Chi tiết tin tức

Đối diện cái chết không sợ hãi

16:10:00 - 14/11/2015
(PGNĐ) -  Chết là sự kiện duy nhất chắc chắn sẽ xảy ra trong đời nhưng lại là việc mà con người ít được chuẩn bị nhất. Con người lập kế hoạch và sửa soạn cho vô số sự việc khác nhau – thi cử, hôn nhân, giao dịch kinh doanh, xây dựng nhà cửa… – mặc dù chẳng bao giờ người ta có thể biết chắc rằng những kế hoạch ấy có trở thành hiện thực đúng như mong muốn của họ hay không. Cái chết thì khác, nó có thể đến vào bất cứ giờ phút nào, sớm hay muộn. Đó là sự kiện chắc chắn nhất trong cuộc đời; cũng như những cây nấm khi nhô lên khỏi mặt đất bao giờ cũng mang theo một ít đất trên mũ nấm, mọi sinh thể đều mang theo với mình cái mầm chết chắc chắn ngay từ lúc chào đời.

Kinh Araka thuộc Đại Phẩm ở chương Bảy pháp của Tăng Chi Bộ minh họa bản chất bất định và phù du của đời sống với nhiều hình ảnh thí dụ gợi sự liên tưởng. Đời sống được so sánh với giọt sương đọng trên đầu ngọn cỏ, giọt sương ấy có thể rơi bất cứ lúc nào, và kể cả nếu không rơi, giọt sương ấy cũng bay hơi khi mặt trời lên. Đời sống cũng chóng qua như những bong bóng nước được tạo nên lúc cơn mưa lớn đổ xuống mặt đất. Kinh văn chỉ ra rằng cuộc sống ruổi nhanh đến cõi chết không ngừng nghỉ chẳng khác dòng nước trên đỉnh núi đổ xuống chân núi chẳng lúc nào dừng. Kinh Pháp Cú so sánh sự mong manh của thân như bọt nước (kệ thứ 46) hay như món đồ bằng gốm (kệ thứ 40). Với nhiều thí dụ, kinh điển Phật giáo nhấn mạnh đến sự không chắc chắn của cuộc sống và sự chắc chắn của cái chết. Cũng kinh Pháp Cú khẳng định rằng mọi người đều sợ chết (kệ thứ 139). Con người sợ chết vì ai cũng khao khát cuộc sống với tất cả năng lực của mình. Một sự thật nữa là con người sợ cái điều chưa biết. Chúng ta biết rất ít về cái chết, cho nên, sự sợ chết của chúng ta có những lý do mang tính hai mặt. Có vẻ hoàn toàn hợp lý để nói rằng sự sợ chết, hoặc sự sợ hãi những điều làm hại đến đời sống, ẩn núp dưới gốc rễ của mọi nỗi sợ hãi. Cho nên, mỗi khi cảm thấy kinh hoảng, hoặc là chúng ta sẽ tìm cách lánh xa cái nguyên nhân gây sợ hãi ấy hoặc chúng ta sẽ chiến đấu chống lại nó, nghĩa là chúng ta mang hết mọi cố gắng ra để bảo tồn mạng sống. Nhưng chúng ta chỉ có thể chống chỏi được bao lâu mà cơ thể của chúng ta còn có khả năng chạy trốn hoặc chống cự lại sự nguy hiểm. Thế nhưng, cuối cùng, khi chúng ta nằm trên giường chờ chết, đối mặt với tử thần đang đến gần, cơ thể không còn sức mạnh để thực hiện bất kỳ hành vi phản kháng nào, vẫn rất không chắc là chúng ta sẽ chấp nhận cái chết với một thái độ cam chịu. Về mặt tâm thức, chúng ta vẫn sẽ cố gắng một cách tuyệt vọng để sống còn. Vì sự khao khát đời sống của chúng ta quá mạnh mẽ, chúng ta sẽ bám víu về mặt tâm thức vào bất kỳ một chỗ nào khác có thể tồn tại được, vì cơ thể chúng ta không cón đủ sức nâng đỡ một đời sống. Một khi mà một chỗ để bám víu như vậy, chẳng hạn một cái trứng đã thụ tinh trong tử cung của một bà mẹ, đã được nắm lấy, cái tiến trình tâm lý của sự sống – được gọi là hữu phần – sẽ tiếp tục với cái chỗ mới đã được tìm thấy đó như là căn bản. Sự sinh sẽ diễn ra đúng thời. Điều đó có vẻ là tiến trình đã được giải thích theo lý duyên khởi: ái duyên thủ, thủ duyên hữu hữu duyên sinh (sự khao khát làm điều kiện của sự bám chấp, sự bám chấp làm điều kiện cho sự trở thành, và sự trở thành làm điều kiện cho sự sinh thành). Như vậy, một con người bình thường vì sợ chết nên tất yếu sẽ chọn lấy một cuộc sinh thành khác bởi nỗi khao khát cháy bỏng của người ấy đối với cuộc sống.

Chúng ta hãy khảo sát xa hơn vào tiến trình của sự chết, đi từ chỗ đã biết đến chỗ chưa biết. Chúng ta biết rằng, trong cuộc sống bình thường, khi chúng ta ở trạng thái tỉnh thức, những dữ kiện cảm giác không ngừng tác động vào các giác quan của ta. Chúng ta cũng không ngừng bận rộn trong việc đối phó với những dữ kiện cảm giác đó, loại bỏ những cảm giác này, chọn lựa những cảm giác kia với sự chú tâm nhiều hơn, và không ngừng bị ám ảnh bởi những sự vật khác nữa. Đó là tiến trình tiếp diễn không ngừng bao lâu mà ta còn tỉnh thức. Trong thời hiện đại này, con người còn tiếp tục tìm kiếm và cố gắng gặt hái nhiều hơn những sự kích thích cảm giác. Sự phổ biến những loại hàng hóa tiêu thụ như máy vô tuyến truyền hình, máy tính xách tay, điện thoại di động, các thứ mỹ phẩm, các chất kích thích… là dấu chỉ rõ rệt cho cái khuynh hướng tìm kiếm ngày càng nhiều nguồn kích thích. Bởi tất cả những thứ đó, chúng ta bị vong thân, chúng ta không còn biết bản chất thực của mình, hoặc nói chính xác hơn, không biết bản chất thực của tâm thức mình. Hơn thế nữa, chúng ta tiến hành các hoạt động bận rộn của mình trong cuộc sống xã hội bằng cách đeo những chiếc mặt nạ thích hợp cho từng hoàn cảnh. Chẳng bao giờ chúng ta trình bày những tâm trạng ghen tức, tham lam, giận dữ, kiêu hãnh hay ích kỷ bằng những cảm xúc chân thật của mình. Chúng ta giấu những tâm trạng ấy trong những cung cách được xã hội chấp nhận qua những phát biểu chính thức như chúc tụng, cảm ơn, thương xót. Nhưng cũng có những lúc những cảm xúc tiêu cực của chúng ta quá lớn đến nỗi chúng bật ra dưới những hình thái giết chóc, cướp bóc, tranh cãi, nói xấu sau lưng… Tuy vậy, nói chung chúng ta vẫn cố giữ cho những nọc độc của các tình cảm tiêu cực ấy được kềm chế.

Bây giờ ta hãy xét xem điều gì xảy ra vào lúc ta nằm chờ chết. Chúng ta tin rằng cái chết là một tiến trình chứ không phải là một sự kiện xảy ra tức thời. Khi các giác quan lần lượt mất đi sức sống từng cơ quan một và chúng ngừng cung cấp những kích thích thì những ức chế cũng yếu dần. Những tấm mặt nạ mà ta vẫn đeo để đóng những vai trò khác nhau của ta cũng bị rơi xuống. Cuối cùng, chúng ta đối mặt chính mình trong sự trần trụi hoàn toàn. Vào lúc đó, nếu điều mà chúng ta thấy là những nọc độc của những tình cảm tiêu cực như ghen ghét, ganh tị… chúng ta sẽ cảm thấy nặng lòng với tội lỗi, hối hận và đau buồn. Một điều chắc chắn là ký ức của chúng ta lúc đó trở nên sắc bén, vì tất cả những nhiễu loạn và ức chế về mặt cảm giác vốn làm cho ký ức bị đè nén đã rơi rụng cả. Chúng ta có thể nhớ lại những hành động mà chúng ta đã phạm phải hoặc chúng ta đã bỏ qua trong suốt cuộc đời mình một cách rõ ràng hoàn toàn không một chút phô trương nào. Nếu đó là những hành động sai quấy về phương diện đạo đức thì chúng ta sẽ run rẩy với cảm giác có tội và hối tiếc, nhưng nếu đó là những hành động tốt đẹp thì ta sẽ hài lòng và hạnh phúc. Bộ Thắng pháp Tập yếu (Abhidammatthasangaha) có đề cập về nghiệp và nghiệp tướng tại ý môn vào lúc xảy ra cái chết. Điều đó dường như là sự sống lại trong ký ức của một hành động có thật hay một hành động bị che giấu ở  dạng những biểu tượng vào lúc con người bị cái chết xâm chiếm. Kinh điển cũng nói rằng sự tái sanh được quyết định bởi phẩm chất của những suy nghĩ xuất hiện theo cách thức như vậy.

Chết là một sự kiện tự nhiên cũng như khi màn đêm buông xuống; nó chỉ là một biểu hiện của tính vô thường. Cho dù chúng ta có chán ghét cái chết đến mức nào chăng nữa, chúng ta phải biết định hướng để chấp nhận điều không thể tránh được đó, vì hoàn toàn không có chỗ nào trốn tránh được cái chết. Kinh điển Phật giáo chủ trương phải biết nuôi dưỡng chánh niệm về cái chết một cách thường xuyên để con người không bị đặt vào tình trạng thiếu ý thức khi sự kiện này xảy ra. Để đối diện với cái chết một cách thanh thản, con người phải học nghệ thuật sống một cách thanh thản với chính mình và với mọi người mọi sự chung quanh. Một phương pháp để thực hành việc này là luôn nhớ đến tính cách không thể tránh khỏi của cái chết, một việc có tác dụng ngăn cản con người trước những hành vi xấu ác. Thực hành thiền định là một trong những kỹ thuật cho phép con người sống an lạc với chính mình và với mọi người. Thực hành lòng từ chính là một phương pháp hỗ trợ hữu hiệu cho hoạt động thiền định. Một trong những lợi ích đặc biệt của việc thực hành này là tâm không bối rối lúc đối diện cái chết.

Trong đoạn kinh Hiền thiện thuộc phẩm Cần phải nhớ, chương Sáu pháp (Kinh Tăng Chi Bộ), Đức Phật giải thích về cách chuẩn bị cho một cuộc mệnh chung thanh thản. Một người phải biết tổ chức cuộc sống của mình và nuôi dưỡng một thái độ thích đáng cho mục đích này. Lời dạy nêu trong đoạn kinh này như sau:

Không ham thích một cuộc sống bận rộn với quá nhiều hoạt động.

Không ham thích việc trò chuyện

Không ham thích ngủ

Không ham thích có nhiều bạn bè

Không ham thích giao thiệp

Không ham thích mơ mộng viển vông.

Một đoạn kinh khác cũng thuộc Tăng Chi Bộ là kinh Các sức mạnh thuộc phẩm Tranh luận, chương Hai pháp cũng giải thích rõ rằng người nào tránh những hành vi xấu ác về thân khẩu và ý khi khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh về cõi thiện, cõi trời hoặc cõi đời này. Kinh Đại Bát Niết-bàn thuộc Trường Bộ cũng khẳng định một cách dứt khoát rằng những người có hành vi xấu ác sẽ đối diện cái chết với sự sợ hãi, trong khi những người có những hành vi hiền thiện thì sẽ tiếp nhận cái chết một cách an lạc. Kinh Mahamana Sakka thuộc Tương Ưng Bộ (phẩm Saranani) thuật rằng có lần Thiên chủ Mahanama tiết lộ với Đức Phật là ông ta rất lo sợ về nơi tái sanh nếu như ông ta gặp một cái chết dữ trong một tai nạn xe cộ. Khi ấy, Đức Phật giải thích rằng nếu một người đã nuôi dưỡng các phẩm chất về niềm tin, giới hạnh, thiền định, từ bi và trí tuệ thì không cần thiết phải ấp ủ những nỗi sợ hãi như vậy. Để minh họa cho quan điểm đó, Đức Phật nêu ra thí dụ. Giả như một cái lọ gốm đựng  đầy dầu bị rơi và vỡ dưới đáy sông, thì những mảnh gốm có thể bị chìm xuống lòng sông nhưng dầu sẽ từ từ nổi lên mặt nước. Tương tự như vậy, trong một tình thế thảm kịch, thân thể của một người có thể bị giập nát, bị phơi bày để diều hâu hay dã-can cắn xé, nhưng tâm thức của người ấy vẫn nổi lên và hướng đến chỗ cao thượng.

Những điều mô tả về bệnh tình của cha mẹ của cư sĩ Nakula là một tình tiết thú vị khác thể hiện thái độ của Phật giáo về cái chết. Một thời, cha của Nakula bệnh rất nặng và mẹ Nakula ghi nhận rằng người bệnh rất cáu kỉnh bất an. Bà khuyên ông rằng chết với sự lo âu là điều đau khổ và bị Đức Phật phê phán. Vì thế mà người bệnh cần phải giữ bình tĩnh. Bà tự nói ra những điều âu lo của chồng, và bà hứa với chồng rằng tất cả những điều âu lo ấy bà đều có thể cáng đáng nếu như chồng mình qua đời, ngay cả việc ông lo ngại rằng bà sẽ tái hôn sau khi ông chết thì bà cũng hứa sẽ không tái hôn mà sẽ ở vậy trung thành với ông. Vì thế, bà khuyên ông nên đối mặt với cái chết một cách mạnh dạn không âu lo nếu như tình thế không thể thay đổi được. Đó là những lời khuyên của người vợ vào lúc chồng mình bệnh gần chết. Chuyện kể rằng sau đó cha của Nakula bình tâm lại và hồi phục dần. Câu chuyện được trình lên cho Đức Phật. Ngài khen ngợi mẹ của Nakula là một đệ tử áo trắng của Ngài đã đạt được tịnh chỉ, không còn do dự lo âu, với lòng từ mẫn, đã biết khuyên bảo chồng đúng mực.

Trong các kinh Tăng Chi Bộ Tương Ưng Bộ, có nhiều đoạn nói về ích lợi của việc quán tưởng về cái chết. Với lòng ham sống, tâm thức bị loại bỏ, và khi bị đầu độc bởi những thú vui của cuộc sống, con người phạm vào nhiều hành động tàn bạo khác nhau. Những điều đó sẽ được ngăn cản khi con người biết thực hành việc quán niệm về cái chết. Chỉ cần nhớ rằng chúng ta không đến trần gian này để ở lại mãi mãi thì chúng ta sẽ thận trọng gìn giữ để sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi kiểm điểm lại, nếu chúng ta phát hiện những tình cảm xấu như tham dục, ghen ghét, tức giận có mặt trong tâm, chúng ta nên lập tức tìm mọi cách tiêu diệt chúng như thể chúng ta phải giập tắt lửa nếu như chính đầu mình bị lửa liếm vào.

Vì vậy mà kinh văn Phật giáo nhắc đi nhắc lại không mệt mỏi về những lợi ích của việc thường xuyên quán tưởng về bản chất không thể tránh khỏi của cái chết. Điều đó giúp cho con người sống một cuộc sống hiền thiện và sẵn sàng đối mặt một cách thanh thản tự tin không sợ hãi trước cái chết, sự kiện duy nhất chắc chắn sẽ xảy ra trong đời. ■„

 

Nguồn: Facing Death Without Fear, trích trong One Foot in the World – Buddhist Approaches to Present-day Problems, http://www.accesstoinsight.org.

Tác giả: Lily de Sylva, Tiến sĩ Phật học, Giáo sư Phật học tại University of Peradeniya, Sri Lanka. Bà được mời thỉnh giảng tại Center for the Study of World Religions, Harvard University, niên khóa 1978-79. Bà cũng là tác giả nhiều sách Phật học và có đóng góp trong việc biên tập Sớ giải kinh Trường Bộ.

 

LILY DE SYLVA | TƯỜ NG VI dịch

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 187

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin