thấy một cô gái qua cầu trong trời chiều gió rét, nhà thơ thấu hiểu và cảm thương cảnh ngộ cô gái đã phải cầm cố chiếc áo để mua cám về cho người nhà đang cơn đói và tựa cửa ngóng trông!
“Tư lường hàn khô vị đương cơ,
Khang ngột như châu khước điển y.
Phong lộ quá kiêu hôn bất ác,
Y môn ưng hữu vọng nùng quy”.

                        (Mộ kiều quy nữ)

Dịch thơ:
“Rét so với đói vẫn còn thua,
Cám đắt hơn vàng, cố áo mua.
Sương gió qua cầu không biết rét,

Tưởng người tựa cửa nóng lòng chờ”.
                     (Nguyễn Văn Tú dịch) [9]

Thật kỳ lạ, là nhà Nho, nhưng Cao Bá Quát lại sớm xem công danh là vòng trói buộc, nỗi khổ nhục, là hư danh, là đường cùng. Ông không ham muốn làm quan “Đầu cầu xe ngựa ta nào tưởng” (Buổi sáng qua sông Hương), mà thổ lộ chí hướng “Thanh nhàn cam vụng dại, Hư không ấy chí mình” (Sắp về đến quê).

Tóm lại, có thể thấy, ít có nhà Nho – quan lại nào viết về cảnh chùa chiền nhiều như Cao Bá Quát. Chắc chắn, không chỉ là niềm mến yêu cảnh vật không khí thanh thoát chốn chùa chiền, mà tinh thần triết lý Phật giáo ít nhiều khuây khỏa, nâng đỡ nhà thơ trên bước đường hoạn lộ quá nhiều thăng trầm lẫn khổ nhục, hiểm nguy mà con người tài hoa này nếm trải từ khi ra làm quan đến khi tham gia khởi nghĩa nông dân. Đọc thơ Cao Bá Quát giúp ta nhận ra rằng, ông là một nhà Nho có nhiều thiện cảm lương duyên với chùa chiền, ít nhiều tiếp thu tư tưởng Phật giáo nhằm bổ khuyết cho phần lý thuyết Nho giáo thực dụng hà khắc cuối thời Nguyễn mà ông đã tiếp thu và chán ngán. Có lẽ, Phật giáo đã giúp ông hình thành nhân sinh quan tích cực và tâm hồn rộng mở phong phú, góp phần tích bồi nguồn mạch thơ ca mang tinh thần nhân văn sâu rộng, làm nên một sự nghiệp thơ ca đặc sắc, giá trị trong khuynh hướng hiện thực từ thế kỷ XVIII đến 1858. “Thơ chữ Hán trong thi tập của các nhà Nho giai đoạn này đúng là một bức tranh hiện thực đa dạng, sinh động về cuộc đời. Các bài thơ của họ đã hướng đến cuộc sống bần cùng của người dân nghèo và cảm thông với số phận của họ” [10].

Hiện tượng các nhà Nho, quan lại tìm đến với Phật giáo, tiếp thu tư tưởng tình cảm triết lý nhà Phật khá phổ biến và lý thú, cần tìm hiểu trong lịch sử văn học dân tộc, nhất là giai đoạn thế kỷ XVIII – XIX, tiêu biểu như: Phạm Thái, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh,…

 

Quảng Định/TCVHPG418

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:
* Th.S Nguyễn Văn Tường, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Pi Năng Tắc, Ninh Thuận.
[1] Trịnh Vân Thanh (2008), Từ điển thành ngữ – điển tích – danh nhân, Nxb. Văn học, tr.90.
[2] Kiều Văn tuyển chọn (2005), Thơ Cao Bá Quát, Nxb. Đồng Nai, tr.15.
[3] Kiều Văn tuyển chọn (2005), Thơ Cao Bá Quát, Nxb. Đồng Nai, tr.102.
[4] Kiều Văn tuyển chọn (2005), Thơ Cao Bá Quát, Nxb. Đồng Nai, tr.169.
[5] Vũ Khiêu tuyển dịch và giới thiệu (2010), Thơ văn Cao Bá Quát, Nxb. Hà Nội. tr.118.
[6] Kiều Văn tuyển chọn (2005), Thơ Cao Bá Quát, Nxb. Đồng Nai, tr.205.
[7] Vũ Khiêu tuyển dịch và giới thiệu (2010), Thơ văn Cao Bá Quát, Nxb. Hà Nội. tr.118.
[8] Kiều Văn tuyển chọn (2005), Thơ Cao Bá Quát, Nxb. Đồng Nai, tr.30.
[9] Kiều Văn tuyển chọn (2005), Thơ Cao Bá Quát, Nxb. Đồng Nai, tr.135.
[10] Trần Đình Sử chủ biên (2020), Lược sử văn học Việt Nam, Nxb. Đại học Sư phạm, tr.190.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin