Chi tiết tin tức Thức ăn nào cho tâm hồn giới trẻ hôm nay? 21:40:00 - 19/09/2020
(PGNĐ) - Gần đây, giới trẻ đang quan tâm và sử dụng phổ biến ứng dụng mạng xã hội TikTok. Theo ghi nhận từ các phương tiện thông tin đại chúng, tháng 4-2019, TikTok chính thức ra mắt tại Việt Nam, nhưng chỉ sau một năm ứng dụng này được thử nghiệm, TikTok đã đạt khoảng 12 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng.
Những hiểm họa khó lường
Điều đáng nói là bên cạnh những video độc đáo, ứng dụng TikTok đã khiến nhiều người lo ngại trước việc khuyến khích giới trẻ chạy theo những trào lưu vô bổ, phản cảm, dung tục, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Mới đây, trên TikTok xuất hiện trào lưu “vạch áo khoe ngực”, trong đó có hình ảnh những cô gái nhảy nhót, rồi cởi áo mà bên trong không mặc nội y để “khoe” vòng một của mình. Người xem không ít lần sửng sốt vì người trong clip là các cô bé chỉ mới đang tuổi học sinh, sinh viên. Sự việc có vẻ dần đi xa hơn khi những trang giải trí người lớn nhanh tay chia sẻ các clip “nóng” từ TikTok để câu view.
Việc lan truyền các clip phản cảm nêu trên nhanh đến chóng mặt khiến nhiều phụ huynh nghi ngại nếu con em mình xem phải các clip bẩn này, hậu quả rồi sẽ ra sao? Trẻ con vốn hay tò mò, thích khám phá rồi bắt chước. Với khối lượng video khổng lồ được chia sẻ từng giây, TikTok dường như là công cụ giải trí hàng đầu trên nền tảng không gian mạng. Sự phát triển quá nhanh của TikTok Việt khiến nhiều người thật sự lo lắng. Rất nhiều học sinh, sinh viên và giới trẻ sa đà vào những trào lưu nhảm nhí, phản cảm trên TikTok phải chăng một phần xuất phát từ sự dễ dãi, thiếu quản lý con em của phụ huynh? Theo tác giả Trần Huyền Trang, trong một bài báo trên Phụ Nữ Online, “Làm sao để TikTok được lành mạnh hơn là câu hỏi khó trả lời, khi mà vẫn còn một lượng lớn bộ phận giới trẻ ‘ảo tưởng sức mạnh’ và xem việc quay, post clip phản cảm để câu view, câu like là ‘lẽ sống’. Cùng với đó là sự buông lỏng trong khâu kiểm duyệt của TikTok Việt khiến TikTok càng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết” (!).
Ở các nước khác, chúng ta nhận thấy đã có những phản ứng mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng lẫn cộng đồng. TikTok bị chính quyền Anh cáo buộc là “không an toàn cho quyền trẻ em” khi phát hiện hàng loạt video của những kẻ ấu dâm phát tán trên ứng dụng này. Gần nhất, Viện Bảo tàng Auschwitz phê phán trào lưu trên TikTok trong đó giới trẻ mô tả mình như là những tù nhân Holocaust; họ cho rằng video gây xúc phạm và làm tổn thương những người trong các trại tập trung của Đức Quốc xã trước đây.
TikTok đang bị kêu gọi tẩy chay sau một loạt những bê bối, nghiêm trọng nhất là việc đánh cắp thông tin và dữ liệu của người dùng. Chính quyền Washington lo ngại Bắc Kinh sẽ sử dụng TikTok để thu thập hình và thông tin của người Mỹ trong các chiến dịch tình báo. Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ cấm TikTok dù CEO Zhang Yiming nỗ lực tìm cách xoa dịu những lo ngại của Mỹ.
Đầu tháng 6, Cơ quan bảo vệ dữ liệu Liên minh châu Âu (EU) lập một nhóm điều tra hành vi xử lý dữ liệu và quyền riêng tư của TikTok. Ấn Độ đã cấm cửa TikTok và hàng chục ứng dụng Trung Quốc khác. Cũng cần nói thêm, quốc gia Nam Á này là thị trường nước ngoài lớn nhất của TikTok với hơn 200 triệu người dùng.
Những tâm hồn đang cằn cỗi
Có bao giờ chúng ta tự hỏi: tuổi trẻ đang đối diện với tình trạng thiếu dưỡng chất tâm hồn đến vậy sao?
Đức Phật từng có lần dạy về bốn loại thức ăn cho tâm hồn. Trong đó có xúc thực, loại dưỡng chất cho tâm hồn. Chúng ta có sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Chúng tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Nếu là một người có trí, ta phải nhận diện và suy xét rằng việc tiếp xúc đó có đem chất độc vào người hay không, ví dụ như trường hợp giới trẻ đắm mình tiếp xúc với hình sắc trong ứng dụng TikTok. Chúng ta cần thực tập chánh kiến rằng xem nghe những điều như trên có đưa vào trong tâm ta những độc tố như sợ hãi, căm thù, bạo động hay sa đọa hay không, có nâng cao tâm hồn ta, cho ta sự hiểu biết, lòng từ bi, chí quyết tâm muốn giúp người, không làm những điều lầm lỗi? Ấy là ta thực tập chánh kiến.
Người lớn cũng như trẻ em, trong khi vào mạng xã hội, phải biết thực tập chánh kiến. Khi xem một ứng dụng hay một chương trình không có chánh niệm, chúng ta đồng thời tiếp nhận rất nhiều độc tố. Chạy theo những điều đó, ta có thể đứng trước nguy cơ suy thoái tâm hồn.
Thiền sư Nhất Hạnh từng nói: “Chánh kiến phát sinh ra chánh niệm và chánh niệm cũng làm phát sinh chánh kiến. Tôi biết rằng nhìn, nghe và tiếp xúc với những gì thì thân tâm tôi sẽ khỏe khoắn, nhẹ nhàng và an lạc và tôi quyết định mỗi ngày tiếp xúc với những chất liệu đó. Bụt đã dùng hình ảnh một con bò bị lột da dẫn xuống sông. Dưới sông có hàng vạn loài sinh vật li ti bu lại hút máu và rỉa thịt con bò. Và khi ta đưa con bò tới đứng gần một bức tường hay một cây cổ thụ, cũng có những sinh vật li ti sống trên bức tường và trong cây cổ thụ bay ra, bám vào con bò để hút máu. Nếu chúng ta không giữ gìn thân và tâm bằng chánh kiến và chánh niệm thì các độc tố trong cuộc đời cũng bám lại và tàn phá thân tâm ta”.
Thực tập chánh niệm cũng như tạo ra những kháng thể để chống lại sự thâm nhập của các độc tố kia.
Những người có trách nhiệm nói gì?
Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) nhận định: “Chúng ta cần có chính sách khuyến khích việc nghiên cứu thị trường, nhu cầu thị hiếu của trẻ em để phát triển các sản phẩm giải trí, giáo dục hữu ích. Các sản phẩm này nên được hỗ trợ để truyền thông và giới thiệu tới trẻ em và phụ huynh, thay thế các sản phẩm kém chất lượng. Cha mẹ và trẻ em cũng cần được nâng cao nhận thức và nhu cầu về sản phẩm. Cha mẹ nên biết rằng, các clip xem nhiều trên mạng không chỉ thuần giải trí mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển tư duy và hành vi của trẻ. Vì vậy, cần cùng con chọn lọc các ấn phẩm phù hợp để giúp con tạo gu nhu cầu và chọn lọc các sản phẩm phù hợp”.
Thực tế, đã có những hậu quả đau lòng từ việc bắt chước những hình ảnh, thử thách trên YouTube. Cuối năm ngoái, một bé trai 7 tuổi (tại TP.HCM) bị hôn mê, suýt mất mạng vì làm theo trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên YouTube. Dư luận cũng từng lên tiếng mạnh mẽ về những “giang hồ mạng” như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Phú Lê... được một bộ phận giới trẻ tung hô.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhìn nhận: “Không ít phụ huynh bây giờ nghĩ rằng con mình ở nhà nghĩa là con được an toàn. Suy nghĩ đấy không còn đúng trong bối cảnh hiện tại vì con ở nhà nhưng vẫn tiếp cận với những nội dung độc hại, không phù hợp trên mạng xã hội”.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam), cho rằng những sản phẩm tiêu cực trên mạng nếu lặp đi lặp lại mà không có kiểm soát, cảnh báo hay phòng ngừa sẽ tác động xấu đến xã hội. “Phẩm chất, tâm hồn của trẻ sẽ phát triển méo mó, lệch lạc. Đó đã là thực tế hiện hữu với những nguy cơ đe dọa nền tảng đạo đức xã hội”.
Ai cũng ý thức rằng tuổi trẻ cần trang bị kỹ năng biết sử dụng mạng an toàn hay sống lành mạnh. Các nhà nghiên cứu cho biết có một số lượng lớn trẻ từ 3 - 8 tuổi đã bắt đầu sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng hay các thiết bị công nghệ để tiếp nhận thông tin trên mạng, nhiều trẻ còn được bố mẹ cho sở hữu thiết bị công nghệ. Ngoài ra, trẻ từ 8 - 13 tuổi mỗi ngày dành trung bình 6 tiếng đồng hồ cho việc xem và tương tác trên mạng internet; trong khi thời gian này với trẻ từ 12 - 18 tuổi là 9 tiếng đồng hồ. Trong thời đại công nghệ 4.0, trẻ em không thể không dùng các thiết bị công nghệ, nhất là khi hiện nay Bộ Giáo dục-Đào tạo đang dự thảo thông tư về dạy học trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp giáo dục đã xây dựng phần mềm trên mạng để ứng phó với những biến đổi từ dịch Covid-19. Câu hỏi đặt ra ở đây là ai sẽ hướng dẫn và ai sẽ bảo vệ trẻ em?
Chúng ta có quyền hoài nghi các tuyên bố rằng tổ chức này, hội đoàn nọ sẽ giám sát, sẽ tập huấn, sẽ tuyên truyền, sẽ hạn chế tác hại môi trường mạng v.v… Có người lại kêu gọi ý thức từ những người thiết kế game, hay thiết lập các biện pháp hạn chế trẻ em tiếp cận ứng dụng tiềm tàng độc hại, kêu gọi cha mẹ phải can thiệp vào việc chơi game hay theo dõi con khi chúng trên mạng. Nhưng đó cũng chỉ là cách trấn an mà không đem lại hiệu quả trừ khi giới hữu quan phải quyết liệt trong việc kiểm tra, kiểm soát và can thiệp đúng lúc, đúng chỗ.
Về phía gia đình, việc trang bị những kỹ năng sử dụng mạng xã hội không chỉ cần thiết với trẻ mà kể cả với phụ huynh. Bởi thực tế, tâm hồn con cái chịu ảnh hưởng rất lớn cha mẹ, chính họ phải là người hướng dẫn gần nhất và hiệu quả nhất rồi mới đến nhà trường và các thầy cô giáo.
Trên hết, chúng ta hãy làm cho môi trường văn hóa trở nên lành mạnh, trong sạch trước khi rèn luyện cho thanh thiếu niên khả năng miễn nhiễm trước sự xâm nhập của các loại độc tố, dù vô tình hay cố ý, từ những ứng dụng công nghệ hiện đại. Nguyên Cẩn
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |