Chi tiết tin tức

Hiếu vun bồi từ tâm

14:17:00 - 05/09/2015
(PGNĐ) -  “Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu / Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu” (Kinh Nhẫn nhục).

Những ngày này dường như nơi nơi, chốn chốn đều đang sống dậy tinh thần đạo hiếu, sống dậy tình thương yêu quý trọng của những người thân trong gia đình. Vu lan - mùa báo hiếu, mùa của những tiếng lòng hoan hỷ, trắc ẩn, soi lại chính mình để phục dựng lại bản tâm tốt.

rua chan.jpg
Rửa chân cho cha mẹ - Ảnh: PG Thanh Hóa

Nhiều Phật tử đi chùa lễ Phật, cả những người không theo tôn giáo nào hoặc muốn tìm chút thanh tâm an lành cho mình cũng dành chút thời gian để đến chùa thắp nén hương lòng và nghe lại những lời dạy của Phật về hiếu hạnh, về đạo làm con, làm người. Những câu chuyện giản dị nhưng đã làm xúc động và mang ý nghĩa thiết thực biết bao trong đời sống nhiều xô bồ và choáng ngợp thị phi này. Dường như, trong mỗi tâm hồn con người lúc này đang yên lặng và lắng nghe tâm mình một cách tuyệt vời!

Tôi không rõ những chùa khác, nơi khác thế nào, nhưng tại chùa Bửu Liên (Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) trong mùa Vu lan Báo hiếu này, không riêng gì tôi, thật ý nghĩa. Nhiều Phật tử thắp hương lễ bái nhưng trong sự nhẹ nhàng, tôn kính, trật tự.

Ðại đức Thích Minh Thành đã giảng một thời pháp ngắn về đạo hiếu của con cái đối với công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục, câu chuyện cứ chậm rãi và trôi qua như những áng mây mùa thu không muốn trôi qua ngày. Thầy đã làm mọi người chìm trong suy nghĩ chính mình, chính câu chuyện của từng người, từng gia đình.

Sau đó là phần chia sẻ và tỏ lòng của Phật tử biết ơn đối với song thân. Những câu chuyện, những tấm lòng làm lòng người ấm lại, nhiều đôi chân đã rút gọn hơn để nhường cho người bên cạnh ngồi, nhường cho người sau tới trễ, cánh cửa như mở rộng thêm ra mãi và dòng người như không dứt bước vào chánh niệm.

Nhưng nếu chỉ có vậy thì ở chùa nào hoặc nơi nào đó cũng đã, đang hoặc sẽ làm vậy. Một điều bất ngờ xảy đến, sự phục dựng đạo đức qua hành động, cử chỉ thật cụ thể, nhẹ nhàng, không dạy kiểu bề trên mà đánh động cả thân tâm người, giọt giọt nước mắt cứ lăn nóng đôi má, không chỉ riêng người trẻ mà cả người đã tuổi về chiều. Ðó là con rửa chân và lau khô chân cho cha mẹ trong một thau nhỏ, con cái bày tỏ tình cảm của mình đối với bậc sinh thành và cài bông hồng lên ngực áo mẹ cha rồi trao quà lì xì lại cho cha mẹ.

Chao ôi! Giọt nước mắt xúc động vì hiếu tử của những người cha mẹ đã luống tuổi cứ ngắt quãng và nhịp thở cứ nghẹn ngào khôn xiết.

Ngoài cửa có rất nhiều chân kiễng gót cao lên để ngắm, để thấy lại mình, để nghe lại mình có thật sự hiếu thuận với mẹ cha và tôn kính những người đã đã mang nặng đẻ đau, cưu mang, dưỡng dục… hai hàng ghế khoảng năm gia đình thực hành hiếu hạnh nhưng đã như một thước phim lớn khai ngộ trong mỗi người con. Pháp hội dừng lặng thật lâu, nghe rõ những bước chân bên ngoài.

Trong lúc các Phật tử được cài bông hồng lên ngực áo thì bản nhạc thấm đẫm tình mẫu tử nhè nhẹ phát lên: “Bông hồng cài áo” (Thơ: Thích Nhất Hạnh, nhạc: Phạm Thế Mỹ). Bông hồng trắng: mẹ cha đã không còn. Bà cụ trên sáu mươi đã ngấn lệ khi nhìn bông hồng và nhớ về phụ mẫu. Bông hồng đỏ nhạt: hoặc cha mất hoặc mẹ mất. Không ít người nhận và ánh mắt nhìn về xa xăm trong sự tiếc thương. Bông hồng đỏ thẫm: mẹ cha đều còn. Nhiều người con hạnh phúc mừng rỡ. Có người chạy đến ôm chầm lấy cha hoặc mẹ mình vì hạnh phúc “khi con còn có cả mẹ cha”.

Trang kinh không còn là trang kinh cao xa sâu mầu nữa mà nó đi vào lòng người và trải qua bao nhiêu thời gian thay đổi, nó vẫn sống và xúc động chúng ta qua hình ảnh đại hiếu của ngài Mục Kiền Liên tôn giả cứu mẹ thoát khỏi cảnh đói khát trong đường ngạ quỷ. Nghe và ngẫm lại để thấy tấm gương soi đang phản chiếu chính mình trong mỗi ngày qua. Vì hiếu là bổn phận, là trách nhiệm, là tình thương, tôn kính mà mỗi người con đều phải thực hiện đối với mẹ cha. Chữ hiếu trả một đời vẫn không hết!

Ngày ngày giở trang báo, lướt tin trên báo mạng thấy có quá nhiều tin tức về giết người, nhưng rùng rợn hơn là những tin về con giết mẹ cha, con cái bạo hành ngược đãi với mẹ cha hoặc mẹ cha giết con cái,… nghe mà thấy sự bất an cứ giày vò mãi. Nhưng, biết đâu trong pháp hội này, từ mùa Vu lan này, từ bản tâm thể tánh tốt này mỗi người lại nhân rộng ra tình thương yêu quý mến, luôn tôn kính với nhau như buổi đầu gặp gỡ và đặc biệt là sự vun bồi hiếu đạo bắt nhịp lại mạch nguồn vốn dĩ có sẵn trong sâu thẳm mỗi người chúng ta!

Tôi lại nghe bên nhà hàng xóm đang mở máy nghe lại bài hát “Lòng mẹ” của nhạc sĩ Y Vân… ngọn gió mùa thu như đang ru và vỗ về mỗi người con chúng ta nhớ nghĩ về cha mẹ mình… Tình thương vô bờ bến, không gì sánh bằng của mẹ cha rộng lớn như biển cả, cao vời như núi Thái sừng sững theo thời gian, vững vàng cùng năm tháng không thay đổi. Ai còn có thể cài được hai bông hồng đỏ thẫm trên ngực áo mẹ cha xin nhanh tay và trân trọng phút giây diệu kỳ này!

Trần Huy Minh Phương

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin