Chi tiết tin tức

Nam Định: Chùa Vọng Cung tổ chức lễ Vu Lan-Báo hiếu PL 2564

22:25:00 - 02/09/2020
(PGNĐ) -  Ngày 02.09 (tức ngày 15.7.Canh Tý), Chư Tăng Ni chùa Vọng Cung, số 28 Trần Phú, phường Ngô Quyền, thành phố Nam Định đã long trọng tổ chức lễ Vu Lan-Báo hiếu và cài hoa Hồng tri ân công cha và nghĩa mẹ. 

Các Phật tử dâng hoa

 

Tham dự và chứng minh buổi lễ có TT. Thích Giác Vũ, Phó Trụ trì kiêm Trưởng ban Từ thiện chùa Vọng Cung; ĐĐ. Thích Thanh Phúc, Phó Trụ trì chùa Vọng Cung; Ni sư-Tiến sĩ Thích Đàm Hân, Thích Đàm Hảo cùng chư Tăng Ni trụ xứ và khoảng 1000 Phật tử về tham dự.

 

TT. Thích Giác Vũ chia sẻ về ý nghĩa Vu Lan

 

Toàn thể đại chúng đã được lắng nghe Thượng tọa Thích Giác Vũ chia sẻ về ân cha mẹ trong mùa Vu Lan-Báo hiếu.

Trong cung bậc tri ân và báo ân của dân tộc, Phật giáo đã từ lâu luôn trân trọng và lấy hạnh hiếu làm đầu. Sự tương phùng của tinh thần đó đã dẫn dắt nên những gương hiếu hạnh trong quá khứ cũng như hiện tại, sáng rực và ghi mãi dấu ấn với thời gian. Không phải ngẫu nhiên, cứ đến ngày rằm tháng bảy âm lịch hằng năm, giới Phật Giáo long trọng tổ chức đại lễ Vu lan - Báo hiếu thật trang nghiêm, hoành tráng từ hình thức tổ chức cho đến nội dung mang ý nghĩa nhân văn trên bình diện tâm linh - văn hóa của con người. Lễ hội xuất phát từ điển tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn.

 

Cung rước chư tôn đức Tăng Ni quang lâm chính điện

 

Kể từ khi Phật Giáo truyền vào Việt Nam, mùa Vu Lan trở thành truyền thống báo hiếu. Ngày nay, lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người” với bất cứ ai đang hiện hữu trên cõi đời này. Hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, nối kết ân tình nghĩa cảm giữa người còn kẻ mất là truyền thống cao đẹp trong dòng chảy văn hóa tình người của dân tộc.

 

 

Mỗi độ thu về, rằm tháng bảy đến, thì biết đó là mùa báo hiếu. Hình ảnh Mục Kiền Liên, người con hiếu hạnh muôn thuở lại sống dậy cùng với hình ảnh đức Phật từ bi hóa độ chúng sinh. Đặc biệt hình ảnh đức Phật mừng cho chư Tăng, những người con được Ngài mệnh danh là trưởng tử Như Lai, Đạo Phật tuyên dương chính pháp, đã tròn đầy ba tháng an cư chuyên ròng tịnh tâm tu học, xứng đáng nhận thêm một tuổi đạo. Người xuất gia hồi hướng công đức tu hành của mình đến cha mẹ và chúng sinh hiện còn được an lành, tăng long phúc thọ, cha mẹ đã quá vãng được siêu sinh về cảnh giới an lành.

 

Phật tử Trần Hậu hát cúng dàng trong lễ Vu Lan

 

 Ngày nay, lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng ca ngợi lòng hiếu thảo đối với mẹ không thôi mà đã trở thành "lễ hội" mang tính cách nhân văn nói lên lòng hiếu kính của tất cả mọi người đối với cả mẹ lẫn cha hiện tiền, hay ông bà cha mẹ đã quá vãng nhiều đời nhiều kiếp. Lòng trân trọng hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, chính là sợi dây liên kết giữa người còn kẻ mất, là truyền thống cao đẹp nêu cao tình người của dân tộc Việt.

 

 

Bước theo gương hiếu của Mục Kiền Liên cũng như theo lời Phật dạy rằng hạnh hiếu là hạnh Phật, chúng ta tôn thờ người mẹ chung là mẹ Việt Nam, tôn thờ nhiều đời cha mẹ của chúng ta đã khuất, kính trọng cha mẹ hiện tiền đang sống với chúng ta, cũng như những người hiện hữu xung quanh ta. Thiết nghĩ có được tâm hiếu kính cha mẹ mình và tâm hồn rộng mở kính trọng mọi người như cha mẹ, đồng thời thể hiện tâm cao quý ấy thành những việc làm thiết thực mang an vui, lợi lạc đến cha mẹ và mọi người là cách báo hiếu báo ơn tốt nhất trong mùa Vu Lan.

 

 

Trong tương quan giữa truyền thống với hiện đại, dòng chảy không ngừng của văn hóa lại chuyển tải trong đó một số giá trị nhân văn có ý nghĩa bất biến, chỉ có thể mở rộng, nâng cấp theo thời gian chứ không mất đi, như đạo hiếu của con người chẳng hạn. Dù xã hội văn minh đến đâu, dù cuộc sống no đủ thế nào thì mỗi người vẫn phải được cha mẹ nuôi dưỡng để trưởng thành, vì thế đạo hiếu vẫn luôn phải được đề cao.

Dù ở nền văn hóa nào thì những người con hiếu đễ vẫn là tấm gương đạo đức được cộng đồng đề cao. Với người Việt Nam, Vu lan còn là ngày cảm thương đồng loại, vì thế ý nghĩa đã được mở rộng, để mọi người đều được hướng tới điều tốt lành.

Sau khi toàn thể đại chúng tụng kinh Báo hiếu Phụ Mẫu trọng ân là nghi thức bông hồng cài áo. 

 

Các Phật tử cài hoa cúng dàng chư tôn đức

 

Bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan xuất phát từ một phong tục của người Nhật được hoà thượng Thích Nhất Hạnh đưa về nước từ những năm 1960. Vì đây là một phong tục đẹp, nên dần dần người Việt học theo, làm theo trong mùa lễ Vu Lan báo hiếu.

Trong phong tục của người Nhật, bông hoa hồng tượng trưng cho niềm hạnh phúc. Khi du nhập vào Việt Nam, vào mùa Vu Lan báo hiếu, người ta cài những bông hồng lên ngực để tỏ lòng tôn kính, mến yêu cha mẹ.

Trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, Thiền sư rất lạ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm “Bông Hồng Cài Áo” vào tháng 8 năm 1962.

 

 

Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Với ý nghĩa đó, nhiều người Việt Nam cứ đến ngày Vu Lan đều cài một bông hoa màu hồng lên áo, ấy là biểu tượng của việc còn Mẹ - Cha.

Người có hoa hồng hẳn sẽ tự hào vô cùng vì trên đời này còn có Mẹ - Cha. Ai mang hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà hành động sao cho phải với lương tâm.

 

 

Các vị tu sĩ đã lìa bỏ đời sống thế tục để sống cuộc sống của người xuất gia. Họ mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để “trên cầu giải thoát, dưới cứu độ chúng sinh”. Cứu cánh đạt đến sự giác ngộ là cách báo ân tuyệt diệu nhất vì báo hiếu cho cha mẹ hiện đời và cha mẹ ở nhiều đời khác. Vì thế cài bông hồng vàng để tỏ rõ lý tưởng cao quý này.

Theo đạo Phật, màu vàng là màu của giải thoát như Vô thượng phúc điền y, màu của đất. Vì đất là sức sống, là nhẫn nhục, cưu mang tất cả, chấp nhận tất cả. Vì coi tất cả chúng sinh là cha mẹ, là quyến thuộc, họ hàng và quan trọng nhất là những vị Phật tuơng lai. Màu vàng còn là màu của tuệ giác, tượng trưng cho sự buông bỏ, xả ly, không chấp thủ và thành tựu giải thoát.

Do vậy, dù hòa mình trong ngày lễ Vu Lan thắng hội nhưng người tu sĩ cũng muốn mượn màu sắc của hoa màu vàng để nói lên tinh thần đúng nghĩa của mùa lễ Vu Lan là sự giải thoát.

 

TT. Thích Giác Vũ cùng các Phật tử trong Hội Từ thiện chùa Vọng Cung trao quà cho các gia đình khó khăn

 

Nhân dịp đại lễ Vu Lan, Hội Từ thiện chùa Vọng Cung đã trao tặng quà, gồm: gạo, mì chính, dầu ăn, nước mắm và đường trị giá khoảng 35 triệu đồng cho 125 gia đình khó khăn bởi đại dịch Covid-19 thuộc 25 phường, xã trên địa bàn thành phố Nam Định.

 

 

Tin: Điều Ngự Tử - Ảnh: Phúc Nghiêm

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin