Chi tiết tin tức Trùng tu Chùa Một Cột - Diên Hựu: Thượng điện & nhà Tổ trở thành “không tuổi” 15:06:00 - 02/12/2014
(PGNĐ) - Công cuộc trùng tu chùa Một Cột - Diên Hựu được tiến hành từ tháng 3 năm 2014, đến nay thượng điện và nhà Tổ đã xây dựng gần xong, hiện đang tiến hành lợp mái. Tuy nhiên, phần lớn hệ thống cột, kèo, xà vì, tường, ngói lợp mái … đều được dựng và xây mới, rất ít cấu kiện của ngôi chùa cũ được tái sử dụng trong quá trình trùng tu.
Trùng tu hay dựng mới? Không như các di tích đơn lẻ khác, chùa Một Cột - Diên Hựu nằm trong khu vực quần thể di tích Lăng - Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh đặc biệt quan trọng, nên việc trùng tu được dư luận vô cùng quan tâm. Đến chùa Một Cột vào cuối tháng 11-2014, chúng tôi thấy những người thợ đang lợp ngói trên mái thượng điện. Toàn bộ khung chịu lực của tòa thượng điện và nhà Tổ đã được dựng hoàn chỉnh. >> 18 tỷ, tôn tạo 5 hạng mục chùa Một Cột
Chúng tôi ngỡ ngàng, vì hầu hết các cột, các bộ vì của khung chịu lực đều được dựng bằng gỗ mới. Trong số hơn 50 chiếc cột gỗ của 2 tòa nhà, chúng tôi chỉ đếm được hơn một chục chiếc cột là tái sử dụng cột cũ của ngôi chùa trước khi trùng tu. Có tới 2/3 trong số các tảng đá kê chân cột ở đây là đá mới chế tác, các bậc chái lên xuống cũng được kè lát bằng đá xẻ mới toanh. Ở khu tập kết vật liệu cạnh chùa là những khối đá xẻ được xếp ngồn ngộn, được sử dụng để chế tác tảng kê chân cột và kê chái. Phần lớn bộ vì cũng được làm bằng gỗ mới, đều để trơn mà không được chạm khắc hoa văn như ngôi chùa trước đây. Ở vườn sau Tam bảo, ngói dỡ từ ngôi chùa cũ bị đổ chất đống ngổn ngang, mặc dù rất nhiều viên còn lành lặn nhưng không được tái sử dụng. Chùa không có mái đao như kiến trúc chùa truyền thống nên nhìn rất thô, toàn bộ tường đều được xây mới theo kiểu hiện đại, nên trông đơn điệu giống như nhà dân. Dường như những công việc đang diễn ra tại chùa Một Cột không phải là công cuộc trùng tu, mà là phục dựng hoặc dựng mới. Nguyên tắc khi trùng tu thì phải giữ lại tối đa những thành phần, những cấu kiện cũ vẫn còn tốt để tái sử dụng. Theo ĐĐ.Thích Tâm Kiên - trụ trì chùa Một Cột, ngôi chùa cũ có nền quá thấp nên dẫn tới thường xuyên bị úng ngập và mái chùa có nhiều chỗ đã mục nát gây dột, vì vậy, cần phải trùng tu. Tuy nhiên, hầu hết các cấu kiện của khung chịu lực ở tòa thượng điện và nhà Tổ đều còn rất tốt, chỉ có một số rui mè và phần mái cần sửa chữa. Lẽ ra, chỉ nên rút các cấu kiện kiến trúc đã hỏng ra để thay thế, nhưng người ta đã hạ giải để xây lại từ móng. Chùa Diên Hựu đã có từ xa xưa, trong khi Bảo tàng Hồ Chí Minh và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng vào cuối thế kỷ XX, với hệ thống sân và đường đi cũng bao quanh khuôn viên chùa Một Cột đều có nền cao vượt hẳn lên so với nền chùa. Việc xin nâng nền từ 50-70cm so với đường sân Lăng và Bảo tàng Hồ Chí Minh không được nhắc đến trong thiết kế, vì vậy sau khi trùng tu xong, nếu mưa to thì ngập vẫn hoàn ngập. “Trong nhiều lần kêu cứu cho chùa Một Cột, tôi vẫn liên tục nhắc đi nhắc lại việc nhà chùa đề nghị chùa cần được nâng nền để chống úng ngập trong mùa mưa cũng như thay các phần bị mục nát. Các hạng mục của chùa Diên Hựu và nhà Tổ có thể tận dụng lại được đến 80%. Trước đây nhà chùa đề nghị nâng toàn bộ nền thì buộc phải hạ giải những công trình này để nâng nền. Thế nhưng khi trùng tu, việc quan trọng nhất là phải nâng nền chùa lên để tránh ngập thì người ta lại không làm. Khi đã không nâng nền, thì việc hạ giải các công trình trên trong khi các vật liệu còn tận dụng được 80% thì lại là điều vô lý” - ĐĐ. Tâm Kiên bày tỏ. Trụ trì chùa Một Cột còn nêu lên một bức xúc khác, đó là sự bất hợp lý xây nhà Tăng trong đề án trùng tu đã được phê duyệt. Bấy lâu nay chùa không có nhà cho Tăng sư và các chú tiểu ở, nên từ trụ trì đến các sư, Tăng đều phải ở tạm trong nhà Tổ. Chùa Một Cột vốn được rất nhiều du khách ghé thăm, nhưng rất chật chội và khó khăn về nơi tiếp khách. Bởi vậy, nhà chùa đề nghị xây dựng nhà Tăng 5 gian rộng khoảng 120m2, nhưng phương án phê duyệt thì nhà Tăng chỉ có 3 gian và rộng 48m2. “Tôi đã đi tham khảo nhiều nơi và không có một ngôi chùa nào có nhà Tăng 3 gian mà đều là từ 5 đến 12 gian. Với một khu nhà Tăng bé xíu, vừa để làm nhà bếp, vừa làm nơi sư và chú tiểu ở, vừa làm nơi tiếp khách là không hợp lý. Trước đó, ngày 10-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2411/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình, trong đó có chùa Một Cột. Khu vực xây dựng chúng tôi dự kiến sử dụng chỉ chiếm 50% diện tích được Thủ tướng phê duyệt và nếu nhà Tăng xây với diện tích 120m2 không những phù hợp với quy hoạch Thủ tướng đã phê duyệt mà còn hài hòa với cảnh quan khu vực xung quanh” - ĐĐ.Tâm Kiên nói. Trùng tu kiểu “chụp mũ” Nhìn lại quá trình “kêu cứu” xin trùng tu chùa Một Cột là cả một đoạn trường đầy gian nan. Ngay từ tháng 4-2008, nhà chùa đã có tờ trình gửi tới UBND quận Ba Đình, UBND TP Hà Nội và Cục Di sản để báo cáo về sự xuống cấp, hư hại của di tích và xin phương án trùng tu, tôn tạo. Năm 2009, UBND quận Ba Đình có quyết định tu bổ, tôn tạo từ tam quan đến Tam bảo, nhà thờ Mẫu, sân chùa, xây mới nhà Tăng, phục chế nhà Tổ tất cả các hạng mục của chùa Diên Hựu và giao cho Ban Quản lý Dự án quận Ba Đình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư với kinh phí hơn 31 tỉ đồng. Tuy nhiên phải đến năm 2010, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng mới tới bàn bạc với nhà chùa về việc trùng tu di tích chùa Một Cột, thống nhất 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ tháng 6 đến 9-2010) sẽ trùng tu bộ mặt nhà chùa để hướng tới sự kiện 1.000 năm Thăng Long, trong đó có tôn tạo các đường ống để tránh ngập úng với kinh phí 1,7 tỉ đồng. Giai đoạn 2 dự định được triển khai 6 tháng sau đó. Thế nhưng kế hoạch của UBND TP.Hà Nội đưa ra rồi để đấy. Phải mất 6 năm chờ đợi ròng rã, đến tháng 3-2014, chùa Một Cột - Diên Hựu mới chính thức được thực hiện trùng tu, tôn tạo.
Trước khi trùng tu, nhà chùa đã cùng Công ty TNHH Hoàng Đạo đưa ra phương án thiết kế, trùng tu chùa Một Cột với diện tích 3.931m2 với kinh phí 31 tỉ đồng cho các hạng mục tòa tam quan, Tam bảo, nhà Mẫu, tháp Tổ, nhà Tăng, đường dạo, điện nước, bổ sung đồ thờ nội tự… Tuy nhiên, trong phương án trùng tu được UBND quận Ba Đình phê duyệt, số kinh phí chỉ còn 18 tỷ đồng với diện tích xây dựng giảm xuống còn 410,5m2. Cụ thể, diện tích nhà Tam bảo là 171,1 m2, chùa Một Cột (Liên hoa đài) 13m2, diện tích nhà Tổ 159,3m2, diện tích nhà Tăng 48m2, diện tích tam quan 16,8m2. Khi nhận được phương án trùng tu đã phê duyệt, nhà chùa vô cùng bất ngờ, vì khác hẳn so với những kiến nghị, xa rời những nhu cầu cấp thiết, giống như một sự “chụp mũ” cho nhà chùa. ĐĐ.Thích Tâm Kiên cho biết, Đại đức được tham dự một số cuộc hội thảo về trùng tu chùa Một Cột nhưng sau đó, những cuộc họp mang tính quyết định phương án cụ thể thì lại không được mời. Ở những cuộc họp ban đầu, Đại đức đã rất ưng ý với phương án trùng tu được đưa ra nhưng sau đó phương án được phê duyệt lại khác hẳn những gì Đại đức được biết trước đó. Ngay khi công việc trùng tu bắt đầu được tiến hành, ĐĐ.Tâm Kiên đã có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội và các cơ quan liên quan nêu lên những bất hợp lý, nhưng không nhận được hồi âm. Ngày 28-4-2014, nhà chùa đệ trình đơn lên Thủ tướng Chính phủ và sau đó, ngày 13-5-2014 Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 3410/VPCP-KTN. Trong đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu UBND TP.Hà Nội chỉ đạo nghiên cứu, trao đổi và trả lời về sự việc.
Vào tháng 5-2014, Hội đồng Trị sự GHPGVN đã có Công văn số 129/CV/HĐTS gửi UBND TP Hà Nội đề nghị điều chỉnh diện tích xây dựng nhà Tăng chùa Diên Hựu - Một Cột từ 3 gian lên diện tích 120m2 với kết cấu 3 gian 2 chái. Tuy nhiên, dường như những kiến nghị hợp tình, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại chùa Một Cột - Diên Hựu, phù hợp với quyết định quy hoạch của Thủ tướng... vẫn bị UBND quận Ba Đình “phớt lờ”. Đến nay nhà chùa vẫn không nhận được hồi âm từ phía UBND quận, và việc trùng tu vẫn đang được các đơn vị thi công tiến hành. Bài, ảnh Chu Minh Khôi
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |