Chi tiết tin tức

Ảnh hưởng của Phật giáo trong thơ Bích Khê

15:17:00 - 12/05/2024
(PGNĐ) -  Bích Khê (1916-1946), tác giả của “những câu thơ hay vào bực nhất của thơ Việt Nam” như sự xưng tụng của Hoài Thanh – Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam, là một hiện tượng mới lạ, độc đáo của Thơ mới nói riêng, thơ Việt Nam hiện đại nói chung. Thơ Bích Khê không quá đồ sộ nhưng đạt những thành tựu lớn, giữ vị trị quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa nền văn học Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX. Đọc thơ ông, người ta có thể nhận ra những ảnh hưởng của Phật giáo trong cảm quan nghệ thuật của nhà thơ. Bài viết tập trung làm sáng rõ những ảnh hưởng của Đạo Phật đối với hoạt động, thành quả sáng tạo của nhà thơ để qua đó khẳng định, Phật giáo là một trong những mạch nguồn tư tưởng góp phần làm nên giá trị của thế giới thơ ca Bích Khê.

MỞ ĐẦU
Cũng như nhiều tác giả Thơ mới, Bích Khê là nhà thơ chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo. Dấu ấn Phật giáo để lại trong thơ ông khá sâu đậm. Cảm quan Phật giáo trở thành một trong những nguồn cảm hứng nghệ thuật lớn của thế giới thơ ca Bích Khê, bên cạnh những mạch nguồn tư tưởng, triết học, thẩm mỹ khác.

Sự chi phối của cảm quan Phật giáo trong sáng tác của Bích Khê đã được nhiều người chỉ ra. Nhà thơ Chế Lan Viên nhận định về dấu ấn Đạo Phật trong thơ Bích Khê một cách đầy hình ảnh: “Thơ có thứ đơn chất và loại đa chất, có thứ nguyên chất, có thứ lại là hợp chất, hóa chất kia. Khê thích biến hóa, tổng hợp. Anh nhặt các chất, cái thì bên Tây, cái thì bên Tàu, cái trên tòa sen (chúng tôi nhấn mạnh – TBT), cái ở hang âm phủ, cái ở hồn anh, cái ở ngoài đời, đầu cua tai nheo trên trời dưới bể rồi bỏ vào cái lò bát quái thơ của anh mà nung lên vạn độ, bỏ vào cái hồ lô thơ anh mà lắc đến triệu lần. Từ đấy sẽ chảy ra chất thơ anh tâm niệm” [1]. Nhà nghiên cứu Trần Hoài Anh khi nghiên cứu về tâm thức Phật giáo trong sáng tác của các tác giả Trường thơ Loạn đã gọi thơ Bích Khê là “quả nhân duyên mùi mẫn vị phong trần” [2]. Nhà nghiên cứu Lê Thị Hường đã chỉ ra sự ảnh hưởng sâu đậm của tâm thức Phật giáo đến quan niệm niệm nghệ thuật về cái chết của các tác giả Trường thơ Loạn, trong đó có Bích Khê [3]. Kế thừa những gợi mở của các nhà nghiên cứu đi trước, bài viết của chúng tôi tập trung vào tìm hiểu mối quan hệ giữa Bích Khê và Đạo Phật cũng như sự ảnh hưởng của Phật giáo trong thơ ông. Qua đó, khẳng định Phật giáo là một trong những nền tảng tư tưởng quan trọng, góp phần làm nên giá trị của thơ Bích Khê; đồng thời, bằng những tác phẩm đặc sắc mang đậm cảm quan Phật giáo, Bích Khê có đóng góp nhất định vào dòng chảy miên viễn 2.000 năm của nền văn học Phật giáo nước ta.

BÍCH KHÊ VÀ ĐẠO PHẬT
Nhà thơ Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương. Ông sinh ngày 24/3/1916 tại quê ngoại tại xã Phước Lộc, nay là xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Bích Khê lớn lên chủ yếu ở quê nội cách quê ngoại không xa, tại Thu Xà, nay thuộc xã Nghĩa Hòa, thành phố Quảng Ngãi. Cả quê nội và quê ngoại của nhà thơ đều ở gần hai ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất Quảng Ngãi là chùa Thiên Ấn và chùa Ông Thu Xà. Đây là nhân duyên tốt lành để cậu bé Bích Khê tiếp xúc với Đạo Phật từ sớm. Thời niên thiếu, nhiều lần Bích Khê đến vãn cảnh hai ngôi danh tự này. Bóng chùa, lời kệ, tiếng chuông lặng lẽ đi vào tâm khảm của Bích Khê từ đó để sau này cứ bàng bạc trong các sáng tác của nhà thơ.

Cũng như người thi hữu Hàn Mặc Tử trong Trường thơ Loạn, cuộc đời Bích Khê ngắn ngủi và đầy đau thương. Năm 1929, cậu thiếu niên Lê Quang Lương vốn thông minh, hiếu học đã đỗ đầu kỳ thi tiểu học Pháp – Việt tại Đồng Hới. Sau đó, ông vào học trung học tại trường dòng Pellerin tại Huế và hoàn thành chương trình học chỉ sau 3 năm. Sau đó, ông ra Hà Nội học chương trình tú tài nhưng chỉ sau một năm phải nghỉ vì chia sẻ số tiền chu cấp ăn học của gia đình cho một người bạn nghèo cùng trường. Năm 1934, Bích Khê vào Phan Thiết, cùng chị gái là nữ sĩ Lê Thị Ngọc Sương mở trường tư thục. Ông sống trong các ngôi chùa tại Phan Thiết. Mối lương duyên giữa Bích Khê và Đạo Phật nhờ đó mà ngày càng thêm sâu sắc.

Cuối năm 1935, Bích Khê về Thu Xà sống với mẹ chưa bao lâu thì mắc bệnh lao phổi, một trong “tứ chứng nan y” bấy giờ. Ông ra Huế chữa trị tại bệnh viện lao P. Pasquier hơn một năm. Bệnh thuyên giảm, năm 1937, Bích Khê trở về quê nhà dưỡng bệnh. Trong thời gian này, ông có thời gian dài sống trong các chùa trên núi Thiên Ấn, Phú Thọ ở quê. Năm 1942, bệnh lao trở nặng, ông phải ra lại viện P. Pasquier để điều trị. Lần này, bệnh tình Bích Khê ngày càng trầm trọng. Sau gần tám tháng chữa trị không hiệu quả, ông trở về Thu Xà và trút hơi thở cuối cùng trên quê nhà vào ngày 17/1/1946 khi vừa tròn 30 tuổi.

Những ngày đau bệnh, “trong những lúc tuyệt vọng nhất, đau khổ nhất, chán nản nhất, Bích Khê tìm đến với Phật giáo như một cứu cánh cho sự giải thoát, không chỉ cho đời ông mà cho cả thơ ông” [4]. Những lời Bích Khê tâm sự với mẹ về phát nguyện vào chùa ở được Quách Tấn ghi lại trong cuốn Đời Bích Khê cho ta hiểu hơn về tấm lòng hướng Phật của nhà thơ: “Cảnh thanh tịnh hợp với sức khỏe của con. Vậy mẹ cho con vào chùa ở, trước để di dưỡng tinh thần, sau nghiên cứu kinh điển nhà Phật cho thêm rộng kiến thức. Thế là cùng với chú tiểu đồng 12 tuổi, Khê đến ở chùa Phú Thọ” [5]. Điều này cũng được người chị ruột thân thiết nhất của Bích Khê là Lê Thị Ngọc Sương thuật lại trong bài viết “Người em Bích Khê”: “Bích Khê lại đòi về nhà để rồi lại xin lên ở tại một ngôi chùa ở Phú Thọ để vừa làm thơ vừa nghiên cứu triết lý Đạo Phật. Tại đây, câu kinh tiếng mõ đã làm tâm hồn chàng lắng xuống và sự tín ngưỡng lần lần đi vào tâm hồn tinh vi của chàng như gió chiều bốn hướng mênh mang đi vào cảnh lá cây nơi núi non trùng điệp” [6].

 

Bích Khê (1916-1946), tác giả của “những câu thơ hay vào bực nhất của thơ Việt Nam” như sự xưng tụng của Hoài Thanh – Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam, là một hiện tượng mới lạ, độc đáo của Thơ mới nói riêng, thơ Việt Nam hiện đại nói chung. – (Ảnh: sưu tầm).

Trong những ngày cuối cùng đau đớn trên giường bệnh, nhà thơ tài hoa bạc mệnh Bích Khê càng nương chặt vào Đạo Phật và đặt trọn niềm tin vào sự cứu rỗi, giải thoát từ Phật pháp từ bi, nhiệm màu. Lời kể lại của người chị Ngọc Sương về những ngày cuối đời Bích Khê niệm kinh khẩn Phật thật cảm động: “Hai tháng trước ngày từ giã cõi đời, Bích Khê niệm kinh Di Lặc và tin tưởng ngày nhắm mắt có Phật đến rước” [7]. Theo lời bà Ngọc Sương, những giây phút trước giờ lâm chung, Bích Khê đã sửa mình thanh tịnh và ra đi nhẹ nhàng, thanh thản trong tiếng tụng kinh của các nhà sư: “Rồi chàng xin mẹ mời thầy tụng kinh ba đêm ngày. Trong ba ngày nầy Bích Khê chỉ xin ăn cam và sữa cốt để cho bao tử nhẹ nhàng, tinh khiết. Đêm thứ ba Bích Khê nhắm mắt nghe kinh […]. Giấc ngủ ngàn thu bắt đầu từ giây phút ấy. Lúc 12 giờ khuya, người nhà ngồi bên Bích Khê trông thấy một vệt sáng xanh từ trong giường Bích Khê vụt lên mái nhà… Tiếng kinh và tiếng mõ của nhà sư vọng lên cao xung quanh chàng” [8]. Và như thế, “Bích Khê chủ động đến với cái chết, trong tư thế thiền định nhập cuộc Niết bàn” [9].

Có thể nói, trọn cuộc đời Bích Khê từ thời thơ ấu đến những giây phút cuối đời, từ những năm tháng thiếu thời bình yên, mơ mộng đến những ngày tuyệt vọng, buồn đau trên giường bệnh luôn có Đạo Phật đi cùng. Phật giáo trở thành niềm an ủi, ánh sáng chân lý dẫn đưa nhà thơ trong mỗi trạng huống cuộc đời. Nhìn lại cuộc đời ngắn ngủi, bi thương nhưng rất đỗi tài hoa, rực rỡ của Bích Khê, người ta thấy dấu ấn sâu đậm của Đạo Phật. Trong các sáng tác của ông, sự ảnh hưởng, chi phối của cảm quan Phật giáo bởi đó cũng hết sức đậm nét, sâu sắc.

Dấu ấn Phật giáo trong thơ Bích Khê
Nghiên cứu tư duy thơ Bích Khê, tác giả Hồ Thế Hà cho rằng: “Bích Khê tìm đến tôn giáo(Đạo Phật – TBT) như một nơi nương tựa, cao hơn, là sự cứu rỗi cho tâm hồn và thi hứng(chúng tôi nhấn mạnh – TBT)”. “Ông tìm cách đến được chốn tận cùng của thi ca bằng cách trú ngụ ở một cõi linh thiêng và cao siêu […]. Và cuối cùng, ông tìm gặp ngay trong bàn thờ Phật thanh tịnh của gia đình ông” [10]. Chúng ta không phủ nhận việc Bích Khê chủ động tìm đến Đạo Phật để tìm một chốn nương dựa, di dưỡng, thăng hoa của thơ ca như chính trong lời ông thưa với mẹ khi xin lên ở chùa Phú Thọ. Tuy nhiên, đi vào thế giới thi ca Bích Khê, không khó để nhận ra Phật giáo đến với thơ ông một cách tự nhiên, sâu lắng, trở thành mạch ngầm bất tận nuôi dưỡng khu vườn thơ ca Bích Khê xanh tốt, ngát hương. Dấu ấn đậm nét của Đạo Phật trong thơ Bích Khê trên nhiều phương diện là chỉ dấu cho điều này.

Trên bề nổi, có thể nhận ra dấu ấn của Đạo Phật trong thơ Bích Khê qua hình ảnh những ngôi chùa, câu kinh, tiếng chuông thấp thoáng, ẩn hiện, vang vọng trong những dòng thơ sâu lắng, đậm phong vị thiền… Đây là hình ảnh chùa Ông Thu Xà ở cạnh nhà Bích Khê: Mây trắng bay về núi Thạch chưa?/ Chùa Ông chim hót ở ngoài mưa/ Ngồi trên gò mả nghe chuông vọng/ Sắc cỏ thơm mùi kinh sách xưa (Chùa Ông Thu Xà) [11]. Còn đây là tiếng chuông trên chùa Thiên Ấn ngân vang trên dòng Trà Giang mà thi nhân nghe như tiếng gầm sóng từ ngàn năm vọng lại: Trà Giang, Thiên Ấn chuông gầm sóng/ Vang tiếng ngàn năm đất Cẩm Thành/ Ngàn năm quả Ấn nằm trơ mốc/ Một dải sông Trả chảy sậm xanh (Trên núi Ấn nhìn sông Trà). Nếu như chùa Ông, chùa Thiên Ấn là những cổ tự ở quê nhà đã đi vào thơ Bích Khê như những hình ảnh gần gũi, thân thương của quê hương, tuổi thơ thì chùa Non Nước trên Ngũ Hành Sơn là một danh tự giữa núi non, biển trời hùng vĩ đã mang đến cho hồn thơ Bích Khê những cảm xúc mới lạ. Ông viết liền ba bài thơ về núi Ngũ Hành (một bài thất ngôn bát cú và hai bài ngũ ngôn trường thiên). Ở đó, hình ảnh tiếng chuông, lời kinh ngân nga, thánh thót hiện lên như liệu pháp tinh thần hữu hiệu xoa dịu tâm hồn đau thương của thi nhân: Chập chờn trong ba tiêu/ Đường mưa thu nhỏ giọt/ Chập chờn trong tiếng chuông/ Điểm kinh ngân thánh thót (Ngũ Hành Sơn – tiền); Giữa trời bóng nguyệt lồng vô động/ Trên biển mù sương thổi lại non/ Tiền, hậu hai bài ngâm chửa dứt/ Hồi chuông thiên cổ dộng boong boong (Ngũ Hành Sơn)… Không quá khi cho rằng thơ Bích Khê tràn đầy thanh âm mà trong đó, chuông chùa là một âm thanh chủ đạo. Trong tập Mấy giòng thơ cũ, Bích Khê có hẳn một bài theo thể hát nói về tiếng chuông chùa: Đêm khuya giấc điệp mơ màng/ Nghe chuông sực tỉnh một tràn mộng xuân/ Trớ trêu cho khách phong trần/ Nghe chuông đối cảnh tinh thần ngẩn ngơ/…/ Riêng tớ những chứa chan bầu thống khổ/ Đá phong trần còn hổ với ba sanh/ Mộng giang hồ bay bổng tận mây xanh/ Nghe tiếng dội luống ngầm quanh về non nước (Đêm khuya nghe chuông…). Rõ ràng, tiếng chuông chùa ngân vọng trong đêm đã mở ra một không gian thanh tịnh đậm không khí Thiền môn, trở thành tiếng gọi thức tỉnh cho người lữ khách phong trần còn say nhiều mộng ảo…

Trên bề mặt văn bản, dấu ấn Phật giáo trong thơ Bích Khê in đậm nét của lớp từ ngữ, điển cố nhà Phật mà nhà thơ sử dụng trong các tác phẩm của mình. Dưới đây là những từ, ngữ tiêu biểu: Đá phong trần còn hổ với ba sanh/…/ Nắm chày kình dõng dược giộng cho kêu/ May ra người tỉnh thức đều (Đêm khuya nghe chuông…); Ôi sao là khúc Ba sinh lụy/ Rào rạc như đầy nỗi cảm thương (Hiện hình); Trăng thanh tịnh còn lóng trong thơ câm/ Nhạc vô minh hằng sôi trên nét chữ (Tranh lõa thể); Ôi! Sắc phàm trên bộ mặt từ bi/ Ôi! Tiên nương trong tình xuân đầy ứ (Sọ người); Quả nhân duyên mùi mẫn vị phong trần (Nàng bước tới); Ngọc mầu nhiệm nên pháp danh Như Ý/ Kết tinh bằng tứ tượng với âm dương/ Ngọc chơn nhơn cho Phật tử cúng dường/ Và chiêm ngưỡng giữa kỳ hoa dị thảo (Ngọc); Lấy ai siêu độ từ bi/ Hồn xiêu hồn đến quy y bên nàng (Thơ bay); Muôn năm lòng đá rắn/ Nhuần thấm giọt từ bi (Ngũ Hành Sơn – hậu)… Bên cạnh đó, thơ Bích Khê còn thường xuyên nhắc đến các danh xưng của Đức Phật: Liêu Trai trở lại lánh vòng trần/ Ma Phật mơ hồ mộng với thân (Gõ bồn); Phật Như Lai thoạt hiện/ Trên bảy sắc cầu vồng, Ta nay lên điện ngọc/ Chỉ nhường Phật Như Lai (Ngũ Hành Sơn – hậu).

Có thể thấy, hình ảnh ngôi chùa, tiếng chuông cùng những từ ngữ, điển cố Phật giáo xuất hiện thường xuyên trong thơ Bích Khê là một chỉ dấu quan trọng cho sự ảnh hưởng của Đạo Phật trong thơ Bích Khê. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi, như chúng ta vẫn gặp trong sáng tác của nhiều tác giả khác. Cảm quan Phật giáo còn chi phối tư duy thơ và cảm hứng nghệ thuật của Bích Khê ở những chiều sâu mà ở đó, chỉ thật sự yêu mến, am hiểu và đồng điệu với tinh thần nhà Phật, tác giả mới có thể chạm đến.

 

Cảm quan Phật giáo trở thành một trong những nguồn cảm hứng nghệ thuật lớn của thế giới thơ ca Bích Khê, bên cạnh những mạch nguồn tư tưởng, triết học, thẩm mỹ khác. – (Ảnh: sưu tầm).

Nhà nghiên cứu Trần Hoài Anh cho rằng: “Khác với Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên, tâm thức Phật giáo trong thơ Bích Khê là sự kết tinh từ chính những thăng trầm của cuộc đời thi nhân như định mệnh, thể hiện qua những việc làm cụ thể như một sự ám ảnh của vô thức và tâm linh” [12]. Tâm thức Phật giáo soi chiếu cách nhìn nhận, cảm giác về thế giới và cuộc đời của Bích Khê. Đây là lí căn nguyên cho việc trong thời kỳ sung mãn, đỉnh cao của những thể nghiệm về thơ trượng trưng, siêu thực, Bích Khê lại có những thi phẩm mang phong cách cổ điển, mang đậm phong vị Thiền tông, ví như: Trăng sáng giữa trời trong/ Soi về miền cổ độ/ Lòng ta bến đò xưa/ Bóng trăng sao chẳng tỏ (Trăng sáng bến đò xưa); hoặc như: Người nghệ sĩ lòng buồn hơn cổ độ/ Khóc ngây thơ mà tóc bạc không hay (Cô gái ngây thơ). Những dòng thơ tuyệt mệnh của thi nhân cũng đậm sắc màu Phật giáo, như một lời kệ của bậc chứng ngộ: Thân bệnh: ngô vàng mưa rụng lá/ Bút thần: sông lạnh ánh sao rơi/ Sau nghìn thu nữa trên trần thế/ Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi (Lời tuyệt mệnh)… 

Trong sáng tác của Bích Khê, chùm ba bài thơ về Ngũ Hành Sơn là trường hợp rất đặc biệt. Đây là chùm ba bài thơ mang rõ hồn cốt cổ điển với phong vị Đường thi xuất hiện một cách bất ngờ trong những năm tháng cuối đời khi Bích Khê dường như đã đi ra khỏi địa hạt của chủ nghĩa tượng trưng và lặng lẽ trở về sau khi chạm vào cõi thơ siêu thực. Trong ba bài thơ này, không khí Phật giáo được thể hiện đậm đặc mà nổi bật nhất là hình ảnh Đức Phật Như Lai được thể hiện một cách đẹp đẽ, kỳ vĩ, lớn lao: Lác đác trổ mưa bông/ Phật Như Lai thoạt hiện/ Trên bảy sắc cầu vồng/ Quái thay hòn Non Nước/ Nghe giảng đủ mười tông/ Muôn năm hòn đá rắn/ Thấm nhuận giọt từ bi (Ngũ Hành Sơn – hậu). Đây là “minh chứng sinh động nhất, xác tín cho tâm thức Phật giáo trong thơ Bích Khê” [13].

Là một người gắn bó với Phật giáo trọn đời, nhiều lần vào sống ở chùa, thường nghiên cứu kinh tạng nhà Phật và hơn hết, có tấm lòng nhân hậu, đơn sơ mang tinh thần bác ái của Đạo Phật, Bích Khê chịu ảnh hưởng sâu sắc của nhiều triết lý nhà Phật như quan niệm về sự vô thường, lòng từ bi, sự giải thoát… Đọc thơ Bích Khê, ta không khó để nhận ra những điều này.

Cũng như sáng tác của Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên, thơ Bích Khê luôn phảng phất, nhiều khi ám ảnh bởi triết lý cuộc đời mong manh, vô thường. Trong bài Mỹ tửu ca, ông viết: Trăm năm vui được mấy hồi. Trong cách nhìn của Bích Khê, đời người thoáng chốc, bởi đó, thời gian trong cách cảm của thi nhân luôn nhanh hơn, bước chân thời gian như không còn bộ hành nữa mà hóa đôi cánh để vút bay đi: Mây tuyết thời gian bay tợ nhạc (Nấm mồ). Trong sự mong manh của kiếp người hữu hạn, thi nhân liên tục truy vấn về sự tồn tại của con người của của chính mình: Chạy điên rồ… đứng sững giữa xương ma/ Người là ai? Người có phải là ta? (Sọ người). Rõ ràng, “quan niệm “nhân sinh như mộng”, sống gửi thác về của Đạo Phật chi phối cái nhìn thời gian của các nhà thơ Loạn” [14], trong đó, Bích Khê là nhà thơ tiêu biểu.

Trong Thơ mới, cùng với người thi hữu tri âm Hàn Mặc Tử, Bích Khê là thi nhân thường nói đến sự giải thoát nhất. Đọc thơ ông, người ta luôn nhận ra có một cõi Niết bàn đầy thanh âm và ánh sáng, nơi bình an tuyệt đối mà nhà thơ luôn khát khao hướng thượng, trú ngụ tâm hồn. Có lẽ, trong số các nhà thơ Mới, Bích Khê là người đến gần với Đạo Phật nhất. Trong sự thăng hoa của nghệ thuật, tâm hồn thi nhân đã đạt đến cõi tâm Thiền như nhất: Bảy lần đài Vọng Hải/ Ta sẽ ngồi nhập định/ Bốn mươi chín ngày đêm/ Mặt nguyệt rót êm đềm/ Mặt trời luôn sáng tạo/ Thần trí mở kho tàng/ Tượng trưng vầy cao đạo/ Trổ chính phẩm văn chương (Ngũ Hành Sơn – hậu). Thật vậy, đúng như Lê Thị Hường nhận định: “Bên cạnh một Bích Khê tìm đến thế giới hoang sơ, thế giới của nhạc, hương và sắc, còn có một Bích Khê đạt đến tâm Thiền” [15]. Và với tác phẩm “đỉnh điểm của thiên tài” [16] Ngũ Hành Sơn – hậu này, thi nhân Bích Khê đã “sóng mình cùng triết lý, Phật pháp và chính phẩm văn chương” [17].

Tinh thần Phật giáo còn thấm đẫm trong thơ Bích Khê ở tấm lòng yêu thương, nhân hậu của thi nhân đối với cuộc đời, với con người. Nói đến Bích Khê, người ta thường nghĩ đến người “thi sĩ thần linh” với những vần “thơ lõa thể” sừng sững giữa “một thời đại trong thơ ca” [18] trước bước chuyển mình hiện đại hóa. Nhưng Bích Khê còn là một thi sĩ nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn, yêu thương con người và vạn vật. Về thăm quê nhà, thi nhân chạnh lòng trước cảnh quê nghèo, đìu hiu, người dân bị xâu thuế, công nợ bủa vây: Phố phường hai dãy đứng trơ trơ/ Phong cảnh nhìn xem đã khác xưa/…/ Thần tiên đâu vắng khoanh tay ngó/ Ma đói nên ghê đứng cửa chờ/ Phần thuế xâu phần công nợ nữa/ Thăm quê khiến khách rối lòng tơ (Về Thu Xà cảm tác). Ông xót thương, đồng cảm với người ca nương hát bộ trong phận kiếp hẩm hiu của đời nghệ sĩ: Là sao! Cả rạp không ai khóc/ Chỉ có mình cô khóc với cô! (Cùng một cô đào hát bộ). Với người say rượu chết trong cô đơn, thi nhân cũng chạnh lòng thương cảm: Rạng mai có kẻ đi về đấy/ Ôi! Người say rượu nằm chết queo/ Ngọc sương nức nở tan thành lệ/ Hơi rượu nồng say vẫn quyện theo (Người say rượu)… Ở những vần thơ mang nặng tình người ấy, ta có thể nhận ra tinh thần bác ái, từ bi của nhà Phật vốn đã lặng sâu vào tâm hồn Bích Khê từ những ngày còn thơ ấy.

Như vậy, Đạo Phật không chỉ là một tôn giáo mà Bích Khê hướng đến để tìm điểm tựa cho tâm hồn và thơ ca như nhiều tác giả thơ Mới đương thời. Đạo Phật còn là suối nguồn thẳm sâu mà tươi mát chảy mãi trong tấm lòng Bích Khê, nuôi dưỡng hồn thơ thi nhân, là nền tảng vững chắc để thơ ông vút lên những đỉnh cao mới lạ. Không chỉ để lại dấu ấn đậm nét trong thế giới nghệ thuật của Bích Khê, cảm quan Phật giáo còn là một trong những yếu tố quan trọng làm nên chiều sâu tư tưởng của thơ ông. Bởi đó, nhắc đến thế giới thơ ca Bích Khê không thể không nói đến sự ảnh hưởng của Phật giáo.

KẾT LUẬN
Có thể nói, trong phong trào Thơ mới (1932-1945), hiếm có tác giả nào yêu mến, gắn bó với Đạo Phật sâu đậm cả trong cuộc đời lẫn trong thơ ca như Bích Khê. Ông là tác giả của “những câu thơ hay vào bực nhất của thơ Việt Nam” [19] như sự xưng tụng của Hoài Thanh – Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam, là một “đỉnh núi lạ” [20] đột khởi giữa cánh đồng thơ ca Việt Nam hiện đại như cách đánh giá của Chế Lan Viên. Mặc dù thơ Bích Khê luôn vận động cách tân, thể nghiệm ở nhiều địa hạt, với nhiều hệ giá trị tư tưởng, thẩm mỹ như người ta vẫn nhận ra mạch nguồn Phật giáo bền bỉ, xuyên suốt trong các sáng tác của nhà thơ. Không phải ngẫu nhiên mà người bạn thơ tri kỷ cũng tài hoa yểu mệnh của Bích Khê lại quả quyết ông là “thi sĩ thần linh” và “thơ chàng sắp bay sang thế giới huyền bí để đi đến chỗ tuyệt đích là: Tôn giáo” [21]. Bởi không chỉ ảnh hưởng lớn đến thơ Bích Khê trên nhiều phương diện, tư tưởng Phật giáo còn mang đến cho thế giới thơ Bích Khê nhiều giá trị quan trọng. Ngược lại, bằng những sáng tác mang cảm quan Phật giáo sâu sắc, Bích Khê đã góp phần tô thắm nền văn học Phật giáo Việt Nam. Nhiều tác thi phẩm đẫm tinh thần nhà Phật của Bích Khê là những tác phẩm ưu tú của nền văn học Phật giáo nước ta. Với những đóng góp ấy, Bích Khê xứng đáng được ghi nhận là một trong những tác giả ưu tú của văn học Phật giáo Việt Nam trong tiến trình 2.000 năm vận động, phát triển.

 

ThS. Trịnh Bích Thùy/TCVHPG420 

 

Chú thích:
* Thạc sĩ Trịnh Bích Thùy, tỉnh Quảng Ngãi.
[1] Dẫn theo Thơ Bích Khê tuyển tập, Thanh Thảo, Lại Nguyên Ân (tuyển chọn), Hội Nhà văn Việt Nam – Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi xuất bản, 2005, tr.165.
[2] Trần Hoài Anh (2016), “Tâm thức Phật giáo qua thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê trong Trường thơ Loạn”, in trong sách Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phật giáo và văn học Bình Định, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.197-2015.
[3] Xin xem Lê Thị Hường (2016), “Quan niệm về cái chết của Trường thơ Loạn nhìn từ tâm thức Phật giáo”, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phật giáo và văn học Bình Định, tập 2, Sđd, tr.216-227.
[4] Trần Hoài Anh (2016), “Tâm thức Phật giáo qua thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê trong Trường thơ Loạn”, Tlđd, tr.210-211.
[5] Quách Tấn (1971), Đời Bích Khê, Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, tr.27.
[6] Ngọc Sương (1966), “Người em Bích Khê”, đăng trên Tạp chí Văn, số 64, ra ngày 15.8.1966, dẫn theo Bích Khê một trăm năm (1916-2016) tuyển chọn, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi, Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2016, tr.124.
[7] Ngọc Sương (1966), “Người em Bích Khê”, Tlđd, tr.133.
[8] Ngọc Sương (1966), “Người em Bích Khê”, Tlđd, tr.134.
[9] Trường Lưu (2006), “Bích Khê: “Chết rồi tiếng nói như châu””, in trong Bích Khê một trăm năm (1916-2016) tuyển chọn, Sđd, tr.557.
[10] Hồ Thế Hà (2006), “Tư duy thơ Bích Khê – Nhìn từ các dạng thức của cái tôi trữ tình”, in trong Bích Khê một trăm năm (1916-2016) tuyển chọn, Sđd, tr.687-688.
[11] Toàn bộ thơ Bích Khê trích dẫn trong bài viết này được lấy từ sách Bích Khê một trăm năm (1916-2016) tuyển chọn, Sđd, tr.13-115.
[12] Trần Hoài Anh (2016), “Tâm thức Phật giáo qua thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê trong Trường thơ Loạn”, Tlđd, tr.210.
[13] Trần Hoài Anh (2016), “Tâm thức Phật giáo qua thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê trong Trường thơ Loạn”, Tlđd, tr.212.
[14] Lê Thị Hường (2016), “Quan niệm về cái chết của Trường thơ Loạn nhìn từ tâm thức Phật giáo”, Tlđd, tr.220.
[15] Lê Thị Hường (2016), “Quan niệm về cái chết của Trường thơ Loạn nhìn từ tâm thức Phật giáo”, Tlđd, tr.226.
[16] Nguyễn Thị Thanh Xuân (2006), “Bích Khê, con suối xanh lặng lẽ”, in trong Bích Khê một trăm năm (1916-2016) tuyển chọn, Sđd, tr.530.
[17] Nguyễn Thị Thanh Xuân (2006), “Bích Khê, con suối xanh lặng lẽ”, in trong Bích Khê một trăm năm (1916-2016) tuyển chọn, Sđd, tr.531.
[18] Hoài Thanh – Hoài Chân (2010), Thi nhân Việt Nam, Nxb. Thời đại, Hà Nội, tr.15.
[19] Hoài Thanh – Hoài Chân (2010), Thi nhân Việt Nam, Sđd, tr.234.
[20] Chế Lan Viên (1988), “Thơ Bích Khê”, in trong Bích Khê một trăm năm (1916-2016) tuyển chọn, Sđd, tr.396.
[21] Hàn Mặc Tử (1939), “Bích Khê – Thi sĩ thần linh”, lời đề tựa tập thơ Tinh huyết, Trọng Miên xuất bản, Hà Nội, 1939, in trong Bích Khê một trăm năm (1916-2016) tuyển chọn, Sđd, tr.224-232.

 

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin