Chi tiết tin tức Được gì hãy biết đủ 21:08:00 - 09/11/2015
(PGNĐ) - Cuộc sống của con người gắn liền với nhu cầu, nghĩa là những khao khát cần được đáp ứng thuộc về cả thể chất lẫn tinh thần; và những nhu cầu của cuộc sống có vẻ là vô tận.
Nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow từng đưa ra tháp nhu cầu với những mức độ đòi hỏi cấp bách khác nhau theo thứ tự, từ nhu cầu cơ bản, đến các nhu cầu an toàn, nhu cầu sở hữu, nhu cầu được vinh danh, và cuối cùng là nhu cầu thể hiện mình. Nếu các nhu cầu không được thỏa mãn thì người ta thường buồn bực. Khi các nhu cầu đó được thỏa mãn thì người ta rất hài lòng. Cũng theo Maslow thì khi những nhu cầu ở bậc thấp đã được thỏa mãn, con người sẽ lập tức hướng tới những nhu cầu ở bậc cao hơn; nhưng thông thường thì người ta luôn muốn được thêm nhiều nữa; và cùng một lúc, người ta vẫn có các nhu cầu ở các bậc khác nhau. Tuy nhiên, nếu biết dừng một đòi hỏi đúng mức thì đó chính là sự biết đủ, nếu không sẽ có các tác hại. Chuyện tiền thân Suvannahamsa hay Chuyện Thiên nga vàng, đánh số 136 trong tuyển tập Jataka, nói về một trong các tác hại đó, được kể lại như dưới đây. Câu chuyện này khi trú ở Jetavana, bậc Đạo sư đã kể lại về Tỳ-kheo-ni Thullananda. Một nam cư sĩ ở Savatthi muốn cúng dường tỏi cho chúng Tỳ-kheo-ni, bảo người giữ ruộng: “Khi nào các Tỳ- kheo-ni đến, hãy cho mỗi Tỳ-kheo-ni hai hay ba nhánh tỏi”. Từ đấy trở đi, các Tỳ-kheo-ni đi đến nhà người ấy hay đến ruộng để lấy tỏi. Vị cư sĩ ấy muốn cúng dường tỏi cho các Tỳ-kheo-ni, có thể là vì kính trọng Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), cũng có thể là vì muốn tạo công đức cho mình. Tuy nhiên, sự cúng dường của vị cư sĩ này cũng có một mức độ giới hạn; ông dặn người giữ ruộng: “Hãy cho mỗi Tỳ-kheo-ni hai hay ba nhánh tỏi”. Như vậy ta có thể thấy sự cúng dường này chỉ để cho mỗi Tỳ-kheo-ni vừa đủ dùng trong ngày. Cũng có thể vị cư sĩ này chỉ cúng dường giới hạn vì đã biết về luật “cấm để dành thức ăn” đối với các Tỳ-kheo (xem Luật Ma-ha-tăng-kỳ, quyển thứ 17). Câu chuyện kể tiếp: Một hôm, vào một ngày lễ, trong nhà người ấy không còn tỏi nữa. Tỳ-kheo-ni Thullananda đến nhà người ấy với một số tùy tùng và hỏi: “Thưa ông, có tỏi không?”. “Thưa ni sư, không có tỏi. Ni sư hãy ra ngoài đồng”. Nghe nói vậy, Thullananda đi ra ngoài đồng, không chế ngự được lòng tham đã mang tỏi về quá nhiều. Người giữ ruộng tức giận: ”Vì sao các Tỳ-kheo-ni không biết vừa đủ, đem tỏi đi quá nhiều như vậy”. Vị cư sĩ đã dặn người giữ ruộng chỉ cho mỗi Tỳ-kheo- ni vài nhánh tỏi. Như vậy, các Tỳ-kheo-ni không thể lấy giùm người khác. Mặt khác, do không được để dành thức ăn, mỗi người cũng không thể lấy nhiều tỏi để dành dụm riêng cho mình. Hành vi của Tỳ-kheo-ni Thullananda bị người giữ ruộng cho là “không biết đủ”. Để hiểu thế nào là không biết đủ, ta cần tìm hiểu xem thế nào là biết đủ. Sự biết đủ (Pali: saŋtuţţhi, Hán Việt: tri túc) là sự thỏa mãn mọi nhu cầu vừa phải. Theo tiếng Pali, saŋtuţţhi là từ ghép của saŋ và tuţţhi; trong đó “saŋ” là một tiếp vĩ ngữ có nghĩa là cũng vậy hay cùng với, “tuţţhi” là quá khứ phân từ của “tussati” có nghĩa là vừa lòng, thỏa mãn. “Saŋtuţţhi” là hài lòng với những cái mình có. Trong bài kệ thứ 204 thuộc kinh Pháp Cú có đoạn kệ “Saŋtuţţhiparamaj dhanaj” được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch là “Biết đủ, tiền tối thượng”. Điểm chính yếu trong sự biết đủ là không có sự tham lam. Khi một người biết đủ, họ hài lòng với cái mình đã có, không cần phải yêu cầu thêm. Họ cũng hài lòng với cái mình nhận được. Nếu biết nguyên lý nhân quả, họ cũng hiểu rằng cái mình nhận được luôn phù hợp với hành vi quá khứ của mình, vì thế không sử dụng các phương pháp sai trái để mong nhận được nhiều hơn. Cũng nhờ biết nguyên lý nhân quả, họ hiểu rằng địa vị của mình do phước đức mà mình có được, do đó sẽ không tự cao tự đại khi ở địa vị cao và không khổ tâm vì muốn nhiều mà được ít nếu ở địa vị thấp. Họ cũng biết rằng cái mà mình nhận được thì tương xứng với trách nhiệm của mình, cho nên nếu muốn trách nhiệm ít mà thu nhập nhiều thì sẽ gây đau khổ. Ta theo dõi tiếp câu chuyện. Nghe nói vậy các Tỳ-kheo-ni thiểu dục bực bội phiền muộn và các Tỳ-kheo ở nhà cũng bực bội phiền muộn không kém. Sự phiền muộn của chư ni được các Tỳ- kheo trình lên Thế Tôn rõ. Thế Tôn phê bình Tỳ-kheo ni Thullananda và nói: “Này các Tỳ- kheo, một người có lòng dục lớn xử sự không thân ái, không làm vừa ý cho đến mẹ sinh ra mình, không gây được lòng tin đối với những người chưa tin, không có thể làm tăng trưởng lòng tin của những người đã có lòng tin; không làm khởi lên các lợi dưỡng chưa được khởi lên. Và đối với lợi dưỡng đã có rồi không thể duy trì được”. Đức Phật nói lên tác hại của việc không biết đủ. Người không biết đủ sẽ làm nhiều người, ngay cả cha mẹ, bực mình. Ngày nay, trong thời đại tiêu thụ, sự không biết đủ còn thể hiện trong việc vứt bỏ các món đồ còn tốt, khát khao mua sắm các vật dụng đời mới nhất: máy tính mạnh nhất, điện thoại lướt web nhanh nhất… Những người luôn luôn tìm kiếm những sự mới lạ, tốt nhất như vậy được các nhà tâm lý Mỹ gọi là những người đòi hỏi tối đa (maximizer). Người đòi hỏi tối đa là người không bao giờ vừa ý với món hàng mình lựa chọn, luôn luôn có cảm giác rằng ở đâu đó sẽ có một món hàng tốt hơn. Người đòi hỏi tối đa sẵn sàng đi tất cả các cửa hàng áo sơ-mi để lựa ra một cái áo vừa có chất lượng hạng nhất nhưng giá lại hời nhất. Trái ngược với người đòi hỏi tối đa là người biết hài lòng (satisficer). Các nhà tâm lý đưa ra một số dấu hiệu của trạng thái đòi hỏi tối đa: – Luôn muốn tìm kiếm công việc mới dù công việc hiện tại cũng đáng hài lòng. – Chuyển kênh tivi liên tục. – Lựa chọn rất nhiều khi đi mua sắm hay thuê mướn các dụng cụ, dịch vụ, mất rất nhiều thời gian đắn đo khi mua hàng. Thường hối tiếc sau khi mua một món hàng, không cảm thấy tích cực về các lựa chọn của mình. – Luôn luôn đặt chuẩn cao nhất cho công việc. Không bằng lòng với hạng nhì. – Ít trân trọng các sự kiện tích cực, thích nghi kém với những điều tiêu cực. Người đòi hỏi tối đa sau khi đã mua sắm thường có trạng thái gọi là “nỗi hối hận của người mua” (buyer remorse). Người này sẽ cảm thấy vô cùng hối tiếc nếu sau khi chọn lựa món hàng, sau khi mua xong, họ lại phát hiện ra món hàng tốt hơn hay có cùng chất lượng nhưng giá cả rẻ hơn. Họ sẽ nghĩ trong đầu: “giá như mình đi vào cửa hàng đó, giá như mình nghe lời khuyên của X…”. Với những sự hối tiếc như vậy, người đòi hỏi tối đa bị mất sự thỏa mãn, đời sống trở nên không hạnh phúc. Đức Phật nói: Này các Tỳ-kheo, không phải chỉ nay Thullananda mới có dục lớn, trong quá khứ Thullananda đã có lòng dục lớn rồi. Nói vậy xong Đức Phật kể lại câu chuyện quá khứ. Chúng ta đã biết rằng mỗi khi có một sự kiện gì cần giáo dục chư Tỳ-kheo, Đức Phật thường kể lại một câu chuyện tiền thân. Câu chuyện được Đức Phật kể lại trong trường hợp này như sau: Thuở xưa, khi vua Bramadatta trị vì ở Benares, Bồ-tát sanh trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành ngài lấy một người vợ môn đăng hộ đối. Với người vợ ấy Bồ-tát có được ba đứa con gái đều có tên là Nanda. Khi Bồ tát mệnh chung sanh làm con ngỗng trời vàng có trí nhớ được đời trước. Khi đến tuổi trưởng thành, thấy thân thể to lớn của mình, với lông bằng vàng che thân, với sắc đẹp tuyệt trần, ngỗng vàng hướng tâm tìm hiểu: “Ta từ đâu mạng chung mà đến đây?”. Biết được mình từ loài người đến, Bồ tát tìm hiểu tiếp: “Nay nữ Bà-la-môn và các con gái ta ở đâu?”. Được biết họ làm thuê cho người khác và sống một cách khó khăn, Bồ-tát suy nghĩ: “Nếu ta cho họ các lông bằng vàng trên thân ta thì vợ con ta sẽ sống hạnh phúc”. Như vậy, theo lý thuyết về nhân quả, vợ con của Bồ- tát đã thực hành bố thí trong quá khứ nên ngày nay có lông vàng của con ngỗng tặng để sinh sống. Bồ-tát kiếm ba mẹ con và nói: “Ta sẽ cho các con mỗi lần một cái lông vàng của ta. Các con bán và sống hạnh phúc”. Nói xong Bồ-tát cho một cái lông vàng và bay đi. Từ đó, Bồ-tát với cách thức này, đi đến và mỗi lần cho một cái lông vàng. Các nữ Bà- la-môn nhờ vậy sống sung túc và hạnh phúc. Mặc dù nhận được các lông vàng để bán mà sinh sống, các nữ Bà-la-môn chỉ có phước đức không nhiều nên chỉ nhận được mỗi lần một lông vàng. Tuy nhiên, khi nhận được lông vàng đều đặn như vậy, vị nữ Bà- la-môn là người mẹ lại phát sinh lòng tham, muốn có nhiều hơn. Một hôm, nữ Bà-la-môn nói với các con gái:” Này các con, tâm của loài bàng sanh khó mà biết được. Một ngày nào đó cha của các con có thể không đến đây, vậy khi nào cha các con đến, chúng ta hãy nhổ tất cả các lông vàng và lấy các lông ấy để dành”. Các người con gái không chịu: “Làm như vậy cha chúng con sẽ đau đớn”. Như vậy, thay vì biết ơn con ngỗng, nữ Bà-la-môn tìm cách vặt hết lông con ngỗng để lấy hết các lông vàng. Câu chuyện này cho thấy rằng cho dù bạn có giúp đỡ người khác như thế nào thì khi xử sự cũng cần phải thận trọng, nếu không sẽ gặp phải tình trạng “làm ơn mắc oán”. Tuy vậy, lòng ham muốn của nữ Bà-la-môn quá lớn, một hôm, con ngỗng trời vàng đến, bà kêu con ngỗng đến gần, lấy hai tay bắt giữ và nhổ tất cả các lông. Nhưng các lông của Bồ-tát nếu bị nhổ ngoài ý muốn của mình thì các lông trở thành lông con cò thường. Bồ-tát xòe hai cánh ra nhưng không có thể bay được. Nữ Bà-la-môn quăng Bồ tát vào trong một cái thùng lớn và cho Bồ-tát ăn ở đấy. Theo thời gian các lông của Bồ-tát mọc lại, nhưng nó toàn màu trắng. Với cánh được mọc lông lại, Bồ-tát bay về chỗ ở của mình và không bao giờ trở lại nữa. Vì ham muốn được nhiều lông vàng nên nữ Bà-la- môn sử dụng một biện pháp xấu, ép buộc con ngỗng để nhổ lông. Tuy nhiên, do phước đức của bốn mẹ con không đủ nên gặp hiện tượng các lông vàng trở thành lông thường. Đây là một câu chuyện ta cần suy ngẫm. Nếu tham quá mức thì tài sản mà ta thu lượm được sẽ bị hủy hoại theo những cách bất ngờ nhất, chẳng những vậy ta còn hại cả những người khác, ngay cả những người thân của mình. Bậc Đạo sư sau khi kể lại câu chuyện quá khứ, nói rằng: này các Tỳ-kheo, Thullananda không phải nay mới có ham muốn lớn. Thuở trước nó cũng có ham muốn lớn rồi. Lòng ham muốn lúc ấy làm cho nó mất vàng, cũng như lòng ham muốn lớn hôm nay làm cho nó mất tỏi. Cũng như Thullananda, chính vì nàng mà chúng Tỳ-kheo còn lại cũng không được tỏi. Do vậy, nếu được nhiều, phải biết lượng vừa đủ, nếu được ít phải bằng lòng với đồ nhận được. Chớ có mong mỏi nhiều hơn. Rồi bậc Đạo sư đọc bài kệ: Được gì hãy biết đủ, Quá tham là ác pháp, Do bắt chúa ngỗng trời Bao nhiêu vàng tiêu hết. Nói xong, bậc Đạo sư dùng nhiều phương tiện chỉ trích rồi đặt ra học pháp: Tỷ-kheo-ni nào ăn tỏi bị tội đọa địa ngục. Nói xong, bậc Đạo sư cho biết: Lúc bấy giờ nữ Bà-la- môn là Thullananda, ba người con gái là ba chị em. Con ngỗng trời là Ta vậy.■
TẤN NGHĨA
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |