Chi tiết tin tức Tôi niệm Bồ-tát Quán Thế Âm 11:16:00 - 29/10/2015
(PGNĐ) - Từ nhỏ tôi đã được dạy trì niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm. Bác tôi là người xuất gia trụ trì một ngôi chùa, ông thường dạy tôi cũng như các Phật tử khác trì tụng chú Đại bi và danh hiệu của Bồ-tát.
Tôi vốn ốm yếu và thường hay bệnh, thể chất lẫn tinh thần đều kém. Tôi luôn sống trong mặc cảm tự ti, không có lòng tin nơi bản thân mình, thường ngại tiếp xúc với người khác và ít khi tham gia các hoạt động tập thể, cộng đồng. Chính vì tâm lý yếu đuối mà tôi có nhu cầu một nơi nương tựa tinh thần và sự chở che, giúp đỡ từ một đấng thiêng liêng. Bác tôi dạy rằng Bồ-tát Quán Thế Âm có tâm từ bi rộng lớn, thường cứu khổ ban vui cho chúng sinh, vì thế cần nên nhớ nghĩ công hạnh, thường trì niệm danh hiệu và học đức tính lợi tha của Ngài. Tôi tin tưởng lời bác dạy và niệm danh hiệu Bồ-tát mỗi ngày, nhất là khi đi đâu xa và khi chuẩn bị làm việc gì đó hay thi cử. Hễ lên tàu, xe là tôi nhiếp tâm niệm danh hiệu Bồ-tát để Ngài phù hộ, vì tôi sợ tai nạn, rủi ro xảy ra. Những khi vào phòng thi cử cũng niệm mãi danh hiệu Bồ-tát để Ngài phù hộ cho tôi làm bài đạt kết quả tốt. Tôi không ỷ lại vào sự giúp đỡ của Bồ-tát, vẫn chăm chỉ học hành, nhưng vì không có lòng tin nơi bản thân, vì tâm lý không vững thường hay hoang mang lo lắng mà tôi cầu sự trợ giúp của Bồ-tát, cầu sự an tâm nơi Bồ-tát. Cho đến sau này tôi mới hiểu hơn về ý nghĩa của việc trì niệm Bồ-tát Quán Thế Âm. Phần lớn những ai tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm đều xem Ngài như một đấng thiêng liêng có quyền năng ban bố phước lành và bảo hộ sự sống, sự bình an, giải lâm nguy, cứu khổ nạn. Tuy nhiên nếu nghĩ như thế thì Bồ-tát Quán Thế Âm không khác gì các vị thần linh của các tôn giáo khác. Suy nghĩ và niềm tin của nhiều người đã thần linh hóa Bồ-tát Quán Thế Âm, biến Ngài thành một vị thần. Sự thật thì Bồ-tát có thể làm trái luật Nhân quả, ban phước lành, tiêu trừ tai ách, bệnh tật, khổ não cho mọi người không? Nếu có thể thì từ lâu Bồ-tát đã cứu độ tất cả chúng sinh rồi, đâu cần đợi đến khi chúng sinh trì niệm danh hiệu và cầu nguyện sự cứu giúp của Ngài, vì Bồ-tát vốn dĩ từ bi mà. Không ai có thể làm trái luật Nhân quả, và Bồ-tát cũng thế. Tại sao có người được sự gia hộ, cứu giúp của Bồ-tát, sự cầu nguyện của họ có cảm ứng? Tại sao có người cũng trì niệm danh hiệu Ngài, cầu nguyện sự bình an, tiêu tai tiêu nạn mà chẳng có kết quả gì? Tất cả chỉ là nhân duyên. Khi nhân duyên hội tụ đủ thì thành tựu, nhân duyên chưa đủ hoặc trái nghịch nhau, phá hoại nhau thì không thành tựu. Nếu trong quá khứ đời này hoặc những đời trước đã từng tạo các nhân duyên thiện lành, hiện tại lại tu tạo thêm công đức phước báo (thông qua các việc thiện như cúng dường, bố thí, phóng sinh, làm các việc có ích cho tha nhân, trì niệm danh hiệu Bồ-tát, trau giồi đạo đức...), khi nhân duyên lành hội tụ đủ thì thành tựu quả lành. Trì niệm danh hiệu của Bồ-tát, nhớ nghĩ đến Bồ-tát và những công hạnh của Ngài chính là đang hướng tâm về điều lành, điều thiện, bởi vì Bồ-tát là hình ảnh đại diện cho những đức tính cao quý, cao thượng: từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha. Nếu nhân duyên lành trong quá khứ quá ít, hoặc quá khứ chưa từng tạo nhân duyên lành, hiện tại tạo nhân duyên tốt chưa đủ sức chuyển hóa những nhân duyên quá khứ, chưa đủ để thành tựu quả thiện lành, như thế thì không thể có được những điều mình mong muốn, nguyện cầu. Đó không phải là do Bồ-tát ban cho hay không ban cho, mà do nhân duyên mình tạo tác. Từ khi hiểu như thế tôi niệm Bồ-tát không phải để cầu xin phước lành, cầu sự chở che, bảo hộ. Tôi niệm Bồ-tát để nhớ nghĩ về điều thiện, về các đức tính từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, phụng sự tha nhân, phụng sự chúng sinh không mệt mỏi. Khi trì niệm danh hiệu Bồ-tát, nhiếp tâm vào danh hiệu thì không khởi vọng tưởng, nhờ đó mà có sự bình an; không khởi phiền não thì tâm mát dịu như được uống nước cam lộ, một loại nước ngon ngọt (cam) và mát mẻ như sương mai (lộ). Khi tâm định tĩnh, sáng suốt thì không còn hoang mang lo lắng, không còn sợ hãi và trí tuệ sẽ soi sáng hành động, việc làm, giúp mình có những giải pháp tốt trong cuộc sống, giúp mình vượt qua khó khăn, khổ nạn. Tôi học được nhiều điều từ ý nghĩa hình ảnh biểu tượng của Bồ-tát. Cành dương liễu tượng trưng cho hạnh nhẫn nhục (nhẫn nhục trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, mọi đối tượng tiếp xúc để tu học, để làm việc, để phụng sự tha nhân, có nhẫn nhục như thế mới thành tựu được trí tuệ và tâm đại bi). Nước cam lồ tịnh thủy tượng trưng cho tình thương từ bi mát dịu, ngọt ngon. Tòa sen tượng trưng cho sự thanh tịnh vô nhiễm. Ngàn mắt của Bồ-tát (thiên nhãn) tượng trưng cho trí tuệ soi sáng cho hành động, việc làm. Ngàn tay (thiên thủ) tượng trưng cho biện tài, năng lực phụng sự, độ sinh v.v… Trong kinh Pháp hoa (phẩm Phổ môn), Đức Phật dạy hạnh nguyện của Bồ-tát là quán sát lắng nghe âm thanh thế gian (quán thế âm) và ứng hiện ban thí vô úy (sự bình an, không sợ hãi), tùy theo sự mong cầu của thế gian mà đáp ứng, cứu giúp. Điều này dạy tôi về hạnh lắng nghe và yêu thương, chia sẻ. Biết lắng nghe để hiểu và thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong tình thương yêu và hiểu biết. Người khác có nhu cầu gì, cần sự giúp đỡ nào thì mình quan tâm chia sẻ, ở đâu cần thì mình đến, không ngại gian khổ, khó khăn, vì an lạc hạnh phúc cho tha nhân mà dấn thân phụng sự trên nhiều phương diện. Hình ảnh của Bồ-tát với dương liễu tịnh bình hoặc ngàn mắt ngàn tay luôn nhắc nhở tôi về tâm đại từ đại bi và hạnh nguyện cứu khổ, ban vui, mang lại sự bình an vô úy và hạnh phúc cho cuộc đời, nhắc nhở tôi phải nỗ lực tinh tấn trong tu học Phật pháp, rèn luyện trau giồi đạo đức, trí tuệ, tài năng để có được tâm hạnh Bồ-tát và khả năng làm lợi ích cho cuộc đời. Minh Hạnh Đức
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |