Chi tiết tin tức

Cho những chuyến đi

17:38:00 - 25/12/2015
(PGNĐ) -  Khi đi đường, chúng ta thường có thái độ nôn nóng đến đích. Sự trông đợi, háo hức đến nỗi phải tìm kiếm từng cột cây số ven đường để biết quãng đường mình đi đã rút ngắn bao nhiêu, còn lại bao nhiêu.
Khi về cũng thế, cũng mỏi mòn với từng cột cây số để xem bao giờ mình về tới nhà. Rồi ta lại ước ao. Phải chi có cái gì đó ở phía trước có thể níu kéo mình, đón đợi mình, để cho những vòng quay của bánh xe không lăn vô nghĩa, để thấy mình đã đi được một quãng khá xa, đồng nghĩa với ngôi nhà yêu dấu đang đến gần.
 
thien tap.jpg
Đi trong chánh niệm, đi chỉ biết là đi... Trong ảnh: Thiền sư Nhất Hạnh và
Tăng thân Làng Mai hướng dẫn thiền sinh thực tập "địa hành thần thông" - Ảnh: L.M

Sự trông đợi ấy sẽ khiến bạn quên rằng mình đang ngồi trên xe, chạy trên đường, ngay giờ phút này đây. Biết rằng trước sau gì cũng sẽ về đến nơi. Biết rằng những lo lắng, bất an rồi cũng sẽ rơi rớt đâu đó dọc đường. Nhưng ta vẫn luôn bỏ phí nhiều thời gian để dành cho những suy nghĩ vẩn vơ, không thể thoải mái an trú trong hiện tại, ghi lại trong mắt khung cảnh những cung đường đang đi qua.

Bởi mang một hy vọng nào đó về quá khứ hay tương lai, làm sao ta có thể sống hết mình với hiện tại. Sao chúng ta lại luôn áp đặt rằng mục đích của đi là đến, mà không phải đi chỉ là để đi? Niềm vui của những chuyến đi phải chăng không nằm ở điểm đến, mà chính ngay lúc đi, với cuộc đời thực đang trải ra trước mắt? Niềm vui là sẵn có, ngay giờ phút này đây.

Vậy mà, hình như trong vô vàn những chuyến hành trình dọc theo đời người, lúc nào ta cũng tự lập trình cho mình một mục tiêu, một điểm đến. Để rồi trước mắt chỉ còn nhìn thấy tương lai mà quên mất hiện tại. Nó làm cho thời gian và không gian trở thành một khối nặng được vo tròn lại chắn ngang đường. Nó trở thành áp lực xô đẩy ta về phía trước, đôi khi cả trong vô thức. Nó làm cho những chặng đường mỗi lúc một xa hơn, làm cho lữ khách chưa bao giờ trở nên thanh thản.

Bạn có nhận ra rằng, nếu đặt ra một mục tiêu rồi đạt được nó, niềm vui cũng chỉ sẽ xuất hiện chốc lát rồi tan mất. Vì khi ta đến đích thì chính là lúc đích đến đó đã trở thành quá khứ mất rồi. Chỉ khi đang thong dong trên đường mà không cần nghĩ ngợi về một điểm nào đó ở phía cuối cuộc hành trình, đó mới là lúc bạn có thể rũ bỏ mọi muộn phiền, thảnh thơi không lo lắng, chủ động đón nhận và tận hưởng cảnh quan của thực tại, dẫu những cung đường ấy lạ hay quen.

Tôi rất thích câu nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Ta sắp đặt và chuẩn bị đời sống rất giỏi nhưng ta chưa giỏi trong cách sống. Ta có thể hy sinh mười năm trời để giành cho được mảnh bằng kỹ sư hay bác sĩ, ta sẵn sàng làm việc rất cực nhọc để mua nhà, mua xe... Nhưng ta quên rằng ta đang sống trong hiện tại và ta chỉ có thể thật sự sống trong giây phút hiện tại mà thôi”.

Tại sao chúng ta không thể bỏ những ưu tư, lo nghĩ mà sống trọn vẹn với thực tại? Quá khứ đi qua, có níu kéo cũng không được. Tương lai lại là một khái niệm rất mù mờ ở tít xa mà không biết khi nào sẽ với tới. Con người không thể điều khiển, sắp đặt tương lai đúng như ý của mình. Vậy thì tại sao không để mọi thứ diễn ra tự nhiên như đúng như nó đang là? Tại sao phải tự dằn vặt, đau khổ, toan tính vì những chuyện đâu đâu?

Vĩnh Thông

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin