Chi tiết tin tức Gió từ 17:30:00 - 14/01/2018
(PGNĐ) - Trên chiếc xe đẩy tự chế chất đầy những món hàng linh tinh như rổ, thau… bằng nhựa. Vừa đến chân cầu, bất ngờ một cơn gió mạnh thổi thốc, hất tung những vật nhẹ trên xe bay lả tả trông như xiếc. Tre lảo đảo, tròng trành như đang đứng trên đầu ngọn sóng. Cậu bé vội chụp hai tay vịn vào thành cầu. Vài giọt mưa rắc xuống, gió thổi mạnh hơn làm Tre thấy mặt mình ran rát.
Hai tay vẫn giữ chặt thành cầu, cứ thế Tre đưa chân nhích từng chút một tiến về phía trước. Ngoài đường vắng tanh, Tre đảo mắt nhìn quanh tìm kiếm nhưng không có điểm tựa nào vững chãi hơn chỗ này. Tre lẩm bẩm: “Lạy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm. Xin Ngài cứu con!”. … Ở nhà, mẹ Tre hết đi ra lại đi vào. Căn nhà nhỏ nhưng sao thênh thang quá, ruột gan bà cồn cào, bụng như có lửa đốt: “Con ơi, con đang ở đâu? Lạy Phật, xin Ngài từ bi che chở cho con của con”. Hai chân Tre không thể đứng vững nữa. Gió giật mạnh quá. Cậu ngồi thụp xuống. Nếu không, gió sẽ liệng Tre xuống dòng sông nước đang chảy xiết, trôi như từng mảng lục bình đang bị đẩy xô một cách tàn bạo dưới chân cầu. - “Mẹ ơi! Mẹ ở nhà một mình có sao không?” - Tre thầm gọi. - “Con đang ở đâu. Gió lớn quá, sao không thấy con về?”. Đôi tay Tre lạnh buốt, chiếc áo mưa mỏng không đủ che tấm thân gầy trên đôi chân trần khẳng khiu bất lực trước sự cuồng nộ, gầm thét của đất trời. Có lẽ bà mẹ thiên nhiên đang giận dữ bởi sự tàn phá vô cảm của con người. Bầu trời đen sẫm. Gió lặng trong giây lát mà Tre cảm thấy thời gian như ngưng đọng. Tre cố lê từng bước một, tưởng đã thoát nạn, ngờ đâu những luồng gió khác đuổi xô nhau kéo đến phát ra âm thanh như tiếng hú vang dội, làm cây cối ven sông vặn vẹo kêu răng rắc, ngã rạp chồng chéo lên nhau. Những miếng tole bật khỏi mái nhà bay vèo, lướt đi như những chiếc lá rời cành. Gió lại giật mạnh như muốn bứt hai tay Tre ra khỏi thành cầu. Tre ghì thật chặt, môi run lập cập: “ Đức Phật ơi! Cứu con. Con còn mẹ bệnh ở nhà một mình”. Tre mồ côi cha từ nhỏ nhưng được ăn học đầy đủ trong sự bảo bọc tảo tần của mẹ. “Tre” là tên gọi thân thương ở nhà cha mẹ đặt cho, có lẽ để họ nhớ về một miền quê an bình xa lắc. Một hôm đang học ở trường, Tre nghe mẹ bị tai nạn khi xoay đôi quang gánh sang vai thì một chiếc xe trờ tới. Thế là mẹ không còn đôi chân lành lặn ngày ngày với gánh hàng rong nuôi sống hai mẹ con. Tre nghỉ học từ đó. Đôi vai mỏng manh của đứa bé mười bốn tuổi gánh nặng cả nghĩa tình của cha và ân đức sâu dày của mẹ, giữa dòng đời mù mịt về phía tương lai. - “Mẹ ơi! Mẹ ơi!...”. Tre đưa tay quẹt vội lên khuôn mặt lạnh ngắt nhòe nhoẹt những dòng nước mắt hòa quyện cùng nước mưa: “Con chết chắc rồi mẹ ơi!”. Chú bé lịm dần trong giông tố bão bùng. Mẹ vẫn giữ chặt xâu chuỗi hạt trên tay, như nơi xa con cố níu giữ thành cầu - sự nắm níu chông chênh vô vọng giữa lằn ranh sanh tử, giữa sự sống và đức tin trong cùng một tình thương yêu vô bờ. Co ro dưới gầm ván kê sát bàn thờ (may còn có bộ ván của ông bà để lại làm nơi trú ngụ cuối cùng), hai tay mẹ vòng chặt đầu gối và chắp lại. Cả ngày nay chẳng có gì trong bụng; đói và lạnh nhưng ruột mẹ lại nóng cồn cào: “Bão cuốn bay hết rồi Phật ơi, mà sao thằng bé vẫn chưa thấy về”. Trong cơn đau khổ, chết chóc, nguy khốn, Quan Âm đại sĩ, vị thanh tịnh ấy là nơi nương tựa cho bao chúng sanh. Nam-mô Đại từ Đại bi Quan Thế Âm Bồ-tát (Kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn). Mẹ chắp tay rất lâu hướng về phía bàn thờ trống huơ trống hoác, chỉ còn lại duy nhất tượng Bồ-tát như đang lắng nghe lời thiết tha cầu nguyện của bà. Đưa đôi mắt ngân ngấn nước, người mẹ nhìn đăm đăm về phía mảnh vườn nhỏ cây lá tả tơi, trơ gốc, phơi những bộ rễ trắng ngà vương đầy đất ướt - như con người cố níu kéo giành lấy sự sống vốn dĩ mong manh mà phải hứng chịu biết bao gió bụi truân chuyên. Một đời cây cũng giống như đời người: bắt đầu là những nụ mầm, chồi non tơ, ra cành và kết trái đến cằn cỗi, già nua theo quy luật sanh tử, tử sanh. Mẹ đã từng chăm chút mảnh vườn này và thương cây như tình thương dành cho đứa con trai bé nhỏ. Tất cả đã đổ nát, tan hoang, điêu tàn thảm khốc chỉ sau một trận cuồng phong. Và không chỉ có một nhà mà nhiều làng xóm của bà đều chung cảnh ngộ. *** Tre tỉnh dậy giữa nhiều tiếng lao xao chung quanh. Thì ra Tre đang ở trong chùa, còn có khá đông bà con trong xóm nữa. Thầy trú trì mang ra cho mọi người nào mì gói, xôi, chuối, khoai vừa cúng thí thực hôm qua, kèm theo những lời động viên an ủi. Thầy bảo ai bị sập nhà thì tạm ở chùa vài hôm, mặc dầu chùa cũng bị hư hao khá nặng, chỉ còn lại chánh điện và nhà Tổ là nguyên vẹn. Tre cám ơn thầy xong vội vã phóng về nhà trong bộ đồ tả tơi. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau với những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi. Mẹ đưa bàn tay gân guốc vuốt tóc, vuốt mặt con trai trong muôn vàn yêu thương trìu mến, như để cho chắc đây không phải là mơ. Đội ơn Đức Phật vô vàn. Thầy trên chùa quê Tre kêu gọi đồng bào Phật tử cùng quý thầy, kẻ góp của người góp công chung tay góp sức, tạm thời lợp lại vá víu những căn nhà bị tốc mái. Căn nhà nhỏ của mẹ con Tre đã tạm ổn, Tre nhiệt tình theo quý thầy cùng mọi người đi giúp những nhà hàng xóm. Mẹ rất vui khi thấy Tre còn nhỏ mà “có tâm”, dù Tre chỉ biết làm những việc vặt. Cơn bão qua đi để lại rất nhiều đau thương mất mát, từ nỗi đau vật chất đến tinh thần cho những người ở lại. Dầu lớn hay nhỏ, ai cũng có một nơi chốn trú ngụ, đó là nơi gắn kết tình thân như một sự tồn tại hiển nhiên, bỗng chốc biến thành đống vỡ vụn tang thương hay người thân ra đi vĩnh viễn. Có rất nhiều đoàn thể, các chùa… đến thăm mang theo thực phẩm, những tấm tole, cây ván cùng những lời han hỏi sẻ chia để chung tay làm lại từ đầu. Tình người như ấm lại dưới cơn mưa dầm rét mướt. Trong đời, Tre chưa bao giờ có cảm nhận sâu sắc, thấu hết được sự mầu nhiệm của sự sống như hôm nay. Sau những biến cố kinh hoàng đã qua, bằng ý nghĩ thơ dại, Tre thấy mình như bao dung độ lượng hơn với khát vọng muốn làm được nhiều điều có ý nghĩa cho đời, cho người. Như câu chuyện thầy kể cho Tre nghe về cuộc đời tu hành khổ hạnh của Đức Phật, chịu đói chịu khổ ròng rã sáu năm nơi chốn rừng thiêng núi thẳm, chỉ vì Ngài muốn tìm ra con đường giải thoát để cứu khổ chúng sanh. - “Thưa thầy, con muốn đi tu” - Tre rụt rè chắp tay thưa. Thầy mỉm cười hoan hỷ: - “Con hãy lo báo hiếu cho mẹ đã rồi hẵng đi tu cũng không muộn”. Trời quang. Mây tạnh. Giông gió nào rồi cũng đi qua… Phúc Châu
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |