Chi tiết tin tức

Nhà từ thiện

14:28:00 - 17/01/2016
(PGNĐ) -  Tám Hung vừa dựng xe đã lao vào sa-lông và với tay mở quạt. Y mở nhanh cái cà vạt đã như một sợi dây thít chặt cái cổ bự như cổ bò làm y muốn nghẹt thở. Con bé giúp việc đem lên ly nước mát nấu bằng những thứ lá thuốc để hạ bớt nhiệt trong cái thân thể đã muốn nứt ra kia.
Thật ra, y cũng muốn ốm bớt đi một chút để cái thân hình nung núc dư dả của y đừng chỏi lại công việc y đang làm. Hôm nay là một ngày thật sự quan trọng đối với y. Y vừa dự buổi lễ ra mắt Ban Chấp hành Hiệp hội những nhà từ thiện của thành phố mà y lại vinh dự được bầu làm Hội trưởng. Đây là một tổ chức từ thiện “phi chính phủ”, nghĩa là không dính dáng gì tới nhà nước. Tổ chức này lúc đầu chỉ là thành tâm thiện ý của một số người hằng tâm hằng sản và nó đã lan nhanh trong giới giàu có, giới kinh doanh, giới tiểu thương…
 
chia se.jpg

Kể cũng kỳ lạ: nhân loại tạo ra chiến tranh, chiến tranh dẫn tới nghèo đói, bịnh tật và con người lại làm cái chuyện từ thiện. Nghĩ cho cùng, từ thiện là cái hay cái tốt. Cứu người, giúp người thì tốt quá đi chứ! Nhưng chung quanh việc làm đầy ý nghĩa nầy lại phát sinh những cái chẳng đẹp tí nào. Một chuyện đáng để luận bàn: ba của bạn tôi là người thích làm từ thiện và thích phóng sanh, đó là điều tốt, đáng hoan nghênh. Nhưng có một hôm tình cờ tôi được nghe người bán chim tâm sự: “Tôi bắt được không nhiều, nhưng vì ông chủ muốn thả nhiều nên tôi phải cố bắt”. Tôi lại nghiền ngẫm: “Bắt rồi thả, chi bằng đừng bắt”.

Còn trường hợp của Tám Hung cũng đáng cho người ta suy ngẫm: y vốn xuất thân một tay mua đầu chợ bán cuối chợ. Nhưng y có cái vốn trời cho là dẻo mồm dẻo miệng. Khi cần thì thơn thớt nói cười, không được phải nói cho được. Đúng ra y tên Hưng (theo lời kể lại) nhưng không biết mấy ông hộ tịch xưa chữ nghĩa thế nào mà lại biến thành Hung. Y cũng bực bội cái tên này không ít.

Y có một đời vợ trước, hiền hậu đảm đang, y cưới lúc nghèo khó. Hai vợ chồng không con, nhưng đang trong cảnh nghèo cũng không lấy làm khó chịu. Rồi thời cơ đưa đẩy y được nhận vào làm ở một công ty. Thời bao cấp, vốn nhà nước bỏ ra, lời cá nhân được hưởng. Hàng nông sản xuất qua Nhật. Hàng kim khí điện máy rót về, rồi phân bón, thuốc trừ sâu… cửa hàng y độc quyền. Đứa con gái của tay giám đốc mới đem từ dưới quê lên, trở thành cửa hàng phó. Rồi cô ả mê y, mê cái miệng biết nói được lòng người khác.

Y tiến hành ly dị vợ với lý do chánh đáng: Vợ vô sinh. Y bước vào con đường trải thảm. Quyền lực của cha vợ, cái đầu cơ hội của y cộng thêm sự ngu ngốc của người vợ mới chỉ biết vâng lời. Cho đến ngày cha vợ về nghỉ hưu, y đã có một cơ nghiệp riêng cho mình. Vợ y sanh được một đứa con trai nhưng phải mổ và tuyệt sản. Thôi cũng được, con trai thì quý rồi. Tiền bạc có, con trai cũng có và y lại muốn mình là người có tiếng tăm.

Nhân một trận hỏa hoạn, có mấy người bạn đến quyên góp và y lại tìm được một hướng đi cho mình. Y đóng góp một ít và đi dự những cuộc họp. Cái lưỡi không xương của y lại có dịp lấy lòng người nhẹ dạ. Làm từ thiện được một thời gian, y phát hiện ra đây là một nghề “hái ra tiền”. Vậy là y tỏ ra tích cực hơn. Y nhanh nhẩu tìm kiếm những hoàn cảnh khó khăn rồi tìm cách đưa tin lên truyền hình. Người hảo tâm lại đóng góp.

Ở đâu lũ lụt, ở đâu cháy nhà, y đều có mặt. Y từng chứng kiến những tay gian thương đầu cơ tích trữ, buôn gian bán lận đã vênh mặt như thế nào khi bỏ ra một số tiền “chuộc lỗi”. Kẻ mua đủ bán thiếu, người treo đầu dê bán thịt chó… tha hồ đóng góp một ít để tên tuổi mình được nhắc nhở và cơ sở làm ăn của mình cũng được nhắc nhở. Y thấy và y thấu hiểu mọi lẽ để cuối cùng y “ngộ” ra một điều: đây là một nghề mới cũng hái ra tiền được. Tụi nó có là gì đâu, tiền của tụi nó đâu phải mồ hôi nước mắt gì, mình có ăn bớt đi cũng là ăn những đồng tiền dễ kiếm. Vậy là y lại trổ tài. Đầu vô công cố công khai, nhưng đầu ra thì có trời mới biết. Chỉ tội cho những người có tâm thật sự, đã tốn công sức và của cải tiền bạc giúp y mau giàu.

Bữa nay Tám Hung hả hê lắm. Y vừa được bầu lên chỗ cao nhất, vừa được đài truyền hình hứa sẽ tới nhà làm một phóng sự về y. Y sướng rơn. Tổ cha nó, ông mà biết được, ông đã làm “nghề” này lâu rồi. Chuông điện thoại reo vang, một thành viên cho biết phải đi cứu hộ mấy gia đình bị gió lốc vừa qua. Y mỉm cười đắc ý.

*

Nhà Tám Hung có một mảnh vườn trồng đủ loại cây ăn trái và rau. Y có mướn một người làm vườn. Tính ra, y có phước thiệt. Người làm vườn là một lão nông khỏe mạnh và chăm chỉ. Vườn y đủ loại cây trái bốn mùa. Y vốn tính keo kiệt, nếu phải bỏ tiền mua ăn thì phí quá, lại chưa chắc có đồ ngon. Vậy là y trồng: nhãn xuồng hột lép, sầu riêng Thái Lan, mận Ấn Độ, bưởi Năm roi… Ôi thôi! Mùa nào, quả nấy.

Sát rào nhà y là nhà Hai Hưởng, tuổi cũng trạc tuổi y. Độ bề thế tuy không bằng y nhưng trước kia cũng là một tay làm ăn lớn. Hai gia đình lúc mới về đây mua đất, giống như hai địa chủ mới đầy tiền bạc và uy quyền. Hai Hưởng cũng là một tay cơ hội, hợm mình nhưng bề sâu độc thì chưa bằng Tám Hung. Thường thì một rừng không thể hai cọp. Đầu tiên, họ tìm cách đỡ đần nhau để đè bẹp đám dân đen. Vùng đất này là đất chưa khai thác lại ở gần thành phố. Mỗi hộ gia đình lúc đó (thời điểm 1980) có biết bao nhiêu là đất. Tám Hung đi sâu “tình cảm” với những người dân chất phác đó. Y ăn uống, qua lại, nhậu nhẹt với họ và bỏ tiền ra như một người tốt bụng những lúc họ gặp chuyện và đến khi nợ đã nhiều, không còn khả năng trả, y lại “tội nghiệp” mà lấy đất giùm.

Vậy là trong vòng mười năm, từ một nền nhà 120m2, Tám Hung đã sở hữu hơn năm mươi miếng đất lớn có, nhỏ có. Ai cần, y bán. Ai bán, y mua. Mua rẻ, bán mắc và tiền cứ tha hồ chảy vào nhà y như nước lũ. Thời đó, mỗi người dân nếu cần mua bán lại một miếng đất để ở đã phải đội khăn xách áo đi tới đi lui hàng mấy tháng liền, có khi cả năm còn chưa làm xong thủ tục. Còn Tám Hung chỉ ngồi nhà, điện thoại một cú, thằng nhỏ chạy tới, ông lớn chạy lui lăng xăng lo liệu.

Nhà Tám Hung mỗi ngày tiếp đủ loại khách: thượng vàng hạ cám. Y có đủ nước uống để tiếp khách theo từng hạng người và theo lợi nhuận y thu được. Người tới xin làm công ty (y mướn rất nhiều người làm những công trình liên quan tới đất đai của y) thì uống trà, ly nước lạnh. Người tới vay tiền thì được mời ngồi yên một chỗ chờ chủ nhà đang tiếp khách ở nhà trên. Mấy tay chánh quyền có đầu có đũa thì bia lon, rượu nhập. Y thơn thớt nói cười để không ai phật ý.

Hai Hưởng có một thằng con trai cũng trạc tuổi con y, tánh tình rắn mắt, hay phá phách lối xóm. Nó thường lén leo rào vào vườn Tám Hung trộm trái. Lẽ ra, chuyện cũng không lớn lao gì, nhưng hai người đang thù hằn nhau, Tám Hung nghĩ ra kế độc: y lén chạy một đường dây điện chỗ thằng con Hai Hưởng hay leo qua và chờ cơ hội. Y biết Hai Hưởng đang ngấm ngầm chống đối y và moi móc những đường dây làm ăn bất chính của y. Y nghiến răng thề độc: “Tao coi mầy đắc ý tới chừng nào. Tao mà làm thì trời cũng không biết”.

Y rình rập mấy ngày liền và biết lúc nhà y ăn cơm trưa thì thằng nhỏ leo qua. Y thi hành độc kế. Sợi dây điện vô tình thôi, giống như sợi dây dẫn tới bóng đèn bảo vệ, nhưng nó lại bị tróc vỏ và chỗ tróc dính vào hàng rào. Vài giây thôi là xong. Không ai phát hiện được. Mà nếu nhìn thấy, y cũng không liên quan gì.

Buổi trưa, cả gia đình y quây quần ăn cơm. Y đến cửa sổ giả vờ mở quạt và thấy thằng nhỏ thấp thoáng sau vườn. Y nở một nụ cười nham hiểm. Cái cầu dao được kéo lên. Vừa lúc đó chuông điện thoại reo vang, y bước đến bên bàn, nhấc máy: một khoản tiền béo bở nữa sắp vào tay y. Y vui mừng và quên đi thực tại. Đứa con trai y buông đũa trước. Nó đã hứa sẽ đi bắn chim với thằng con Hai Hưởng. Nó không dám đi... ngả trước và chạy vòng ra sau, leo rào.

*

Vợ Tám Hung gào khóc đến không còn phát ra tiếng. Đôi mắt thị đã khô khốc không còn nước mắt. Tám Hung chết điếng trong lòng. Cái kế độc của y tưởng đến trời còn không biết, bây giờ đã “nhân quả nhãn tiền”. Y nghiến răng rủa trời, y nghiến răng rủa cha con Hai Hưởng. Y nuốt nỗi đau vào lòng. Thằng con độc nhất của y nằm đó, đôi mắt mở trừng, y đã vuốt thế nào nó cũng không nhắm. Nó cứ nhìn y, cái nhìn nguyền rủa.

T.N.Y.A

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin