Chi tiết tin tức

Thước phim không đoạn kết

10:51:00 - 04/02/2016
(PGNĐ) -   Trong gần 10 năm làm nghệ thuật, dù không giàu có, Lê Công Tuấn Anh vẫn luôn hào sảng, hết lòng với bạn bè và những người khó khăn anh gặp trên đường.

 

 

Hình minh họa (internet)

Anh kính mến!
         Chiều nay khi cơn gió heo may đông lạnh tràn qua phố thị, khi hạt mưa còn đọng trên vạn vật với từng luồng gió buốt, thì đâu đó tiếng rao từ những đôi quang gánh trĩu nặng hay ánh mắt lạc lỏng của trẻ cù bất cù bơ đang làm nhói lòng bao tâm hồn thiện lương, thì cũng là lúc chúng em vô tình  đọc được bài báo viết về anh, về hương hồn anh.
        Chúng em cảm nghe con nước sông Hương chiều nay cũng lặng đứng buồn tẻ thâm trầm, vườn trúc Vĩ Dạ không còn lao xao rộn rã tiếng cười, và khúc ca Nam Giao như đứt quãng đìu hiu... Để rồi khi sải bước giữa Kinh thành Huế trong gió chiều buốt giá, chúng em nghe lòng dâng tràn cảm xúc. Đó là nguồn cảm xúc về thân phận con người và nóng lạnh tình đời đổi thay. Giờ đây, chúng em cảm nghe vừa chua xót nhưng cũng vừa ngọt bùi, vừa buồn tủi nhưng cũng vừa hãnh diện, vừa lạnh hao gầy nhưng cũng vừa ấm toàn sinh. Vì sao anh biết không! Vì nội dung bài báo thiệt đã mang đến cho chúng em những cảm xúc sâu thẳm về tình người và kiếp người, về sự thành bại nhục vinh với trò đùa lận đận nhân gian.
       Anh ạ! Khi anh còn sinh thời, chúng em không biết gì nhiều mà chỉ nghe thoang thoảng anh là diễn viên đóng phim. Chỉ có vậy thôi! Còn nhớ người ta truyền miệng suốt thời gian dài: “Đám tang Lê Công Tuấn Anh to quá trời luôn!. Sài Gòn mấy ngày ni nhiệt náo, ti vi đài báo đưa tin nhiều lắm!”. Chẳng giấu gì anh, lúc đó chúng em nghe thì nghe; chẳng tìm hiểu chi thêm; phớt lờ và không ấn tượng gì. Anh biết không! Giờ này sau khi đọc bào báo mới viết về anh, chúng em cảm thấy mình thật vô tình nhạt nhẽo trước một người giàu lòng trắc ẩn, một người mà trong giới nghệ sĩ ai cũng nghiêng mình kính nể. Giờ chúng em mới thấy mình có lỗi! Có lỗi với anh tức là có lỗi với đạo nghĩa nhân tình, vì là thời ơ vô cảm trước chân lý bất tuyệt và nghĩa sống cao siêu. Chúng em nói vậy chắc không quá anh nhỉ! 
       Sau đây chúng em xin trích nguyên văn vài đoạn trong bài báo. Nếu đoán không nhầm, thì nhiều người thâm giao cũng muốn nghe! 
“…. Diễn viên Lê Công Tuấn Anh qua đời năm 1996 ở tuổi 30. ….Trong gần 10 năm làm nghệ thuật, dù không giàu có, Lê Công Tuấn Anh vẫn luôn hào sảng, hết lòng với bạn bè và những người khó khăn anh gặp trên đường.
Diễn viên Lê Bình kể ông không quên được căn nhà trọ tồi tàn của Lê Công Tuấn Anh khi anh đã nổi tiếng: ‘Nhà lớp mái tôn, trong nhà chỉ có một chiếc ti vi, một chiếc quạt và một cassette cũ. Mùa mưa, thủy triều lên ngập sàn nhà, Tuấn Anh phải vất vả tát nước ra ngoài’.
             Nam diễn viên phải sống trong cảnh nghèo nàn như vậy là do anh có tính hào soảng. Lĩnh được thù lao đóng phim, anh mời bạn bè ăn uống hoặc cho những trẻ lang thang, cơ nhỡ. Lê Bình lý giải sở dĩ Tuấn Anh luôn hết lòng với bạn bè và tìm niềm vui ở đó, bởi anh xem đó là gia đình. Lê Bình còn nói". Hoặc cậu ấy tạo ra những cuộc vui để quên đi phần nào nỗi trống trải, cô đơn đã gắn vào thân phận… Có Tuấn Anh khi dốc sạch túi cho tụi nhỏ lang thang". 
Thu Hà, người bạn diễn thân thiết với Tuấn Anh chia sẻ: ‘Người bạn diễn năm nào không chỉ ghi dấu trong tôi về một diễn viên tài hoa mà còn bởi trái tim giàu lòng nhân ái. Với tôi, tấm lòng nhân hậu của anh là bài học lớn về làm người…’
Đám tang Lê Công Tuấn Anh là một trong những đám tang lớn ở TP.HCM, đồng thời là đám tang lớn nhất của nghệ sĩ Việt Nam với hàng trăm ngàn người hâm mộ đến đưa tiễn.”
        Mắt mũi chúng em bỗng cay xè, cảm xúc trào dâng như từng đợt thủy triều. Chúng em cảm nghe những trái tim của lòng trắc ẩn, lòng bi mẫn vô cùng kính ngưỡng tiếc thương, mến mộ trân quý một nghệ sĩ tài hoa yểu mệnh. Chúng em cảm tưởng như thế giới đang nghiêng mình trước bia mộ anh, đang thắp những nén hương lòng kính viếng. Dù có muộn màng chăng, thì nghĩa cử ấy cũng là bức thông điệp truyền tải tình nhân ái cho con cháu ngàn đời. Sự cúi đầu ấy là biểu trưng cho sự tôn thờ một chân lý. Hay chính là niềm kiêu hãnh khi người mẹ Việt Nam đã sinh ra một con người như anh!
       Anh ạ!  Sau khi đọc bài báo, khiến chúng em khởi lên bao nhiêu suy nghĩ và nhận thức về sự khác biệt trong cõi đời này. Chúng em đều nhận thấy rằng, với bao nghệ sĩ diễn viên nổi tiếng danh giá nói riêng và mọi người nói chung thì việc sở hữu ngôi nhà sang trọng, có trong tay hàng chục hàng trăm tỷ đồng, có thức ăn và áo mặc…cao cấp cũng là chuyện đương nhiên và bình thường! Phải thế không anh. Giữa “ngũ trược ác thế” này, con người ta phần đông quan niệm sống để hưởng thụ tận trời mây, tích lũy càng nhiều tiền vàng càng tốt. Vì họ cho rằng như thế mới là hùng mạnh oai vang hơn người, mới đáng được kỉnh trọng nể vì, mới vinh quang đắc chí và để người người ngước cổ nhìn và thèm… Thậm chí có rất nhiều và rất nhiều người tom góp tích lũy toan tính như thể họ sống đến vài nghìn năm. (báo chí đưa tin: có người phụ nữ miền Nam đang cuống cuồng kinh doanh thì đột ngột qua đời ở tuổi 60 không kịp di chúc. Bà có một đứa con gái và đã thành đạt. Tài sản bà để lại khoảng 340 tý đồng; gồm tiền, đô la, vàng, nhà, đất….  Đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp mà báo đưa tin.// Thiết nghĩ sẽ còn có rất nhiều trường hợp tương tự như thế). Người ta tích lũy mỏi mệt và không biết đủ, vượt xa rất nhiều với nhu cầu ăn mặc, nhà ở và phương tiện đi lại đó anh!. Cũng vì họ cho rằng đó mới là chân hạnh phúc, đó mới là mục đích tối hậu của đời người. 
        Còn anh thì sao! Chúng em cũng chẳng biết nói chi thêm, đặc biệt khi mà mấy đoạn báo đã khá đầy đủ và rõ ràng. Chừ đây, chúng em chỉ biết đọc lui đọc lại mấy câu danh ngôn: “Vì nhân nghĩa, thì không giàu (mà còn nghèo); vì để giàu, thì không nhân nghĩa” (cũng có người vừa nhân vừa giàu, vừa giàu lại vừa nhân; càng giàu càng nhân, càng nhân lại càng giàu), “Từ bi thì không thể cầm binh, Nhân nghĩa thì không thể cầm tài.” Hay “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Chưa bao giờ chúng em cảm nhận được ngạn ngữ danh ngôn sâu sắc giá trị đạo đức như hôm nay. Nó giá trị không phải vì con chữ trau chuốt hoa ngôn sắc sảo, mà vì nó có khả năng chiếu soi lòng người. Sâu sắc là vì nó có thể làm nhiên liệu tiếp thêm cho bếp lửa tình thương, để ngọn lửa này mãi sưởi ấm cho những giá băng tình người giữa dòng đời phiếm loạn.   
              Chúng em cũng nghe nói, sở dĩ Lê Công Tuấn Anh có lòng thương vô hạn đặc biệt với trẻ em ăn xin là vì anh cũng đã từng từng mồ côi, sống lang thang vỉa hè. Lời bình này mới nghe qua thì đúng. Nhưng nếu nguyên nhân này là đúng, thì tại sao cũng có rất nhiều người bước lên núi kim tiền từ cơ hàn thống khổ, mà lại rất hiếm có biết nhìn lại thương cảm những mảnh đời cơ cực. Cho nên mới thấu hiểu rằng đó không phải là nguyên nhân chính và trực tiếp, mà do anh được sinh làm người mang theo sẵn những tố chất của tình thương. Chúng em nghĩ rằng, sự hào soảng độ lượng anh có được, nguyên nhân chính là anh xem “Tiền tài như tro bụi, nhân nghĩa đáng ngàn vàng” và “Phú quý, giấc mộng nhân gian; công danh, nước đổ trên nguồn”. Đó mới chính là nguyên nhân chính yếu sâu xa và trực tiếp khiến anh dốc hết tiền đóng phim có được để giúp trẻ nghèo hàn nhẹ bớt nỗi lo miếng cơm bát nước và cây bút tập sách. Từ đó có thể nói rằng, anh sinh ra là để yêu thương cuộc đời, chứ không phải để phân tích luận lý cuộc đời. Đó chính là thông điệp sống mà anh đã mang lại cho nhân loại. Thế nên tuy anh đã về với lòng đất lạnh 20 năm rồi mà thông điệp ấy như mới được truyền thông hôm qua. Vì bao giờ cũng thế, quần chúng lao khổ bất hạnh luôn rất cần những tấm lòng nhân hậu như anh. Thế nên mới hay rằng nói “Hôm nay cất gậy ăn xin, mai không chê chán ghét hận người nghèo khổ” hay “Chiếc bát dùng qua khi đói, khi no cũng không nên quăng bỏ” là để nhắc nhở con người biết cảm ơn cuộc đời đã giúp mình thoát nghèo khó, chứ chẳng phải khẳng định tất cả người mà từ nghèo được giàu đều có lòng như anh.     
         Anh ạ! Người ta thường nói: “Chết mà không mất, mới là thọ.” Đời anh, một cuộc đời ngắn ngủi nhưng giá trị nhân tính mãi vững bền hun hút giữa trần gian. Lại một lần nữa, giữa chiều đông mưa phùn lất phất, chúng em nghe âm vang giữa lòng phố thị lời người xưa “nhân sanh từ cổ thùy vô tử, lưu thủ đơn tâm chiếu hãn thiên”.  Vâng! Có lẽ đó cũng là lời ca, là điệp khúc hay nhất mà hương hồn anh muốn ban tặng nhắn gởi cho kiếp nhân sinh mong manh khổ đoản này.
       Giờ này thấp thoáng đâu đó, chúng em thấy rất nhiều trẻ em đói khát điêu linh đang ngồi quanh anh, ăn đồ ăn ngon anh cho, mặc đồ ấm anh tặng và bắt anh kể chuyện cổ tích! Những ông lão bà lão hành khất đang chìa bàn tay gầy guộc trơ cóng chờ sự ban ân của những tấm lòng trắc ẩn. Và mãi còn đó vô số vô số những con người chực ngã trong đói lạnh hắt hiu giữa dòng người vội xã trên phố thị gần xa. Rồi lại hiện về sống động trong trí não chúng em căn phòng trọ, nơi mà năm xưa anh từng trú trụ đi về trên mỗi chuyến xe tình thương. Căn  phòng bỗng sáng lên trong vinh quang ký ức, bởi nơi đó đã từng nghe anh thì thầm tiếng nói của tình thương và bảo bọc những mảnh đời muôn vạn niềm đau. Bây giờ cơn mưa lại trút mạnh giăng mù khắp phố, chúng em cảm nghe buồn hiu khi mà xa xa vẫn còn đó gương mặt xanh xao vọ vàng, mình trần thân trụi run run thất thểu trên các vỉa hè.     
         Anh ạ! Thời kinh tối nay, chúng em sẽ trầm mình lặng sâu trong từng con chữ, quán tưởng chinanhf niệm hơn về cảnh giới Tịnh Độ. Cũng vì chúng em nghĩ rằng nhờ vậy mới thấy anh đang được đức Phật Di Đà dơ tay thoa đầu. Anh đang mỉm cười hàm tiếu! Hoa lá cõi Tịnh mãi reo hò chào đón mỗi bước chân mãi đi vào đạo lộ của tình thương và sự giản dị. Càng đặc biệt hơn là ở đó còn mãi một trái tim không ngủ. Trái tim không ngủ để nghe dòng đời thổn thức thành hoại. Trái tim không ngủ để hong ấm nghĩa đạo cho đời bớt sầu đau. Anh vào cõi vĩnh hằng mà tấm lòng vẫn mãi chiếu rọi núi sông, sáng soi lòng nhân thế.
       Thế cho nên có thể nói rằng, bộ phim “ngọt ngào và man trá” “vị đắng tình yêu”….vẫn chưa có hồi kết khi mà anh mang tình thương cao cả đi về thế giới bên kia. Chúng em thấy anh vẫn đã và đang thủ vai diễn quan trọng trên màn bạc để lấy thù lao giúp người khốn khổ. Mọi người sẽ mãi mãi thấy ở anh một tinh thần không biết mệt mỏi trên lộ trình cống hiến và thương yêu con người. Thế nên mới nói rằng hình hài anh tan vào cát bụi nhưng vẫn còn đó “ thước phim không đoạn kết”.
 

Hương Trí

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin