Chi tiết tin tức

Bộ quần áo cũ

16:19:00 - 13/01/2016
(PGNĐ) -  Cảm ơn bố, cảm ơn chị, cảm ơn các em đã có lòng bao dung thương yêu. Tôi như sống lại thời thơ ấu, thời mà củ khoai mấy chị em cùng bẻ chia. Đứa nhỏ nhất phần nhiều nhất. Có đói, có thèm thuồng nhưng sao lòng vẫn lâng lâng sung sướng.

Ngần ấy năm làm người lương thiện, nghèo tiền bạc nhưng giàu lòng nhân ái, chắt chiu cần kiệm đã quen nên bố tôi chưa bao giờ tổ chức một cuộc vui nào cho riêng mình. Bố tôi bảo:

– “Ngày trước có ai quan tâm đến ngày giờ là gì đâu. Sinh con đẻ cái cả tháng rồi mới đi làm giấy khai sanh vẫn được nên chuyện mừng sinh nhật sinh nhẽo chỉ là cái cớ để ăn nhậu bù khú của kẻ có tiền, để vòi vĩnh của kẻ có chức. Với bố, mừng như thế là vô nghĩa, không vui vẻ gì”.

Bố tôi là người của muôn năm cũ. Bố có niềm vui trong cuộc sống đạm bạc của bố nhưng chúng tôi thì không thế. Chúng tôi đâu muốn bạn bè cho là cổ hủ, thủ cựu khi dám tách mình ra khỏi cái vòng xoay lung linh sắc màu nhân thế. Ở đó có đủ hỷ nộ ái ố sân si chung sống trong một thế giới không còn hồn nhiên, ngây thơ và rất hiếm thật thà.

Đời là bể khổ, điều đó rõ rồi; bởi giàu sang, quyền cao chức trọng vẫn có nỗi khổ riêng của nó, nỗi lo riêng của nó. Còn tình là dây oan thì có khi đúng khi sai bởi thế gian này ai mà không có tình; nhưng nếu tình nào cũng oan hết thì thật là loạn. Tình mà là oan thì chỉ có tình yêu nam nữ; mà trong tình thì còn có cả tình yêu quê hương đất nước, tình thầy trò, bè bạn… và nhất là tình yêu thương ông bà cha mẹ anh em, họ hàng, chòm xóm. Cái tình này nếu không biết cách cư xử, giữ gìn thì sẽ thành oán chứ chẳng oan uổng gì, nên mấy chị em chúng tôi bàn nhau chờ ngày bố sáu mươi tuổi sẽ làm lễ mừng thọ cho bố thật đàng hoàng.

Vợ chồng tôi lao động vất vả ở thành phố cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc. Đồng lương công nhân chỉ là con ếch ộp so với vật giá là con thỏ chạy nhanh như tên bắn. Rồi thằng Tí, con Bi ra đời khổ càng thêm khổ. Tấm áo vá chằng chịt bằng đủ sắc màu thời gian càng lộ rõ nét cơ hàn, thấp kém. Ngoài những lúc phải đi làm hay đi đâu đó thì cửa nhà tôi luôn đóng im ỉm. Chúng tôi sợ cả bạn bè, người thân bởi chúng tôi không có trà rượu để mời khách. Chúng tôi sợ cái nghèo của mình không kham nổi những lời an ủi, vỗ về; sợ không thể cầm được giọt nước mắt cho dù những lời an ủi vỗ về kia chưa chắc đã phát ra từ đáy lòng.

Trong cái khó ló cái khôn. Vợ tôi có cậu em buôn bán quần áo cũ là loại mặt hàng mà chẳng mấy cấp quản lý nào quan tâm; bởi đối tượng phục vụ của hình thức buôn bán này là khách hàng nghèo, dưới nghèo; nhưng lãi thì vô cùng hấp dẫn. Khi khách đã khoái một món hàng nào đó rồi thì người bán tùy thích bán theo giá mà mình đặt ra, miễn sao người mua không quá đỗi phàn nàn. Đồ cũ mà, hợp nhãn thì mua không thì thôi chẳng việc gì phải lời đi tiếng lại. Nài nỉ thì có nài nỉ nhưng đâu phải dưa muối gì đâu mà sợ ôi thối. Càng làm ra vẻ cóc cần bán thì thiên hạ càng háo hức mua, mua cho bằng được. Đó là một nghịch lý mà những kẻ già tay buôn bán luôn giành phần thắng về mình.

– “Cậu kiếm cho chị bộ vét còn tốt tốt, giá vốn thôi đó nhé, sắp sinh nhật ba thằng Tí”. Vợ tôi bảo cậu em trai.

– “Sinh nhật ảnh hả, hôm nào?”.

– “Cũng chưa gấp gáp lắm đâu cậu nhưng chị dặn trước”.

– “Có mà đầy. Em tặng anh chị một bộ còn mới cứng, màu xanh đen được không?”.

– “Ừ, màu đó trông cũng chững chạc. Nhưng cậu nhớ là không được nói gì với ảnh nhé, ảnh mà biết cậu biếu sẽ không nhận đâu”.

– “Em hiểu rồi”.

Tôi cảm ơn vợ tôi lắm và cả em trai cô ấy nữa. Tôi đâu biết cô ấy đã nói dối em mình là mừng sinh nhật tôi thay vì mừng sinh nhật bố tôi. Tôi trẻ người nhưng cực khổ nên khá hom hem, có khi vòng bụng không bằng bố tôi nhưng chiều cao thì ngót nghét nhau. Thế là ổn rồi. Tôi nghĩ chắc bố sẽ vui lắm. Cả đời quần nâu áo vải, con cái thành đạt, lễ tết, tiệc xóm, tiệc làng mà chỉ mặc mỗi bộ bà ba đen đi dự thì coi sao được. Tôi sung sướng thật sự bởi chính tôi còn chưa có cơ mà. Vợ tôi thì không vậy, cô áy náy thế nào ấy. Cả đời bố vất vả, tảo tần; ngày con cháu mừng thọ mà chẳng có tấm áo ra tấm áo thì thật bất hiếu quá.

– “Hay là mình gởi bộ vét về cho cha dùng trước, chứ đợi đến ngày ấy anh em tề tựu đông đủ lỡ ai phát hiện ra đồ cũ thì xấu hổ lắm anh ạ”.

– “Em nói cũng phải, đành vậy đi”.

Thời gian làm cho người ta dễ dàng chấp nhận những chuyện không đâu vào đâu, những chuyện có thể cười ra nước mắt, vui như mếu. Mấy anh em tôi chưa thống nhất được ngày nào làm tiệc mừng thọ cho bố bởi khi người này có ý kiến là làm luôn trong ngày giỗ mẹ cho tiện thì vấp phải sự chống đối của người kia.

– “Mừng sinh vào ngày buồn tử ấy à. Chẳng ra thể thống gì. Không khéo ông già cảm động quá, lên máu, theo bà luôn thì ăn cho hết”.

– “Ăn với nói! Toàn thứ độc miệng độc mồm!”.

– “Thử xem, hàng xóm không rủa đứng rủa ngồi mới lạ”.

– “Thôi thôi cho tôi xin, mấy người muốn làm gì thì làm”. Chị tôi buồn hiu.

Và cái ngày vui ấy như quy hoạch treo lơ lửng trong ý nghĩ của những người con, trong đó có tôi và vợ tôi.

Tuy vô vàn cơ cực nhưng là con trai duy nhất của gia đình nên tôi không thể không làm một điều gì đó   cho   bố vui     trong ngày trọng đại này. Không trọng đại sao được khi mà đa phần người khuất bây giờ trong cáo phó đều ghi hưởng dương, nghe ra thật thương xót nhưng khá lạnh lẽo. Hưởng dương là từ của người nhà thông báo cho mọi người biết người chết dưới sáu mươi tuổi để mà có cách lễ bái cho thích hợp.

Tôi chọn ngày tháng năm sinh ghi trong chứng minh nhân dân của bà để về mừng thọ cho người. Tôi nghĩ không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy, mỹ vị cao lương những món mà sáu mươi năm qua bố vẫn còn lạ lẫm. Tôi biết bố tôi thích nhất món thịt heo luộc cuốn bánh tráng rau sống chấm mắm nêm. Cái món mà người giàu bây giờ cũng khóc bởi nó là chính nhân gây ra tai biến mạch máu não cho người có huyết áp không ổn định hay béo phì.

Thịt ở chợ quê thì chẳng bao giờ thiếu mà lại rất sạch và tươi. Vợ tôi chọn mua cái đùi trước của con heo nuôi thả rong. Thịt của giống này rất săn chắc, luộc hay nướng đều ngon, ăn rất thơm giòn mà không bã. Thêm vài xị cuốc lủi, vài loại trái cây và bình hoa thập cẩm hái trong vườn thì bữa quê cũng thành bữa tiệc thịnh soạn. Bố tôi vui lắm, luôn chia phần cho cháu con mà chẳng thèm ăn uống gì. Vợ tôi phải đóng vai tiếp viên nhà hàng chăm sóc ông hết cỡ cũng chỉ được ông ăn vài ba cuốn thịt, vài ly cuốc lủi thế thôi.

– “Bố sống đạm bạc quá. Bố phải ăn nhiều vào để sống cùng con cháu chứ”.

– “Thế thôi, ăn nhiều khó chịu lắm”.

– “Lâu lâu mới có dịp vui mà, bố”.

Bố tôi chần chừ, bưng ly lên, để xuống như có ý chờ ai đó.

– “Bố chờ mấy đứa về vui luôn thể”.

Thì ra bố tôi đã gọi điện thoại cho chị và các em của tôi sau khi tôi gọi báo cho bố biết là vợ chồng tôi và các cháu sẽ về. Tôi hơi bất ngờ và kém vui bởi tôi biết chị và các em tôi luôn có thành kiến với vợ tôi. Họ không thích cô ấy bởi cô ấy là người thành phố mà lại nghèo nữa chứ. Họ giận cô ấy bởi cô ấy không phải là gái quê để tôi ưng rồi ở lại làng mà phụng dưỡng bố già. Quả là vu vơ nhưng tôi không có cách gì hòa giải.

Khi gia đình đã sum họp vui vầy thì rượu mới là chất xúc tác giúp người ta hân hoan mở lòng. Chị và các em tôi rất hãnh diện với những món quà đắt tiền mừng thọ cha. Họ tíu tít nói cười với nhau như ngầm bảo tôi ngốc ơi cha mẹ mới là máu mủ nghĩa trọng tình thâm còn vợ chồng như quần áo cởi ra là rồi. Vợ tôi đem ánh mắt mang hình dấu hỏi ra nhìn tôi, tôi đưa ngón tay trỏ đặt ngang miệng mình và lắc đầu. Cô hiểu, tôi sợ những bất trắc không đáng có. Tế nhị thế nhưng đâu qua được mắt người già, cha tôi lẳng lặng vào buồng trong mặc bộ vét mà vợ chồng tôi đã tặng rồi ra khoe với mọi người:

– “Quà của vợ chồng thằng Ba đây. Thấy tụi nó cơ cực quá cha không nỡ nhận nhưng tụi nó cứ ép…”.

– “Đẹp đấy cha ạ, lại vừa vặn sít sao”. Chị tôi có vẻ thật lòng.

– “Em nghe thấy có mùi là lạ”. Hai cô em gái tôi khinh khỉnh hỉnh mũi lên.

– “Mùi gì? Mùi tiền thì có. Phải mấy triệu bạc”. Chị tôi thẳng thắn.

– “Hàng hiệu cũng không tới giá đó”.

– “Hàng hiệu… bún-gà-ry… thì có”. – Cô em út châm chích.

Tôi ngượng chín mặt, tính mắng em vô lễ nhưng dằn được. Vợ tôi nghẹn ngào nhìn chị tôi:

– “Tụi em làm gì ra tiền…”. Rồi không nói được nữa, nước mắt chảy ròng ròng.

Chị tôi nhanh trí tới bẻ cổ áo cha tôi vờ xem rồi nháy mắt với hai đứa em tôi, dõng dạc :

– “Hàng hiệu rành rành đây này”.

– “Không, đồ xôn đấy cô ạ. Của cậu cháu biếu ông đấy”.

Hú hồn hú vía, tôi hóa phỗng. Chị tôi cũng chết trân. Chị không lường trước được rằng hành vi thoả hiệp của chị với các em tôi, dù chỉ bằng ánh mắt, cũng đã bị đứa con trai tôi bắt gặp khi nó ngồi sau lưng các cô nó.

Bố tôi cười cười. Nụ cười khoan dung hướng về đứa cháu:

– “Ông gởi lời cảm ơn cậu cháu nhiều nhé; và cả gia đình bên ngoại cháu nữa. Ông ở quê nên món quà như thế này là quý lắm rồi. Xưa nay, ông chẳng đi tới đâu. Nhưng trước cái tình như thế này, từ nay, bất cứ khi đi đến chỗ nào trịnh trọng, ông sẽ đều mặc cái áo này, để nhớ đến các con các cháu. Ông rất quý cái tình, nhất là sui gia, họ hàng, nội ngoại rồi mới tới xóm giềng”.

Quay qua chúng tôi, giọng bố tôi dịu dàng ấm áp:

– “Cảm ơn các con đã thương bố, lo lắng cho bố. Các con yêu thương nhau như vậy là tốt nhưng bố muốn các con yêu thương nhau nhiều hơn nữa kìa. Dẫu biết đèn nhà ai nấy rạng nhưng anh em như thể tay chân mà, không giúp được gì cho nhau thì cũng đừng tị hiềm nhau làm gì. Mình là người chứ đâu phải gà mà ghét nhau tiếng gáy. Bố có sống thêm được tuổi nào hay không là do các con có thương yêu nhau hay không”.

Nói rồi bố tôi bảo vợ chồng tôi nâng ly chúc mừng bố, chị và các em tôi.

Tất cả chúng tôi cùng đứng dậy, ly chạm ly, mắt chạm mắt cùng hô vang:

– “Một, hai, ba… Dzô…”.

Không khóc nhưng mắt chị tôi và vợ tôi cùng âng ấng nước, họ ôm nhau an ủi vỗ về nhau.

Cảm ơn bố, cảm ơn chị, cảm ơn các em đã có lòng bao dung thương yêu. Tôi như sống lại thời thơ ấu, thời mà củ khoai mấy chị em cùng bẻ chia. Đứa nhỏ nhất phần nhiều nhất. Có đói, có thèm thuồng nhưng sao lòng vẫn lâng lâng sung sướng. Phải chăng sự hy sinh, đùm bọc giúp ta có thêm nghị lực để đứng vững trước mọi bão táp phong ba?■

 

LÝ THỊ MINH CHÂU

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 189

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin